Táo bón ở trẻ sơ sinh và những thay đổi trong chế độ ăn uống
Khi bé bắt đầu ăn dặm trong giai đoạn 4 đến 6 tháng tuổi cũng là lúc những cơn đau bụng đầu tiên liên quan đến thức ăn xuất hiện. Chẳng hạn, đậu có thể làm bé đầy hơi trong những ngày đầu tiên bé bắt đầu thử ăn thức ăn đặc, nhưng đây chỉ là tình trạng tạm thời.
Vấn đề dạ dày phổ biến nhất với những bé bắt đầu ăn dặm là chứng táo bón. Táo bón ở trẻ sơ sinh được định nghĩa là bé không đi tiêu trong vòng 2-3 ngày. Sau đó chỉ đi dưới dạng phân cứng nhỏ. Nếu bé gặp phải tình trạng trên ở giai đoạn đầu ăn dặm, đây không phải là triệu chứng đáng lo ngại. Sau một vài tuần, hệ thống tiêu hóa của bé sẽ tự điều chỉnh theo những thay đổi trong chế độ ăn uống. Bé sẽ bắt đầu đi tiêu thường xuyên hơn.
Nếu bé ăn thức ăn đặc hay các thức ăn rắn, bạn có thể giúp bé bằng cách cho bé ăn những thức ăn giúp nhuận tràng như mơ, lê, mận và cắt giảm những loại có khả năng gây táo bón ở trẻ sơ sinh như chuối, táo, cà rốt, gạo và bí. Ngoài ra, uống nhiều nước cũng có thể giúp bé tiêu hóa tốt hơn.
Tập thể dục cũng là một biện pháp kích thích ruột hoạt động và góp phần trị bệnh táo bón ở trẻ sơ sinh. Thử đặt bé nằm thẳng và cho bé làm động tác đạp chân như đang đi xe đạp.
Viêm ruột và dạ dày
Nôn ói hay tiêu chảy đi kèm đau bụng là những dấu hiệu điển hình của viêm ruột và dạ dày. Viêm ruột – dạ dày mô tả tình trạng dạ dày và ruột bị viêm do virus hoặc vi khuẩn. Virus là thủ phạm phổ biến nhất, bao gồm rotavirus, adenovirus, calicivirus, và astrovirus.
Viêm ruột – dạ dày cũng có thể xảy ra do nhiễm trùng bởi vi khuẩn có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng hơn như: Salmonella, Shigella, Staphylococcus, Campylobacter, hoặc E. coli. Cũng có trường hợp viêm ruột – dạ dày là do ký sinh trùng như Giardia gây nên.
Các triệu chứng cúm dạ dày của bé sẽ tùy theo mức độ, có thể kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cụ thể. Nếu bé bị nôn mửa hay tiêu chảy, sốt cùng với cảm giác mất ngon miệng có thể nhanh chóng dẫn đến tình trạng mất nước.
Điều quan trọng nhất là ba mẹ cần cho bé uống nhiều chất lỏng như sữa bột hoặc sữa mẹ trong khi chiến đấu với bệnh. Bạn cũng có thể cho bé uống từng ngụm nhỏ dung dịch điện giải để thay thế chất lỏng, khoáng chất và muối bé đã bị mất. Nếu bé có dấu hiệu nghiêm trọng của tình trạng mất nước, cần đưa bé đến phòng cấp cứu ngay để các bác sĩ can thiệp y tế.
Sau khi tình trạng đã khá hơn, bạn có thể cho bé trở lại chế độ ăn uống bình thường kể cả thức ăn đặc nếu bé đã bắt đầu ăn dặm. Nên tránh thức ăn nhiều chất béo.