Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

Học hỏi mẹ Tây chăm con dưới 6 tháng tuổi

Sinh con và nuôi con chưa bao giờ là một điều dễ dàng, người mẹ ngoài 9 tháng thai kì đằng đẵng, còn có vô vàn những lo lắng như làm sao để con khỏe mạnh, làm sao để cho con một tiền đề phát triển thể chất, tinh thần tốt nhất. Tại các nước Phương Tây, cụ thể là tại Anh quốc, các mẹ luôn tìm hiểu kỹ càng việc chăm sóc bé, đặc biệt là giai đoạn 6 tháng đầu đời. Mời mẹ tham khảo một số lưu ý chăm con của mẹ Anh nhé!

♦3 tiêu chí đầu tiên của mẹ Tây chăm con dưới 6 tháng tuổi

1. Dinh dưỡng

Bé sơ sinh và bé nhũ nhi chỉ cần một nguồn dinh dưỡng duy nhất, đó là sữa. Sữa mẹ luôn được xem là nguồn dinh dưỡng quý giá và giàu dinh dưỡng hơn bất kỳ loại sữa nào. Tuy nhiên, vì một lý do gì đó mà mẹ không thể cho bé bú sữa mẹ, thì mẹ nên chọn những loại sữa công thức phù hợp để chăm con.

Ở giai đoạn này, vì dạ dày của bé rất nhỏ nên mỗi lần bé chỉ bú được khoảng 30 đến 60ml và tăng dần lên khoảng 120 – 150ml khi bé được 6 tháng tuổi. Với bé bú mẹ, mẹ sẽ không kiểm soát được bé đã bú bao nhiêu, nhưng nếu bé vui vẻ, hoạt bát hoặc có thể ngủ ngay sau mỗi lần bú, đi tiểu 8 – 10 lần trong ngày, nghĩa là bé đã bú đủ.

Thời điểm này, các cơ quan trong cơ thể bé bé chưa phát triển hoàn thiện, đặc biệt là hệ tiêu hóa, hệ hô hấp nên rất dễ mắc các bệnh liên quan. Đối với bé bú mẹ, để chăm con tốt, mẹ cần ăn uống đa dạng, đầy đủ các chất để tăng cường dinh dưỡng trong nguồn sữa. Với các bé dùng sữa công thức, mẹ nên lưu ý lựa chọn các sản phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa, có thành phần GOS/FOS 9:1 là một dạng prebiotics có chức năng hoạt động như sữa mẹ, giúp bé tăng cường sức khỏe đường ruột, hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.

PR aptamil - chăm con dưới 6 tháng tuổi

2. Tăng cường thể chất

Mỗi ngày, mẹ hãy dành 10 phút buổi sáng để massage cho tay chân đầu cho bé. Điều này không những giúp bé cứng cáp hơn, mà còn giúp máu huyết lưu thông dễ dàng, cơ thể khỏe mạnh hơn, đặc biệt còn giúp gắn kết tình mẫu tử.

Đối với các bé sơ sinh, mỗi ngày mẹ hãy xoa bóp cẳng chân, cánh tay của bé để bé cảm thấy thoải mái hơn. Khi bé đến độ tuổi biết lật, biết trườn, bò, ngồi, mẹ hãy tập cho bé xoay người, duỗi tay chân để cơ thể nhanh chóng thích nghi với những thay đổi trong quá trình vận động.

Mẹ nên tăng cường vitamin D cho bé để giúp hệ xương khỏe mạnh và cứng cáp hơn. Cách để gia tăng vitamin D tự nhiên chính là cho bé tắm nắng sáng (từ 7 đến 8 giờ sáng). Ngoài ra, mẹ có thể cho con uống các loại vitamin D theo chỉ định của bác sĩ, cơ thể bé lúc này rất mỏng manh và có thể gây ra các phản ứng, tác dụng phụ không mong muốn nếu mẹ sử dụng thuốc sai hoặc quá liều lượng cho phép.

Ngoài ra, khi bé được 3 – 6 tháng tuổi, mẹ cũng có thể cho bé tham gia các hoạt động bên ngoài như bơi, dạo mát ở công viên… để bé tăng cường trao đổi chất với môi trường xung quanh.

