Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

Bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên là do đâu? Cách xử lý

Giấc ngủ chất lượng góp phần cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Do đó, cha mẹ nào cũng lo lắng nếu thấy giấc ngủ của con bất thường hoặc gặp vấn đề. Một trong số đó là tình trạng bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên.

Tại sao bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên? Điều này có gây nguy hiểm cho con? Và mẹ phải làm gì trong trường hợp này? Cùng Marrybaby tìm hiểu nguyên nhân và một số mẹo hữu ích cho mẹ tham khảo nhé!

1. Các giai đoạn ngủ sinh lý của bé

Theo Viện Hàn Lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), một chu kỳ giấc ngủ của bé sơ sinh sẽ có 5 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật.
  • Giai đoạn 2: Ngủ thật sự (giấc ngủ REM), trẻ vặn mình, giật mình, rên “è è”, nhịp thở không đều.
  • Giai đoạn 3: Giấc ngủ nhẹ nhàng, trẻ thở đều và ít cử động.
  • Giai đoạn 4: Giấc ngủ sâu (giấc ngủ non-REM), trẻ nằm yên không cử động và khó đánh thức hơn.

Chu kỳ giấc ngủ của trẻ sơ sinh thường dài khoảng 50 phút nên trẻ dễ bị thức giấc thường xuyên hơn người lớn. Sự thức giấc có thể biểu hiện thành tiếng khóc khiến mẹ lo lắng và sẽ giảm dần khi trẻ lớn dần.

Tuy nhiên, nếu đến từ sự thức giấc do chuyển đổi giữa các giai đoạn giấc ngủ thì bé sẽ ngủ lại ngay. Tuy nhiên, hiện tượng bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên còn có một số nguyên nhân khác. Nội dung tiếp theo sẽ cho mẹ biết vì sao trẻ khó ngủ và quấy khóc nhiều. 

2. Lý do bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên

2.1 Do các vấn đề về bệnh lý 

  • Mọc răng: Vào khoảng tháng thứ 6, bé sẽ mọc những chiếc răng đầu tiên. Việc này có thể gây một chút đau đớn cho bé nên bất kể lúc nào cảm thấy khó chịu bé sẽ quấy khóc, kể cả là khi đang ngủ. 
  • Ốm, sốt, sổ mũi: Đây là những bệnh thường gặp với cả người lớn và trẻ nhỏ. Đi kèm với bệnh này là những chứng bệnh như viêm họng, viêm mũi, viêm phế quản,… khiến trẻ khó thở, ngủ không sâu giấc và quấy rối ba mẹ. 
  • Đầy bụng, khó tiêu, rối loạn đường tiêu hóa: Trẻ sơ sinh đang ngủ tự nhiên khóc thét lên bởi hệ tiêu hóa của trẻ chưa được hoàn chỉnh nên khi mẹ cho bé ăn quá no sẽ gây ra cảm giác đầy bụng, khó tiêu, khó ngủ. 

2.2 Do môi trường ngủ

Môi trường ngủ (âm thanh quá ồn, ánh đèn quá sáng, nhiệt độ phòng không phù hợp,…) ảnh hưởng rất nhiều đến thói quen ngủ lành mạnh của bé. Mẹ có thể cân nhắc để phòng ngủ mát mẻ và tối; hoặc cân nhắc đến sở thích của bé khi chọn đồ mặc đi ngủ cho bé.

Một số bé thích được quấn trong chăn bông ấm áp nhưng một số bé khác sẽ thích mặc áo mỏng, đồ lót và đắp một chiếc chăn mỏng. Ngoài ra, một số vấn đề khó chịu khiến bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên như tã ướt, bé đói bụng đòi bú,…

Do môi trường ngủ khiến bé khóc

2.3 Do bé cảm thấy lo lắng 

Trong những năm đầu đời, bé thường trải qua các giai đoạn lo lắng về sự chia ly khi phải xa cách ba mẹ dù chỉ là một chút. Sự lo lắng này thường dẫn đến sự khó chịu khi ngủ và dẫn đến hiện tượng bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên.

