Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe bé sơ sinh Năm đầu đời của bé

Trẻ bị rụng tóc vành khăn có phải thiếu canxi không?

Trẻ sơ sinh chỉ cần có những thay đổi nhỏ cũng khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Trong đó, hiện tượng rụng tóc theo nhiều đồn thổi là do thiếu Vitamin D hoặc biểu hiện còi xương do thiếu canxi càng khiến cha mẹ hoang mang hơn

Vậy nguyên nhân trẻ sơ sinh bị rụng tóc vành khăn là gì? Đó có phải do vấn đề về sức khỏe? Cha mẹ đọc thêm trong bài viết sau nhé!

1. Trẻ sơ sinh bị rụng tóc vành khăn có phải do thiếu canxi?

Trẻ bị rụng tóc hình vành khăn KHÔNG PHẢI do thiếu canxi hoặc vitamin D hoặc bị còi xương. Trên thực tế, tình trạng trẻ sơ sinh bị rụng tóc vành khăn không phải là một dấu hiệu đáng lo. Rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh thường diễn ra vào thời điểm 6 tháng đầu tiên sau khi sinh.

Để kết luận chính xác việc trẻ bị rụng tóc vành khăn là do đâu, cha mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Theo đó, có một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này, cha mẹ đọc tiếp để biết thêm thông tin nhé!

rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh là gì?
Trẻ sơ sinh bị rụng tóc vành khăn không phải là biểu hiện còi xương hay thiếu Vitamin D các mẹ nhé!

2. Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị rụng tóc hình vành khăn là gì?

2.1 Thay đổi nồng độ nội tiết tố sau khi sinh

Sau khi sinh, nồng độ nội tiết tố của trẻ sơ sinh sẽ bị dao động và có thể dẫn đến tình trạng trẻ bị rụng tóc hình vành khăn. Các mẹ sau khi sinh em bé cũng bị rụng tóc với lý do này. Lớp tóc đầu tiên mà trẻ sơ sinh bị rụng gọi là tóc máu. Sau khi tóc máu rụng, chúng sẽ được thay thế bằng tóc vĩnh viễn khi bé biết lăn.

Nếu đơn thuần là trẻ bị rụng tóc vành khăn sau khi sinh mẹ không cần lo lắng. Đây là tình trạng thường gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Và rụng tóc vành khăn vì lý do này không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng hay sức khỏe của bé.

2.1 Bệnh lý về da đầu khiến trẻ bị rụng tóc vành khăn

Một số bệnh lý về da có thể dẫn đến trẻ bị rụng tóc hình vành khăn bao gồm:

  • Nấm da đầu: Bệnh này khiến bé bị rụng tóc thành mảng, thành vùng, không nhất thiết là vùng tóc tiếp xúc nhiều với gối.
  • Cứt trâu ở trẻ sơ sinh: Đây là tình trạng đầu bé xuất hiện mảng da sần sùi, có vảy, đôi khi nhờn trông giống như gàu cứng. Cứt trâu tuy không làm trẻ bị rụng tóc hình vành khăn; nhưng nếu cha mẹ cố gắng gỡ mảng cứt trâu trên đầu, tóc bé có thể bị rụng kèm theo.
  • Rụng tóc từng mảng: tình trạng da dẫn đến những đốm hói loang lổ trên đầu, rất hiếm gặp ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Nguyên nhân là do khiếm khuyết trong hệ thống miễn dịch khiến nó tấn công và phá hủy các tế bào tóc khỏe mạnh

2.3 Ma sát, cọ sát nhiều một vùng da dẫn đến tóc gãy rụng

Trẻ nhỏ dành phần lớn thời gian để nằm ngửa, vùng phía sau đầu tiếp xúc trực tiếp với mặt gối trong thời gian dài sẽ khiến cho tóc bé dễ rụng và khó mọc hơn. Trẻ bị rụng tóc vành khăn do ma sát sẽ giảm dần và hết khi trẻ tự biết thay đổi tư thế khi ngủ.

>> Cha mẹ xem thêm: Ngày cắt tóc cho bé nào giúp mang lại sức khỏe may mắn?

Nguyên nhân bé rụng tóc
Rụng tóc vành khăn lại có thể là dấu hiệu tốt vì mẹ cho bé ngủ đúng tư thế!

3. Cách chữa và cải thiện rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh

Cách chữa rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Nếu rụng tóc vành khăn do thay đổi nội tiết tố sau sinh, các mẹ cứ bình tĩnh cho bé thay lớp tóc máu của mình. Nếu nghi ngờ bé mắc bệnh lý về da gây rụng tóc hình vành khăn, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để xác định chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trường hợp trẻ bị rụng tóc vành khăn là do ma sát, mẹ có thể áp dụng cách chữa rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh như sau:

