Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Rối loạn hành vi và phát triển

Nhận biết dấu hiệu hội chứng ADHD ở trẻ em và cách ứng phó với bệnh

ADHD là một rối loạn ảnh hưởng đến não và các hành vi. Phương pháp chữa trị ADHD thường phải trải qua một quá trình lâu dài để có kết quả, nhưng một vài lựa chọn có thể giúp con quý vị kiểm soát các triệu chứng của mình.

Hội chứng ADHD ở trẻ em gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập và gây khó khăn trong quan hệ giao tiếp giữa trẻ với mọi người.

hội chứng adhd
Hội chứng ADHD ở trẻ em gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập và gây khó khăn trong quan hệ giao tiếp giữa trẻ với mọi người

ADHD là gì?

ADHD (đầy đủ là Attention Deficit Hyperactivity Disorder) là hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý – một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em. Đặc điểm chung của ADHD là những hành vi hiếu động quá mức đi kèm sự suy giảm khả năng chú ý ở trẻ.

Các phương pháp điều trị bao gồm từ can thiệp hành vi đến thuốc kê toa. Trong nhiều trường hợp, chỉ dùng thuốc là cách điều trị hiệu quả cho ADHD. Tuy nhiên, các nghiên cứu về bệnh cho thấy rằng phương pháp chữa trị có bao gồm thêm các lựa chọn khác là rất quan trọng.

ADHD có phải là bệnh?

ADHD được coi là một dạng bệnh rối loạn kinh niên, bộc phát ở người khá sớm, từ tuổi ấu thơ kéo dài đến lúc trưởng thành. Đặc điểm chung của trẻ mắc bệnh này là thường không thể chú ý điều gì được lâu, không thể ngồi yên lâu và hay hành động một cách bộc phát, không kềm chế được.

Vì thế, bệnh nhân của hội chứng này, nhất là ở trẻ nhỏ, thường hay bị la mắng đưa đến sự mặc cảm và có thể gây ra nhiều trở ngại trên con đường học vấn, trưởng thành, thậm chí là trong những mối liên hệ với người khác.

Dù không gây nguy hiểm về tính mạng, bệnh ADHD vẫn cần phải được nhận dạng và chữa trị càng sớm càng tốt. Thuốc uống và tâm lý trị liệu là 2 phương pháp cần được thực hành song song để giúp trẻ tái hòa nhập và biết cách cư xử đúng mực để thành công trên đường học vấn và có một đời sống vui vẻ, tốt đẹp hơn.

hội chứng adhd 2
Sau một thời gian quan sát và nghiên cứu của giới chuyên môn, năm 1998, ADHD chính thức được công nhận là một bệnh trạng “có thực” và được định nghĩa một cách rõ ràng

Dấu hiệu bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ em

Đa số trẻ có rối loạn này thể hiện đồng thời cả triệu chứng tăng động và giảm chú ý, nhưng một số khác lại trội hơn mặt nào đó. Để nhận biết trẻ có mắc phải chứng ADHD hay không, các bậc phụ huynh cần quan sát kỹ các dấu hiệu được thể hiện ra ngoài của bệnh lý này như:

Triệu chứng thiếu chú ý

  • Thường mắc lỗi vì không chú ý đến những chi tiết
  • Không duy trì được sự chú ý lâu trong các hoạt động
  • Không chú ý đến lời người khác nói
  • Thiếu óc tổ chức
  • Thường hay làm mất đồ dùng như sách, bút, đồ chơi…
  • Dễ lo ra và hay quên

Triệu chứng quá hiếu động

  • Không thể và không thích ngồi yên
  • Chạy nhảy, leo trèo ở những nơi không thích hợp. Nếu bị bắt dừng lại sẽ cảm thấy bứt rứt không yên
  • Khi chơi đùa hay làm việc gì thường cố ý tạo ra tiếng động lớn
  • Nói chuyện không ngừng
  • Bồn chồn khi phải chờ đến phiên mình
  • Hay cắt lời người khác hoặc xen vào một việc hay trò chơi gì đó

Thực ra, trẻ em bình thường cũng có thể có một hay nhiều triệu chứng nêu trên. Vì thế, các bậc phụ huynh cần quan sát kỹ càng để xem những triệu chứng đó có được thể hiện thường xuyên ở ít nhất là hai nơi là trường học và ở nhà hay không, hay chỉ là những hành vi bộc phát thường gặp ở lứa tuổi này.

Ngoài ra, một đứa trẻ bị ADHD cũng hay dễ bị kích động bởi hình ảnh, tiếng động hay đụng chạm. Lúc đó, chúng hay trở nên bứt rứt và có thể chuyển thái độ xấn xổ.

Cũng có những trẻ hoàn toàn không hiếu động, nhưng chúng thường đắm chìm vào thế giới riêng của mình, không để ý đến những chuyện xảy ra chung quanh.

Tuy nhiên, nếu một em nhỏ “có vấn đề” ở trường nhưng lại bình thường ở nhà thì cũng không được định bệnh là ADHD.

Cách đối phó với hội chứng ADHD

hội chứng adhd 3
Cho trẻ tham gia vào các lớp thể dục thể thao, năng khiếu hay ngoại khóa,… tuy nhiên, đừng cố bắt ép trẻ làm điều chúng không thích

Ở nhà

  • Thể hiện tình thương yêu và quí trọng trẻ
  • Trẻ tăng động giảm chú ý cần được ăn đúng để cải thiện bệnh
  • Luôn giữ bình tĩnh và chân thành khi đối xử với trẻ, ngay cả khi trẻ đang quậy phá. Điều này, giúp trẻ dễ dàng trở lại trạng thái thông thường hơn.
  • Nên thực tế và kiên nhẫn, đừng nôn nóng hay mong đợi quá đáng trong việc chữa trị cho trẻ
  • Xây dựng thời gian biểu nhất định về giờ ăn, giờ chơi, giờ học,… cho trẻ
  • Giữ không cho trẻ bị mệt quá vì mệt sẽ làm cho triệu chứng ADHD nặng hơn
  • Cần xây dựng kỷ luật thưởng – phạt phân minh cho trẻ bị tăng động
  • Khi chỉ dẫn hoặc yêu cầu trẻ làm điều gì, nên nói chậm, rõ ràng, dùng từ dễ hiểu
  • Nhờ sự trợ giúp của giáo viên, cũng như hỗ trợ họ trong việc dạy dỗ trẻ
  • Các em ADHD thường gặp khó khăn khi viết tay. Hãy tập cho trẻ hoặc xin nhà trường cho trẻ được dùng máy tính

Dùng thuốc uống

  • Mua thuốc theo toa bác sĩ. Tự tay cho trẻ uống thuốc đúng giờ và liều lượng.
  • Giữ gìn thuốc cẩn thận trong tủ có khóa bởi đây là thuốc uống quá liều có thể gây tử vong.

Sống và sinh hoạt với trẻ có chứng bệnh này không phải là dễ dàng. Đây là một loại bệnh khó chẩn đoán vì rất dễ nhầm lẫn với các loại bệnh về mất cân bằng tâm lý khác. Hy vọng rằng với bài viết này, các bậc phụ huynh sẽ có thêm thông tin để ứng phó thành công với hội chứng ADHD ở trẻ nhỏ.