Categories
Sự phát triển của trẻ Dinh dưỡng cho bé Năm đầu đời của bé

4 dưỡng chất vàng mẹ cần bổ sung để trẻ sinh mổ phát triển khỏe mạnh

So với trẻ sinh thường, trẻ sinh mổ có thể “thua thiệt” nhiều hơn về hệ vi sinh đường ruột và sự phát triển của hệ miễn dịch. Chính vì vậy, trong quá trình chăm sóc trẻ sinh mổ, mẹ sẽ cần lưu ý bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết ngay từ những ngày đầu đời để giúp trẻ phát triển tốt nhất.

Đâu là những dưỡng chất mẹ cần bổ sung cho trẻ sinh mổ? Trong bài viết này, Marry Baby sẽ chia sẻ 4 dưỡng chất mẹ cần bổ sung cho trẻ sinh mổ để giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. 

1. Canxi và vitamin D – Bộ đôi dưỡng chất giúp xương chắc khỏe

Canxi và vitamin D là 2 dưỡng chất rất cần thiết cho sức khỏe xương và răng của trẻ sơ sinh [1, 2], kể cả trẻ sinh mổ. Đặc biệt, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất cần canxi và vitamin D để ngăn ngừa bệnh còi xương – căn bệnh làm mềm xương, gây ra tình trạng chân vòng kiềng, còi cọc, gây đau hoặc yếu cơ [2].

Canxi là khoáng chất giúp xương chắc khỏe và cần cho sự hoạt động của các dây thần kinh, cơ bắp. Bên cạnh đó, khoáng chất này còn đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Nếu được cung cấp đủ canxi trong những năm tháng đầu đời, trẻ sẽ có hệ xương chắc khỏe khi ở tuổi trưởng thành và có thể giảm nguy cơ bị loãng xương khi về già. [2]

Ngoài canxi, việc bổ sung vitamin D cho trẻ sinh mổ cũng rất quan trọng. Bởi vitamin D sẽ giúp cơ thể hấp thụ canxi, từ đó hình thành và củng cố xương chắc khỏe. Nếu không có vitamin D, trẻ sẽ dễ bị gãy xương và gặp phải các vấn đề về tăng trưởng. Ngoài ra, trẻ cũng cần vitamin D để phát triển trí não và sức khỏe hệ miễn dịch. [1]

Trẻ dưới 6 tháng tuổi sẽ cần 200mg canxi mỗi ngày, trẻ từ 6 – 11 tháng sẽ cần 260mg và trẻ có thể nhận được lượng canxi này thông qua sữa mẹ hoặc sữa công thức mà không cần dùng thêm các sản phẩm bổ sung [2]. Đối với vitamin D, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị, lượng vitamin D trẻ sơ sinh cần mỗi ngày là 400 IU. Nếu trẻ bú mẹ, bạn sẽ cần bổ sung thêm vitamin D cho trẻ vì lượng vitamin D có trong sữa mẹ không đủ. Còn nếu trẻ bú sữa công thức, mẹ cũng cần bổ sung thêm nếu trẻ uống ít hơn 960ml sữa công thức mỗi ngày. [1] Thông thường, lời khuyên đơn giản dành cho cha mẹ là nên cho trẻ bổ sung vitamin D đến 1 tuổi. Đây là giai đoạn trẻ đã được bổ sung vitamin D nhờ ăn dặm và uống sữa đầy đủ.

2. Sắt – Dưỡng chất giúp trẻ giảm nguy cơ thiếu máu

trẻ sinh mổ

Với trẻ sơ sinh, dù là sinh thường hay sinh mổ thì sắt vẫn là một trong những dưỡng chất mà mẹ cần chú ý bổ sung cho trẻ trong những ngày tháng đầu đời. Sắt là khoáng chất rất cần cho sự phát triển não bộ [3]. Ngoài ra, việc thiếu sắt cũng có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu ở trẻ bởi sắt có tác dụng tạo ra hemoglobin, một loại protein có trong tế bào hồng cầu có thể mang oxy đến tất cả các tế bào trong cơ thể. Khi cơ thể không có đủ chất sắt, các tế bào hồng cầu có thể bị thiếu hemoglobin, khiến tế bào hồng cầu bị nhỏ và nhợt nhạt hơn. [4]

Thông thường, trẻ sơ sinh đủ tháng khỏe mạnh có sẵn nguồn dự trữ sắt trong cơ thể khi vừa chào đời. Trong 6 tháng đầu đời, trẻ bú sữa mẹ sẽ nhận đủ lượng sắt cơ thể cần từ sữa mẹ. Tuy nhiên, đối với trường hợp trẻ không bú sữa mẹ, hãy chọn sữa công thức có bổ sung chất sắt để đảm bảo trẻ nhận được đủ dưỡng chất này mẹ nhé! [4]

