Categories
Sự phát triển của trẻ Cột mốc phát triển Năm đầu đời của bé

Bé mấy tháng biết trườn? Bé 7 tháng chưa biết trườn có sao không?

Bé mấy tháng biết trườn? Mỗi bé sẽ có tốc độ tăng trưởng khác nhau. Do vậy không thể chọn một cột mốc cụ thể để làm căn cứ cho tất cả các bé.

Trong năm đầu tiên, con sẽ trải qua nhiều cột mốc vận động đáng nhớ. Và, trườn là một trong những cột mốc quan trọng. Đây được xem là nỗ lực đầu tiên của việc di chuyển độc lập, trước khi con biết bò, đứng, đi và chạy. Chắc hẳn mẹ sẽ tò mò muốn biết bé mấy tháng biết trườn đúng không?

Bé mấy tháng biết trườn?

Lần đầu chứng kiến đứa con bé bỏng ngày nào nằm trong tay mẹ nay đã có thể tự di chuyển trên sàn nhà, chắc chắn sẽ là một khoảnh khắc vô cùng đặc biệt. Nhìn chung, trẻ bắt đầu biết bò khi bé khoảng 6 tháng tuổi. Và trườn chính là một bước đệm, sẵn sàng cho giai đoạn tập bò. Vậy trẻ mấy tháng biết trườn? 

Một em bé khỏe mạnh bình thường sẽ biết trườn trong khoảng thời gian 6-10 tháng tuổi. Tuy nhiên tùy theo sự phát triển của từng bé, thời gian này có thể chậm hoặc sớm. Thậm chí một số trẻ có thể biết trườn sớm khi chỉ 3-4 tháng. 

Như vậy mẹ đã biết bé mấy tháng biết trườn. Và dấu hiệu nhận biết bé biết trườn là khi con dùng 2 tay kết hợp đầu gối để đẩy người về phía trước. Nhưng cũng có khi con trườn theo những cách khác, kết hợp tay, chân, vai hoặc bụng.

Một số kiểu trườn của bé

Ngoài thắc mắc bé mấy tháng biết trườn, đôi khi mẹ cũng háo hức không biết con sẽ trườn như thế nào. Không phải lúc nào bé cũng dùng tay và đầu gối để di chuyển cơ thể vì bé có rất nhiều kiểu trườn khác nhau. 

Một số kiểu trườn của bé

Một số kiểu trườn khác phổ biến của trẻ:

– Trườn kiểu biệt kích: Em bé nằm sấp (bụng úp xuống sàn) đẩy người về phía trước bằng lực cánh tay. Đồng thời, con xoay sang trái, phải cùng thân trên cộng với một chút lực của chân. Chủ yếu bé sẽ lê mình trên sàn bằng tay và vai. 

Với kiểu trườn này, mẹ hoàn toàn không phải lo lắng việc bé mất thăng bằng vì trọng lượng cơ thể sẽ dồn vào phần bụng và đùi.

– Trườn ngược: Bé sẽ trườn lùi bằng chân và bụng. 

– Trườn kiểu sâu đo: Với kiểu trườn này, em bé sẽ đẩy người về phía trước bằng cả hai cánh tay, đồng thời chồm người và sau đó tiếp sàn bằng bụng. Trong khi chồm lên, bé thường giữ thăng bằng trong một thời gian ngắn bằng hai chân, hơi giống như ai đó đang thực hiện động tác plank.

Trườn kiểu biệt kích phổ biến hơn nhưng cũng không có gì lạ nếu bé có thể thực hiện được tất cả các kiểu còn lại. Và khi nhận thấy bất kỳ hình thức trườn nào, điều đó có nghĩa bé có thể sắp biết bò.

>>> Mẹ có thể xem thêm: Trẻ mấy tháng biết bò? Con chậm bò có đáng lo?

Bé 7 tháng chưa biết trườn có sao không?

Bé mấy tháng biết trườn? Thông thường, như đã nói ở trên, trẻ 6 tháng đã biết trườn nhưng cũng không có gì đáng lo ngại ngay cả khi bé 7 tháng chưa biết trườn. Một số trẻ thậm chí có thể bỏ qua cột mốc này và chuyển hẳn sang bò.

Bò là cách trẻ di chuyển bằng tay và đầu gối trong khi phần bụng được nâng lên khỏi mặt đất.

Tuy nhiên nếu bé không phát triển bất kỳ hình thức vận động nào khi được 12 tháng tuổi hoặc có dấu hiệu kiểm soát kém một bên cơ thể, mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ. Nếu trẻ gặp vấn đề về vận động, việc can thiệp sớm sẽ giúp bé phát triển đúng hướng. 