Chăm con dưới 6 tháng tuổi 2

3. Phát triển tinh thần

Giai đoạn 6 tháng tuổi là một cột mốc quan trọng cho sự phát triển tinh thần của bé. Bé có thể tăng kỹ năng lưu nhận và ghi nhớ gấp 3 lần so với người lớn. Sau khi bé sinh ra, não bộ bắt đầu các hoạt động nhìn và ghi nhớ, thay vì chỉ nghe như lúc còn trong bụng mẹ. Bé sẽ bắt đầu “khám phá” thế giới bằng cách nghe và nhìn nhiều đồ vật, màu sắc, đối tượng khác nhau hơn.

Mẹ hãy chăm con tốt bằng cách giúp bé phát triển trí thông minh bằng những trò chơi đơn giản như đưa cho bé xem các đối tượng khác nhau, nói rõ ràng tên và màu sắc của đồ vật đó cho bé nghe, bé sẽ ghi nhớ rất nhanh. Ngoài ra, mẹ hãy thường xuyên trò chuyện với bé, đọc truyện, đọc thơ, cho bé nghe nhạc để bé phát triển những kỹ năng về nghệ thuật, ngôn ngữ, logic…

Chăm con dưới 6 tháng tuổi 3

 

♦11 điều khác không nên bỏ qua khi chăm con

11 cach cham con me khong the bo qua 1
Mẹ không nên bỏ qua 11 điều sau đây khi chăm con nhé!

1. Tiêm phòng

Tiêm phòng là việc cần thiết để bảo vệ con khỏi những căn bệnh nghiêm trọng như sởi, uốn ván, viêm gan. Có nhiều loại vắc-xin, có loại 3 trong 1, 5 trong 1, 6 trong 1… Mẹ nên nói chuyện với bác sĩ để tìm ra loại vắc-xin phù hợp cho con mình.

Sau khi chích ngừa, nhiều bé có phản ứng lại với thuốc. Tuy nhiên, đa số các phản ứng này không gây nguy hiểm và sẽ tự khỏi sau một thời gian.

2. Khám định kỳ

Trước 2 tuổi, mẹ nên cho bé đi khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Thông thường, bác sĩ sẽ theo dõi sự tăng trưởng và phát triển của bé cưng. Ngoài ra, các buổi kiểm tra này cũng giúp phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn để điều trị sớm.

3. Chuẩn bị khi đi đường

Nếu thường xuyên chở con trên xe máy, mẹ nên cho con đội nón bảo hiểm dành cho trẻ em. Đối với bé nhỏ hơn, nên sử dụng đai an toàn và miếng đệm trên xe.

Đối với những nhà di chuyển chủ yếu bằng xe hơi, mẹ nên chuẩn bị ghế riêng dành cho bé. Đặc biệt, không cho bé dưới 12 tuổi ngồi ở ghế trước. Nguyên nhân vì nếu lỡ có xảy ra tai nạn, khi túi khí an toàn bung ra, lực sẽ tác động và làm nguy hiểm đến bé. Nhiều trường hợp thạm chí có thể gây tử vong.

4. Chăm sóc răng từ sớm

Bạn nên dạy con chăm sóc và vệ sinh răng miệng ngay khi bé còn nhỏ, không nên cho bé ăn quá nhiều đồ ngọt. Hiệp Hội Nha Khoa khuyên các bà mẹ nên đưa con đến nha sĩ để khám răng của bé ngay từ khi con 1 tuổi và nên kiểm tra 6 tháng/lần.

5. An toàn là trên hết

  • Cất giữ thuốc và hóa chất độc hại tránh xa tầm với của bé.
  • Không nên rời mắt khỏi con dù chỉ một giây, đặc biệt là khi dẫn con ra khỏi nhà.
  • Thiết lập một khu vực an toàn cho bé trong nhà.
  • Ổ điện nên được bọc kín hoặc đặt xa tầm với của bé.
11 cach cham con me khong the bo qua
Nên cách ly bé với những thứ nguy hiểm như ổ điện, cầu thang, hóa chất độc hại

6. Môi trường không khói thuốc

Trẻ em thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc có nguy cơ bị nhiễm trùng tai, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phế quản và hen suyễn nhiều hơn bình thường. Nguy hiểm hơn, tiếp xúc với khói thuốc là nguyên nhân dẫn đến đột tử ở trẻ sơ sinh.

7. Thực phẩm lành mạnh

Trẻ dưới 2 tuổi có nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt. Các bé cần bổ sung chất béo để giúp não bộ phát triển hoàn chỉnh. Đến 5 tuổi, chế độ ăn của bé đã bắt đầu giống một người trưởng thành với trái cây, rau và ngũ cốc, ít đường, chất béo và tinh bột.

