Tình trạng ho sổ mũi là do khả năng đề kháng của bé còn yếu, rất mẫn cảm với các loại bệnh trẻ em. Nếu ở người lớn có thể dùng kháng sinh để điều trị nhưng với con nhỏ cách trị cảm ho, sổ mũi, chảy nước mũi tốt nhất là không nên dùng thuốc. Mẹ có thể điều trị cho con nhỏ bằng một số bài thuốc dân gian đơn giản cực kỳ công hiệu.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi
Ho, sổ mũi thực chất là những phản ứng của cơ thể bé trước những thay đổi bên ngoài. Một số lý do làm trẻ bị ho sổ mũi có thể kể như sau:
- Dị ứng: Con thường bị sổ mũi đi kèm với hắt hơi, mắt đỏ và ngứa.
- Ngạt mũi sơ sinh: Nếu trẻ sơ sinh bị sổ mũi không kèm theo các triệu chứng khác, có thể là do nước nhầy bào thai chưa được hút sạch hết khỏi đường hô hấp của trẻ.
- Thời tiết lạnh: Bé ở độ tuổi chập chững hoặc lớn hơn có thể bị sổ mũi không kèm theo các triệu chứng khác do tiếp xúc với thời tiết lạnh, hoặc do ăn thực phẩm cay nồng.
- Cảm lạnh: Trẻ bị sổ mũi do cảm lạnh thường kèm theo các triệu chứng sốt nhẹ, ho, đau họng, chảy nước mắt và hắt hơi.
- Cúm: Sổ mũi do cúm thường mệt mỏi hơn với các triệu chứng lạnh run, đau ê ẩm khắp người, đau họng, chóng mặt và chán ăn.
- Dị vật trong mũi: Vật lạ trong mũi khiến chảy nước mũi và có thể chảy máu hoặc gây đau đớn.
Cách trị ho sổ mũi cho trẻ sơ sinh
Khi xảy ra triệu chứng, mẹ sẽ tự hỏi bé sơ sinh bị ho sổ mũi uống thuốc gì và “tự ý” mua thuốc cho con uống để giảm ngay khó chịu. Hiện nay cũng có rất nhiều loại thuốc sổ mũi không kê toa được bày bán trên thị trường.
Tuy nhiên mẹ nên cẩn thận, có rất nhiều tác hại từ sự “tự ý” này đấy! Bạn nên biết một số loại thuốc kháng sinh không cần kê đơn có thể làm ngừng sổ mũi nhưng lại khiến bé buồn ngủ và bị khô mắt, mũi, miệng.
Với trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi: Nếu trẻ bị ho sổ mũi kèm theo sốt, bố mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị để phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Với trẻ sơ sinh từ 3 tháng tuổi trở lên: Khi bé bị ho sổ mũi nhiều và sốt trên 39 độ C, mẹ cũng nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được điều trị. Nếu con vẫn ăn ngủ bình thường thì ba mẹ cũng không cần quá lo lắng.
Các bước chăm sóc bé bị ho sổ mũi
Chị em nên bình tĩnh để ý theo dõi biểu hiện của bé và lưu ý chăm sóc như sau:
- Nên dùng nước muối sinh lý vệ sinh mũi cho trẻ thường xuyên. Nước muối sinh lý sẽ làm sạch khoang mũi. Nó sẽ cuốn trôi những chất nhầy đàm nhớt vướng ở cổ họng. Đồng thời giúp con bớt ho và bớt sổ mũi.
- Ba mẹ có thể dùng dầu tràm pha với nước tắm và xoa dầu tràm vào gan bàn chân, ngực, và lưng trẻ. Cách này giúp giữ ấm và làm bệnh ho sổ mũi mau chóng khỏi hơn.
- Với bé còn đang bú, mẹ nên ăn uống dinh dưỡng đầy đủ chất và uống thêm nước cam. Điều này có thể tạo ra nguồn sữa đầy dưỡng chất và tăng đề kháng cho con.
- Với những trẻ bắt đầu ăn dặm, ba mẹ nên cho ăn những món ăn loãng, dễ ăn, dễ tiêu hoá và bổ sung thêm những loại trái cây chứa nhiều vitamin C.
- Ba mẹ cũng cần nên lưu ý khi trẻ sơ sinh bệnh lúc ngủ cần kê gối con cao hơn một chút, để tránh tình trạng nước mũi chảy xuống họng gây ho.
- Ngoài ra, ba mẹ nên chú ý theo dõi tình trạng của trẻ, kịp thời đưa đến bệnh viện để được chữa trị, phòng tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra.
[inline_article id=196188]
Một số phương thuốc dân gian điều trị ho và sổ mũi cho trẻ
Đây là những cách chữa bệnh vừa an toàn vừa hiệu quả cho bé mẹ có thể tham khảo:
- Pha một thìa cà phê mật ong và nước ấm và cho bé dùng vào mỗi sáng. (Dùng cho trẻ trên 1 tuổi).
- Lá hẹ xay nhuyễn thêm đường phèn và hấp cách thủy 15 phút. Sau đó lấy phần nước cách thủy cho trẻ dùng. Ngày 3-4 lần, mỗi lần 2 thìa cà phê.
- Quất xanh rửa sạch cắt ngang để cả vỏ và hạt trộn với đường phèn hoặc mật ong hấp cách thủy đến khi quất chín thì dằm ra, lấy phần nước cho bé dùng nhiều lần trong ngày.
- 1 quả lê nhỏ, 1 nhánh gừng và 3 tép tỏi trộn với vài hạt muối, đường phèn đem hấp cách thủy. Sau khi chín cho con dùng lê hoặc nước lê đều được.
Về tình trạng trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi, chuyên gia PGS.TS. Chu Thị Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: Trẻ em rất dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp. Nếu bé thường có các triệu chứng khò khè, ho có đờm, sổ mũi phụ huynh nên cho con kiểm tra tai mũi họng xem có bị amidan quá to hay bị hen phế quản hay không?