Tình trạng này thường xuất phát từ việc mẹ lựa chọn nguồn dinh dưỡng chưa phù hợp với khả năng tiêu hóa và cơ địa của con.Trong bài viết sau, bạn hãy cùng tìm hiểu các dấu hiệu cảnh báo rối loạn tiêu hóa ở trẻ và cách chăm sóc, điều trị cho trẻ hiệu quả.
Hiểu về rối loạn tiêu hóa ở trẻ
Rối loạn tiêu hóa là một vấn đề sức khỏe của hệ tiêu hóa. Những rối loạn này bao gồm các bệnh lý tiêu hóa có thể gây cản trở cuộc sống hàng ngày và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ [1].
Trẻ nhỏ khi bị rối loạn tiêu hóa lâu ngày sẽ dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch, hấp thu kém dẫn đến suy dinh dưỡng, chậm phát triển hoặc mắc bệnh nguy hiểm hơn, chẳng hạn như viêm đại tràng [2], [3].
Ví dụ như tình trạng tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa gây ra. Theo nghiên cứu, tiêu chảy mức độ từ trung bình đến nặng ở trẻ em làm giảm sự đa dạng của vi khuẩn và thay đổi thành phần hệ vi sinh vật đường ruột. Tiêu chảy cũng có thể ảnh hưởng đến cân nặng, chiều cao và sự phát triển trí tuệ của trẻ, đặc biệt là trường hợp tiêu chảy xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi [4].
Cùng lúc đó, những thay đổi của hệ vi sinh đường ruột do tiêu chảy lại tăng nguy cơ tiêu chảy kéo dài, khiến trẻ chậm phát triển và giảm năng lực trí tuệ [4]. Điều này tạo ra một “vòng luẩn quẩn” đối với sức khỏe và sự phát triển của con nên ba mẹ đừng chủ quan khi trẻ mắc chứng rối loạn tiêu hóa nhé!
Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ
Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa rất đa dạng nhưng trên thực tế, nhiều mẹ thường bỏ sót nguy cơ đến từ tình trạng mẫn cảm ở trẻ. Theo Viện Dị ứng và Miễn dịch Lâm sàng Châu Âu, mẫn cảm gây ra các triệu chứng hoặc dấu hiệu lặp lại, bắt đầu bằng việc tiếp xúc với một tác nhân kích thích ở liều lượng mà người bình thường có thể dung nạp được [5].
Mẫn cảm ở trẻ có thể biểu hiện qua các vấn đề tiêu hóa với các triệu chứng như nôn mửa, đau bụng, sôi bụng, tiêu chảy, táo bón, khó nuốt, đau dạ dày, biếng ăn… Ngoài ra, trẻ bị mẫn cảm cũng có các triệu chứng khác được nhận biết qua [6]:
- Da & niêm mạc: chẳng hạn như viêm da cơ địa, chàm, mề đay, phù mạch, mẩn đỏ, ngứa, hăm tã
- Hô hấp: bao gồm hắt hơi, sổ mũi, ho, thở khò khè hoặc khó thở. Đây có thể là triệu chứng của viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn ở trẻ
- Các biểu hiện toàn thân: mẹ có thể nhận thấy trẻ hay quấy khóc, khó chịu, bỏ bú, mệt mỏi, thờ ơ, bồn chồn, ngủ kém…
Theo các nghiên cứu, trẻ có cơ địa mẫn cảm thường có tính gia đình. Điều này nghĩa là nếu gia đình có người cơ địa mẫn cảm hay dị ứng thì trẻ cũng có nguy cơ bị mẫn cảm cao hơn [7], [8].
Ngoài nguyên nhân về mẫn cảm, trẻ bị rối loạn tiêu hóa còn có thể do một số nguyên nhân khác như [3]:
- Sức đề kháng của trẻ còn non yếu, chưa hoàn thiện
- Khẩu phần ăn chưa hợp lý, ví dụ như nếu trẻ ăn quá no, ăn quá nhiều một loại thực phẩm hoặc ăn đồ ăn giàu mỡ sẽ có các biểu hiện như đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn…
- Trẻ ăn uống không đảm bảo vệ sinh, đó có thể là đồ ăn chưa chín kỹ, thực phẩm bị ôi thiu, nguồn nước ô nhiễm…Điều này có thể dẫn đến đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.
- Trẻ dùng kháng sinh gặp tác dụng phụ gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, từ đó dẫn đến các vấn đề tiêu hóa từ nhẹ đến nặng
- Trẻ mắc một trong các bệnh lý tiêu hóa như viêm đại tràng, viêm ruột, viêm dạ dày…
Triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tùy thuộc vào mỗi trường hợp mà trẻ có thể có những biểu hiệu sau đây:
1. Nôn trớ
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nôn trớ, ọc sữa sau khi bú là điều bình thường do cơ vòng giữa dạ dày thực quản còn yếu. Tuy nhiên, nếu trẻ bị nôn dữ dội hơn hoặc nôn ra nhiều sữa thì đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề nào đó. Nếu trẻ bú sữa ngoài bị nôn có thể do bú quá nhiều hoặc không dung nạp sữa. Bạn nên đưa trẻ đi khám nếu trẻ thường xuyên bị nôn, chất nôn màu xanh hoặc lẫn máu… [11].
