Mẹ biết gì về hệ tiêu hóa của trẻ?
1. Bụng con khỏe, con phát triển toàn diện
Chỉ khi được cung cấp đủ dưỡng chất, bé mới có thể phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn trí tuệ. Điều này đồng nghĩa, khi chăm sóc bé, mẹ cần đảm bảo hệ tiêu hóa của con luôn trong tình trạng “chạy” tốt.
Không phải bàn việc hệ tiêu hóa hỗ trợ cho sự phát triển chiều cao và cân nặng của con như thế nào. Thực tế quá hiển nhiên, dinh dưỡng chiếm 32% trong những yếu tố có sức ảnh hưởng lớn nhất đến sự cao lớn của con. Bé ăn đúng, ăn chuẩn, hấp thu tốt dinh dưỡng, chắc hẳn sẽ mau cao chóng lớn.
Vậy hệ tiêu hóa ảnh hưởng thế nào lên hệ miễn dịch của trẻ? Dọc thành ruột, những hạch lympho thực hiện nhiệm vụ “đào tạo” các tế bào miễn dịch cho cơ thể. Ruột khỏe, hạch lympho mới đủ sức để giúp tế bào miễn dịch thêm khỏe mạnh, gia tăng sức đề kháng lên đến 80%.
Trí não thì sao? Hệ tiêu hóa ảnh hưởng đến sự hình thành trí não của trẻ nhờ trực tiếp cung cấp những dưỡng chất giúp não bộ phát triển, chẳng hạn như a-xít folic, sắt, kẽm, canxi, DHA, omega 3… Ngoài ra, giữa não bộ và hệ tiêu hóa có quan hệ mật thiết thông qua trục não, giúp 2 bộ phận này cùng nhau “tiến bộ”.
Tuy nhiên, trong năm đầu đời, hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn non yếu. Do đó, không lấy làm lạ khi hầu hết các bé đều trải qua tình trạng nôn trớ, đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy, táo bón… Bệnh kéo dài gây suy dinh dưỡng và nhiều nguy cơ bệnh tật khác. Do đó, nhiệm vụ của mẹ khi chăm sóc bé đó là giúp hệ tiêu hóa của con luôn khỏe mạnh.
2. Để hệ tiêu hóa bé luôn khỏe mạnh, bạn cần:
- Cho bé ăn đúng cách: Bạn không nên cho bé ăn dặm quá sớm, lứa tuổi đúng nhất để bé bắt đầu tập ăn là 6 tháng tuổi. Thời gian đầu, cho bé làm quen dần dần, từ ít đến vừa, cuối cùng tăng dần lên khi bé đã quen hẳn. Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh cũng cần thời gian để làm quen với nhiều loại thức ăn mới.
- Luôn bổ sung thực phẩm giàu chất xơ vào thực đơn ăn uống hằng ngày của con: Không chỉ giúp thanh lọc thức ăn trong hệ tiêu hóa, chất xơ còn hỗ trợ quá trình tích lũy năng lượng và dinh dưỡng, đẩy chất thải còn lại ra ngoài.
- Tập bé uống nước theo nhu cầu: Trẻ 6 tháng tuổi đã có thể tập uống nước. Tùy vào độ tuổi, mẹ có thể cho bé uống lượng nước khác nhau. Bổ sung nhiều chất lỏng giúp cải thiện hệ tiêu hóa, đồng thời hỗ trợ quá trình hấp thu và bài tiết diễn ra suôn sẻ hơn. Nguy cơ táo bón vì thế cũng giảm đi đáng kể.
- Chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm khi chăm sóc bé. Tuyệt đối không cho bé ăn thực phẩm tái, chưa chín, bởi vi khuẩn sẽ ngay lập tức tấn công con. Đồng thời, trẻ chỉ nên ăn những thực phẩm phù hợp với lứa tuổi của mình.
Không chỉ có hệ tiêu hóa, mẹ cũng nên lưu tâm tới 4 bộ phận sau đây sẽ ảnh hưởng tới quá trình phát triển của trẻ.
