Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Rối loạn hành vi và phát triển

Hội chứng thiếu tập trung ở trẻ nhận biết như thế nào?

Hội chứng thiếu tập trung ở trẻ hay còn gọi là rối loạn tăng động giảm chú ý. Đây là một hội chứng rất phổ biến khiến trẻ nhỏ không thể tập chung vào một việc nào đó. Căn bệnh này tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng song sẽ ảnh hưởng lâu dài tới tương lai của bé về sau vì vậy cha mẹ nên cẩn trọng.Hội chứng thiếu tập trung ở trẻ

Hội chứng thiếu tập trung ở trẻ là gì?

Rối loạn giảm tập trung được chia thành hai dạng khác biệt. Dạng thường gặp là rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention Deficit Hyperactivity Disorder) có liên quan đến thần kinh. ADHD là một chẩn đoán được gắn cho những trẻ và người lớn thường xuyên có biểu hiện hành vi nhất định, duy trì liên tục trong một khoảng thời gian. Các đặc điểm biểu hiện thường gặp là thiếu tập trung, bốc đồng và hiếu động thái quá.

Hầu hết trẻ được chẩn đoán ADHD có biểu hiện tăng hoạt động quá đà. Những trẻ này hay “nhảy” từ việc này sang việc khác, thể hiện cả sự tăng động thể chất và duy trì tập trung liên tục kém. Theo thống kê, cứ 100 trẻ thì có từ 3 đến 5 trẻ mắc chứng bệnh này. Việt Nam tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng theo một nghiên cứu trên 1.594 học sinh ở hai trường tiểu học tại Hà Nội cho thấy tỷ lệ mắc bệnh là 3%.

Dạng ít gặp hơn được gọi là rối loạn giảm chú ý (Attention Deficit Disorder) mà không có tăng động. Mặc dù ít phổ biến như ADHD, thế nhưng ADD vẫn ảnh hưởng khoảng 4 đến 12% trẻ. Những trẻ này cũng rất kém trong việc tập trung, nhưng không bằng như hoạt động thể chất (hoặc phá hoại). Trẻ nam thường mắc bệnh này hơn trẻ nữ, gấp 3-4 lần. Tuy nhiên, trẻ nữ rơi vào nhóm không tăng động cao hơn. Những trẻ này thường ít nói và cư xử tốt hơn các trẻ nam mắc bệnh tương tự, nhưng sự giảm chú ý thì ngang nhau.

Mẫu số chung của hai nhóm này là thiếu tập trung lâu dài tới những công việc cần thiết để đạt được thành tựu. Hiện nay y học đã có các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và chuẩn hóa mà các nhân viên y tế có thể áp dụng chẩn đoán. Phác đồ điều trị bao gồm tất cả chẩn đoán bệnh tâm thần và các chẩn đoán khác liên quan.

Nguyên nhân gây bệnh thường do các nguyên nhân như di truyền, bệnh lý khi mang thai, tổn thương não khi sinh, bệnh lý sau sinh. Bên cạnh đó, các yếu tố môi trường như môi trường sống ồn ào, đông đúc, lộn xộn hay ô nhiễm cũng được cho là nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra, cũng không loai trừ khả năng do trẻ nghiện trò chơi điện tử, internet hoặc xem ti vi quá nhiều.Hội chứng thiếu tập trung ở trẻ

Chẩn đoán hội chứng thiếu tập trung lâu dài ở trẻ

Trẻ bị ADD thường không được chẩn đoán trước giai đoạn 5-7 tuổi. Chủ yếu là do khi đến tuổi đi học, việc học ở trường đòi hỏi sự tập trung, vâng lời và khoảng thời gian không hoạt động, thì thầy cô giáo mới bắt đầu phát hiện những trẻ không đáp ứng được những yêu cầu trên. Ngược lại, khi bắt đầu 6 tuổi, trẻ bị ADD bắt đầu không “đạt chuẩn”. Mặc dù để thỏa điều kiện của ADD, các triệu chứng phải thể hiện trước 7 tuổi, nhưng nhiều khi những “triệu chứng” này không được xem là thái độ hành vi “có vấn đề”.

Theo Viện Hàn Lâm Nhi khoa của Mỹ thì chẩn đoán rối loạn này ở trẻ trước tuổi đi học có thể rắc rối hơn, và không đáng tin cậy. Không chỉ có năng lượng cao và thời gian tập trung chú ý ngắn so với thái độ hành vi của trẻ chập chững biết đi và trẻ chưa đến tuổi đi học bình thường, mà sự khác biệt trong tính cách và tốc độ phát triển cũng ảnh hưởng đến hành vi nữa.

Như vậy, có thể nói ADD là một chuỗi các hành vi gồm bốc đồng, hiếu động thái quá, thiếu chú tâm, mong manh, và đôi khi còn gây hấn. Việc chẩn đoán đòi hỏi có xuất hiện một vài (nhưng không phải tất cả) những hành vi trên. Chúng phải nhất quán theo thời gian và xuyên suốt những tình huống xã hội khác nhau. Một đứa trẻ hiếu động thái quá ở nhà nhưng ngoan ngoãn ở trường hoặc người lại, là có vấn đề ở hoàn cảnh chứ không phải bị ADD.

