Biểu đồ tăng trưởng của trẻ được sử dụng trên toàn thế giới như một dữ liệu giúp đánh giá tổng quát tình hình phát triển thể chất của bé. Trong đó, biểu đồ phổ biến nhất được tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra với các chỉ số dành riêng cho bé trai và bé gái. Các chỉ số thường được theo dõi nhất là chiều cao, cân nặng, tỉ lệ cân nặng – chiều cao và chỉ số khối cơ thể. Ngoài ra, chu vi vòng đầu cũng là một chỉ số được sử dụng để đánh giá phần nào sự phát triển của bé. Các biểu đồ được chia theo từng độ tuổi khác nhau để tiện cho việc theo dõi của các bố mẹ và các chuyên gia y tế.
Cách hiểu biểu đồ tăng trưởng của trẻ
Trước hết, bố mẹ nên biết về 2 loại điểm phổ biến thường được dùng trên các biểu đồ tăng trưởng của trẻ: z-score và bách phân vị (percentile).
Với hệ điểm z-score, sử dụng thuật toán thống kê có tên các điểm tham chiếu của độ lệch chuẩn” (Standard Deviation scores) hay còn được gọi đơn giản là Điểm-z (z-score). Những đối tượng được thống kê được chia thành mức trung bình z=0, từ 1 đến 3 cao hơn mức trung bình và từ -1 đến -3 là dưới mức trung bình. Nên chú ý, dạng biểu đồ này cho thấy “sự lệch chuẩn” chứ không có nghĩa rằng mức trung bình z=0 là chuẩn mực cho tất cả trẻ em trên thế giới.
Mẹ cần chú ý khi bé ở nhóm -3 trở xuống. Với điều kiện dinh dưỡng và sức khỏe bình thường, các bé sẽ rất khó có khả năng nằm trong nhóm này.
Với hệ bách vị phân: Biểu đồ đánh giá các chuẩn khác nhau dựa trên % trẻ em cùng độ tuổi. Mẹ sẽ thấy trên cột ghi các số 3rd (3%), 15th (15%), 50t (50%), 85th (85%), 97th (97%). Các con số % này biểu thị cho số % của trẻ em trên thế giới ở dưới kênh đó.
Với biểu đồ tăng trưởng của trẻ ở hệ bách vị phân, không phải bé nằm ở mức 50% là đúng chuẩn hay bé ở mức 97% là vượt chuẩn như nhiều người vẫn nghĩ. Mỗi kênh diễn đạt sự phát triển của bé ở kênh đó. Chẳng hạn, một bé sinh ra có cân nặng thuộc kênh 15th thì bé tiếp tục tăng cân ở xung quanh kênh này là hoàn toàn bình thường. Biểu đồ cân nặng, chiều cao tính theo bách phân vị thường mang tính chất tham khảo nhiều hơn, được dùng cho phạm vi một nhóm, một cộng đồng để so với chuẩn quốc tế.
Nếu bé nằm ở nhóm 3rd trở xuống, mẹ nên cho con đi kiểm tra sức khỏe để tìm hiểu nguyên nhân. Thông thường, với điều kiện nuôi dưỡng phổ thông, bé cũng khó có thể lọt vào nhóm này.
Một lưu ý nhỏ khác, đó là các bé nằm ở nhóm 97% về cân nặng hoặc cao hơn cần được kiểm tra cả chỉ số BMI để tránh nguy cơ béo phì.
Về màu sắc được quy ước, các biểu đồ màu xanh là dành cho bé trai và màu hồng là dành cho bé gái.
Sử dụng biểu đồ tăng trưởng của trẻ như thế nào?
Một bản in biểu đồ tăng trưởng của trẻ thường nằm ở mặt sau các cẩm nang nuôi dạy con hoặc sổ khám bệnh sẽ giúp mẹ thuận tiện đánh giá hơn. Mẹ tiến hành đo cân nặng, chiều cao và chỉ số BMI, chu vi vòng đầu của con theo định kỳ 1,2,3 hay 6 tháng và đánh dấu chỉ số vào biểu đồ ở vị trí tháng tương ứng. Con số riêng lẻ trong mỗi đợt đo có thể sẽ lệch so với mức trung bình, nhưng nó không quan trọng bằng đường cong biểu thị sự phát triển theo thời gian. Nếu đường cong không đi lên trong một thời gian dài, đó là dấu hiệu đáng báo động. Bé sẽ cần được đánh giá kỹ hơn bởi các chuyên gia và cần nhiều thay đổi trong chế độ ăn cũng như sinh hoạt.
[inline_article id=66754]
Biểu đồ tăng trưởng chỉ là một trong những dữ liệu tham khảo đáng tin cậy cho các bố mẹ. Hơn ai hết, là người gần gũi nhất với con, bạn có thể nhận thấy những dấu hiệu bình thường hoặc bất thường trong các hoạt động của trẻ. Các giác quan của bé có phát triển tốt không? Khả năng vận động và nhận thức của trẻ có bị hạn chế không? Đó cũng là những câu hỏi vô cùng quan trọng mà bố mẹ cần trả lời, vì cân nặng và chiều cao không thể nói lên tất cả về sự phát triển của bé, cũng không phải là chỉ số có thể phản ánh được mức độ hạnh phúc, vui vẻ mà bé có.