Mẹ có thể trấn an bé bằng cách nói cho bé biết rằng dù mẹ có rời khỏi phòng thì cũng không phải rời khỏi bé. Ngoài ra, ba và mẹ có thể thay phiên nhau ở gần bé khi bé ngủ hoặc quay lại kiểm tra cho đến khi bé ngủ hẳn.

2.4 Do rối loạn giấc ngủ

Khi bé lớn dần, thời gian ngủ của bé cũng ít dần đi. Tuy nhiên, nếu bé không ngủ trưa hoặc bỏ qua các giấc ngủ ngắn trong ngày thì mẹ nên cho bé ngủ sớm hơn vào ban đêm để đảm bảo đủ giấc. 

Nhu cầu ngủ trung bình theo từng độ tuổi theo khuyến nghị của các chuyên gia:

  • Dưới 1 tuổi: 12 – 15 giờ 
  • Từ 1 – 2 tuổi: 11 – 14 giờ
  • Từ 3 – 5 tuổi: 10 – 13 giờ

Khi không ngủ đủ giấc, thời gian ngủ bị rối loạn sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng giấc ngủ của bé. Do đó, nếu bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên thì có thể là do thời gian ngủ không phù hợp.

3. Bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên có nguy hiểm không? 

Như mẹ có thể thấy, các nguyên nhân khiến bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên thường không quá nguy hiểm. Nhiều chuyên gia cho rằng hiện tượng khóc trong lúc ngủ một phần là do bé chưa thích nghi với môi trường bên ngoài. Vậy nên, trẻ đang ngủ tự nhiên khóc thét lên mà bé vẫn ăn uống đầy đủ, tăng cân bình thường thì đó cũng là một dấu hiệu tốt mà mẹ không cần lo lắng.

Nhưng mẹ sẽ cần đưa bé đi thăm khám khi tình trạng bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên kéo dài thường xuyên và đi kèm với một số biểu hiện như: 

  • La hét, giật mình, thức dậy giữa đêm.
  • Khóc dữ dội, nôn, ưỡn người, bỏ bú, biếng ăn.
  • Khóc dai dẳng hơn 3 giờ và thường vào buổi tối.

Vậy thì có thể bé đang gặp vấn đề nghiêm trọng, mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị. Ngoài ra, khi bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên diễn ra liên tục cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ: bé chậm phát triển trí tuệ, giảm khả năng học tập, chậm tăng cân nặng và chiều cao so với tiêu chuẩn, không đảm bảo đủ sức khỏe cho các hoạt động thường ngày.

bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên có nguy hiểm không

4. Cách xoa dịu bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên giữa đêm 

Đây chắc chắn là lúc mẹ cảm thấy vừa bối rối vừa bực bội vì bị đánh thức giữa đêm. Vì vậy, để nhanh chóng xoa dịu bé và quay trở lại giấc ngủ nhanh chóng, mẹ có thể thử áp dụng một số cách sau:

  • Khi bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên, mẹ không vỗ lưng hoặc cho bú ngay mà nên quan sát bé có ngủ tiếp hay không.
  • Bế trẻ trên tay đung đưa qua lại hoặc đặt trên võng để dỗ bé nín. Đọc câu thần chú cho bé chìm vào giấc ngủ dễ dàng.
  • Vỗ về an ủi bé bằng cách trò chuyện hoặc xoa lưng hoặc xoa bụng. Điều này sẽ giúp trẻ dần bình tĩnh và bắt đầu ngủ lại.
  • Tránh gây tiếng ồn hoặc tiếng động mạnh khiến bé giật mình, thức dậy.

Với các bé từ 18 – 24 tháng tuổi nên nuôi con bằng sữa mẹ để đảm bảo nguồn dinh dưỡng tốt nhất. Với các bé đã bắt đầu ăn dặm, mẹ nên cân đối lại thực đơn ăn hàng ngày để bổ sung thêm vitamin D và canxi để trẻ tăng cân ổn định. 

