Giai đoạn từ sơ sinh đến 2 – 3 tuổi là giai đoạn não bộ phát triển mạnh mẽ. Do đó, đây được xem là giai đoạn nền tảng để xây dựng khả năng học tập và thành công của trẻ khi trưởng thành. Vì vậy, nếu cha mẹ hiểu được cách não bộ hoạt động, phát triển cũng như cách đầu tư dinh dưỡng đúng cách sẽ có thể giúp con thông minh, nhanh nhạy ngay từ rất sớm.
Trẻ nhỏ phát triển não bộ trong những năm đầu đời như thế nào?
Bộ não là trung tâm chỉ huy của cơ thể. Trong đó, sự kết nối giữa các tế bào thần kinh là rất quan trọng để giúp não hoạt động, đặc biệt là chức năng học tập và ghi nhớ. Mẹ cần biết rằng não bộ được cấu tạo nên bởi các tế bào thần kinh, mỗi tế bào thần kinh có các sợi thần kinh để dẫn truyền hiệu lệnh thần kinh. Các tế bào thần kinh nối dài tiếp nhau thành một mạng lưới thần kinh rộng khắp, có thể nhận thông tin từ ngoài vào, truyền thông tin từ não đến các cơ quan [1], [2].
Trong những năm đầu đời, đặc biệt là giai đoạn trẻ 2 đến 3 tuổi là lúc các kết nối thần kinh hình thành mạnh mẽ, mỗi giây trôi qua não bộ của trẻ có thể tạo ra hơn 1 triệu kết nối thần kinh mới [1]. Trong đó, các tín hiệu thần kinh được dẫn truyền nhanh và chính xác là nhờ quá trình sản sinh bao myelin, còn gọi là myelin hóa và quá trình này cũng diễn ra mạnh mẽ trong 2 năm đầu đời [3].
Myelin là chất béo bao bọc bên ngoài sợi thần kinh để bảo vệ tế bào thần kinh, giúp dẫn truyền tín hiệu nhanh, hiệu quả hơn và điều hòa tốc độ xử lý của não bộ [3], [4]. Quá trình hình thành myelin ở trẻ đã được chứng minh lâm sàng có tương quan với 5 chức năng nhận thức như nhận thức tổng quát, tiếp thu ngôn ngữ, trí nhớ ngôn ngữ, trí nhớ hình ảnh và tốc độ xử lý thông tin [5], [6]. Do đó, quá trình hình thành myelin được xem là nền tảng cho sự phát triển trí não của trẻ.
Năm đầu tiên của trẻ: Khởi đầu giai đoạn vàng phát triển não bộ
Như đã đề cập, bộ não của trẻ tăng gấp đôi kích thước trong năm đầu đời. Phần lớn sự tăng trưởng này xảy ra ở khu vực được gọi là tiểu não, nơi chịu trách nhiệm phát triển thể chất và vận động. Sự phát triển này giúp bé học cách kiểm soát cơ thể, hình thành kỹ năng vận động thô và vận động tinh như cầm nắm đồ vật, trườn bò, thậm chí là đứng dậy… [7].
Trong khi đó, vùng vỏ não thị giác phát triển nhanh chóng giúp trẻ có thể nhận diện khuôn mặt. Tiếp theo, cấu trúc limbic, phần não kiểm soát cảm xúc và trí nhớ dài hạn, bắt đầu phát triển, giúp bé nhận thức rõ hơn về thế giới xung quanh. Các dấu hiệu sau đây sẽ giúp cha mẹ nhận biết trẻ đang phát triển tốt về trí não trong năm đầu đời [7]:
- Em bé thích nhìn bạn, cố gắng bắt chước biểu cảm của bạn và thích chơi trò ú òa
- Bé ăn uống ngon miệng và có kết quả phát triển đạt chuẩn sau những lần thăm khám sức khỏe định kỳ
- Bé có phản ứng đáp lại với những người quen thuộc
- Bé bắt đầu bập bẹ nói và tạo ra nhiều âm thanh ấn tượng
- Bé bắt đầu ngóc đầu lên, lăn lộn, bò, khi gần tròn 1 tuổi thì bé tự tập đứng được.
Khoảng 2 – 3 tuổi: Giai đoạn vàng của quá trình phát triển não bộ
Não bộ của trẻ trong giai đoạn vàng từ 2 đến 3 tuổi sẽ phát triển vô cùng mạnh mẽ, bởi vì:
- Kích thước não bộ của trẻ tiếp tục tăng trong giai đoạn này và đạt khoảng 80% kích thước so với người trưởng thành khi được 3 tuổi [1].
