Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe bé sơ sinh Năm đầu đời của bé

Sốt virus ở trẻ sơ sinh có những biểu hiện gì và có thể tự khỏi không?

Sốt virus ở trẻ sơ sinh hay còn gọi là sốt siêu vi là bệnh thường gặp vào mùa hè ở trẻ, biểu hiện bằng việc trẻ bị sốt cao 39-40 độ C, đi kèm với ho, chảy nước mũi, rối loạn tiêu hóa, phát ban,… 

Vậy sốt virus ở trẻ sơ sinh có biểu hiện gì và có thể gây biến chứng nguy hiểm gì không? Trong bài viết này MarryBaby sẽ mô tả chi tiết các biểu hiện, biến chứng có thể xảy ra và cả cách chăm sóc và điều trị khi trẻ bị sốt virus.

1. Biểu hiện sốt virus ở trẻ sơ sinh

Khi bị sốt virus trẻ sơ sinh thường có các biểu hiện sau:

  • Trẻ sốt cao từ 38 – 39 độ C, thậm chí có trường hợp trẻ sốt cao lên đến 40 độ C. Đây là tình trạng khẩn cấn mà trẻ cần phải được đi cấp cứu ngay.
  • Bé bỏ bú, chán ăn,đau họng, ho, bị hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi liên tục; mắt bé đỏ và bị chảy nhiều nước mắt.
  • Trẻ có biểu hiện mệt mỏi, đau nhức cơ thể, ngủ li bì nhiều giấc.
  • Một số trẻ có kèm theo nôn mửa hoặc tiêu chảy.

Mặt khác, trẻ bị sốt virus còn có những biểu hiện khác nhau vì còn tùy thuộc vào mỗi chủng loại virus gây sốt ở trẻ. Có một số loại virus có thể gây ra sốt virus ở trẻ sơ sinh. Dưới đây là một số loại virus phổ biến và các triệu chứng đi kèm:

  • Virus RSV: triệu chứng gây sốt, ho, khó thở, sự khó chịu khi hít thở, tiếng ngáy, mệt mỏi, khó tiếp thu thức ăn.
  • Virus Adenovirus: là một nhóm virus gây ra hàng loạt bệnh liên quan đến nhiễm trùng như viêm đường hô hấp, viêm dạ dày, ruột,..
  • Virus Rhinovirus: triệu chứng gây cảm lạnh, mệt mỏi, viêm họng, sổ mũi, ho, nhức đầu và gây sốt ở trẻ.

Có trường hợp trẻ có thể bị phát ban và nổi mụn nước trên cơ thể. Sau 2 – 3 ngày bị sốt trên bề mặt da bé sẽ xuất hiện những nốt ban đỏ nhỏ li ti. Một số bé còn bị viêm hạch, xuất hiện ở vùng đầu, cổ có thể sờ thấy được.

2. Trẻ sơ sinh bị sốt virus bao lâu thì khỏi?

Sốt virus là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết không nguy hiểm đến tính mạng. Nếu được chăm sóc đúng cách trẻ sẽ dần hồi phục sau 7 – 10 ngày.

Ngược lại, do cơ thể của trẻ còn nhỏ và chưa có đủ sức đề kháng để chống lại các tác nhân gây bệnh; nên cũng có trường hợp trẻ phải nhập viện để điều trị khi bị sốt virus. Nghiêm trọng hơn là khi sốt virus gây thêm các biến chứng khác có kể đến như:

  • Trẻ bị viêm phổi: Đây là biến chứng nặng với những triệu chứng phức tạp nếu bùng phát thành dịch bệnh trong những ngày hè.
  • Viêm tiểu phế quản: Thường xảy ra ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi khi bị sốt virus.
  • Viêm thanh quản: BIến chứng viêm thanh quản khiến trẻ thiếu oxy, khó thở.
  • Viêm cơ tim: Nếu trẻ hết sốt nhưng vẫn mệt mỏi, không muốn chơi, chán ăn thì có thể đã bị viêm cơ tim gây loạn nhịp tim, ngừng tim.

>> Dấu hiệu viêm phổi ở trẻ sơ sinh và các biến chứng mẹ cần biết

3. Sốt virus ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Câu trả lời tùy thuộc vào độ tuổi của bé. Nếu trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi bị sốt; mẹ cần đưa bé đi thăm khám và điều trị với bác sĩ kịp thời.

