Khi bé bắt đầu tập ăn, mẹ phải chọn món nào vừa hợp với độ tuổi của bé lại vừa giúp bé thêm khỏe mạnh. Bỏ túi 10 siêu thực phẩm ăn dặm sau mẹ nhé!
10 siêu thực phẩm ăn dặm cho bé
1. Việt quất
Việt quất là nguồn dồi dào chất chống oxy hóa và flavonoid, cực kỳ có lợi cho mắt và não bộ của bé, thậm chí tốt cho cả đường tiết niệu. Nếu ngại chua, mẹ có thể tự làm nước ép việt quất hoặc làm mứt, cho thêm chút đường và trộn thêm vào sữa chua cho bé dễ ăn.
Phần ăn của trẻ: Để 1/4 bát quả việt quất vào lò vi sóng khoảng 30 giây, sau đó trộn với sữa chua.
2. Siêu thực phẩm ăn dặm 2: Sữa chua
Đây là lựa chọn thực phẩm giàu canxi cho bé mẹ nên bổ sung vào thực đơn ăn dặm của con. Ngoài ra, sữa chua còn chứa vitamin D, các lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa non nớt của bé. Trẻ sơ sinh có thể ăn sữa chua khi bé được 6 tháng tuổi. Bé cần lượng calorie từ chất béo trong sữa chua, vì vậy mẹ đừng chọn cho con loại tách béo, ít béo hay ăn kiêng nhé.
Phần ăn của trẻ: Trộn sữa chua với loại trái cây nghiền khác như cam, quýt, chuối, táo, bơ.
3. Siêu thực phẩm ăn dặm 3: Bí đỏ
Món ăn chế biến từ bí đỏ vừa bắt mắt lại vừa ngon ngọt. Mẹ có thể nấu bột bí đỏ, hấp để cho con cầm ăn. Lượng beta-carotene dồi dào trong bí đỏ là nguồn dưỡng chất hoàn hảo dành cho mắt.
[inline_article id = 24053]
Phần ăn của trẻ: Nấu súp bí đỏ và thêm chút phô mai béo ngậy.
4. Siêu thực phẩm ăn dặm 4: Đậu lăng
Siêu thực phẩm này cung cấp cho bé protein và chất xơ hòa tan, cùng với lượng sắt gấp đôi so với những loại rau củ khác. Đậu lăng cũng giàu vitamin B, folate. Mẹ có thể tìm mua đậu lăng ở các cửa hàng bán thực phẩm của người Ấn hoặc các nhà hàng Ấn.
Phần ăn của trẻ: Nấu đậu lăng với cháo là lựa chọn dễ dàng nhất.
5. Siêu thực phẩm ăn dặm 5: Các loại rau lá xanh đậm
Không bao giờ là quá sớm để khuyến khích bé ăn rau. Cải xoăn, kale, là loại rau có lá xanh đậm cực kỳ giàu folate và sắt. Mẹ có thể chọn một số loại rau khác như cải bó xôi, đậu Hà Lan, rau cải, bắp cải…
Phần ăn của trẻ: Hấp, sau đó xay nhuyễn rau, trộn với ngũ cốc, bột hoặc cháo. Tỷ lệ 2 phần rau 1 phần bột/cháo mẹ nhé!
6. Siêu thực phẩm ăn dặm 6: Bông cải xanh
Nhiều chất xơ, folate và canxi, bông cải xanh còn là nguồn thực phẩm giúp ngăn ngừa bệnh ung thư. Đừng quên tập cho bé ăn bông cải ngay từ lúc mới ăn dặm, bé sẽ không tỏ ra khó khăn khi ăn rau sau này.
Phần ăn của trẻ: Hấp cho đến khi rau mềm, cắt thành miếng nhỏ bằng hạt đậu, để nguội. Bông cải xanh hơi có mùi, vì vậy tốt nhất mẹ nên cho trẻ ăn khi rau đã nguội.
7. Siêu thực phẩm ăn dặm 7: Quả bơ
Giàu chất béo lành mạnh, bơ là trái cây rất tốt để kích thích não bộ con phát triển.
Phần ăn của trẻ: Trộn bơ với các loại thực phẩm khác như phô mai, táo, chuối hoặc cho bé ăn kèm bánh quy giòn.
8. Siêu thực phẩm ăn dặm 8: Thịt đỏ
Chỉ cần hầm mềm thật mềm, mẹ có thể cho bé nhấm nháp chút thịt đỏ giàu sắt và kẽm này.
Phần ăn của trẻ: Khi hầm thịt, mẹ có thể cho thêm các gia vị khác để món ăn thêm hấp dẫn như gừng hoặc rau mùi tây.
