Mạng xã hội đã từng có thời gian dậy sóng với những khẩu hiệu, những đoạn ghi chú chẳng mấy hay ho về tác dụng phụ của các loại vắc-xin miễn phí. Vô tình trùng hợp, thời điểm đó, khi tiêm phòng cho trẻ có những trường hợp tử vong. Nhưng các cơ quan chức năng đã vào cuộc và tìm ra nguyên nhân chính xác.
Đừng vội đổ lỗi mà nên bình tĩnh suy xét thiệt hơn khi tiêm vắc-xin cho bé trong những năm đầu đời. Tổ chức y tế thế giới WHO cũng khuyến cáo mẹ nên đưa bé đi tiêm chủng để phòng tránh các bệnh dịch nguy hiểm. Sau khi sinh, hệ miễn dịch của trẻ cần được bảo vệ hơn bao giờ hết.
Vì sao cần tiêm vắc-xin đầy đủ cho trẻ trong 2 năm đầu đời?
Tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho bé sơ sinh sẽ kích thích sự phát triển của hệ thống miễn dịch của bé, giúp ngăn ngừa và hạn chế khả năng lây nhiễm từ những tác nhân gây bệnh.
Theo các chuyên gia, so với một số tác dụng phụ của tiêm chủng không mong muốn, mức độ rủi ro khi không tiêm phòng cho trẻ sơ sinh vượt xa rất nhiều lần. Vì thế, tiêm phòng là cách đơn giản và hiệu quả nhất bảo vệ bé cưng khỏi nguy cơ tử vong, tàn tật và những biến chứng nguy hiểm của nhiều loại bệnh trẻ em nguy hiểm.
5 trường hợp bắt buộc không được tiêm văc-xin
Sốc phản vệ do tiêm vắc-xin là hệ lụy nghiêm trọng trọng nhất. Lý do bởi độ nhạy cảm của cơ thể bé quá lớn, tức do cơ địa của bé phản với loại vắc-xin. Tai biến này có thể dẫn đến tử vong rất nhanh chóng nếu không kịp thời xử lý.
Nguy cơ sốc phản vệ cao hơn khi mẹ cho bé tiêm phòng trong 5 trường hợp sau:
- Trẻ đang sốt, cảm cúm
- Mắc các bệnh về não
- Động kinh
- Mắc bệnh cấp tính
- Mắc bệnh tim hoặc bất cứ bệnh lý nào khác
Kiểm tra sức khỏe cho bé sau khi sinh và định kỳ khoảng 2-3 tháng/ lần cho tới khi 2 tuổi là cách tốt nhất biết được trẻ có đang bị bệnh hay không.
Khi đưa trẻ tới cơ sở tiêm phòng, bố mẹ nên tuân thủ quy trình: Khai chính xác bệnh lý, cơ địa mẫn cảm của bé, bé có bị sốt hay không và để ý xem bác sĩ trước khi tiêm có khám bệnh cho bé không.
Trên các phương tiện truyền thông, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) có hướng dẫn cụ thể như sau: “Đối với các cháu bé còn nhỏ, có thể khám biết được bệnh cấp tính nhưng khó biết có bệnh mạn tính nên việc tầm soát không đơn giản. Người nhà cần phải chủ động khai báo về tiền sử bệnh lý cho bác sĩ. Trẻ đang có bệnh cần điều trị dứt điểm trước khi tiêm. Với những trường hợp này, cha mẹ nên đưa con đi tiêm tại các bệnh viện, các cơ sở lớn để xử lý các biến chứng nếu có tốt nhất…
Tất cả các vắc-xin đều có thể gây sốc phản vệ, không riêng Quinvaxem. Tuy nhiên, nếu đến cơ quan y tế ngay lúc mới bắt đầu có dấu hiệu bất thường, rất hiếm ca tử vong bởi đã hoàn toàn được tầm soát. Bất cứ y bác sĩ nào cũng được đào tạo về kỹ năng xử lý sốc phản vệ bởi đây là tai biến tương đối phổ biến do nhiều nguyên nhân, không riêng vắc xin”.
[inline_article id=90806]
Những lưu ý không được quên
Một số ghi nhớ mẹ cần nhớ nếu có con đang trong độ tuổi tiêm chủng:
- Không nên cho bé ăn quá no hoặc quá đói trước khi tiêm phòng
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng
- Theo dõi và nắm tình hình sức khỏe con để báo với bác sĩ tiền sử của con mình
- Sau khi tiêm nên để bé ở lại 30 phút
- Trong vòng 6, 12 và 24h sau khi về nhà phải luôn theo dõi bé chặt chẽ. Sau 24h, nếu không có dấu hiệu bất thường mới có thể yên tâm.
- Mang theo sổ khám bệnh và thông báo trước cho nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe cũng như các bệnh mãn tính của bé, dị tật bẩm sinh, tiền sử dị ứng, nhất là phản ứng của bé với những lần tiêm phòng khác.
- Các loại vắc-xin sống như lao, thủy đậu… nên tiêm phòng cách nhau ít nhất 4 tuần
- Nếu bé đã từng bị sốc phản vệ với thuốc uống, thuốc tiêm hoặc vắc-xin của một loại nào đó thì tuyệt đối không được tiêm lại loại này mà thay thế bằng việc tiêm vắc-xin phòng bệnh khác.
Tiêm phòng cho trẻ là cần thiết. Tiêm vắc-xin đầy đủ là cách duy nhất giúp trẻ “chiến đấu” với các loại vi khuẩn trong những năm tháng đầu đời hệ miễn dịch còn yếu.