3. DHA – Giúp phát triển trí não

DHA hay axit docosahexaenoic, một phần của họ axit béo omega-3, là một loại axit béo không bão hòa đa chuỗi dài rất cần cho sự phát triển của não bộ và võng mạc của trẻ sơ sinh. Trẻ được cung cấp đủ DHA trong giai đoạn đầu đời không chỉ giúp mắt sáng rõ, thị lực phát triển tốt mà còn mang đến những lợi ích tích cực trong việc phát triển nhận thức, hành vi của trẻ trong tương lai. [14]

Đối với trẻ bú mẹ, lượng DHA mà trẻ nhận được sẽ đến chủ yếu từ nguồn sữa mẹ. Vì thế khi cho con bú, mẹ nên ăn nhiều thực phẩm giàu DHA. Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong thời gian mang thai, tùy từng giai đoạn, phụ nữ nên bổ sung ít nhất 100 – 200 mg DHA mỗi ngày thông qua các nguồn thực phẩm như cá hồi, trứng, hạt óc chó, hàu… hoặc viên uống bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ [6]. Đối với trẻ bú mẹ phối hợp cùng sữa công thức, trẻ sẽ nhận được đủ lượng DHA thông qua sữa. Vì thế, mẹ nên lưu ý chọn sữa có chứa DHA nhé [6]!

4. Prebiotics và probiotic giúp tăng cường hệ miễn dịch

trẻ sinh mổ

Một trong những sự khác biệt lớn nhất giữa trẻ sinh thường và trẻ sinh mổ là trẻ sinh mổ không có cơ hội nhận được sự được sự bảo vệ từ hệ vi sinh vật của mẹ. Nếu như trẻ sinh thường được tiếp xúc với hệ lợi khuẩn từ âm đạo và môi trường, giúp phát triển hệ miễn dịch ngay từ khi chào đời thì trẻ sinh mổ lại “bỏ lỡ” cơ hội này. Chính vì thế, trẻ sinh mổ thường dễ bị mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, có nguy cơ cao mắc phải một số bệnh về hệ miễn dịch và tình trạng sức khỏe sẽ yếu hơn so với trẻ sinh thường [9].

1000 ngày đầu tiên là mốc thời gian quan trọng, đặt nền tảng cho sức khỏe của trẻ trong tương lai. Trong giai đoạn này, đường tiêu hóa của trẻ sơ sinh sẽ trải qua quá trình tăng trưởng và phát triển nhanh chóng, bao gồm cả việc hình thành hệ vi sinh vật đường ruột [10]. Chính vì vậy, đây chính là “thời điểm vàng” để giúp hệ vi sinh đường ruột của trẻ sinh mổ lấy lại sự cân bằng. Từ đó, góp phần củng cố và nâng cao hệ miễn dịch, giúp trẻ sinh mổ phát triển khỏe mạnh như trẻ sinh thường.

Để hệ vi sinh đường ruột của trẻ sinh mổ nhanh lấy cân bằng, bạn sẽ cần chú ý bổ sung probiotic và prebiotic cho trẻ trong những ngày tháng đầu sau sinh [10]:

+ Probiotic là những vi sinh vật có lợi (hay được gọi là “lợi khuẩn”) giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch [11, 15]. Bifidobacterium breve là chủng lợi khuẩn được tìm thấy phổ biến trong cả sữa mẹ và đường ruột của bé bú mẹ [17]. 

+ Prebiotics: là chất xơ khó tiêu hóa bị vi khuẩn phân hủy và cũng là nguồn thức ăn cho các vi sinh vật có lợi. Nhờ khả năng thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn trong đường ruột nên prebiotic hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ sơ sinh và kích thích nhu động ruột, giúp phân mềm hơn [13]. 

Để bổ sung prebiotics và probiotic, mẹ sẽ cần cho bé bú mẹ càng sớm càng tốt trong những ngày đầu đời. Khi mẹ cho bé bú, sữa mẹ mang đến một sự kết hợp hài hoà, không ngừng tinh chỉnh giữa prebiotics và probiotic để phù hợp với nhu cầu của con. Đồng thời, sữa mẹ còn giúp bổ sung hơn 200 loại prebiotics để nuôi dưỡng các lợi khuẩn trong đường ruột, giúp giảm lượng vi sinh vật gây bệnh, ngăn ngừa nhiễm trùng, phát triển hệ miễn dịch [16]. 

Nếu vì một lý do nào đó mà bạn không thể cho bé bú mẹ hoặc sau sinh mổ mẹ gặp khó khăn khi cho con bú, mẹ cũng đừng quá lo, mẹ hãy tìm đến sự tư vấn của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để tìm các phương pháp hỗ trợ thích hợp.

Qua những chia sẻ trên, Marry Baby hy vọng mẹ sẽ hiểu rõ hơn về những dưỡng chất cần bổ sung cho trẻ sinh mổ. Dù trẻ sinh mổ có thể “thua thiệt” so với trẻ sinh thường do thiếu hụt vi sinh vật có lợi từ mẹ nhưng nếu bạn chăm sóc bé đúng cách và chú ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, trẻ sinh mổ vẫn có thể phát triển khỏe mạnh.