Các triệu chứng cũng phải hiện hữu ít nhất 6 tháng trước thì mới được chẩn đoán là ADD. Không có thử máu, không có chụp hình não và không có xét nghiệm nào tìm được bệnh ADD. Chẩn đoán là lâm sàng, dựa theo sự giám sát trẻ, thường được đánh giá bởi bảo mẫu hoặc thầy cô giáo của trẻ trong bản câu hỏi về thái độ hình vi. Bác sĩ thần kinh, bác sĩ tâm thần, bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ gia đình đều có thể thực hiện chẩn đoán này.

Các thái độ hành vi đánh giá theo bảng câu hỏi sẽ được xếp loại và cho điểm. Nếu điểm cao đủ để nghi ngờ ADD, một thử nghiệm dùng thuốc có thể được đưa ra và đo hiệu quả bằng bảng câu hỏi thứ hai. Mặc dù mất đến vài tuần để hoàn thành, việc thực hiện quan trọng này mục đích nhằm tăng cường độ chính xác của chẩn đoán và cung cấp một số bằng chứng cho thấy thuốc cũng có hiệu quả khả quan.

Khi xem xét chẩn đoán lâm sàng như ADD, điều quan trọng là loại trừ những nguyên nhân nghiêm trọng khác gây thái độ hành vi như bị ADD. Chẳng hạn trầm cảm, rối loạn stress sau chấn thương, bị lạm dụng, có vấn đề về nghe hoặc nhìn, hay bị rối loạn học tập. Trên thực tế, 25% trẻ bị ADD cũng đồng thời có một số dạng rối loạn học tập, khiến nó đáng để sàng lọc tất cả những trẻ như vậy bằng một đánh giá phát triển toàn diện.Hội chứng tăng động giảm chú ý

Các hướng điều trị hội chứng thiếu tập trung

Các hướng chữa trị thường bao gồm không chỉ là dùng thuốc. Đây là một thực tế rất thường bị bỏ qua khi ADD được tranh luận phổ biến trên báo chí. Môi trường giáo dục thuận lợi cho việc học cũng quan trọng như điều trị y tế. Điều này thường có liên quan nhiều đến cấu trúc và chương trình giáo dục đặc biệt một cách thường xuyên và một lớp học nhỏ hơn.

Phụ huynh phải được đưa vào chương trình điều trị bằng cách cơ cấu cuộc sống ở nhà một cách khác biệt và giáo dục bản thân họ và gia đình về ADD. Đôi khi hình thức lấy ý kiến cũng có lợi. Đối với nhiều trẻ, chỉ cần can thiệp cơ cấu và thái độ hành vi là đủ, không cần điều trị bằng thuốc. Cũng không được điều trị cho trẻ chỉ bằng thuốc mà không có những can thiệp khác.

Kê thuốc điều trị hội chứng thiếu tập trung lâu dài

Khi có dấu hiệu cần điều trị bằng thuốc, methylphenidate, hoặc “Ritalin®” thường được thử đầu tiên. Mặc dù có tác dụng như chất kích thích với hầu hết chúng ta, Ritalin® lại có tác dụng ngược lại đối với những trẻ bị ADD, làm dịu tinh thần và giúp trẻ tập trung tốt hơn đối với phần lớn trẻ. Thống kê cho thấy 80% trẻ bị ADD được điều trị bằng Ritalin® và 85% số trẻ này đều có tác dụng tích cực ngắn hạn.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy ước tính khoảng 3 triệu trẻ em bị chứng thiếu tập trung (ADD) đều được kê toa Ritalin®, gấp đôi con số năm 1990. Một liều thông dụng của Ritalin® là từ 5 đến 40 miligram mỗi ngày, chia làm 2 hoặc 3 cữ. Ritalin® có tác dụng nhanh, nhưng chỉ duy trì hiệu quả trong khoảng 4 tiếng, vì thế nên nhiều trẻ uống một liều vào buổi ăn sáng cho hiệu quả tốt lúc 10g sáng, nhưng cần thêm một liều thứ hai vào buổi trưa. Tác dụng phụ lớn nhất của Ritalin® là ức chế sự thèm ăn, do vậy cần phải giám sát chặt chẽ sự phát triển của trẻ khi cho dùng thuốc.

Cuối cùng…

Thống kê cho thấy con số chẩn đoán ADD đã tăng lên. Số lượng được kê toa methylphenidate, một loại thuốc điều trị từ năm 1937, đã tăng gấp ba trong vòng bảy năm qua. Tuy vậy điều này vẫn chưa rõ là do có sự gia tăng bệnh nhân ADD thật sự hay nhận thức đã cao hơn khiến dẫn tới việc chẩn đoán cũng tăng theo. Những gì mà bậc cha mẹ có thể làm để bảo vệ trẻ khỏi việc bị chẩn đoán quá đà là bảo đảm các chỉ dẫn chính xác phải được thực thi. Việc chẩn đoán chỉ nên được thực hiện khi thỏa điều kiện như mô tả trong DSM 3 (diagnostic and statistical manual of mental disorders-sách chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần).

Phụ huynh cũng cần thận trọng hơn khi trẻ dưới 5 tuổi được chẩn đoán là bị ADD. Ngộ độc chì và các rối loạn ngôn ngữ nên luôn luôn được xem xét trước và nhất thiết phải có đánh giá sự phát triển toàn diện. Trị liệu bằng thuốc với nhóm tuổi này thường không có tác dụng lâu và dễ bị nhiều tác dụng phụ.

Về ngắn hạn, ngoài việc quản lý thái độ hành vị và giáo dục, việc sử dụng thuốc phù hợp còn có thể cải thiện hành vi cho khoảng 90% trẻ. Trải nghiệm nhà trường tốt hơn và sự thành công trong việc học mang lại sự tự tin và lòng tự trọng cao hơn. Khi xét khía cạnh này, tình trạng này được cho là “có thể chữa trị được”. Tuy vậy y học chưa chứng minh được hiệu quả mang tính lâu dài của thuốc.