Bạn nên chăm con khoa học bằng cách cho con ăn đa dạng các loại thực phẩm. Một chế độ ăn uống nghèo nàn có thể làm bé biếng ăn và suy dinh dưỡng. Bạn có thể cho con chọn lựa thực phẩm bé thích. Tuy nhiên, quyền kiểm soát cuối cùng vẫn nên là bạn.

8. Yêu thích vận động

Con nên vận động hoặc tập thể dục thể thao khoảng 60 phút mỗi ngày. Không chỉ bé, đây cũng có thể là giây phút gia đình cùng nhau vui chơi.

9. Chăm sóc da cho con

Bạn nên cho con tắm nắng thuờng xuyên, lúc 7 – 8 giờ sáng. Sau thời gian này, nếu phải đi ra ngoià đường, bạn nên cho con sử dụng kem chống nắng. Trẻ em trên 6 tháng có thể dùng kem chống nắng với SPF tối thiểu là 15. Ngoài ra, mẹ nên cho con mặc quần áo dài tay và đội nón khi đi ra ngoài, nhất là trong khoảng thời gian 11- 15 giờ.

10. Làm gương cho con

Trẻ con học được nhiều thứ từ cha mẹ của mình. Vì vậy, nếu muốn con phát triển khỏe mạnh, trước tiên bạn phải làm gương cho bé. Bạn nên đặc biệt chú trọng cách ăn uống, đi đứng, tập luyện của mình. Những điều này có ảnh hưởng rất lớn đến bé cưng.

♦9 mẹo chăm con mà mẹ tuyệt vời phải biết

hôn chúc ngủ ngon
Đừng quên hôn chúc ngủ ngon bé mỗi đêm

1. Nụ hôn chúc ngủ ngon

Khi bé buồn ngủ nhưng vẫn vặn người qua lại, mẹ có thể thực hiện chiêu hôn liên tục vào khoảng giữa hai lông mày. Có nhiều bé sẽ lăn ra ngủ trong vòng 30 giây đấy.

2. Mẹo giảm ngứa ngáy

Bệnh thủy đậu, eczema hay các bệnh ngoài da làm bé ngứa ngáy, khó chịu. Bạn xay bột yến mạch, đổ vào tất sạch cột lại, sau đó massage cho bé khi tắm. Đảm bảo bé sẽ dễ chịu hẳn.

3. Tiếng nước chảy

Bé yêu rất thích thú khi nghe thấy âm thanh từ nước. Khi bé quấy khóc, mẹ có thể để bé nghe tiếng nước chảy từ vòi, đặc biệt từ vòi hoa sen. Có khi bé còn cảm thấy buồn ngủ và ngủ quên nữa đấy.

4. Massage chân giảm ho

Khi bé bị ho, mẹ có thể massage vào lòng bàn chân bé trước khi đi ngủ để giúp bé ngủ yên hơn.

5. Đồ chơi 

Mẹ có thể cho con thỏa sức tìm hiểu thế giới xung quanh qua đồ vật trong nhà như nồi niêu xoong chảo chẳng hạn.

♦5 lỗi các mẹ thường làm khi chăm sóc bé

1. Ngoáy tai cho bé

Ráy tai có nhiệm vụ đặc việt là giữ lại bụi bặm và ngăn ngừa vi khuẩn để bảo vệ ống tai và màng nhỉ. Khi lấy ráy tai cho bé, mẹ đã vô tình lấy đi “tường thành” bảo vệ tai của con.

cham con 2
Mẹ chỉ nên để tăm bông ngoài cửa tai để thấm nước và vệ sinh phía bên ngoài thôi nhé!

Thật ra, 90% trẻ em không cần phải lấy ráy tai, vì ráy tai sẽ tự động bong tróc dần dần và theo ống tai chuyển động ra phía ngoài. Ngược lại, khi dùng tăm bông lấy ráy tai cho bé, có thể mẹ đã vô tình đẩy phần ráy tai vào sâu hơn.

Mẹo dành cho mẹ: Bạn có thể làm vệ sinh tai cho bé sau khi tắm. Tuy nhiên, bạn chỉ nên đặt tăm bông ngoài cửa tai và hơi nghiêng đầu bé, nước từ trong tai sẽ chảy ra, thấm vào tăm bông. Bạn nhớ giữ đầu bé chặt, vì nếu bé nghiêng hoặc giãy dụa, tăm bông có thể chọc sâu vào tai gây chảy máu.

