Kỹ năng vận động, trong đó bao gồm kỹ năng vận động tinh có vai trò quan trọng trên tiến trình phát triển của bé. Vận động tinh góp phần giúp con khám phá thế giới và phát triển nhận thức thông qua sự linh hoạt, khéo léo của đôi tay. Vậy vận động tinh là gì?
1. Vận động tinh là gì?
Vận động tinh là kỹ năng sử dụng các cơ nhỏ điều khiển bàn tay, ngón tay giúp trẻ thực hiện được nhiều động tác khó. Kỹ năng này dần phát triển thông qua kinh nghiệm của trẻ, học hỏi từ người lớn và tiếp xúc với nhiều loại đồ chơi, vật liệu, thậm chí cả thực phẩm.
Ở trẻ sơ sinh, kỹ năng vận động phát triển dần qua các cấp độ, bao gồm: bò, trườn, đi, chạy, nhảy hoặc thậm chí là đi xe đạp. Để thực hiện kỹ năng này, hệ thần kinh, cơ và não của trẻ phải phát triển để có thể hoạt động nhịp nhàng cùng với nhau.
Khác với vận động thô liên quan đến chuyển động của các nhóm cơ lớn như cánh tay và chân. Vận động tinh liên quan đến chuyển động của các nhóm cơ nhỏ hơn, tinh vi hơn ở bàn tay, cổ tay, ngón tay.
Kỹ năng vận động tinh càng phát triển thì trẻ càng khéo léo, nhanh nhẹn trong các hoạt động đòi hỏi sự uyển chuyển của tay như ăn uống, viết, vẽ, mặc quần áo, làm thủ công, vệ sinh cá nhân…
2. Một số kỹ năng vận động tinh bé cần phát triển
Sau đây là một số kỹ năng vận động tinh mà trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần làm được:
- Cố định cổ tay: Giúp trẻ điều khiển và kiểm soát chuyển động của các ngón tay theo ý muốn.
- Sử dụng kéo đồ chơi: Trẻ có thể học cách cầm kéo ở cấp mẫu giáo đồng thời biết phối hợp giữa tay và mắt.
- Đóng mở lòng bàn tay: Đây là hoạt động phối hợp giữa các ngón tay, vốn cần thiết để thực hiện các kỹ năng quan trọng như viết, cởi khuy quần áo và cầm, nắm.
- Sự khéo léo của bàn tay: Thể hiện ở việc trẻ có thể thực hiện các động tác cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ngón tay như bốc nhón, xúc muỗng ăn cơm, cầm đũa…
- Kỹ năng sử dụng cùng lúc hai tay: Cho phép con kết hợp hai tay khi muốn làm điều gì đó, tăng sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai tay.
Mỗi trẻ sẽ có tốc độ phát triển kỹ năng khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, môi trường sống, cách nuôi dạy, di truyền của gia đình… Vì vậy, nếu thấy trẻ khác phát triển kỹ năng vận động tinh hơn con; mẹ cũng đừng quá lo lắng, hãy tiếp tục quan sát và hỗ trợ cho đến khi con đạt được kỹ năng.
>> Mẹ đã biết: Bé mấy tháng biết ngồi? Cách tập ngồi cho bé
3. Cột mốc phát triển vận động tinh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Dưới đây là các cột mốc phát triển kỹ năng vận động tinh mẹ cần tham khảo:
- Từ 0 đến 3 tháng: Bé có thể đưa tay lên miệng và thư giãn cơ tay.
- Từ 3 đến 6 tháng tuổi: Hai tay con có thể nắm lại với nhau. Con cầm, lắc đồ chơi bằng hai tay hoặc chuyền từ tay này sang tay kia.
- Từ 6 đến 9 tháng tuổi: Bé biết vỗ tay; chụm các ngón tay để cào cấu, bóp đồ vật, cho thức ăn vào miệng. Bé lấy được đồ chơi bằng cả 2 tay; và dùng ngón trỏ để chạm, chỉ vào đồ vật.