- Quá trình myelin hóa diễn ra mạnh mẽ nhất là trong 2 năm đầu đời [3]. Vào năm 2 tuổi, các vùng não liên quan đến ngôn ngữ có nhiều thay đổi tương ứng với khả năng ngôn ngữ của trẻ sẽ tăng lên nên được xem là độ tuổi của sự “bùng nổ” về vốn từ vựng [2].
- Các kết nối não bộ trở nên mạnh mẽ hơn với mỗi kỹ năng mới mà trẻ học được [8]. Khi được 3 tuổi, trẻ sẽ có khoảng 1.000 nghìn tỷ kết nối não bộ [9]. Lúc này, nhận thức của trẻ trở nên linh hoạt hơn. Đồng thời, trẻ cũng hiểu rõ hơn về nguyên nhân và kết quả [2].
Bí quyết nuôi con trong giai đoạn vàng giúp trẻ thông minh, nhanh nhạy
Đầu tư dinh dưỡng cho trẻ phát triển não bộ không chỉ tập trung vào DHA/ARA
Docosahexaenoic acid (DHA) và arachidonic acid (ARA) là các axit béo không bão hòa mạch dài đa nối đôi (LC-PUFAs) được tìm thấy trong sữa mẹ. Những dưỡng chất này đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng, phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các chuyên gia đều nhận định rằng những axit béo như DHA và ARA là nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển các chức năng của não bộ, thị giác và cả hệ miễn dịch [10].
Tuy nhiên, để giúp trẻ thông minh, nhanh nhạy từ những năm đầu đời thì chỉ bổ sung DHA và ARA là chưa đủ mà bé sẽ cần được bổ sung thêm nhiều dưỡng chất hơn như Sphingomyelin, Alpha lactabumin, sắt, axit folic và vitamin B12 để thúc đẩy quá trình myelin [13]. Điều này rất quan trọng bởi vì quá trình hình thành myelin diễn ra càng nhanh thì sự hình thành của các kết nối não bộ cũng diễn ra thuận lợi. Theo đó, càng nhiều kết nối não bộ hình thành và truyền tín hiệu nhanh thì bé sẽ càng thông minh, phản xạ, xử lý thông tin nhanh hơn [6]. Mẹ có thể giúp con bổ sung các dưỡng chất này thông qua việc:
– Nuôi con bằng sữa mẹ: Cho bé bú mẹ hoàn toàn trong giai đoạn 6 tháng đầu đời hoặc cho đến khi bé được 2 tuổi [11]. Sữa mẹ là nguồn cung cấp các acid béo quan trọng như DHA, ARA, chiếm hơn 20% hàm lượng axit béo của não. Ngoài ra, khoảng 40% hàm lượng lipid trong sữa mẹ trưởng thành là sphingomyelin – một loại sphingolipid đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bao myelin để giúp não bộ trẻ truyền tín hiệu nhanh, chính xác hơn [12].
Bí quyết chăm sóc, nuôi dưỡng kích thích não bộ của trẻ
Ba năm đầu tiên của cuộc đời được xem giai đoạn rất quan trọng đối với việc học tập và phát triển của trẻ. Ngoài việc chăm sóc dinh dưỡng đúng cách, ba mẹ cũng nên nuôi dưỡng trí thông minh cho con bằng cách:
- Đọc sách, kể chuyện cho bé nghe để giúp con phát triển khả năng ngôn ngữ, giao tiếp, ghi nhớ hình ảnh, tăng sự gắn kết giữa cha mẹ và bé [14], [15]
- Cho bé nghe, tiếp xúc với âm nhạc hoặc đối với trẻ lớn hơn bạn có thể cho con học chơi nhạc cụ. Hoạt động này cũng hỗ trợ tăng kết nối thần kinh mạnh mẽ hơn. m nhạc có thể ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, tư duy hoặc suy luận không gian [16]
- Đảm bảo bé ngủ đủ giấc. Việc thiếu ngủ ở trẻ em đã được chứng minh là làm suy giảm khả năng học tập, ghi nhớ, giải quyết vấn đề, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và hành vi khiến trẻ gia tăng lo lắng, căng thẳng, trầm cảm, hung hăng hơn [14]
- Cho trẻ chơi những trò chơi phù hợp với độ tuổi, tạo điều kiện để con được học hỏi và khám phá thế giới xung quanh nhằm phát triển trí não tốt hơn, kích thích sự sáng tạo và niềm yêu thích học tập [17].
Dinh dưỡng và phương pháp nuôi con đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển trí não của trẻ nhỏ. Hy vọng những thông tin trên đã giúp mẹ biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng bé yêu trong giai đoạn vàng để con thông minh, nhanh nhạy từ những năm đầu đời.
Mời mẹ xem thêm nhiều bài viết bổ ích về việc bồi dưỡng sự thông minh nhanh nhẹn cho con từ sớm tại đây.