2. Hút mũi

Ngay cả khi bé không bị nghẹt hay viêm mũi, nhiều mẹ rất cẩn thận, vẫn làm sạch mũi cho bé để ngăn ngừa bệnh về đường hô hấp cho bé. Cách này có thể gây hại cho con đấy.

cham con 1
Chăm con không đúng cách có thể làm hại bé đấy!

Nếu không có vấn đề gì, mũi của bé có khả năng ngăn ngừa bụi bẩn và vi khuẩn, giúp cơ thể phòng chống bệnh tật. Bình thường, mũi sẽ làm tốt vai trò của mình và mẹ không cần “hỗ trợ” đâu. Chỉ khi bé bị bệnh và nghẹt mũi, mẹ mới nên làm vệ sinh mũi cho bé, giúp bé đỡ khó chịu hơn.

3. Vệ sinh lưỡi

Khi cho bé uống sữa, nhiều mẹ nhận thấy lưỡi bé có những mảng bám màu trắng. Lúc này, nhiều mẹ liền làm sạch lưỡi cho bé. Thật ra, niêm mạc lưỡi bé rất mỏng và hành động này của bạn có thể làm bé trầy, xước. Thậm chí, bé có thể bị nấm trong miệng do mẹ sử dụng khăn để vệ sinh lưỡi cho bé. Cũng có nhiều trường hợp, khi lưỡi được làm “vệ sinh” quá sạch, bé lại trở nên biếng ăn.

4. Cắt tóc quá ngắn vào mùa hè

Tóc có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể cho trẻ, giúp ngăn ngừa sự tiếp xúc trực tiếp của da đầu với ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, tóc cũng bảo vệ da đầu khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn. Vì vậy, mùa hè, mẹ chỉ nên tỉa bớt một ít tóc cho bé đỡ nặng đầu và nóng nực. Đừng cạo trọc đầu của con mẹ nhé!

5. Giữ ấm khi bé bị sốt

Khi bé bị sốt, việc giữ cho bé ấm áp sẽ dễ làm thân nhiệt của bé tăng cao hơn. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ bé bị co giật khi sốt quá cao. Mẹ chỉ cần cho bé mặc quần áo mát mẻ và dùng khăn mát lau người cho con là được.

♦Nỗi lòng chăm con ốm

Một trong những “đầu việc” khó khăn khi làm mẹ là chăm sóc sức khỏe cho con. Nhất là khi bé bị ốm, bé đau một nhưng mẹ lại xót đến mười. Những lúc đứa trẻ nằm thiêm thiếp trên giường bệnh cũng là lúc người mẹ tìm mọi cách để con mình khỏe hơn.

Không chỉ có những phút giây vui vẻ, hạnh phúc bên nhau, những khi chăm con ốm, các mẹ còn cảm nhận tình mẫu tử thật rõ rệt. Và hơn ai hết, người có thể chia sẻ những phút giây khó khăn này với mẹ chính là người bạn đời – cha của bé. Không ít nam giới còn cho rằng sinh con và nuôi con là nhiệm vụ của phụ nữ. Và khi con ốm, người cha chỉ ghé qua hỏi han một chút rồi lại bắt đầu công việc thường nhật trong khi mẹ sẵn sàng bỏ tất cả công việc để ở nhà chăm con. Người mẹ cần lắm sự sẻ chia, sát cánh của chồng để không chỉ giúp chăm sóc con khỏe hơn mà còn xua tan đi nỗi lo lắng và nuôi dưỡng tình cảm gia đình. Nếu không may, con bị ốm lâu ngày, các mẹ nên thảo luận cùng chồng thay phiên nhau cùng chăm con để mẹ không bị kiệt sức và công việc không bị ảnh hưởng. Bên nhau, cả gia đình sẽ có thể vượt qua được những lúc khó khăn.

Nhưng chỉ có tình yêu thương thôi chưa đủ, trên hết, các gia đình cần trang bị những kiến thức y tế cơ bản để kịp thời sơ cứu, xử lý và ứng phó với những sự cố xảy ra cho sức khỏe của con.

Chăm con: Nỗi lòng con ốm
Con ốm, mẹ thường có cảm giác lo lắng nhiều hơn

Tùy vào bệnh trạng cụ thể mà bác sỹ sẽ có phác đồ chăm sóc và điều trị khác nhau. Tuy nhiên, sau đây là vài điểm đặc biệt lưu ý mà các mẹ nên làm khi có con nhỏ hay ốm vặt.