Chăm sóc bé: 4 bộ phận quan trọng mà mẹ cần chú ý
1. Phần thóp trên đầu
Một phần vì xương sọ của trẻ chưa nối liền nhau và tạo ra điểm trũng, một phần để phù hợp với “đường ra” chật hẹp từ tử cung ra ngoài, đầu bé sơ sinh nào cũng có thóp. Được chia thành thóp trước và thóp sau, khi bé được 3 tháng tuổi, khớp nối xương sọ liền kín lại làm thóp sau biến mất. Thóp trước mất thời gian lâu hơn, phải đợi đến khi bé hơn một tuổi mới chính thức cứng cáp, liền lặn.
Thông thường, các mẹ rất hạn chế tác động vào bộ phận này của bé. Nhìn thấy thóp cử động theo từng nhịp thở, có mẹ nào lại không thấy lo lắng, hoang mang. Tuy nhiên, thực tế, mẹ chẳng cần phải quá sợ hãi như vậy. Phía trên thóp vốn có một lớp màng rất dày, giúp bảo vệ thóp cực kỳ tốt. Chỉ cần khi chăm sóc bé, mẹ không tác động mạnh, lớp màng này tuyệt đối không bị tổn hại.
2. Da chết trên đầu, hay còn gọi là “cứt trâu”
Không ít bé sơ sinh sau vài ngày chào đời thường xuất hiện lớp da chết màu nâu trên đầu, theo dân gian hay gọi là “cứt trâu”. Lớp da chết này nếu không được chăm sóc kỹ càng rất dễ bị bong tróc làm chảy máu da đầu khi tắm gội hay chải đầu.
Để loại bỏ lớp “cứt trâu” khó ưa này, mẹ nên tìm mua sản phẩm chuyên dụng dành cho trẻ sơ sinh, tại các hiệu thuốc hoặc cửa hàng bán đồ trẻ em. Loại dung dịch này giúp làm mềm da chết, làm chúng từ từ bong ra dần nhẹ nhàng và không để lại dấu vết. Tuyệt đối không nên dùng lược chải hoặc bóc da chết, bé có thể đau và bị tổn thương da.
3. Cuống rốn của trẻ
Rốn của bé sơ sinh là bộ phận nên đặc biệt chú ý và cần được giữ khô thoáng thường xuyên. Khi thay tã cho bé, bạn cần cẩn thận tránh không để nước tiểu và phân dây vào rốn bé. Khi tắm cho bé, mẹ cũng không nên để nước ngập vào rốn quá lâu, đồng thời nên dùng gạc mềm thấm dung dịch cồn chuyên dụng để làm sạch rốn bé sau khi tắm.
Bất cứ khi nào thấy phần cuống rốn có những dấu hiệu bất thường như tấy đỏ, rỉ nước…, bạn nên ngay lập tức đưa bé đến bác sỹ để được thăm khám kịp thời.
4. Hậu môn và bộ phận sinh dục
Trong quá trình chăm sóc bé trong mùa nóng, nếu không để ý, bạn cho trẻ mặc tã giấy chứa phân hay nước tiểu quá lâu có thể gây viêm nhiễm, hăm tã. Tốt nhất, nên kết hợp dùng cả tã giấy lẫn tả vải trong mùa nóng để hạn chế tình trạng này.
Sau khi bé đại tiện, mẹ nên dùng khăn mềm và nước ấm để làm vệ sinh cho bé. Sau khi lau khô cho bé xong, bạn nên dành một chút thời gian để bé được “làm khô” tự nhiên, không nên quấn tã hoặc mặc quần cho bé ngay lập tức.
Tất nhiên việc chăm sóc bé đòi hỏi rất nhiều sự quan tâm chu đáo của bạn. Điều này có nghĩa bạn còn phải để ý cả những dấu hiệu bất thường ở trẻ.
Chăm sóc bé: 8 dấu hiệu “tố cáo” trẻ không khỏe
1. Tâm trạng trẻ thất thường
Trẻ nhà bạn lúc vui, lúc buồn, dễ khóc, dễ cười? Có thể cơ thể bé đang bị thiếu chất đấy mẹ nhé. Não bộ cần a-xít amin để giữ cho tinh thần luôn vui vẻ, lạc quan. Nếu thiếu protein, cơ thể không sản xuất đủ lượng a-xít amin đảm bảo cho tâm trạng ổn định. Vì vậy, mẹ không được quên bổ sung đủ nhu cầu protein hằng ngày cho bé nhé!