  • Thay đổi tư thế nằm khi bé thức giấc: Cho bé nằm tư thế nằm úp khi bé thức và khi chơi đùa. Sau một thời gian mẹ sẽ thấy tóc bớt rụng. Mẹ tuyệt đối không để trẻ sơ sinh dưới 4 tháng nằm sấp khi ngủ. Rụng tóc vành khăn sẽ giảm bớt khi bé được khoảng 10 tháng đến 1 tuổi vì bé có nhiều tư thế nằm ngủ khác do phát triển thêm kĩ năng vận động, lăn lộn khi ngủ.
  • Gội đầu cho bé: Khi gội đầu cho bé, ba mẹ cần đảm bảo dùng dầu gội riêng dành cho trẻ có độ tẩy rửa nhẹ nhẹ, không gây kích ứng da đầu và tóc. Ngoài ra, khi tắm gội cho trẻ sơ sinh, mẹ nên dùng nước ấm và gội thật nhẹ nhàng.
  • Cho bé ăn đủ chất: Thiếu chất, thiếu vi chất dinh dưỡng không đủ nuôi dưỡng tóc có thể khiến tóc trẻ bị rụng. Đối với trẻ đang bú mẹ, mẹ hãy tăng cường cho bé bú nhiều lần trong ngày và mẹ cần ăn uống đủ chất để đảm bảo sữa nuôi con chất lượng.
  • Dùng tinh dầu: Cha mẹ cũng có thể dùng một ít tinh dầu tự nhiên để massage, kích thích tóc bé phát triển tốt hơn.

>> Xem thêm: Cắt tóc cho bé gái với 6 kiểu tóc cực xinh là hot trending năm 2023

Có cần bổ sung vitamin để chữa rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh?

Như đã đề cập, trẻ bị rụng tóc vành khăn không phải do thiếu canxi, vitamin D hay bị còi xương. Do đó, mẹ không cần phải cố gắng bổ sung thêm vitamin cho bé mà chỉ cần đảm bảo con có đầy đủ dưỡng chất để tăng trưởng và phát triển là được.

Hơn nữa, mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để nhận được đánh giá đầy đủ về tình trạng rụng tóc hình vành khăn của bé; và nhận được hướng dẫn chăm sóc con phù hợp nhất.

4. Các dấu hiệu trẻ bị thiếu vitamin D, thiếu canxi và bị còi xương

Khi đã biết trẻ rụng tóc vành khăn KHÔNG phải thiếu canxi, vitamin D hay còi xương. Vậy dấu hiệu nào cảnh báo bé thiếu dưỡng chất này? Sau đây là một số báo hiệu cha mẹ cần lưu ý.

Dấu hiệu trẻ bị thiếu vitamin D:

Thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến các cơn co giật, chậm phát triển, lờ đờ, khó chịu và dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp.

Dấu hiệu trẻ bị thiếu canxi:

Thường bé bị thiếu canxi không thấy được triệu chứng rõ ràng. Một số bé trở nên cáu kỉnh hoặc quấy khóc, co giật cơ, bồn chồn, run rẩy (run), bú sữa kém, ít đáp ứng và hiếm hơn là co giật.

Dấu hiệu trẻ bị còi xương:

  • Bé thường bị táo bón.
  • Có bướu nhô rõ ở đỉnh đầu và trán.
  • Xương hộp sọ mềm và bị bẹp bất thường.
  • Trẻ hay quấy khóc không rõ nguyên nhân.
  • Ngủ đêm hay giật mình và đổ nhiều mồ hôi.
  • Phần thóp (đỉnh đầu) của bé rộng, sờ vào thấy mềm, lâu đóng thóp và phập phồng theo nhịp thở.
  • Chậm mọc răng, chậm biết lẫy (xoay người ngửa thành úp), biết bò hoặc chậm biết đi hơn so với bình thường.

[key-takeaways title=””]

Chỉ có bác sĩ nhi khoa mới đủ chuyên môn để đánh giá và chẩn đoán chính xác các tình trạng trên của trẻ. Do đó, cha mẹ không nên tự kết luận mà phải tham khảo ý kiến bác sĩ để cách chữa trị thích hợp cho bé đối với từng vấn đề cụ thể.

[/key-takeaways]

>> Cùng chủ để rụng tóc vành khăn: Trẻ 3 tháng tuổi bị rụng tóc có phải do bệnh lý hay không?

Khi trẻ sơ sinh bị rụng tóc vành khăn; mẹ nên tin rằng rằng trẻ không phải bị bị còi xương hay suy dinh dưỡng; mà đơn giản đó là do tư thế nằm ngủ gây cọ sát đầu bé nhiều. Khi trẻ lớn hơn nhưng vẫn có hiện tượng rụng tóc; sau 2 tháng khắc phục không tiến triển mẹ cần cho trẻ đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân cụ thể.

By Đỗ Khánh Linh

Chuyên viên Nội dung Đỗ Khánh Linh đã có gần 2 năm kinh nghiệm viết kiến thức sức khỏe thể chất và tinh thần dành cho phụ nữ, bố mẹ và những phương pháp nuôi dạy con hiệu quả.
Hiện tại, chị đang phụ trách viết bài Mẹ & Bé cho trang MarryBaby với mong muốn cung cấp các thông tin khoa học, thiết thực để giúp các bố mẹ, các gia đình chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện nhất.