Lợi ích của trườn đối với sự phát triển của bé

Trước hết, với bé, trườn là một hoạt động mang đến cho con sự trải nghiệm mới mẻ và niềm thích thú. Bên cạnh đó, kỹ năng này còn mang lại các lợi ích sau:

– Trườn giúp phát triển và củng cố sức mạnh của các nhóm cơ chính trên cơ thể như cơ chân, cơ vai, cơ bụng, cơ lưng. Điều này vô cùng cần thiết, tạo đà cho các cột mốc tiếp theo là bò, đứng, đi, leo trèo.

– Trườn giúp bé học được kỹ năng quan sát, phán đoán, hình thành khái niệm về không gian, thời gian. Chẳng hạn, khi muốn trườn đến lấy 1 món đồ chơi, bé vô hình chung học được cách ước lượng quãng đường bao xa, thời gian bao lâu để tới nơi.

– Trườn là một hoạt động kích thích sự phát triển não bộ. Đặc biệt đây là kỹ năng đòi hỏi sử dụng cả não phải, não trái. Nhờ biết phối hợp, cân bằng và điều khiển cơ thể một cách linh hoạt trong khi trườn, mạng lưới thần kinh não của trẻ cũng hoạt động tốt hơn.

>>> Mẹ có thể xem thêm: Trẻ mấy tháng biết đi và dấu hiệu con chậm phát triển 

Mẹ có thể làm gì để tập trườn cho bé?

Mỗi em bé đều trải qua quá trình tăng trưởng riêng, vì vậy rất khó xác định bé mấy tháng biết trườn. Tuy nhiên, mẹ có thể giúp bé đạt cột mốc quan trọng này bằng cách khuyến khích bé tập trườn.

Điều quan trọng khi tập trườn cho bé chính là dành thời gian cho bé nằm sấp. Nằm sấp giúp bé rèn sức mạnh của cơ cổ và vai – bước đệm quan trọng giúp con nhanh biết trườn. 

Mẹ hãy đặt những món đồ chơi yêu thích của bé dưới sàn, xa tầm với để kích thích bé trườn đến lấy.

Mặc dù mẹ có thể hỗ trợ khi bé bắt đầu tập trườn, nhưng điều quan trọng là phải để bé tự trườn theo tốc độ của con. 

Ngoài ra, mẹ tránh ẵm bồng hay cho bé ngồi xe đẩy quá nhiều. Điều này sẽ hạn chế khả năng vận động của bé do không rèn luyện được các cơ cần cho khả năng vận động thô.

Mẹ có thể làm gì để tập trườn cho bé?

>>> Mẹ có thể xem thêm: 8 cách đơn giản tăng cường kỹ năng vận động cho bé

Bé mấy tháng biết trường? Những lưu ý khi tập trườn cho bé

Khi nhận thấy dấu hiệu bé mấy tháng biết trườn là lúc mẹ cần đảm bảo an toàn cho việc di chuyển xung quanh của bé.

– Đảm bảo phòng ốc rộng rãi.

– Tránh những vật nguy hiểm cản đường của con.

– Mẹ nên chắn lối cầu thang cho đến khi con đủ lớn để có thể tự lên xuống an toàn.

– Mẹ có thể lót thêm tấm thảm trải sàn để hạn chế ma sát, gây thương tích cho bé trong quá trình tập trườn.

– Hãy luôn giám sát trong khi con tập trườn. 

Mong rằng bài viết đã giúp mẹ biết bé mấy tháng biết trườn. Đôi khi sẽ cần một chút kiên nhẫn nếu muốn chứng kiến bất kỳ cột mốc nào của con vì mỗi bé sẽ có tốc độ tăng trưởng khác nhau. Điều quan trọng là hãy khuyến khích con tập trườn, giúp bé gia tăng sự tự tin để chuẩn bị bước đệm cho những cột mốc tiếp theo.

By Hương Lê

Hương Lê - trước khi là thành viên của gia đình MarryBaby, cô từng làm biên tập viên tại Sunflower Media, Phương Nam Book, Web Trẻ Thơ. Phụ trách viết bài cho hai chuyên mục Sau khi sinh và Sự phát triển của trẻ, cô mong muốn mang đến cho các mẹ những thông tin giá trị, chuẩn xác từ nhiều nguồn đáng tin cậy, được kiểm chứng bởi các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y khoa. Cùng với ban biên tập MarryBaby, cô luôn nỗ lực nhằm góp phần xây dựng một cộng đồng Mẹ và Bé uy tín nhất Việt Nam, vì sức khỏe toàn diện của mẹ và sự phát triển lành mạnh, tối ưu của bé.

Cô chia sẻ: “Với tôi, làm mẹ là một hành trình đáng tự hào nhưng cũng đầy thử thách. Và tôi tự hào lây với những người mẹ khi đồng hành cùng họ trên hành trình sinh nở lẫn nuôi dạy con”.