Thực phẩm giàu protein: Thịt bò, lợn, gà…
2. Bé dễ nổi nóng, cáu kỉnh
Sự ổn định cảm xúc cũng phụ thuộc rất nhiều vào lượng chất béo lành mạnh trong cơ thể. Nếu bé nóng nảy, dễ tức giận, có lẽ bé đang thiếu chất béo, đặc biệt là omega-3. Bạn nên cho bé ăn ít nhất 3 khẩu phần cá béo mỗi tuần, bao gồm cá hồi, cá trích, cá thu.
3. Trẻ chậm nói hơn các bạn đồng lứa
Nguyên nhân trẻ chậm nói có thể do việc thiếu vitamin B12, khoáng chất có nhiều trong các loại thực phẩm như thịt bò, thịt gà, thịt lợn, tôm, cá, sữa, trứng. Mẹ nên tăng cường cho bé nạp các thực phẩm này để tạo đà phát triển cho khả năng ngôn ngữ của con nhé!
4. Bé hiếu động quá mức bình thường
Trẻ con hiếu động, nghịch ngợm là chuyện hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu bé quậy phá, nghịch ngợm quá mức, nguyên nhân thường liên quan đến khả năng kết nối và xử lý thông tin của não bộ trẻ. Trẻ hiếu động thường tiêu hóa kém, do ít lợi khuẩn trong đường ruột, ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ dưỡng chất từ thức ăn.
Để tăng cường sức khỏe cho hệ tiêu hóa trẻ, khi chăm sóc bé, mẹ nên hạn chế dùng nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, quá nhiều hương liệu và phẩm màu. Đồng thời, bạn nên cho bé ăn nhiều sữa chua để tăng lợi khuẩn.
5. Trẻ bị sâu răng
Không chỉ do ăn nhiều đồ ngọt, sâu răng còn là hệ quả của việc thiếu chất khoáng, vitamin cần thiết để đồng hóa chất khoáng. Do đó, mẹ nên bổ sung vào thực đơn ăn uống hằng ngày của con thực phẩm giàu phốt pho, các vitamin hòa tan tỏng chất béo để ngăn ngừa tình trạng sâu răng của bé.
6. Trẻ thường xuyên bị cảm
Hệ miễn dịch yếu dẫn đến tình trạng cảm cúm thường xuyên ở trẻ nhỏ. Trong số đó, nguyên nhân chính nhất vẫn là do thiếu dinh dưỡng, ít vận động hợp lý. Chỉ khi được ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất, hệ miễn dịch của trẻ mới khỏe mạnh, đủ sức ngăn ngừa và chống lại bệnh tật.
7. Bé lười suy nghĩ
Mẹ bầu nếu không được cung cấp đủ dinh dưỡng sẽ rất dễ ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của con về sau. Nếu đã thiếu sót về dinh dưỡng trong giai đoạn mang thai thì sau khi sinh, mẹ nên tăng cường bổ sung trong khi cho con bú và chăm sóc bé những năm đầu đời.
Thiếu chất béo lành mạnh, đặc biệt là omega-3, quá trình phát triển của trí não trẻ sẽ chậm phát triển, trẻ trở nên lười suy nghĩ, lúc nào cũng lừ đừ và ít khi muốn tìm tòi, khám phá. Mẹ nên để ý cẩn thận đến vấn đề này nhé!
8. Da và tóc bé bị khô
Khi cơ thể không có đủ vitamin tan trong chất béo như A, D, E và K2 sẽ khiến cho da khô và tóc xơ, chẻ ngọn. Nếu bổ sung đầy đủ các vi chất này trong bữa ăn, mẹ sẽ thấy sự thay đổi đáng kể từ mái tóc tới làn da của bé, sáng bóng và mềm mịn hơn.
Những lầm tưởng về sản phẩm chăm sóc bé
1. Sản phẩm tự nhiên là sản phẩm an toàn
Không phải thứ gì được chiết xuất từ thảo mộc hay khoáng chất thiên nhiên đều an toàn cho trẻ sơ sinh. Ngoài ra, các nhà sản xuất hoàn toàn có thể gia giảm thêm các loại hóa chất nhân tạo trong thành phần sản phẩm. Nếu không đọc kỹ thông tin, bạn có thể “rước” về thủ phạm gây ra hen suyễn, rối loạn hormone và nhiều vấn đề khác đối với trẻ.
