Khi đến trường, quá trình tiếp xúc với bạn bè có thể dẫn đến nguy cơ trẻ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm như bệnh tay chân miệng, bệnh về đường hô hấp, sốt virus… Ngoài ra, các bệnh thường gặp ở trẻ trong độ tuổi tiểu học như viêm amidan, vẹo cột sống, cận thị…
Béo phì
Tình trạng thừa cân, béo phì đang trở thành nguy cơ lớn ảnh hưởng sức khỏe của học sinh Việt Nam. Bên cạnh tình trạng suy dinh dưỡng, học sinh tiểu học đang bị béo phì ngày càng nhiều. Nguyên nhân do chế độ dinh dưỡng cho trẻ quá dư thừa, nhưng hoạt động vận động ít.
Thừa cân béo phì là nguyên nhân làm gia tăng bệnh lý mạn tính nguy hiểm như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường… trong đó hệ xương khớp là một trong những căn bệnh chịu tác hại nghiêm trọng của tình trạng này.
Cận thị
Các trung tâm y tế học đường tại Việt Nam ghi nhận tỷ lệ trẻ em Việt Nam mắc chứng cận thị ngày càng tăng. Trong đó, 80% tỷ lệ mắc cận thị mới rơi vào giai đoạn tiểu học.
Nguyên nhân cận thị gia tăng là do trẻ tiểu học chưa có tư thế ngồi học đúng, đầu cúi quá sát khi đọc và viết, điều kiện ánh sáng chưa đủ. Nhìn quá nhiều màn hình tivi, smartphone và ăn uống thiếu khoa học cũng là nguyên nhân gây ra sự gia tăng trẻ cận thị này.
Cha mẹ cần quan tâm các dấu hiệu trẻ mắc cận thị, đưa con đi thăm khám mắt chuyên khoa để can thiệp tránh cận nặng hơn. Dấu hiệu thường thấy: Trẻ than mệt mắt, nhức mắt, nhức đầu. Trẻ nheo mắt khi nhìn, cúi sát mắt mới đọc sách được. Con dễ chói mắt, sợ ánh sáng hay chảy nước mắt cũng nên chú ý.
Cong vẹo cột sống
Nghiên cứu y khoa học đường trong nước cho thấy: 100% trẻ em đi học có tình trạng vẹo cột sống nhẹ. Tỷ lệ bệnh vẹo cột sống rõ ở học sinh tiểu học là 30,8%. Trẻ trong độ tuổi 6-12 phát triển thể chất nhanh, nhưng dây chằng cột sống chưa ổn định. Chính vì vậy, tư thế không đúng lâu ngày gây biến dạng cơ thể.
Nguyên nhân:
- Tư thế ngồi học không đúng, thời gian ngồi học quá lâu.
- Trẻ ngồi lệch qua một bên khi mỏi, lâu dần gây vẹo cột sống.
- Kích thước bàn ghế trong lớp không đúng kích thước làm con khom lưng viết bài.
- Phải xách hoặc đeo cặp xách quá nặng.
Cong vẹo cột sống từ nhỏ sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ, kéo dài tới lớn: Đau lưng, vai lệch, đi khập khiễng, dễ mắc các chứng thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm.
Nhiễm trùng đường tiểu
Nhà vệ sinh trường quá bẩn, trẻ ham chơi quên đi tiểu dễ gây ra tình trạng nhiễm trùng đường tiểu khi con vào tiểu học. Bệnh do vi trùng gây ra khi chúng xâm nhập vào nước tiểu.
Nhiễm trùng thường chỉ ở bàng quang gọi là viêm bàng quang, nhưng chúng có thể đi cao hơn lên thận gây viêm thận. Khoảng 1 trong 20 trẻ em trai và hơn 1 trong 10 trẻ em gái có ít nhất một lần bị nhiễm trùng tiểu khi chúng đến tuổi 16.
Viêm amidan cấp
Trẻ trong độ tuổi tểu học (6-14 tuổi) rất hay gặp chứng viêm amidan cấp, amidan phì đại. Nếu không được điều trị và chăm sóc thích hợp, bệnh sẽ tái phát thường xuyên, ảnh hưởng nhiều đến học tập. Bệnh gây biến chứng nguy hiểm như viêm cầu thận cấp, viêm khớp, thấp tim.
Bệnh do virus gây ra, khi thời tiết thay đổi, môi trường ô nhiễm… Trẻ tiểu học sức đề kháng kém hoặc có ổ viêm nhiễm ở họng như sâu răng, viêm lợi, viêm xoang dễ mắc viêm amidan.
Triệu chứng:
- Trẻ có triệu chứng đột ngột sốt cao, mệt mỏi, đau họng khi nuốt, hơi thở hôi.
- Hạch cổ sưng đau, gây chán ăn.
- Trẻ ho đờm.
- Há to miệng sẽ thấy 2 amiđan sưng to, đỏ, có chấm mủ trắng.
Cha mẹ nên giữ cho con không bị lạnh, tránh tiếp xúc môi trường khói thuốc lá, bụi bẩn… Hướng dẫn trẻ súc miệng và họng bằng nước muối loãng. Khi bị viêm amidan, cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế. Tốt nhất, nên điều trị triệt để các bệnh vùng mũi họng như sâu răng, viêm họng, viêm xoang.
Các bệnh thường gặp ở trẻ tiểu học cần sự chăm sóc kịp thời của cha mẹ. Sức khỏe của con trẻ lúc này chưa hoàn thiện, sức đề kháng còn yếu. Bệnh trở thành mãn tính sẽ ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống và việc học hành của con.