ADD là tình trạng lặp đi lặp lại, làm thay đổi tình cảnh và sự phát triển của trẻ, thế nên việc điều trị cần phải được đánh giá lại. Chính vì vậy mà việc định kỳ ngừng thuốc khi điều trị đối với hầu hết trẻ để đánh giá những nhu cầu thay đổi của trẻ là điều cần thiết.Hội chứng tăng động giảm chú ý

Chúng ta có đang làm hại con mình không?

Đây không phải là câu hỏi dễ trả lời. Việc chẩn đoán và điều trị trẻ một cách chính xác có thể giúp ích rất nhiều. Nhưng chẩn đoán nhầm có thể dẫn đến rủi ro khiến trẻ nhận phải sự điều trị không phù hợp và gây sai sót trong phân loại nhóm bệnh. Bậc cha mẹ, với vai trò là người bảo hộ cho trẻ, nên bảo đảm quá trình chẩn đoán tuân thủ các tiêu chuẩn đã được chấp nhận.

Phụ huynh cũng nên tham gia tích cực trong các nỗ lực quản lý thái độ hành vi và giáo dục, yêu cầu định kỳ đánh giá lại phương pháp điều trị và đừng bao giờ e ngại đặt câu hỏi và đưa ra ý kiến của mình. Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) và Viện Hàn lâm tân thần học trẻ em và trẻ vị thành niên Hoa Kỳ (AACAP) không đưa ra hướng dẫn nào trong việc chẩn đoán trẻ dưới 6 tuổi. Dù vậy, tạp chí của hiệp hội y học Hoa Kỳ (JAMA) đã có báo cáo vào tháng 2/2000, cho thấy lượng thuốc gây tác động đến tâm thần đã được kê toa cho trẻ từ 2-4 tuổi tăng gấp 3 lần tính từ năm 1991-1995.

[inline_article id=61000]

Bậc phụ huynh phải không đồng ý cho bác sĩ chẩn đoán ADHD hoặc ADD và kê toa các loại thuốc điều chỉnh tâm thần cho trẻ chập chững đi. Trên hết, mặc dù các bác sĩ có thể là những chuyên gia về ADD, nhưng không ai rành rẽ một đứa trẻ hơn cha mẹ bé.

Linh Lan

Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Rối loạn hành vi và phát triển

Bệnh tự kỷ ở trẻ em, thách thức nhận biết và chữa trị

Bệnh tự kỷ ở trẻ em là gì?

Để trả lời câu hỏi “Bệnh tự kỷ ở trẻ em là gì” thì bạn cần biết trẻ tự kỷ còn được gọi là rối loạn tự kỷ. Đây là một dạng rối loạn phát triển, xuất hiện ngay từ những năm đầu đời, thường là trước 3 tuổi. Dấu hiệu trẻ tự kỷ thường là không có giao tiếp, không tương tác với những người khác, do đó hạn chế phát triển về mặt tâm lý.

Tự kỷ có nhiều đặc điểm đa dạng từ mức nhẹ đến nặng. Dưới 3 tuổi bé chưa bộc lộ hết sự phát triển nên rất khó phân biệt. Vì vậy, bạn nên có sự quan tâm, theo dõi và chú ý các biểu hiện của bé để không rơi vào tình trạng tự kỷ. Nếu kịp thời phát hiện và có hướng điều trị thích hợp, con bạn sẽ trở thành người bình thường và hòa nhập được với xã hội.

bệnh tử kỷ ở trẻ em
Trẻ bị tự kỷ cần được quan tâm và chăm sóc đặc biệt và cố gắng để bé hòa nhập cộng đồng

Nguyên nhân trẻ bị tự kỷ – bệnh lý thần kinh có yếu tố di truyền

Bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang, giảng viên môn Tâm lý học, trường ĐH KHXH & NV TP. HCM cho biết: Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra chính xác nguyên nhân trẻ bị tự kỷ.

Người ta vẫn đang giả định rằng nguyên nhân trẻ bị tự kỷ có thể do di truyền và có sự phối hợp yếu tố gen. Sự bất thường về gen ảnh hưởng đến chức năng của não cộng thêm yếu tố tác động của môi trường. Do đó, các yếu tố môi trường như chất độc, nhiễm virus, sự chăm sóc, tương tác của cha mẹ… chỉ là những “giọt nước tràn ly” trong các nguyên nhân trẻ bị tự kỷ, gây ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của trẻ.

Các bậc cha mẹ có con bị hội chứng tự kỷ đừng vội trách mình và sống trong dằn vặt vì sự quan tâm chưa đúng mức đến con. Thay vào đó, cha mẹ cần gần gũi và quan sát những cử chỉ, hành động theo độ tuổi của con để nhận ra dấu hiệu trẻ tự kỷ và có can thiệp phù hợp.

Nếu con chẳng may có dấu hiệu trẻ tự kỷ, bạn hãy cùng con trải nghiệm bằng các phương pháp khoa học để con phát triển. Thực tế, nhiều ông bố, bà mẹ thành công trên hành trình giúp trẻ tự kỷ phát triển bình thường bằng lòng yêu thương và tri thức hiện đại.

Dấu hiệu nhận biết bệnh tự kỷ ở trẻ em

bệnh tử kỷ ở trẻ em

Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết con bạn có mắc chứng bệnh tự kỷ ở trẻ em hay không.