Nếu thấy trong phấn rôm hay mỹ phẩm cho bé có hoạt thạch (talc) thì bạn nên để chúng lại trên kệ siêu thị. Những hóa chất cần tránh khác bao gồm Proplyene glycol; 1,4-dioxane and ethylated surfactants; dầu khoáng, paraben, triclosan, polypropylene glycol, benzoic acid, propyl ester, nước hoa hay chất tạo mùi.
2. Sản phẩm homemade là tốt
Một tâm lý thường gặp ở người tiêu dùng là nghi ngờ độ an toàn của các loại thực phẩm được bán ở cửa hàng. Trước những thông tin báo động về an toàn thực phẩm, bạn dễ có suy nghĩ rằng sản phẩm homemade sẽ an toàn hơn các sản phẩm thương mại được bán rộng rãi.
Thực ra, bạn vẫn có thể tìm được những sản phẩm tốt với chứng nhận rõ ràng về nguồn gốc và quy trình sản xuất. Chẳng hạn, những loại rau đạt tiêu chuẩn Viet GAP hay Global GAP, những loại thịt cá được xác nhận giết mổ an toàn, thực phẩm đựng trong bao bì nhựa không chứa BPA…
3. Địu em bé chỉ làm bé bện hơi mẹ
Quan điểm bé bện hơi và nhõng nhẽo đã trở nên lỗi thời. Những bà mẹ hiện đại có thể mang con họ đi đến bất kỳ nơi đâu với một chiếc địu vải êm ái và nhẹ nhàng. Việc gần gũi với con còn giúp ích cho sự phát triển tinh thần của bé rất nhiều.
4. Quần áo trẻ em là phải đáng yêu
Đúng, nhưng chất liệu an toàn lại là tiêu chí quan trọng nhất. Quần áo trẻ em nên được làm từ vải cotton 100%, không có các hóa chất nguy hiểm cho sức khỏe của bé. Lưu ý, bạn cần giặt tất cả quần áo, chăn nệm hay đồ dùng tiếp xúc với da của bé trước khi sử dụng.
5. Sản phẩm bảo vệ an toàn là an toàn
Bạn có chắc chắn mình mua được sản phẩm không bị lỗi, sản phẩm của nhà sản xuất uy tín không? Cần nghiên cứu sản phẩm thật kỹ trước khi mua nhé. Có thể nó đã không còn đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn hiện tại nữa. Đặc biệt lưu ý khi mua các sản phẩm đã qua sử dụng như nôi, cũi, chặn cầu thang…
6. Dầu gội không cay mắt chứa chất gây tê
Có một “truyền thuyết” cho rằng các loại dầu gội cho em bé sở dĩ không làm bé chảy nước mắt là do chứa một loại chất gây tê nào đó. Tuy nhiên, thực tế là, chúng không chứa một loại chất tạo bọt được gọi là sodium lauryl sulphate. Sự vắng mặt của chất này cũng giúp tăng độ an toàn cho dầu gội vì nó có khả năng gây ung thư.
7. Sữa công thức giàu dinh dưỡng hơn sữa mẹ
Các loại sữa công thức tràn ngập trên thị trường được quảng bá là loại thực phẩm tốt nhất cho trẻ em. Kỳ thực, các chuyên gia cho rằng sữa mẹ là loại thức ăn duy nhất nên được dùng cho em bé dưới 6 tháng. Trong sữa mẹ chứa tất cả các loại chất dinh dưỡng mà các loại sữa công thức đã cố gắng mô phỏng theo. Tuy nhiên, không loại sữa công thức nào có được những kháng thể như sữa mẹ.
5 mùi trẻ cần tránh xa
1. Khói thuốc lá
Khói thuốc đe dọa trực tiếp đến hệ hô hấp, khoang miệng, hệ thần kinh của bé. Hơn nữa, bé trở nên khó thở, có nguy cơ mắc bệnh sâu răng, thính giác suy giảm, trí tuệ chậm phát triển. Mẹ nên khuyến khích người thân trong nhà cai thuốc lá để đảm bảo sự an toàn cho trẻ nhé!
2. Mùi nước hoa
Khi chăm sóc bé, mẹ thường lấy nước hoa thoa vào chỗ da bị muỗi đốt để tránh sưng, mau lành. Tuy nhiên, cũng tùy loại, nhiều mùi quá nồng, chứa hóa chất gây kích ứng trong thành phần, có thể đe dọa đến sức khỏe bé.
Lúc này, phản ứng của cơ thể là khiến bé đau đầu, chóng mặt, dị ứng, viêm mũi, đau họng. Ngoài ra, thành phần hóa chất không an toàn không ít thì nhiều kích thích một phần nào đó lên não bé, gây tác động tiêu cực.
3. Hương hoa
Không riêng gì trẻ em, người lớn cũng có thể bị dị ứng khi ngửi một số hương thơm của các loại hoa. Theo đó, hệ quả thường là dị ứng, mất ngủ, rụng tóc, ho, đau đầu. Hoa lan, hoa xấu hổ, hoa dạ hương, bách hợp, đỗ quyên… mẹ không nên cho bé ngửi, đặc biệt là với những trẻ nhạy cảm, dễ bị kích ứng, tác động với mùi, vị lạ.
4. Long não
Đa số gia đình đều đặt một vài viên long não vào tủ quần áo để tránh gián, mối mọt. Nếu tiếp xúc quá nhiều với mùi này, bé rất dễ mắc bệnh vàng da.
Thành phần trong long não có tính độc mạnh, chỉ cơ thể người lớn mới có khả năng bài tiết những chất này ra ngoài. Do đó khi chăm sóc bé, bạn, không nên đặt long não trong tủ đồ của con, và bớt lại số viên long não trong tủ quần áo của hai vợ chồng.
5. Khói xe
Khi đưa bé ra ngoài đi chơi bằng xe máy, việc tiếp xúc với khói xe ô nhiễm là điều không thể tránh khỏi. Khói xe chứa nhiều khí CO, CO2 và nhiều chất độc hại khác, gây ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp. Vì vậy, mẹ đừng quên bịt khẩu trang, che khăn màn cho con khi ra ngoài để phòng chóng khói xe, bụi bẩn ô nhiễm.
Cẩn thận khi dùng dầu gió cho bé
Dầu gió là một loại chất lỏng được tạo ra bằng cách pha trộn nhiều loại tinh dầu thiên nhiên khác nhau. Các loại dầu gió thường được dùng như thuốc thoa ngoài da, có thể tạo cảm giác nóng ấm ngay tại chỗ. Thành phần phổ biến của các loại dầu gió thường bao gồm dầu khuynh diệp, dầu tràm, hồi, quế… với dược chất chính là methyl salicylate và menthol. Methyl salicylate là thành phần của nhiều thuốc trị đau, kháng viêm. Còn menthol, một chất thường được chiết xuất trong cây bạc hà giúp tạo cảm giác mát lạnh, gây tê tại chỗ.
Tác dụng phụ khó lường
Không thể phủ nhận các tác dụng phổ biến của dầu gió như giảm đau nhức, giảm ngứa… nhưng mẹ có biết rằng tất cả các loại tinh dầu đều không dùng cho trẻ dưới 3 tháng tuổi? Giới hạn tuổi còn được tăng lên đối với các loại tinh dầu có menthol. Ngay cả với trẻ lớn, làn da các bé đôi khi vẫn rất nhạy cảm và dễ bị kích ứng so với người lớn. Trong khi đó, hoạt chất methyl salicylate có thể làm nóng, gây rộp, xung huyết da. Menthol còn làm tăng tiết mồ hôi và làm thân nhiệt bé bị hạ thấp. Một tác dụng phụ nguy hiểm khác là ức chế khả năng hoạt động của hệ hô hấp. Nếu dùng các loại dầu gió để bôi lên mũi, các hoạt chất trong dầu có thể gây rách màng nhầy mũi, họng. Menthol ức chế cơ trơn hô hấp, tuần hoàn. Một thành phần khác có trong một số loại dầu là camphor (long não) ức chế tuần hoàn, gây suy hô hấp dẫn đến ngưng tim, ngưng thở.
Những giới hạn cần lưu ý
Khi muốn dùng dầu gió cho con, mẹ nên lưu ý về độ tuổi, khi nào nên dùng, cách xoa dầu và nồng độ tinh dầu.
- Độ tuổi của bé: Độ tuổi nhỏ nhất sử dụng được tinh dầu nói chung là 3 tháng tuổi. Những loại tinh dầu chứa methyl salicylate và menthol cần được dùng cẩn thận cho trẻ trên 2 tuổi.
- Nồng độ: Tinh dầu nguyên chất thường được pha với dầu nền để tạo thành một hỗn dịch. Mẹ cần chú ý nồng độ không vượt quá 2%. Không bao giờ được để tinh dầu nguyên chất dính lên da vì nó có thể gây phỏng nặng.
- Khi nào có thể dùng dầu gió: Một số triệu chứng như nghẹt mũi, nhức đầu, ho nhẹ, đau bụng, đầy hơi, đau cơ, bong gân, côn trùng cắn ngứa ngáy… có thể được làm dịu bớt với các loại dầu gió.
- Cách dùng tinh dầu: Dầu gió chỉ có thể dùng ngoài da. Mẹ không thoa dầu gió lên vùng da trầy xước, không cho bé uống dầu vì có thể gây tổn thương niêm mạc ruột. Luôn dùng một lượng vừa đủ, chỉ dùng lúc đau và chấm dứt ngay khi cơn đau đã hết.
Bảng tham khảo tên các loại tinh dầu có thể dùng theo từng độ tuổi -Bé từ 3 tháng tuổi: tinh dầu cúc la mã, cỏ thi, lavender, thì là -Bé 6 tháng tuổi trở đi: bergamot, quế, chanh, nho, sả, rau mùi, kim linh sam, thông, quýt, bưởi, phong lữ, một lượng nhỏ tinh dầu thông… -Bé từ 2 năm tuổi: húng quế, tiêu đen, đinh hương, basalm, trầm hương, tỏi, sả chanh, hoắc hương, cây trà, kinh giới, bạc hà… -Bé từ 6 năm tuổi: hồi, tràm, bạch đậu khấu, dầu cây bạc hà, nhục đậu khấu, nguyệt quế… -Bé từ 10 tuổi: rosemary, khuynh diệp |
Chăm sóc bé: Sơ cấp cứu căn bản mẹ cần biết
1. Khi trẻ bị điện giật
Có trẻ con trong nhà, mẹ cần phải rất cẩn thận với nguồn điện. Nếu trẻ táy máy đụng vào ổ điện và bị giật, điều đầu tiên mẹ cần làm là nhanh chóng tách bé ra khỏi nguồn điện bằng cách mang ủng, đứng trên ván gỗ, ngắt điện, dùng cây khô tách vật truyền điện khỏi người bé.
Sau khi đã cách ly trẻ khỏi nguồn điện, mẹ nên đưa bé vào bệnh viện để được thăm khám. Có thể bên ngoài bé vẫn rất bình thường, nhưng tổn thương bên trong cơ thể là không lường trước được.
2. Làm gì khi bé bị rắn cắn?
Khi trẻ bị rắn cắn, nếu không sơ cứu kịp thời và đúng cách, trẻ có thể tử vong nhanh do biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, suy đa cơ quan. Lúc này, mẹ phải ngay lập tức rửa vết thương của bé dưới vòi nước, sau đó dùng gạc vô trùng đắp lên vùng da bị rắn cắn. Kê cao và giữ yên phần cơ thể bị rắn cắn, đưa trẻ đến bệnh viện ngay sau đó. Không làm theo bất cứ mẹo dân gian nào để tránh làm tình hình trầm trọng thêm.
3. Chăm sóc bé: Khi trẻ bị chó cắn
Dùng xà bông rửa sạch vết thương bị chó cắn dưới vòi nước, lau khô, sau đó sát trùng bằng dung dịch sát khuẩn. Nếu máu không ra quá nhiều, mẹ có thể dùng gạc mỏng vô trùng đắp lên tạm trong quá trình đưa bé đến bệnh viện.
4. Trẻ bị say nắng
Vào mùa nắng nóng, bạn có thể tắm nắng cho trẻ trước 8 giờ sáng nhưng nếu chơi đùa ngoài trời nhiều rất dễ bị say nắng. Khi phát hiện thấy bé có dấu hiệu tăng thân nhiệt, hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, mẹ nên nhanh chóng đưa bé vào bóng mát, cho bé uống nước từng ngụm một, để bé hồi phục từ từ. Không nên ngay lập tức đưa bé vào phòng lạnh đột ngột, vì như vậy chỉ làm cơ thể bé thêm suy yếu.