Còn sốt virus ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trên 3 tháng tuổi thường không nguy hiểm, khi được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên, diễn biến của bệnh sốt virus được đánh giá là nhanh; và nếu trẻ không được điều trị đúng cách và kịp thời; hoàn toàn có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.

Bệnh viện Nhi Trung Ương Hà Nội khuyến cáo: Nhiễm virus có ở trẻ sẽ trở nên nguy hiểm khi xảy ra các biến chứng trên nhiều cơ quan của cơ thể nếu không được phát hiện kịp thời và chăm sóc đúng cách như: viêm phổi nặng do RSV; cúm, phù não, viêm cơ tim; phù phổi do virus tay chân miệng; chảy máu, sốc do sốt xuất huyết, v.v.

>> Trẻ sơ sinh bị sốt nguyên nhân là do đâu, cha mẹ nên làm gì?

Sốt virus ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Sốt virus ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? Trong giai đoạn này mẹ nên cho bé bú nhiều hơn để con có sức và nhanh khỏi bệnh

4. Cách điều trị và chăm sóc khi trẻ sơ sinh bị sốt virus

Để bệnh tình nhanh chóng thuyên giảm và bé nhanh chóng hồi phục, MarryBaby chia sẻ cho cha mẹ cách chăm sóc trẻ sơ sinh khi con bị sốt virus như sau:

  • Bù nước cho trẻ thường xuyên, bằng cách cho trẻ bú mẹ nhiều hơn, uống Oresol hoặc ăn cháo loãng.
  • Theo dõi nhiệt độ cơ thể của bé thường xuyên khoản 4 giờ/lần. Cách đo nhiệt độ chính xác nhất là ở hậu môn của con.
  • Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, lau người bằng nước ấm thấp hơn 2 độ so với thân nhiệt của bé. Trường hợp dùng thuốc hạ sốt thì phải có chỉ định của bác sĩ.
  • Trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5 độ thì nên kết hợp hạ sốt và thuốc chống co giật, nhất là đối với bé có tiền sử co giật khi sốt cao.
  • Vệ sinh sạch sẽ cho bé, nhỏ mắt và mũi của con bằng dung dịch nước muối sinh lý natri-clorid 0,9%, để tránh bội nhiễm vi khuẩn.
  • Lưu ý: cha mẹ tuyệt đối không được chườm nước lạnh bởi nước lạnh sẽ gây co mạch ngoại vi, làm cho trẻ sốt cao thêm.

Do bệnh sốt virus ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể lây lan; nên khi mắc bệnh, cha mẹ nên cho con nghỉ học; hạn chế tiếp xúc với người lạ, nhất là các bé nhỏ.

>> Xem thêm: Cách hạ sốt cho trẻ ở mọi độ tuổi nhanh chóng tại nhà

5. Trẻ sơ sinh bị sốt virus khi nào cần đi khám bác sĩ?

Sốt virus ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi nào cần đi khám bác sĩ?
Sốt virus ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi nào cần đi khám bác sĩ?

Cha mẹ và các bậc phụ huynh cần theo dõi trẻ thường xuyên; đồng thời đưa trẻ tới các cơ sở y tế khám ngay khi có một trong các dấu hiệu sau đây:

  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt.
  • Trẻ bị sốt kéo dài trên 5 ngày.
  • Trẻ có biểu hiện lơ mơ, ngủ li bì.
  • Trẻ xuất hiện hiện tượng co giật.
  • Trẻ bị đau đầu liên tục và tăng dần, buồn nôn và nôn khan nhiều lần.
  • Trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, đặc biệt là khi sốt trên 39 độ C mà không đáp ứng với thuốc hạ sốt thông thường.

Tóm lại, bệnh sốt virus ở trẻ sơ sinh là một trong những bệnh phổ biến vào mùa hè; nhất là những lúc nắng mưa thất thường. Hiểu được điều đó, cha mẹ nên đảm bảo sức đề kháng của con thông qua chế độ dinh dưỡng; vệ sinh nơi ở và các món đồ chơi của con. Và quan trọng không kém đó là đảm bảo tiêm vắc xin đầy đủ cho con.

Các bài viết liên quan: