Điều đầu tiên mà mẹ cần lưu ý trong cách bế trẻ sơ sinh là luôn nâng đỡ kỹ phần đầu của bé. Cổ của bé sơ sinh còn khá mềm và chưa thể giữ thẳng khi mẹ không giúp bé đỡ sau gáy. Ngoài ra, trên đầu của bé cũng có các phần thóp khá mềm nên mẹ cần chú ý cẩn thận nhất với vùng đầu khi bế bé.
Cách bế trẻ sơ sinh từ nôi/ giường
Khi bé đang nằm trên nệm, giường, trong nôi hay trên thảm chơi và bạn muốn bế bé lên, hãy nhẹ nhàng luồn tay vào dưới cổ và đầu bé, tay còn lại luồn vào dưới mông bé và chậm rãi đưa bé lên và áp vào người bạn. Từ tư thế này, bạn có thể điều chỉnh để bế bé nằm ngửa, nằm sấp hoặc tựa đầu vào vai mẹ.
Bế ngửa để trò chuyện và cho bé bú
Để bế trẻ sơ sinh ở tư thế nằm ngửa, bạn nhẹ nhàng luồn tay từ mông bé lên lưng và cổ bé, tay còn lại luồn xuống theo chiều ngược lại, để đến cuối cùng, cổ và đầu bé sẽ gác lên khuỷu tay của cánh tay này, tạo thành một vòng nâng đỡ chắc chắn giúp cả bạn và bé đều cảm thấy thoải mái.
Cách bế trẻ sơ sinh này thích hợp cho những bé mới sinh trong những tuần đầu tiên, và là tư thế thuận tiện để mẹ có thể hát, trò chuyện cho con nghe, bế con đi dạo quanh gần nhà, hay khi cho con bú. Khi bế bé một lúc lâu, mẹ có thể ngồi xuống, để trọng lượng của bé tựa lên đùi để bớt mỏi tay.
Bế sấp để luyện tập cơ bắp
Tương tự như các bước bế ngửa, cách bế trẻ sơ sinh nằm sấp trên cánh tay của mẹ cũng thực hiện qua các bước nâng đỡ đầu và cổ bé, luồn 1 cánh tay dưới bụng và ngực bé, cánh tay còn lại luồn ngược từ giữa 2 chân lên đến ngực bé, tạo thành 1 vòng ôm chắc chắn, nâng đỡ cả cơ thể bé một cách an toàn, êm ái. Cách bế bé ở tư thế nằm sấp rất tốt để luyện tập cho phần cơ bắp ở lưng, cổ của bé. Mẹ có thể bế bé theo cách này và đi một vòng trong nhà trước khi cho bé tập nằm sấp. Ngoài ra, tư thế này cũng giúp bé ợ hơi nữa đấy!
[inline_article id=108769]
Bế đứng (bế vác vai) và những lưu ý an toàn
Từ tư thế bế ngửa, nhẹ nhàng nâng cánh tay đang đỡ dưới cổ bé để đẩy bé đứng dần lên, hơi xoay tay để hướng người bé úp vào người mẹ, đặt đầu và cổ bé tựa lên vai mẹ. Tay còn lại đỡ phần mông của bé. Ở tư thế này, phần lớn trọng lượng của bé đặt tựa vào người mẹ và các bé sơ sinh qua vài tháng đầu đời sẽ thích tư thế này hơn bế ngửa. Bởi với tư thế bế vác, bé vừa có thể ợ hơi, giảm bớt hơi thừa trong bụng, vừa có thể nhìn ngắm nhiều cảnh vật xung quanh hơn.
Lưu ý, với tư thế này, nếu cổ bé đã cứng, mẹ có thể chỉ cần 1 cánh tay để đỡ bé. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng mẹ có thể thoải mái cầm theo bất cứ vật dụng gì với cánh tay còn lại. Chẳng hạn, vừa bế con vừa xem điện thoại, vừa bế con vừa cầm ly nước uống là điều không nên đâu mẹ nhé. Mẹ có thể bế trẻ sơ sinh bằng một tay nhưng tay còn lại cũng nên để tự do để có thể “tiếp cứu” ngay trong trường hợp bé ngọ ngoạy, quấy khóc.
[inline_article id=104195]
Với 3 cách bế trẻ sơ sinh kể trên, bất cứ khi nào mẹ cảm thấy mỏi mệt thì đều có thể ngồi xuống để giảm bớt cảm giác gánh nặng trên vai và hai chân. Ngoài ra, việc vừa ngồi vừa bế bé cũng là cách thích hợp nhất để mẹ hướng dẫn cho các anh chị của bé cách bế và chơi với em, nhưng hãy lưu ý rằng, các bạn nhỏ chỉ được bế em khi đã được sự đồng ý của mẹ và có sự theo dõi của bố, mẹ.
Theo các nghiên cứu khoa học, việc thường xuyên bế bồng là một cách rất tốt để xây dựng tình cảm giữa mẹ và bé sơ sinh. Ngoài ra, các bé được mẹ ôm ấp thường xuyên cũng mau lớn và có những cảm nhận tích cực, yên tâm và bình tĩnh hơn. Do đó, đừng ngại bế con bất cứ khi nào bạn muốn, và bế con ở bất kỳ tư thế nào mà mẹ cảm thấy thuận tiện và bé được nâng đỡ một cách tốt nhất.