5. Xử trí khi ong đốt, côn trùng cắn
Điều đầu tiên mẹ cần làm là rửa sạch vùng da trẻ bị cắn, đốt hoặc chích. Chườm đá lên để giảm đau và sưng. Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện ngay sau đó.
6. Chăm sóc bé khi bé ngã trầy xước da
Mẹ dùng nước sạch vệ sinh vết xước, tiếp tục sát khuẩn bằng cồn, betadine, ô-xy già, thuốc tím, sau đó băng lại với băng cá nhân hoặc gạc vô trùng. Nếu vết xước quá lớn, máu ra quá nhiều, mẹ nên quấn lỏng phần băng vải, đưa bé đến bệnh viện.
7. Khi con bị bong gân
Thay vì dùng dầu nóng để xoa bóp, mẹ nên chăm sóc bé bằng cách lấy đá lạnh để chườm phần chân tay bị bong gân của bé. Nếu tình trạng không cải thiện, bé đau hơn, khóc nhiều, phần bong gân bầm tím, sưng to, mẹ cần đưa bé đi thăm khám để được theo dõi và điều trị kịp thời.
8. Sơ cứu khi trẻ bị bỏng
Bạn nên chăm sóc bé bằng cách ngay lập tức làm mát phần da bị bỏng dưới vòi nước mát chảy liên tục. Tuyệt đối không dùng nước đá để chườm, thoa nước mắm hay kem đánh răng, bởi những cách này chỉ làm bóng nước bỏng dễ vỡ và tổn thương nặng hơn, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Nếu bé chỉ bị bỏng nhẹ, mẹ có thể thoa dầu mù u hay penthanol để giảm đau cho bé. Đưa bé đi bệnh viện ngay nếu sau đó bé bị sốt, có dấu hiệu nhiễm trùng do vết bỏng quá lớn.
9. Trẻ nuốt phải dị vật hay hóc xương
Trong trường hợp này, mẹ không nên tự ý sơ cấp cứu bằng những mẹo dân gian, chẳng hạn nuốt cơm, chuối… Thay vào đó, nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện, bởi để lâu, xương bị đẩy xuống sâu hơn, khó lấy ra, gây nhiều biến chứng nguy hiểm như áp xe, thủng thực quản, nhiễm trùng huyết…
10. Tai nạn liên quan đến mũi
Trẻ nhỏ bị chảy máu cam có thể chỉ là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, mẹ vẫn phải sơ cấp cứu kịp thời, vì biết đâu vẫn tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng. Cho bé cúi đầu về trước, dùng ngón tay ép hai bên cánh mũi bé để cầm máu, đồng thời ngăn bé nuốt máu.
Nếu trẻ nhét dị vật vào mũi, đặc biệt là pin, mẹ nên chăm sóc bé bằng cách đưa đi cấp cứu để phòng bỏng niêm mạc mũi, gây thủng rách, để lại nhiều di chứng nặng nề.
11. Côn trùng hoặc dị vật chui vào tai
Khi trẻ bị côn trùng hoặc dị vật chui vào tai, mẹ không nên lấy nhíp hoặc tăm bông chọc ngoáy, bởi nguy cơ rách màng nhĩ và đẩy dị vật vào sâu hơn là rất cao. Thay vào đó, nên đưa bé đến bệnh viện. Đặc biệt với trường hợp côn trùng chui vào tai trẻ, mẹ có thể sơ cứu bằng cách nhỏ ô-xy già, dung dịch glycerine hoặc dầu ăn ngập tai bé. Cách này giúp ngăn côn trùng còn sống, cựa quậy tháo chạy ra khỏi tai bé.
12. Dị vật hoặc côn trùng bay vào mắt
Khuyến khích con chớp mắt liên tục, nhỏ nước muối sinh lý để đẩy dị vật ra ngoài. Tuyệt đối không để trẻ dụi mắt, chà mắt vào tóc để tránh làm tình hình trở nên trầm trọng hơn.
MarryBaby