  • Có khó khăn trong giao tiếp với người khác: Bé không cười, không nhìn vào mắt người đối diện, không có tương tác với người chăm sóc, không cảm thấy vui mừng khi bạn đến bên cạnh. Nếu biết nói, bé có thể sẽ nói những từ ngữ không có nghĩa hoặc lặp đi lặp lại một từ hay một câu vô nghĩa.
  • Thờ ơ với âm thanh dù thính lực bình thường (cảm giác như bé bị điếc).
  • Bé có những hành vi bất thường: Bé tăng động (kích động khó ngủ, khóc nhiều, khó dỗ dành, hay bị cơn đau quặn bụng do đầy hơi, khó chịu không lý do) hoặc thờ ơ, yên lặng. Bé thích ở một mình, rất khó tham gia vào các trò chơi hoặc không thích tham gia.
  • Có những hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại, ví dụ như lắc lư người ra phía trước và phía sau, đập đầu, giữ khư khư một đồ vật, bật tắt công tắc liên tục, chuyển đồ chơi từ tay này sang tay khác liên tục…
  • Bé bị bó hẹp, cứng nhắc trong tư duy thói quen, rất khó để thay đổi. Đó là bé chỉ ăn một loại thức ăn nhất định (cháo, bánh, bột…), chỉ chơi trò chơi theo kiểu riêng không giống cách người lớn dạy. Nếu thay đổi cách khác, bé sẽ lập tức có phản ứng mạnh mẽ như la khóc, cào cấu… để chống lại.
  • Bé thường không quan tâm đến những việc khác đang diễn ra xung quanh mình. Ví dụ như nhiều người cùng nói chuyện, chơi vui bên ngoài nhưng bé vẫn cứ chơi một mình với trò chơi riêng mà không quan tâm đến người khác.

5 dấu hiệu phát hiện sớm bệnh tự kỷ ở trẻ em

bệnh tự kỷ ở trẻ em
Phát hiện sớm sẽ giúp trẻ tự kỷ có thêm cơ hội hòa nhập cộng đồng

Ngoài những dấu hiệu nói trên, bạn cũng có thể tham khảo 5 biểu hiện bệnh tự kỷ ở trẻ em của Viện Hàn lâm thần kinh học của Mỹ.

  • Không bi bô, không biết dùng cử chỉ, ra dấu vào khoảng 12 tháng.
  • Không biết nói từ đơn khi 16 tháng.
  • Không biết đáp lại khi được gọi tên.
  • Không tự nói được câu có hai từ khi 24 tháng.
  • Mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội ở bất kỳ độ tuổi nào.

Việc chẩn đoán trẻ có mắc bệnh tự kỷ hay không thường được tiến hành khi bé 18 tháng trở lên (phổ biến là 22 tháng). Nhưng cha mẹ có thể tự phán đoán từ khi bé 6 tháng tuổi và theo dõi những dấu hiệu này khi con trên 1 tuổi.

Các dấu hiệu của hội chứng của trẻ tự kỷ thường xuất hiện sớm từ những năm đầu đời, đây cũng là khó khăn giúp bạn khó phân biệt được đâu là tự kỷ, đâu là phát triển thể chất của bé. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, bạn hãy dành thời gian cho bé nhiều hơn để chăm sóc và quan sát, phát hiện đúng. Khi thấy có những dấu hiệu của tự kỷ, bạn nên đưa bé đến các nhà chuyên môn (bác sĩ nhi, nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần…) để chữa trị kịp thời giúp bé hòa nhập với xã hội như người bình thường.

Khi trẻ 1 tuổi, trẻ không biết chỉ trỏ, không biết gọi “ba”, “mẹ”, hoặc người khác gọi trẻ không quay lại, không giao tiếp mắt, không khoe đồ chơi với cha mẹ, không thích chơi với người khác.

Các triệu chứng khác như bé ít tạo ra sự chú ý với người lớn, có những hành động lặp đi lặp lại như làm cứng cánh tay, bàn tay hoặc bàn chân; hay xoay tay trên cổ tay của mình; tư thế đứng và ngồi của bé có gì đó khác lạ so với bạn cùng lứa, bé rất ít khi cười; mắt kém linh hoạt…

Mới đây, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Warwick ở Convetry, Anh vừa công bố một kết quả đáng mừng: Có thể chuẩn đoán sớm bệnh tử kỷ ở trẻ em nhờ việc xét nghiệm nước tiểu và máu.

Phát hiện này có thể giúp chẩn đoán và can thiệp sớm hơn bệnh tự kỷ. Trẻ em bị tự kỷ có mức độ oxy hóa cao hơn được gọi là dityrosine (DT) và một hợp chất được gọi là sản phẩm cuối glycation tiên tiến (AGEs).

Trẻ bị tự kỷ có chữa được không?

♦ Can thiệp khi trẻ bị tự kỷ bằng phương pháp Tây y

trẻ em chơi đùa

1. Phương pháp y học

Thuốc có tác dụng kiểm soát được những biểu hiện của bệnh. Việc cung cấp đầy đủ các vitamin cần thiết cũng như cân bằng chế độ ăn sẽ giúp trẻ giảm được các chấn động ở hệ thống thần kinh. Bên cạnh đó, các thuốc chống suy nhược và thuốc bổ thần kinh cũng giúp trẻ ổn định.