- Từ 9 đến 12 tháng tuổi: Ngón tay cái và ngón trỏ của bé có thể cầm, lấy các vật nhỏ. Bé dùng tay đập mạnh được các vật vào nhau; và dễ dàng cầm đồ chơi bằng một tay.
- Từ 1 đến 2 tuổi: Con thành thạo việc xếp chồng vật này lên vật kia. Biết lật từng trang sách, tập. Con có thể cầm bút bằng ngón trỏ và ngón cái, viết, vẽ nguệch ngoạc trên giấy, tự ăn bằng thìa thành thạo.
- Từ 2 đến 3 tuổi: Con có thể dùng tay vặn, xoay nắm cửa, nắp chai lọ; biết rửa tay; biết sử dụng muỗng và nĩa đúng cách. Con dùng tay tháo lắp đồ chơi đơn giản; có thể kéo khóa lên xuống dễ dàng và dùng tay xâu hạt
- Từ 3 đến 4 tuổi: Bé đã có thể tự mặc quần áo, biết cài khuy áo; dùng được kéo để cắt giấy; và biết đồ theo hình trên giấy hay vẽ đồ vật ít chi tiết.
>> Xem thêm: Quá trình phát triển của trẻ sơ sinh từ 0-12 tháng tuổi
4. Hoạt động giúp phát triển kỹ năng vận động tinh từ sớm
Với tầm quan trọng của vận động tinh, MarryBaby sẽ gợi ý mẹ một số hoạt động giúp rèn luyện kỹ năng vận động tinh cho con theo kịp đà tăng trưởng:
- Dạy con rót nước vào ly.
- Chỉ con quấn dây quanh đồ vật.
- Cho con tập gắp đồ vật bằng nhíp.
- Hướng dẫn trẻ cách dùng dụng cụ bấm lỗ.
- Hướng dẫn con tập đóng, vặn nắp chai để tăng sức mạnh bàn tay.
- Cho trẻ chơi trò chơi phát triển vận động tinh như ghép hình, chơi cờ, nặn đất sét, cắt dán thủ công, vẽ hình đơn giản, tô màu.
- Trong quá trình chuẩn bị bữa ăn, mẹ hãy tạo điều kiện cho trẻ phụ giúp các việc vặt như lặt rau, khuấy, trộn nguyên liệu, sắp xếp bàn ghế, chén dĩa…
>> Mẹ xem thêm: 16 trò chơi kích thích trí thông minh vượt trội cho bé
5. Khi nào nên lo lắng về kỹ năng vận động tinh của trẻ?
Nếu trẻ thường xuyên gặp khó khăn với các hoạt động vận động tinh cũng như bị bỏ lại khá xa so với các cột mốc trên thì con cần được theo dõi, thăm khám. Đôi khi, đó là dấu hiệu của chứng rối loạn phối hợp vận động. Theo ước tính, cứ 100 trẻ đi học thì có 5-6 trẻ mắc phải.
Các dấu hiệu cho thấy trẻ gặp vấn đề vận động tinh như:
- Đột ngột làm rơi đồ.
- Dù tập đi tập lại nhưng vẫn không thể buộc giày.
- Gặp khó khăn khi sử dụng muỗng, nĩa, bút, kéo…
Tùy theo tình trạng của bé mà bác sĩ có thể kết luận cụ thể, chẳng hạn:
- Chậm phát triển các kỹ năng vận động bắt đầu từ khi còn nhỏ.
- Kỹ năng vận động tinh đạt dưới mức trung bình so với độ tuổi hiện tại.
- Kỹ năng vận động tinh phát triển kém sẽ gây khó khăn trong hoàn thành các công việc, bài tập hàng ngày ở trường và ở nhà.
>> Xem thêm: Các bài tập thể dục cho trẻ sơ sinh rèn luyện kỹ năng vận động thô và tinh
Việc phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường ở kỹ năng vận động tinh để can thiệp là vô cùng cần thiết với trẻ. Bởi kỹ năng vận động tinh nói riêng hay kỹ năng vận động nói chung đều liên quan đến sự phát triển não bộ của bé.