1. Cho con uống nhiều nước

Bạn cần cho trẻ uống nhiều nước, nhất là đối với trẻ bị tiêu chảy. Ngoài ra, súp, nước cháo muối, dung dịch oresol chỉ là các dịch để bù nước, không nên coi là thức ăn vì không cung cấp đủ chất dinh dưỡng.

2. Không ép ăn

Khi trẻ bị ốm sẽ hay mè nheo và biếng ăn. Do đó, mẹ nên cho bé ăn những món ưa thích. Lúc này, việc chia nhỏ khẩu phần ăn trong thời gian con ốm cũng là một cách giúp con duy trì đủ dưỡng chất để cơ thể chống lại bệnh tật

3. Chiều con hơn ngày thường

Cơ thể bé lúc này rất mệt mỏi nên bạn có chiều bé hơn ngày thường một chút cũng không sao. Tuy nhiên, bạn không chiều con những việc không hợp lý như ăn kem lạnh nhằm tránh tạo thói quen vòi vĩnh của trẻ sau này.

4. Tăng cường đề kháng

Mẹ nên cho con uống nhiều nước cam, chanh… hoặc vitamin C nhằm tăng cường sức đề kháng cho bé.

5. Chuẩn bị đủ các loại thuốc sốt, tiêu chảy, ho…

Trong nhà luôn trang bị nhiệt kế, các loại thuốc sốt, ho… để khi con có dấu hiệu ốm là mẹ “xử lý” ngay.

6. Chế độ nghỉ việc chăm con ốm dành cho phụ nữ

 
Theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động có con dưới bảy tuổi ốm đau, phải nghỉ việc để chăm sóc con và có xác nhận của cơ sở y tế được hưởng chế độ khi con ốm đau khi thuộc một trong các trường hợp sau:- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên.

  • Cán bộ, công chức, viên chức.
  • Công nhân quốc phòng, công nhân công an.
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân.

Người lao động đủ điều kiện nêu trên, được hưởng chế độ khi con ốm đau gồm:

  • Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới ba tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ ba tuổi đến dưới bảy tuổi.
  • Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH, nếu một người đã hết thời hạn hưởng chế độ mà con vẫn ốm đau thì người kia sẽ được hưởng chế độ như trên.

Trong thời gian hưởng chế độ khi con ốm, người lao động được hưởng 75% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Hồ sơ hưởng chế độ nghỉ việc chăm sóc con ốm gồm: Giấy ra viện (bản chính hoặc bản sao) hoặc Sổ y bạ của con (bản chính hoặc bản sao)

♦Vừa chăm con tốt, vừa tranh thủ thời gian cho bản thân: Chuyện nhỏ!

Càng dành nhiều thời gian cho bản thân, càng có nhiều năng lượng và tâm trí thoải mái, bạn càng ít bực bội, căng thẳng, việc chăm con, chăm sóc gia đình cũng vì vậy mà tốt hơn. Ngoài ra, dành thời gian chăm sóc bản thân cũng là cách giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh, đặc biệt trong những tuần đầu – khi bạn đang bị “bủa vây” bởi hàng tá những việc cần làm.

Muốn chăm con tốt, mẹ phải dành thời gian chăm sóc bản thân mình
Giữa bao bộn bề cuộc sống và hàng tá những việc cần làm để chăm con cái, gia đình, để tranh thủ giây phút hiếm hoi cho riêng mình liệu có phải nhiệm vụ bất khả thi?

Không cần quá nhiều, chỉ cần dành riêng cho bản thân khoảng một giờ đồng hồ mỗi ngày, như vậy đã đủ để bạn cảm thấy thư giãn, thoải mái và hạnh phúc hơn. Còn cần phải làm những gì ư? Để MarryBaby lên kế hoạch giúp bạn!

1. Rời xa con đôi chút – Tranh thủ được 5 phút

Bạn có thể để con tự chơi một mình khoảng 3-5 phút trong phạm vi quan sát. Cách này cũng giúp sớm rèn tính tự lập cho bé từ thuở còn thơ. Lúc bé đang chơi, mẹ có thể ướm mình với những trang phục đẹp, ngắm mình trong gương, lên kế hoạch cho công cuộc tút tát nhan sắc sắp đến, có thể là thay đổi kiểu tóc hay xăm lông mày chẳng hạn.