2. Tâm vận động

Mục đích của phương pháp này là: Vận động sẽ giúp hệ thần kinh nhanh nhạy và tác động đến phát triển tâm lý, vận động về cơ thể càng tăng thì vận động về tâm lý tăng theo; phát triển vận động sẽ dần phát triển tâm lý. Những trẻ đang gặp các vấn đề khó khăn về tâm lý sẽ được hướng đến những hoạt động tâm lý có ý nghĩa, tăng khả năng hợp tác của trẻ.

3. Chỉnh âm và trị liệu ngôn ngữ

Đây là phương pháp phổ biến nhất hiện nay, có từng giáo trình riêng phù hợp với bệnh của từng trẻ. Theo các chuyên gia âm ngữ trị liệu, nếu trẻ tự kỷ biết nói sẽ rất tốt cho tiến triển của bệnh sau này.

4. Giáo dục đặc biệt

Ở các nước phát triển, phương pháp dạy đặc biệt cho trẻ tự kỷ là điều thông thường vì trẻ có nhiều khiếm khuyết so với trẻ bình thường khác về trí tuệ, giao tiếp, xúc cảm, tình cảm, ngôn ngữ…

Ngay sau khi chuẩn đoán, bác sĩ chuyên môn sẽ đưa ra phương pháp. Việc giáo dục trẻ tùy thuộc vào khả năng nhận thức và hành vi của trẻ. Thông qua giáo dục sẽ giúp trẻ có kỹ năng hòa nhập cộng đồng, tăng cơ hội đi học như những trẻ bình thường khác.

5. Phương pháp nhóm

trẻ ăn trưa cùng nhau

Sử dụng phương pháp này sẽ giúp trẻ sớm hòa nhập với trẻ em cùng trang lứa và kích thích trẻ tương tác qua lại với mọi người. Thông qua chơi nhóm, trẻ hiểu thêm về các nguyên tắc hoạt động nhóm cũng như có cách ứng xử thích hợp.

6. Lao động trị liệu

Những công việc thực hiện hằng ngày, lặp lại thường xuyên ở nhà hoặc ở trường giúp trẻ hiểu chính xác các sự vật và hiện tượng của môi trường tự nhiên. Điều này góp phần thiết yếu cho tương lai của trẻ khi bước vào cuộc sống tự lập, tự phục vụ bản thân, khi mà không còn các dịch vụ chăm sóc đặc biệt. Bạn thường xuyên động viên và khen thưởng mỗi khi con có những biểu hiện tốt.

7. Động vật trị liệu

Tác động hai chiều trong phương pháp này là: Trẻ vừa là người kích thích vật nuôi khi chơi cùng vừa là chủ thể bị tác động bởi con vật. Không giống như các món đồ chơi tĩnh, thú cưng có lúc nghe lời nhưng đôi khi cũng không tuân theo ý trẻ. Sử dụng động vật trong trị liệu trẻ tự kỷ có thể giúp trẻ cởi mở hơn, hạn chế việc cố định đóng khung trong trạng thái tự kỷ.

8. Liệu pháp giao tiếp

Cha mẹ nên kiên nhẫn khi trò chuyện với con, khuyến khích trẻ giao tiếp, dần giúp con giảm được sự ngại ngùng, sợ sệt khi giao tiếp.

Liệu pháp giao tiếp ngôn ngữ giúp con hiệu quả trong việc hiểu người khác và làm người khác hiểu mình. Những câu chuyện về xã hội sẽ giúp trẻ hiểu được những sự việc đang diễn ra ngoài xã hội, phát triển cảm nhận, cảm giác và bộc lộ ý kiến của mình.

9. Liệu pháp tâm lý, cách dạy trẻ tự kỷ

hai bé gái đang ăn

  • Hiện được xem là cách điều trị hữu hiệu đối với các trẻ mắc bệnh tự kỷ, liệu pháp tâm lý hướng trẻ phát triển tâm lý và nhân cách như trẻ bình thường.
  • Cách dạy trẻ tự kỷ được bắt đầu từ việc dạy trẻ tiếp xúc, giao tiếp, thiết lập mối quan hệ với những người xung quanh như ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè…
  • Tập cho trẻ có ý thức hơn.

Có nên cho trẻ tự kỷ đi học?

Câu trả lời không phải là NÊN mà là CẦN. Trẻ tự kỷ cũng cần được đi học vì trẻ cũng có nhu cầu kết bạn cùng các nhu cầu xã hội khác mà cha mẹ và gia đình không thể thay thế được.

Mức độ bệnh tự kỷ ở trẻ em trong phổ nặng – nhẹ. Trẻ bệnh nặng ở mức không biết đau hoặc rối loạn hành vi không thể điều chỉnh thì cần đưa vào trường chuyên biệt. Trong khi đó, 70-80% trẻ mang bệnh tự kỷ là nhẹ hoặc trung bình cần hòa nhập ở trường mầm non, tiểu học. Sự quan tâm của bạn bè, thầy cô giúp nhiều cho quá trình điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ em.

Một lưu ý với trẻ tự kỷ là trẻ thường bắt chước hành động của người khác một cách vô thức hoặc trẻ có thể bị bạn bè lợi dụng để sai khiến, dẫn đến vi phạm nội quy nhà trường. Do đó, khi trẻ được chẩn đoán tự kỷ, cha mẹ cần có giấy chứng nhận của bác sĩ về tình trạng của trẻ như một cách bảo vệ con, để bé tiếp tục được đi học.

