Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Vòng 1 “khiêm tốn” có phải nguyên nhân gây ít sữa?

Mẹ ít sữa, không đủ sữa cho con bú là nỗi lo chung của hầu hết những người nuôi con bằng sữa mẹ. Đặc biệt, với những mẹ có vòng 1 “khiêm tốn”, càng lo lắng nhiều hơn cả. Tuy nhiên, liệu kích thước vòng 1 có thực sự là nguyên nhân gây ít sữa?

Trái ngược với lo lắng của các mẹ, theo các chuyên gia, mẹ ít sữa hay nhiều sữa không phụ thuộc vào kích thước vòng 1. Vòng 1 đầy đặn hay khiêm tốn phụ thuộc nhiều vào các mô mỡ bên trong. Tuy nhiên, lượng mô mỡ này không liên quan đến khả năng tạo sữa. Vì vậy, dù có ngực khiêm tốn, bạn vẫn có thể tạo đủ lượng sữa cho con bú.

Mẹ ít sữa do kích thước vòng 1
Có nhiều nguyên nhân gây ít sữa, nhưng kích thước vòng 1 không phải là một trong số đó

Thực tế, tất cả những người nuôi con bằng sữa mẹ đều có thể sản xuất một lượng sữa bằng nhau trong vòng 24 giờ, bất kể kích thước ngực. Khi bạn cho con bú, ngực liên tục tạo ra sữa và tích lũy sữa giữa sau mỗi cữ bú, bởi thông thường, trẻ sơ sinh chỉ bú khoảng 75-80% lượng sữa trong bầu ngực. So với ngực nhỏ, những mẹ ngực lớn sẽ có “sức chứa” nhiều hơn và có thể dự trữ nhiều hơn giữa các cữ bú.

Chẳng hạn, nếu một bộ ngực lớn chứa được 180ml và bé bú 120ml mỗi bên, tổng cộng 240ml. Nghĩa là mỗi bên ngực sẽ còn lại 60ml, tổng cộng là 120ml cho lần bú tiếp theo, chưa kể lượng sữa tạo ra khi bé bú. Với bộ ngực nhỏ, sức chứa có thể khoảng 120ml mỗi bên. Mỗi lần bú, bé có thể tiêu thụ khoảng 90ml mỗi bên, tổng cộng là 180ml. Như vậy, mỗi bên ngực sẽ còn lại 30ml, tổng cộng là 60ml cho lần bú tiếp theo, chưa kể lượng sữa tạo ra khi bé bú.

Do lượng sữa trẻ nạp vào ít hơn nên các mẹ ngực nhỏ có thể sẽ phải cho con bú nhiều lần hơn. Tuy nhiên, điều này có thể không đúng với tất cả mọi người, bởi mỗi cặp mẹ con là duy nhất. Chính vì vậy, thay vì cho bé bú theo giờ cố định, mẹ nên cho con “tuti” theo nhu cầu.

Những nguyên nhân gây ít sữa thường gặp

Không phải kích thước vòng 1, những sai lầm phổ biến sau đây mới chính là “thủ phạm” chính làm mẹ ít sữa.

1. Không cho bé bú thường xuyên, bú đủ cữ

Cơ thể sản xuất sữa dựa theo cơ cấu cung – cầu: Bé bú càng nhiều, sữa mẹ càng nhiều. Nếu mẹ cho bé uống thêm sữa công thức hoặc cho bé ăn dặm sớm làm bé bú ít sữa đi, sữa mẹ cũng sẽ giảm dần, đến khi mất hẳn.

Mẹ cũng nên lưu ý cho bé bú đủ thời gian, ít nhất 5-10 phút cho mỗi cữ bú. Nếu trẻ ngủ khi đang bú, mẹ có thể dùng tay vỗ nhẹ vào má để đánh thức bé dậy.

2. Cách cho bú chưa đúng

Bé bú không đúng cách, miệng ngậm không hết được quầng vú sẽ không kích thích được phản xạ xuống sữa. Trẻ không nạp đủ lượng sữa cần thiết, sẽ quấy khóc, từ đó làm mẹ lo lắng mình không đủ sữa.

[inline_article id=81021]

3. Mẹ ít sữa do tâm trạng

Có thể bạn không biết, nhưng tâm trạng của bạn cũng ảnh hưởng lớn đến cơ chế tiết sữa. Mẹ có tâm trạng lo âu, phản xạ tiết sữa có thể hoạt động kém, thậm chí không hoạt động. Sữa có thể tích trữ nhiều trong bầu ngực, nhưng lại không thể chảy ra được.

4. Dinh dưỡng sau sinh kém

So với những mẹ ăn uống đầy đủ, những mẹ kiêng khem thường có lượng sữa ít hơn. Sau sinh, cơ thể cần được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để nhanh chóng phục hồi, đồng thời cũng tích lũy dinh dưỡng tạo sữa cho con. Cố gắng tăng cường thực phẩm giàu đạm, tinh bột, trái cây và rau xanh.

[inline_article id=30232]

5. Không vệ sinh bầu ngực

Trước và sau khi cho con bú, bạn nên dùng khăn ấm lau sạch bầu ngực và xoa nhẹ đầu vú để kích thích tiết sữa. Nếu ngực bị cương, tức, mẹ có thể dùng khăn ấm massage nhẹ nhàng bầu ngực theo hướng từ trên xuống dưới để thông tuyến sữa.

6. Thiếu sản tuyến vú

Một số ít mẹ bị thiếu mô tuyến ngực hay còn gọi thiếu sản tuyến vú, ngực không phát triển hoặc phát triển không đáng kể. Mẹ chỉ có thể tạo ra một ít sữa, không đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ. Dù vậy, các chuyên gia vẫn khuyến khích bạn nên cho con bú, bởi tuy ít, nhưng sữa mẹ sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ. Hơn nữa, sự gần gũi đặc biệt bạn cảm nhận khi cho con bú không phụ thuộc vào số lần bé bú hoặc lượng sữa bạn có thể tạo ra.