Việc khi nào nên đổi sữa cho bé là một quyết định rất quan trọng vì sữa là một trong những thức ăn chính của trẻ. Nếu mẹ chọn sai sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí não, cân nặng, chiều cao… của bé.
Trẻ dưới 6 tháng tuổi nên bú sữa mẹ hoàn toàn
Thường trẻ dưới 6 tháng thì mẹ không nên lăn tăn khi nào nên đổi sữa cho bé. Giai đoạn này sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu mà không có loại thực phẩm hay sữa công thức nào có thể thay thế. Bởi vì sữa mẹ bảo vệ hệ tiêu hóa và hô hấp của bé, giúp bé thông minh hơn cũng như có hệ miễn dịch ổn định.
Thay vì luôn tự hỏi có nên đổi sữa cho bé thì cách tốt nhất là mẹ tập trung ăn uống, tẩm bổ để nâng cao chất lượng sữa mẹ.
<< Bạn có thể tìm hiểu thêm: Sữa mẹ loãng phải làm sao cho đặc, thơm và đủ dưỡng chất?
Khi nào nên đổi sữa cho bé?
Khi nào nên đổi sữa cho bé? Mẹ nên đổi sữa cho bé nếu sữa cũ làm bé còi cọc chậm lớn, gây táo bón hoặc tiêu chảy, mùi vị sữa không hấp dẫn nên bé lười uống sữa…
Thường mỗi loại sữa bột sẽ tạo ra một hệ vi sinh đường ruột khác nhau. Nếu con đã quen với một loại sữa nào đó đồng thời phát triển tốt, khỏe mạnh thì mẹ không nên vì nghe lời người này người kia mà đổi sữa cho con. Mặt khác, khi con chuyển qua cột mốc phát triển mới như sáu tháng, 1 tuổi, 18 tháng… thì mẹ nên cho con uống dòng sữa tương ứng với số tháng tuổi của con. Không nhất thiết đổi nhãn sữa mới nếu nhãn sữa cũ giúp con tăng trưởng tốt. Bởi nhiều bé sẽ mất không ít thời gian để thích nghi với loại sữa mới mà chưa chắc sữa mới lại hợp với bé.
Các yếu tố ảnh hưởng đến việc đổi sữa cho bé
Không chỉ biết khi nào nên đổi sữa cho bé, mẹ còn phải để ý các yếu tố sau:
– Độ tuổi của bé
Trẻ ở mỗi giai đoạn sẽ có nhu cầu về dinh dưỡng và sự phát triển khác nhau. Vì vậy, cần chọn sữa đúng với tuổi của bé.
– Tình trạng sức khỏe
Tùy theo thể trạng, sức khỏe của bé (chẳng hạn, con bị béo phì, suy dinh dưỡng hay thấp còi) mà mẹ dựa vào đó để chọn sữa cho con.
– Sở thích của bé
Mẹ đừng quên mùi hương, độ ngọt cũng là yếu tố làm bé hứng thú với việc uống sữa hay không.
– Khả năng thích nghi với sự thay đổi
Dù chọn đúng thời điểm khi nào nên đổi sữa cho bé, mẹ đừng quên để ý phản ứng của bé khi tiêu thụ sữa mới. Những ngày đầu cho con uống loại sữa mới, mẹ nên theo dõi tiêu hoá hấp thu và sự phát triển của bé để xem con có thật sự phù hợp không.
– Độ uy tín của thương hiệu
Nên chọn những nhãn sữa có thương hiệu, xuất hiện trên thị trường đã lâu và nhận được phản hồi tích cực từ các mẹ bỉm sữa.
– Điều kiện kinh tế gia đình
Một yếu tố khác tưởng không liên quan nhưng liên quan không tưởng là nên chọn mua loại sữa có giá thành phù hợp với tài chính gia đình. Điều đó sẽ giúp bé duy trì ổn định loại sữa hợp với con ngay từ đầu cũng như không gián đoạn việc uống sữa.
[inline_article id=64577]
Những điều cần biết khi pha sữa công thức cho bé
Sau quyết định khi nào nên đổi sữa cho bé, mẹ nên lưu ý cách pha sữa cho bé. Trước hết, pha sữa phải tuân theo công thức nhà sản xuất khuyến nghị ghi trên vỏ hộp. Không dùng nước quá nhiệt độ quy định vì sẽ làm hao hụt chất dinh dưỡng có trong sữa.
Không pha quá loãng hoặc quá đặc vì ít hơn liều lượng khuyến nghị thì không đảm bảo dinh dưỡng. Nhiều hơn thì dễ gây đầy bụng, khó tiêu, không hấp thu vì hàm lượng dinh dưỡng quá mức.
Tập cho bé làm quen với sữa mới
Khi đổi sữa thì cần có giai đoạn chuyển tiếp để bé thích nghi với sữa mới cũng như kiểm tra xem sữa mới có phù hợp với bé hay không: Ví dụ, nếu một ngày bé uống 3 cữ sữa, mẹ có thể thay bằng 2 cữ sữa cũ và 1 cữ sữa mới. Sau khoảng 3-4 hôm, mẹ có thể thay bằng 1 cữ cũ và 2 cữ mới. Sau 1 tuần, mẹ có thể thay thế hoàn toàn loại sữa mới cho bé.
Lưu ý khi đổi sữa cho bé
Cần có thời gian ít nhất 2 tuần để đánh giá sữa mới có phù hợp với con hay không. Nếu sữa mới gây nôn trớ hoặc làm trẻ đầy bụng, khó tiêu, đi phân lỏng… thì mẹ nên tiếp tục đổi sữa cho con.
Nếu thay đổi 2, 3 loại sữa mà tình trạng không cải thiện thì hãy nghĩ rắc rối có thể đến từ nguyên nhân khác. Lúc này, mẹ nên cho bé đi khám bệnh để được tư vấn và điều trị nếu cần.
Có thể nói, khi nào nên đổi sữa cho bé là điều mẹ phải cân nhắc thật kỹ vì nếu không, sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển của bé.
Hương Lê