♦ Can thiệp bệnh tự kỷ ở trẻ em bằng phương pháp y học cổ truyền

Bệnh tự kỷ ở trẻ em có chữa được không? “Y học cổ truyền nhìn nhận bệnh tự kỷ ở trẻ có xu hướng kéo dài trong cuộc sống và có thể sửa chữa được”, ThS-BS. Dương Văn Tâm, Trưởng khoa Điều trị Liệt vận động ngôn ngữ trẻ em (một trong 4 khoa thuộc khối Nhi đang điều trị bệnh tự kỷ), Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết.

[inline_article id=190984]

1. Những liệu pháp điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ em

Trẻ mắc tự kỷ có các tổn thương ở các tạng phù kinh mạch với những mức độ khác nhau. Do đó, bác sĩ sử dụng các kỹ thuật của y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại, tác động vào huyệt vị để điều trị các chứng bệnh này để giúp bé hòa nhập và cuộc sống.

Y học cổ truyền dựa trên những chứng trạng tổn thương của trẻ tự kỷ để đề ra các giải pháp điều trị và công thức huyệt vị. Bằng những kỹ thuật điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, cấy chỉ, trẻ có thể thuyên giảm hoặc hồi phục hoàn toàn.

2. Thời gian điều trị dài và cần kiên nhẫn

Tự kỷ có xu hướng kéo dài, có thể chữa theo từng đợt, mỗi đợt can thiệp là một tháng (theo quy chế bảo hiểm, đỡ gánh nặng cho bệnh nhân – PV), mỗi đợt cách nhau 15 ngày. Mỗi trẻ tự kỷ có thể điều trị 5-7 đợt/năm, thậm chí 10 đợt, kéo dài trong nhiều năm.

Dinh dưỡng cho trẻ bị bệnh tự kỷ

Các nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát trên gần 400 trẻ mắc bệnh tự kỷ và họ nhận thấy rằng, chế độ ăn uống GFCF giúp cải thiện các triệu chứng như tăng động, vấn đề kiểm soát cơn giận, vấn đề với ánh mắt – giọng nói, kỹ năng, các bệnh thể chất như phát ban và co giật cho các nhóm trẻ em nhất định.

dầu oliu

GFCF là một chế độ nghiêm ngặt, loại bỏ hoàn toàn casein và glutein trong thực đơn của con. Để tuân theo chế độ dinh dưỡng này, mẹ nên hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chiên rán. Tốt nhất, mẹ nên tự chuẩn bị bữa ăn cho bé cưng. Dưới đây là những thực phẩm an toàn theo chế độ GFCF:

  • Chất béo: dầu oliu, mỡ động vật, dầu dừa, dầu mè
  • Sản phẩm thay thế sữa: nước cốt dừa, sữa gạo, sữa khoai tây
  • Tinh bột: gạo, bột mì, bột kiều mạch, hạt kê

Dinh dưỡng cho trẻ bị bệnh tự kỷ cũng tuân theo những nguyên tắc ăn uống lành mạnh thường được áp dụng.

Thực phẩm nào cần tránh?

  • Những thực phẩm chứa glutein: Lúa mì, lúa mạch, yến mạch, lúa mạch đen, mạch nha, nước tương, xúc xích, khoai tây chiên, những thực phẩm sử dụng gia vị, màu sắc và hương vị nhân tạo…
  • Những thực phẩm chứa casein: Sữa, sữa chua, bơ, phô mai, kem, kefir, chocolate sữa…
  • Ngoài ra, protein trong sữa đậu nành cũng có thể ảnh hưởng tới biểu hiện của bệnh tự kỷ ở trẻ em, khiến trẻ co giật nhiều hơn.

 

Phụ huynh có những thắc mắc liên quan tới chứng rối loạn tự kỷ có thể tìm tới các địa chỉ sau để được hỗ trợ:

  • Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục trẻ khuyết tật Thành Phố Hồ Chí Minh
    Địa chỉ: 108 Lý Chính Thắng, quận 3, TP. HCM
    Điện thoại: (028) 3848 3612
  • Câu lạc bộ Sống cùng tự kỷ
    Email: [email protected]
    Địa chỉ: 40A Yên Đỗ, phường 1, quận Bình Thạnh, TP. HCM
    Hotline: 091 807 5373, gặp anh Thái Thuận Hào, Phó CLB

Phan Anh-Cát Phương

Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Rối loạn hành vi và phát triển

Theo dõi sức khoẻ của bé qua biểu đồ tăng trưởng

Biểu đồ tăng trưởng là gì?
Mẹ thử dùng sổ tay sơ sinh vẽ 1 đường cơ bản lên “biểu đồ tăng trưởng” theo 2 trục: trục tung – trục hoành (kilogram và centimet) mà mẹ cân đo được, để biết con có phát triển tốt hay không?!

Sau mỗi lần cân đo, mẹ hoặc bác sĩ sẽ chấm 1 chấm tạo 1 điểm kế tiếp điểm trước đó và nối 2 điểm lại với nhau. Cứ thế, từng tháng qua đi, ta nối dần các điểm đó tạo thành 1 đường gấp khúc lên hoặc xuống.. Đường gấp khúc đó được gọi là biểu đồ tăng trưởng.

Theo dõi tình trạng sức khoẻ của bé theo chiều hướng của biểu đồ tăng trưởng:
Khi đoạn biểu đồ nằm ngang:
Bé không tăng cân và chiều cao. Nếu biểu đồ này nằm ngang liên tục hơn 2 tháng liền, nghĩa là con đang có vấn đề về sức khoẻ. Con có thể bị chứng kém hấp thu, biếng ăn, v..v.. Trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.

