Giá đỗ chính là một loại rau mầm hoàn hảo cho thực đơn của bé, nhất là các bé bước vào tuổi ăn dặm. Nghiên cứu cho thấy hàm lượng chất dinh dưỡng trong giá đỗ tăng lên gấp nhiều lần so với nguyên liệu làm ra nó.
Chẳng hạn, đậu xanh sau khi làm thành giá đỗ sẽ có hàm lượng dinh dưỡng đáng mơ ước: vitamin C tăng gấp 40 lần, vitamin B2 tăng 2-4 lần, vitamin B12 tăng 10 lần, caroten tăng 2 lần…
Vì vậy sẽ thật tiếc nếu nhiều mẹ không biết điều này để thêm giá đỗ vào thực đơn ăn dặm của con. Tuy nhiên, muốn cơ thể bé nhận hết các lợi ích từ giá đỗ, mẹ cần phải tìm hiểu bé mấy tháng ăn được giá đỗ.
[inline_article id=260237]
Bé mấy tháng ăn được giá đỗ?
Theo chuyên gia dinh dưỡng, giá đỗ khá lành tính. Nhưng thời điểm tốt nhất bắt đầu cho trẻ ăn giá đỗ là từ 6 tháng tuổi. Cũng như việc tập cho con ăn các loại thực phẩm khác, mẹ nên bắt đầu bằng một lượng nhỏ để thăm dò phản ứng cơ thể của bé. Sau đó mẹ bắt đầu tăng lượng giá đỗ lên nhiều hơn theo quy chuẩn là lượng giá đỗ tương đương với lượng bột, gạo nấu cho bé. Như vậy mẹ đã biết bé mấy tháng ăn được giá đỗ rồi phải không.
Với trẻ ăn bột, mẹ đem giá đỗ xay nhuyễn với một ít nước rồi lọc lấy nước cốt và cho vào bột trong quá trình nấu. Với trẻ ăn cháo, mẹ giữ nguyên hỗn hợp sau xay rồi cho vào cháo của trẻ sau cùng, kế đến đun sôi cháo lần nữa là được. Mẹ lưu ý tránh cho giá đỗ vào nấu ngay từ đầu sẽ làm thất thoát đáng kể hàm lượng dinh dưỡng. Đây là cách nấu cháo giá đỗ cho bé đúng nhất mà mẹ cần biết.
Thành phần dinh dưỡng trong giá đỗ
Một điều khiến nhiều người bất ngờ là giá đỗ tuy làm từ đỗ nhưng có hàm lượng dinh dưỡng cao gấp nhiều lần đỗ. Vì vậy, cho bé ăn giá đỗ chính là cách đơn giản để trẻ hấp thu hàm lượng dinh dưỡng từ ngũ cốc. Đặc biệt, giá đỗ chứa hàm lượng đạm thực vật cao nhất trong số các thức ăn từ thực vật. Nhiều vitamin và khoáng chất cũng được tìm thấy trong giá đỗ như vitamin A, C, vitamin nhóm B (riêng hàm lượng vitamin B9 – axit folic rất cao), vitamin E, canxi, photpho, sắt…
Giá đỗ có thể làm từ nhiều loại đậu khác nhau như đậu xanh, đậu nành, đậu lăng, đậu đen… Đáng chú ý, giá đỗ làm từ đậu nành chứa hàm lượng dinh dưỡng cao gấp nhiều lần giá đỗ làm từ đậu xanh. Mẹ tham khảo bảng thành phần dinh dưỡng sau sẽ nhận ra điều thú vị này.
Bảng so sánh hàm lượng dinh dưỡng có trong 104g giá đỗ đậu xanh và giá đỗ đậu nành
Giá đỗ đậu xanh | Giá đỗ đậu nành |
Calories: 31 | Calories: 126 |
Carbs: 6g | Carbs: 10,4g |
Protein: 3g | Protein: 13,3g |
Vitamin C: 15% DV (*) | Vitamin C: 17,8% DV |
Folate: 16% DV | Folate: 44,5% DV |
Sắt: 5% DV | Sắt: 11,8% DV |
(*) DV: Daily Value – giá trị dinh dưỡng hàng ngày
Điều người ta hay ca ngợi thực phẩm này là do nó giúp ngừa ung thư, duy trì thanh xuân cho chị em phụ nữ và tăng cường sinh lý đàn ông nhờ chứa nhiều chất chống oxy hóa. Khi nghĩ về lợi ích đối với đàn ông, người ta lo rằng giá đỗ sẽ tác động tiêu cực đến sinh lý trẻ. Nhưng theo chuyên gia, cũng giống như ăn đậu phụ thường xuyên, chỉ khi cho trẻ ăn lượng gấp 500 lần như bình thường mới gây ảnh hưởng đến hormone giới tính. Vì vậy, khi biết bé mấy tháng ăn được giá đỗ, mẹ cứ yên tâm cho con ăn nhé.