2. Đau bụng
Đau bụng là tình trạng phổ biến ở trẻ từ 3 đến 4 tháng tuổi. Trẻ sơ sinh sinh và trẻ nhỏ bị đau bụng có thể khóc rất to, kéo dài vài giờ mỗi ngày [11]. Đau bụng ở trẻ thường không rõ nguyên nhân nhưng một số trường hợp được chẩn đoán là do đầy hơi, táo bón, lồng ruột, dị ứng sữa… [2], [11].
3. Táo bón
Khi trẻ không đi tiêu thường xuyên, vài ngày mới đi một lần, đi tiêu phân cứng, có dấu hiệu bụng cứng và đau bụng thì những biểu hiện này cho thấy trẻ đang bị táo bón. Nguyên nhân gây ra táo bón có thể do trẻ bú mẹ ít, chế độ ăn của mẹ hoặc bé thiếu chất xơ, không hạp sữa công thức… Vì vậy, hầu hết trường hợp mẹ sẽ cần sự điều chỉnh lại chế độ ăn uống để góp phần giúp trẻ giảm táo bón [2].
4. Tiêu chảy
Một trong những dấu hiệu rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ nữa đó là tiêu chảy. Đây là tình trạng trẻ đi tiêu phân lỏng, nhiều nước với rủi ro lớn nhất là có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng. Do đó, trẻ bị tiêu chảy cần được điều trị kịp thời, đặc biệt là khi trẻ có những thay đổi bất thường hoặc có máu trong phân [11].
5. Đầy hơi dẫn đến chán ăn, bỏ bú
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa cũng có thể có triệu chứng đầy hơi, chướng bụng. Theo đó, bụng trẻ có thể căng to, ợ hơi hoặc xì hơi liên tục. Khi các triệu chứng này “làm phiền”, trẻ có xu hướng tiêu hóa kém, kèm theo biếng ăn hoặc bỏ bú [12].
4. Chăm sóc và điều trị rối loạn tiêu hóa cho trẻ
Chăm sóc dinh dưỡng để hỗ trợ và phòng ngừa rối loạn tiêu hóa cho trẻ có cơ địa mẫn cảm
Mẫn cảm không là bệnh nhưng nếu để tình trạng này kéo dài, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa không cải thiện sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của bé cũng như làm tăng nguy cơ dị ứng sau này. Do đó, nếu con bị rối loạn tiêu hóa tiêu hóa do mẫn cảm, mẹ cần đưa bé đi khám và tham khảo thêm ý kiến bác sĩ về cách điều trị. Đồng thời, mẹ cần chú ý chăm sóc dinh dưỡng đúng cách để hỗ trợ bé có cơ địa mẫn cảm.
Trong ít nhất 4 đến 6 tháng đầu đời, bạn nên ưu tiên nuôi con bằng sữa mẹ [13], [14] vì đây là nguồn dinh dưỡng được “thiết kế” riêng cho trẻ sơ sinh giúp con dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, tránh nguy cơ tiêu chảy, táo bón… [15]. Không những vậy, vai trò của sữa mẹ trong hỗ trợ trẻ có cơ địa mẫn cảm đã được chứng minh qua việc [16], [17], [18]:
- Giảm tần suất viêm da dị ứng ở trẻ dưới 2 tuổi
- Giảm khởi phát sớm những cơn khò khè ở trẻ dưới 4 tuổi
- Giảm tần suất dị ứng đạm sữa bò trong 2 năm đầu đời (nhưng không giảm dị ứng thức ăn nói chung)
Trong trường hợp bạn không đủ điều kiện cho con bú mẹ hoặc đối với trẻ trên 2 tuổi, mẹ cần có giải pháp dinh dưỡng thay thế phù hợp với cơ địa và đặc điểm tiêu hóa của con.
Điều trị rối loạn tiêu hóa cho trẻ
Lựa chọn phương pháp điều trị rối loạn tiêu hóa sẽ tùy thuộc vào triệu chứng nào đang ảnh hưởng đến trẻ nhiều nhất, chẳng hạn như:
Dùng thuốc [32]
Cho trẻ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Đó có thể là thuốc tăng hoặc giảm chuyển động của phân qua đường ruột, thuốc giảm axit dạ dày, thuốc giảm co thắt ruột…
Chăm sóc trong sinh hoạt hàng ngày [3]
- Chăm sóc dinh dưỡng hợp lý. Ưu tiên cho bé bú mẹ hoặc nếu bé dùng sữa bột thì cần làm theo hướng dẫn từ nhà sản xuất
- Bổ sung dinh dưỡng phù hợp theo từng độ tuổi của trẻ, đảm bảo trẻ được ăn đủ 4 nhóm thực phẩm gồm đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất
- Đảm bảo trẻ ăn chín uống sôi, thực phẩm dành cho con luôn cần tươi sạch, rõ ràng về nguồn gốc, thành phần
- Vệ sinh cho trẻ đúng cách và đảm bảo môi trường sống xung quanh bé luôn sạch sẽ để tránh lây nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh.
Nhìn chung, rối loạn tiêu hóa ở trẻ rất phổ biến nhưng các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với nhiều tình trạng khác. Vì vậy, mẹ nên quan tâm đến vấn đề tiêu hóa ở trẻ và nên nhanh chóng đưa trẻ đi khám nếu có biểu hiện nào bất thường nhé!