Nếu trẻ còn bú mẹ thì xem lại tư thế cho bú hoặc số lần bú của trẻ như thế có đủ cung cấp dinh dưỡng cho con không?! Nếu trẻ ăn dặm thì nên xem lại chế độ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn, chia nhỏ bữa ăn ra 5 – 6 cữ/ ngày. Bổ sung rau xanh, hoa quả có màu đỏ, cam để cung cấp thêm Vitamin A, cho thêm 1 ít dầu vào cháo.

theo_doi_suc_khoe_cua_be_qua_bieu_do_tang_truong_2
Biểu đồ tăng trưởng là cách khoa học để theo dõi sự phát triển của bé những năm đầu đời

Khi đoạn biểu đồ đi xuống: Chứng tỏ bé phát triển không tốt, có dấu hiệu suy dinh dưỡng nguy hiểm, có thể trẻ đang mắc chứng bệnh tiêu chảy, viêm phổi. Cũng có trường hợp mẹ tập bé ăn quá sớm (trước 4 tháng) nên ảnh thưởng đến hệ tiêu hoá của bé khiến bé sụt cân,…

Hãy cho con bú mẹ, bú bình trọn vẹn cho tới 4 tháng tuổi để con được hấp thu chất béo từ sữa một cách tốt nhất. Sau 4 tháng mới bắt đầu cho con ăn dặm từ loãng đến đặc và từ ngọt đến mặn.

Đối với trẻ lớn hơn thì nên tìm cách khuyến khíc trẻ ăn nhiều hơn, cần bổ sung chất béo và các nhóm rau xanh vào trong thực đơn hàng ngày của con. Và cũng cần quan tâm giữ gìn vệ sinh thân thể cho bé. Khi phát hiện trẻ có bệnh lý thì nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ để chữa trị kịp thời.

Đoạn thẳng biểu đồ đi lên: Đoạn thẳng lý tưởng trong khung vạch cho phép chứng tỏ bé vẫn phát triển đều đặn sau mỗi chu kỳ cân đo. Biểu đồ đi lên chứng minh sức khoẻ bé ổn định.

Khi biểu đồ đi lên: Các mẹ cũng cần lưu ý đoạn biểu đồ đi lên nhanh và cao hơn ngưỡng cho phép đột ngột, chứng tỏ bé đang có dấu hiệu thừa cân, thậm chí bé bị béo phì. Trong trường hợp này thì nên điều chỉnh lại khẩu phần dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn của con cho phù hợp. Tăng cường cho con dùng nhiều rau xanh, bớt tinh bột và thay chất béo động vật bằng chất béo thực vật.

Biểu đồ tăng trưởng của bé trai có xu hướng tăng nhanh hơn biểu đồ tăng trưởng của bé gái. Vì thế, không nên so sánh các bé với nhau. Các mẹ chỉ cần xem biểu đồ tăng trưởng của con mình để theo dõi tình trạng sức khoẻ của con, để can thiệp kịp thời khi cần thiết.

Minh Trang

Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Rối loạn hành vi và phát triển

Bệnh trầm cảm ở trẻ nhỏ: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở trẻ nhỏ khó nhận biết. Do đó, nhiều người đã không chú ý đến những biểu hiện trầm cảm của con. Và theo thời gian, bệnh trầm cảm sẽ để lại những hậu quả tâm lý nặng nề. Vậy đâu là nguyên nhân và cách điều trị bệnh như thế nào, nhất là đối với trẻ nhỏ (1 – 10 tuổi)?  Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Trần Thị Hồng Nhi đã chia sẻ một số thông tin hữu ích liên quan đến vấn đề này trong buổi hội thảo vừa diễn ra vào ngày chủ nhật 6/11/2011 tại Nhà sách Mẹ và Con – 46 Lê Lợi, Q.1, TP.HCM.

Dấu hiệu của trầm cảm
Theo nghiên cứu, sau đây là những dấu hiệu cho thấy trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ có khả năng mắc bệnh trầm cảm:

  • Trẻ hay khóc, nhất là khóc đêm và rối loạn trong giấc ngủ, giật mình nhiều lần.
  • Trẻ thay đổi thói quen bú mẹ: Bình thường là đến giờ đó bé đòi bú nhưng mấy bữa nay bé có dấu hiệu bỏ bú hay bú rất ít.
  • Chậm phát triển về nhận thức và hoạt động: Thường hơn 1 tuổi bé sẽ biết nói, bò được nhưng nếu đến 2, 3 tuổi mà bé vẫn chưa có biểu hiện nào hết, đó cũng là một trong những biểu hiện của bệnh trầm cảm.
  • Sự tập trung chú ý và trí nhớ của trẻ kém: Một số trẻ sớm biểu hiện tâm trạng qua việc chúng hay quên những việc cần phải làm hay một nhiệm vụ nào đó. Cũng có thể chúng tỏ ra lơ đãng, chẳng còn quan tâm tới vấn đề gì.
  • Trẻ hay cáu gắt bất thường: Trẻ dễ gắt gỏng, lúc nào cũng quàu quạu, và chúng thường che đậy nỗi chán chường với người lớn. Chẳng hạn như thay vì nói với bạn là trẻ cảm thấy buồn, trẻ có thể bỏ đi hoặc nói những lời nhấm nhẳng với bạn, hay trước đây chúng rất dạn dĩ thì nay bỗng hay lo âu, sợ sệt hoặc ngại ngần.