Cùng với đó, giá đỗ hỗ trợ thanh lọc, thải độc cho cơ thể, kể cả thạch tín. Mặt khác, đây cũng là thực phẩm vàng cho người đang mắc các bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, máu nhiễm mỡ, thoái hóa khớp, Parkinson, Alzheimer, ung thư…
Riêng với trẻ em, giá đỗ mang lại rất nhiều lợi ích.
1. Tăng sức đề kháng
Vitamin C và sắt chứa nhiều trong giá đỗ góp phần cải thiện hệ thống miễn dịch cho bé. Nếu vitamin C làm tăng các tế bào bạch cầu chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, virus… thì sắt giúp bảo vệ các tế bào cơ thể tránh khỏi nguy cơ nhiễm trùng.
2. Bảo vệ đôi mắt luôn khỏe mạnh
Vitamin A và caroten trong giá đỗ giúp bảo vệ đôi mắt khỏe mạnh và ngừa các bệnh về mắt. Mặt khác, nghiên cứu cho thấy axit folic chứa nhiều trong giá đỗ cũng hiệu quả trong việc cải thiện sức khỏe thị lực.
3. Ngừa táo bón
Nếu trẻ táo bón, mẹ cứ xay nhuyễn giá rồi cho vào cháo, đảm bảo nguồn chất xơ dồi dào từ giá đỗ sẽ cải thiện hoạt động của nhu động ruột, chấm dứt tình trạng táo bón ở bé. Nhưng phải biết bé mấy tháng ăn được giá đỗ thì mẹ mới cho con ăn giá đỗ nhé.
4. Bổ máu và tốt cho não
Giá đỗ chứa hàm lượng dồi dào axit folic (folate). Mẹ nào đã từng trải qua sinh nở chắc chắn sẽ biết đến tầm quan trọng của axit folic trong việc giảm thiểu nguy cơ khiếm khuyết ống thần kinh ở thai nhi.
Với trẻ nhỏ, axit folic cũng quan trọng không kém. Việc thiếu hụt dưỡng chất này có thể gây thiếu máu, làm suy yếu chức năng nhận thức, chức năng thần kinh.
Cách làm giá đỗ
Giá đỗ bán ngoài chợ có thể chứa các hóa chất độc hại do người bán vì tham lợi nhuận nên đã dùng chất kích thích tăng trưởng trong quá trình sản xuất. Vì vậy, để đảm bảo giá đỗ trẻ ăn là loại an toàn và tốt nhất cho sức khỏe, mẹ nên học cách làm giá đỗ.
1. Chuẩn bị nguyên liệu
- 100g đậu xanh (hoặc loại đậu nào mẹ muốn làm giá đỗ)
- 2 khăn vải mùng hoặc khăn vải bông
- Rổ hoặc khay đựng thoát nước
- 1 bình tưới cây có vòi xịt
2. Các bước thực hiện
- Làm sạch đậu, loại bỏ các hạt sâu hỏng, mốc…
- Ngâm đậu trong nước ấm tỷ lệ 3 sôi 2 lạnh. Sau 6 tiếng thì thay nước một lần. Ngâm đủ 12 tiếng thì vớt ra. Lúc này mẹ sẽ thấy đậu đã nảy mầm.
- Cho đậu vào rổ, xả nhẹ dưới vòi nước để làm sạch, tránh xả mạnh vì sẽ làm mầm đậu gãy nát.
- Dùng khăn trải xuống đáy rổ, khay thoát nước. Rải đều một lớp đậu lên bề mặt rồi dùng chiếc khăn còn lại nhúng nước đắp lên.
- Để ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời, cứ 4 tiếng thì xịt nước lên bề mặt khăn (nhưng tránh xịt nhiều làm nước đọng gây úng giá).
- Thu hoạch giá sau 3 ngày.
Sau khi đã biết bé mấy tháng ăn được giá đỗ, nếu bé ở nhà đã hơn 6 tháng, mẹ cứ tự tin bổ sung giá đỗ vào thực đơn cho con nhé.
Hương Lê