9. Siêu thực phẩm ăn dặm 9: Mận khô
Nghe có vẻ khô khan, nhưng loại trái cây sấy khô này lại là nguồn chất xơ dồi dào. Trẻ có thể bị táo bón khi chuyển sang ăn chất rắn. Vì vậy, thêm mận khô xay nhuyễn vào chế độ ăn uống của bé có thể giúp hệ tiêu hóa bé hoạt động trơn tru.
Phần ăn của trẻ: Nghiền mận khô, sau đó trộn với ngũ cốc hoặc nước ép táo. Nếu bé có vẻ khá khó chịu với chứng táo bón, mẹ có thể pha 1-2 thìa cà phê nước ép mận vào sữa công thức hoặc sữa mẹ cho trẻ bú.
10. Siêu thực phẩm ăn dặm 10: Quýt
Giàu vitamin C và chất chống oxy hóa, quýt là loại trái cây với hương vị lý tưởng cho trẻ ăn dặm.
Phần ăn của trẻ: Cắt nhỏ múi quýt lớn ra từng phần nhỏ để trẻ có thể cho vào miệng ăn mà không bị hóc hay nghẹn.
Nhóm thực phẩm nên có trong thực đơn ăn dặm của bé
1. Thực phẩm giàu chất sắt
Hấp thu đủ chất sắt trong giai đoạn này có vai trò quyết định cho sự phát triển vĩnh viễn của não bé sau này. Nguồn chất sắt tự nhiên khi bé sinh ra bắt đầu giảm dần từ tháng thứ 6. Đó là lý do vì sao chất sắt trở thành nguồn dưỡng chất tối quan trọng cho bé khi ăn dặm.
Nguồn thực phẩm chứa nhiều chất sắt gồm: thịt đỏ, thịt gà, trứng, rau xanh. Vitamin C giúp hấp thu chất sắt hiệu quả hơn nên thực đơn của bé cũng cần có thực phẩm giàu vitamin C như các loại trái cây có múi hay cà chua.
2. Thực phẩm giàu vitamin D
Đây là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho hệ xương khớp khỏe mạnh. Nguồn thực phẩm chứa vitamin D có nhiều trong các loại cá có dầu, trứng, ngũ cốc…
3. Thực phẩm giàu omega-3
Giúp cho não bộ, hệ thần kinh và thị lực bé phát triển khỏe mạnh. Ngoài các loại cá béo, cá hồi… mẹ có thể bổ sung thêm omega-3 trong trứng và rau xanh đậm.
Thực phẩm không nên có trong thực đơn của bé
Chế độ ăn uống khỏe mạnh vào đúng giai đoạn phát triển của bé có ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của bé sau này. Vì vậy, cần tránh cho bé ăn:
- Muối: Bé dưới 12 tháng cần tránh ăn thực phẩm chứa nhiều muối như nước sốt, viên gia vị. Tránh ăn nhiều muối vì sẽ làm tổn hại thận của bé và ngăn ngừa hình thành thói quen ăn mặn sau này, giúp phòng ngừa hiệu quả bệnh cao huyết áp về sau.
- Trứng chưa nấu chín: không được dùng cho bé dưới 12 tháng. Bé chỉ nên ăn trứng đã được nấu chín kỹ.
- Mật ong: tuy rất tốt với cho người lớn nhưng bé dưới 12 tháng tuổi không được dùng vì có nguy cơ bị ngộ độc.
- Thực phẩm nhiều đường và chất béo: Các loại thực phẩm này vừa gây sâu răng, béo phì và thừa cân khi trưởng thành nên tốt nhất phải cho bé hạn chế ăn.
- Trà, cà phê và thức uống có ga: Trà và cà phê chứa tannin hạn chế sự hấp thu chất sắt trong khi thức uống có ga thường chứa nhiều đường gây ảnh hưởng sức khỏe răng miệng, béo phì và thừa cân.
- Sữa bò: không nên dùng sữa bò làm thức uống chính cho bé dưới 12 tháng.
- Các loại hạt chưa tách, còn nguyên: không chỉ hạn chế cho bé dưới 12 tháng mà thậm chí bé dưới 15 tháng cũng không nên ăn để tránh bị nghẹn.
- Thịt đóng hộp như giăm bông, thịt muối, xúc xích chứa rất nhiều muối và chất phụ gia không thích hợp cho bé nhỏ. Hạn chế cho bé ăn các loại thịt này để ngăn ngừa nguy cơ bé mắc các bệnh tim mạch và huyết áp khi trưởng thành.
>>> Các chủ đề liên quan:
MarryBaby