2. Tự massage hàng ngày: Thêm được 6 phút

Dựa vào thời gian biểu của bé, bạn sẽ biết được đâu là thời điểm bé chơi, bé ngủ, bé ăn. Tận dụng khoảng thời gian cố định đó để duy trì thói quen chăm sóc bản thân đơn giản, nhanh, gọn, lẹ, chẳng hạn như tự massage cho mình để thư giãn.

  • Massage chân: Ngửa lòng bàn chân, lấy tay xoay nhẹ tìm huyệt dũng tuyền và thất miên dưới lòng bàn chân. Sau đó lấy ngón tay ấn mạnh dần hai huyệt đó rồi thả nhẹ ra. Thực hiện 4-5 lần mang lại giấc ngủ sâu và ngon.
  • Massage cánh tay: Dùng 5 đầu ngón tay kéo mạnh từ đầu vai xuống tới cổ tay sao cho đầu ngón tay không cấn vào xương. Thực hiện khoảng 3-4 lần giúp thư giãn cổ rất hiệu quả.
  • Massage bàn tay: Ngửa lòng bàn tay, dùng đầu ngón tay cái ấn mạnh từ cổ tay kéo dần lên từng đầu ngón tay. Sau đó úp lòng bàn tay, dùng đầu ngón tay ấn mạnh vào cổ tay dưới, tiếp đến kéo mạnh lên đầu ngón tay, giữ chặt rồi thả nhẹ dần. Thực hiện 3-4 lần. Động tác này giúp máu lưu thông đều.
  • Massage vai: Ngồi thẳng, dùng hai đầu ngón tay giữa luồn qua sau, áp sát gáy. Sau đó ấn mạnh và xoay nhẹ nhàng. Tiếp theo kéo nhẹ hai bàn tay ra hai bờ vai. Thực hiện 4-5 lần giúp thư giãn cơ vai, giảm cứng cơ.
  • Massage cổ: Ngồi thẳng, dùng bàn tay phải đưa lên cằm, bàn tay trái nắm khuỷu tay phải. Tiếp theo dùng tay phải đẩy mạnh cằm về phía trái. Sau đó đổi bên. Thực hiện 4 lần. Động tác này giúp thư giãn cơ cổ, chống mệt mỏi.
  • Massage đầu: Dùng hai ngón tay giữa, xoay nhẹ tìm huyệt ở đầu chân mày. Sau đó dùng hai ngón tay miết nhẹ kéo dài về phía thái dương, dùng lực ấn mạnh. Thực hiện 3 lần. Động tác này giúp thư giãn thần kinh, giảm stress hiệu quả.

3. Đến lúc đọc rồi: Thêm được 10 phút

Hãy chăm con tốt bằng cách tạo cho trẻ thói quen đọc sách trước giờ ngủ. Bạn luôn chuẩn bị cho con một vài cuốn sách hay, thú vị. Mẹ cũng vậy, trong lúc con đọc sách, mẹ đọc truyện, đọc báo.

4. Thăng hoa cùng âm nhạc

Trẻ sau khi ăn luôn cảm thấy vui vẻ. Lúc này, bạn có thể đọc cho bé nghe một câu chuyện, đặt con vào cũi, hôn con thắm thiết, sau đó để bé tự chơi với không gian quen thuộc của mình. Sau đó, gợi ý lý tưởng nhất dành cho bạn đó là nghe nhạc. Bạn mở một bản nhạc thư giãn yêu thích, nhắm mắt và tận hưởng không gian du dương, lãng mạn. Biết đâu đấy bé con cũng học được cách ngủ một mình nhờ tiếng ru dịu êm từ bản nhạc yêu thích của mẹ.

5. Sắp xếp thời gian khoa học: Thêm được khoảng 4 phút

Bạn sẽ không phải cuống cuồng lên tìm món này, món kia mỗi khi cần dùng đến trong lúc chăm con nếu luôn sắp xếp, tổ chức mọi thứ trong tầm tay. Bạn sẽ không phải mất ít nhất khoảng 4 phút tất bật vì những chuyện không đâu. Luôn chuẩn bị sẵn một túi đồ cần dùng khi đi ra ngoài với bé, đừng quên một thỏi son thêm sức sống cho gương mặt trong túi nhé. Bạn cũng nên trang bị một hộp đồ cứu thương nho nhỏ để phòng khi gặp những tai nạn vô tình nhé!