Tìm hiểu về bệnh trầm cảm ở trẻ nhỏ
Nguyên nhân của trầm cảm ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở trẻ, nhưng sau đây là một số nguyên nhân chính:

  • Chất lượng quan hệ trong gia đình giảm. Lúc này trẻ sẽ hụt hẫng và có xu hướng nghĩ là do lỗi của mình. Ví dụ như cha mẹ ly dị trẻ sẽ nghĩ là vì mình mà cha mẹ ly dị, “Tại sao mẹ (cha) lại sống với em mà không sống với mình?”, “Mẹ vì mình nên phải ly dị với cha!”. Ngoài ra, khi cha mẹ ly thân trẻ sẽ sống với một trong hai người do đó thiếu vắng tình cảm của gia đình, dẫn đến hụt hẫng tinh thần ở trẻ.
  • Trong gia đình có người thân mất hay thú cưng chết, và trẻ luôn cảm thấy lo lắng và cho rằng mình có lỗi.
  • Trẻ bị bạn bè bắt nạt nhưng không thể nói với ai, cha mẹ không quam tâm hỏi han càng khiến cho trẻ có cảm giác bị bỏ rơi và thường hay sợ đám đông.
  • Áp lực học tập: Cha mẹ nào cũng muốn con mình học giỏi, thông minh nên đặt cho bé mục tiêu học tập quá cao, bắt trẻ học nhiều, khi trẻ không đạt được kết quả tốt như điểm kém thì cha mẹ tỏ thái độ không hài lòng, tức giận, có khi phạt trẻ. Áp lực còn ở trong trường học, ví dụ giáo viên yêu cầu bé tả cây cau; nhưng trong khi bé ở thành phố nên không thể biết cây cau thế nào để làm bài, từ đó dễ dẫn đến căng thẳng từ việc học.
  • Thất bại trong học tập hay thi cử mặc dù trước đó trẻ học rất giỏi.
  • Thay đổi môi trường sống đột ngột: Bố mẹ chuyển nhà hay chuyển trường nhưng không cho bé biết. Trong trường hợp này bé sẽ cho rằng do mình học dở không bằng chị (em) bạn bè nên mới bị chuyển trường. Đồng thời, với việc lạ chỗ ở trẻ rất sợ khi ngủ.
  • Đa phần thì cha mẹ tự quyết định và áp đặt cho trẻ, không hỏi xem thái độ, ý kiến là bé có đồng ý, có muốn đi hay không. Bé thấy mình không có quyền quyết định, ba mẹ không tôn trọng mình.
  • Tiền căn bệnh của gia đình: Cha hay mẹ hoặc trong gia đình có người từng bị trầm cảm, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ dễ bị ảnh hưởng theo.

Cách điều trị bệnh trầm cảm
Điều trị trầm cảm cho trẻ đòi hỏi rất nhiều thời gian, nỗ lực và sự kiên trì của cha mẹ. Hãy làm mọi thứ vì con nhé:

  • Điều chỉnh mối quan hệ gia đình: Cha mẹ nên quan tâm, trò chuyện với trẻ nhiều hơn. Lắng nghe con nói, chú ý những thay đổi bất thường của trẻ để phát hiện kịp thời.
  • Đưa con tham gia các hoạt động bên ngoài: Những hoạt động vui chơi giải trí sẽ giúp giảm bớt căng thẳng rất nhiều, nhất là những hoạt động ngoài trời khi cả nhà cùng tham gia.
  • Tạo cho trẻ có chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đủ vitamin: Dinh dưỡng đầy đủ sẽ khiến trẻ tập trung học, tinh thần hưng phấn hơn.
  • Không tạo cho trẻ nhiều áp lực: Cha mẹ hãy dẫn bé đi chơi, xem phim, đi nhà sách, thảo cầm viên vào ngày cuối tuần. Đồng thời cha mẹ cũng phải đồng cảm, động viên khi bé học tập không tốt.
  • Không đánh trẻ khi chúng phạm sai lầm, cũng không nên hỏi dồn, bắt buộc trẻ phải trả lời ngay.
  • Đừng bỏ rơi trẻ khi trẻ không chịu chia sẻ: Thông thường, khi thấy con có vấn đề các bậc cha mẹ sẽ hỏi trẻ. Nhưng nếu trẻ không chịu nói thì cha mẹ cũng cho qua, không hỏi han, quan sát gì nữa. Hãy cố gắng hỏi đến khi trẻ chịu chia sẻ thì mới mong lần sau trẻ tiếp tục chia sẻ nỗi lo với cha mẹ.
  • Chú ý đến mối quan hệ ở trường của trẻ (với thầy cô và bạn bè). Có một số trường hợp trẻ rất sợ cô giáo, không muốn đi học nhưng cha mẹ lại phớt lờ việc này, và cho rằng rồi mọi việc sẽ đâu vào đấy. Xin đừng thờ ơ với điều này, hãy tìm hiểu để giải quyết vấn đề!
  • Tạo cho con những thói quen tốt trong đời sống hàng ngày như đi ngủ đúng giờ, thích chơi thể thao, thích ca hát nhảy múa.
  • Một phần quan trọng không kém nằm ngay trong chính bản thân các bậc phụ huynh: Cha mẹ nên tạo cho mình một tâm hồn thoải mái, khỏe mạnh để giáo dục trẻ một cách hợp lí nhất.
  • Ngoài ra, việc trị liệu bằng thuốc là cách phổ biến nhưng cách này không khuyến khích áp dụng cho trẻ nhỏ bởi lâu dài không tốt có sức khỏe.

Anh Thi