5. Cách khắc phục tình trạng bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên

5.1 Cho bé ăn no trước khi đi ngủ

Một trong những nguyên nhân khiến bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên là do con đói. Vì vậy để bé sâu giấc mẹ cần chú ý cho con ăn no, tránh tình trạng giấc ngủ gián đoạn.

5.2 Đảm bảo không gian ngủ hợp lý

Trước khi cho bé đi ngủ, hãy thiết lập một bầu không khí êm dịu và cùng với bé thực hiện một thói quen buổi tối để giúp bé đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn. Ví dụ:

  • Hát ru.
  • Tắm rửa sạch sẽ.
  • Thay đồ và tã mới.
  • Đọc truyện cho bé nghe.
  • Tạo môi trường yên tĩnh.
  • Giảm độ sáng của đèn dần dần.
  • Không nên kích thích trẻ quá nhiều trước giờ ngủ. Ví dụ chơi đùa quá mức mà nên kết thúc hoạt động này trước khi ngủ khoảng 2 – 3 giờ.

5.3 Thay tã bỉm thường xuyên

Để bé ngủ ngon mẹ cần cân nhắc chọn loại tã, bỉm phù hợp. Lý do là bởi làn da của bé vô cùng nhạy cảm nên dễ kích ứng bởi chất tạo mùi. Do đó nếu mặc loại tã hoặc bỉm không hợp bé sẽ có thể bí bức, khó chịu và không sâu giấc. Ngoài ra để bé ngủ ngon, mẹ nhớ chú ý bỉm, tã. Tránh tình trạng ẩm ướt, “quá tải” khiến con giật mình, tỉnh giấc.

5.4 Cho bé ngủ khi có dấu hiệu buồn ngủ

Khi bé buồn ngủ, bé sẽ có một số biểu hiện như ngáp, dụi mắt, quấy khóc. Mẹ có thể để ý những tín hiệu này để xây dựng lịch trình đi ngủ phù hợp cho bé. Ngoài ra, một điều cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng thói quen ngủ lành mạnh là dạy bé tự ngủ.

Nhiều trẻ phải được đung đưa hoặc dỗ dành, ôm ấp thì mới ngủ được. Nhưng tốt nhất, ba mẹ nên đặt trẻ lên giường trước khi con thực sự ngủ. Với cách này, nếu bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên và thức dậy vào ban đêm không thấy mẹ, bé sẽ bớt lo lắng hơn và có thể ngủ trở lại mà không cần sự giúp đỡ từ mẹ. 

5.5 Đưa bé đi gặp bác sĩ khi có dấu hiệu bệnh

Trường hợp trẻ sơ sinh khóc thét dữ dội, kèm theo nôn ói, tiêu chảy mẹ cần đưa con đến gặp bác sĩ để được kiểm tra, chẩn đoán kịp thời, tránh gặp biến chứng đe dọa tính mạng của con.

Không phải giải pháp nào cũng hoàn hảo và phù hợp với mọi đứa trẻ. Tuy nhiên, khi mẹ tập trung vào nhu cầu của bé và tính nhất quán khi xây dựng các thói quen ngủ lành mạnh thì các vấn đề về sự khó chịu từ các yếu tố không gây nguy hiểm có thể sẽ biến mất. 

Nếu sau khi đã thử các mẹo trên mà mẹ vẫn chưa giải quyết triệt để được vấn đề bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên, đừng lo, bởi đây là một quá trình phát triển của trẻ và chúng sẽ sớm qua thôi! Nếu cần sự hỗ trợ từ các chuyên gia, mẹ đừng ngần ngại gặp các bác sĩ nhi khoa để được tư vấn chuyên môn nhé! 

By Đỗ Khánh Linh

Chuyên viên Nội dung Đỗ Khánh Linh đã có gần 2 năm kinh nghiệm viết kiến thức sức khỏe thể chất và tinh thần dành cho phụ nữ, bố mẹ và những phương pháp nuôi dạy con hiệu quả.
Hiện tại, chị đang phụ trách viết bài Mẹ & Bé cho trang MarryBaby với mong muốn cung cấp các thông tin khoa học, thiết thực để giúp các bố mẹ, các gia đình chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện nhất.