Đau đầu là chứng bệnh phổ biến gặp ở mọi lứa tuổi. Riêng ở trẻ em, có 10-15% số trẻ đến khám tại phòng khám thần kinh, tâm thần, nhi khoa vì đau đầu. Đau đầu có thể là triệu chứng duy nhất, hoặc là triệu chứng của nhiều bệnh với nhiều kiểu đau đầu khác nhau.
Các loại đau đầu ở trẻ em thường gặp
Có hai loại nhức đầu: chứng đau đầu chính (primary headaches) và đau đầu phụ (secondary headaches). Dạng đau đầu chính là khi tình trạng nhức đầu này không phải do một chứng bệnh nào khác gây ra.
Ngược lại, chứng đau đầu phụ là do các chứng bệnh khác gây ra như nhiễm trùng xoang mũi, bị thương ở cổ…
Đau đầu chính (primary headaches)
Đau căng đầu và đau nửa đầu là hai dạng đau đầu chính phổ biến nhất. Đau căng đầu thường xảy ra ở trẻ em, thanh thiếu niên và chỉ kéo dài trong vài phút.
Cơn đau nhức thường được mô tả như một cảm giác bị xiết chặt ở hai bên đầu, thỉnh thoảng xuất hiện ở trán, phía sau đầu và cổ, hoặc cả hai khu vực này.
Có khoảng 10% các bé ở độ tuổi thanh thiếu niên mắc chứng đau nửa đầu. Những cơn nhức đầu thường bắt đầu đột ngột, theo kiểu mạch đập và thường nhức đầu ở một bên.
Một số bé có thể cảm thấy đau cả hai bên. Sự tiến triển của cơn đau có thể kéo dài hàng giờ, đôi khi cả ngày. Buồn nôn, nôn thường kết hợp với cơn nhức đầu.
Đau đầu phụ (secondary headaches)
Một số căn bệnh gây ra chứng đau đầu phụ:
- Chấn thương ở cổ
- Các vấn đề về xoang, mắt, răng, tai hoặc các bộ phận khác
- Bệnh trầm cảm ở trẻ nhỏ từ nhẹ đến nghiêm trọng
- Nhiễm trùng.
Đôi khi, nhức đầu có thể là dấu hiệu của khối u. Do đó, bạn nên chú ý nếu bé nói với bạn bé bị nhức đầu nhé.
[inline_article id=213109]
Nhức đầu cụm
Nhức đầu cụm thường xuất hiện ở những bé từ 10 tuổi trở lên. Những cơn nhức đầu thường bắt đầu ở một bên, xuất hiện đột ngột, cường độ mạnh, trước tiên ở trong và xung quanh mắt rồi lan ra nửa cổ, nửa mặt, nửa đầu.
Các cơn đau thường kéo dài khoảng một tuần hoặc một tháng. Nếu bé bị đau, bạn sẽ thấy phía bên đau của bé bị tắc mũi, đỏ mặt, co đồng tử, sụp mí mắt, lồi mắt và các triệu chứng khác.
Nguyên nhân gây chứng đau đầu ở trẻ em
Để có thể hiểu rõ hơn về cách giảm đau đầu ở trẻ em, đầu tiên chúng ta sẽ tìm hiểu một số nguyên nhân gây chứng bệnh trẻ em này. Theo các bác sỹ chuyên khoa thần kinh, những nguyên nhân thường gây ra đau đầu ở trẻ em là:
- Di truyền: Nếu như trong gia đình có ông bà, bố mẹ hay anh chị có tiền sử thường xuyên mắc các bệnh đau đầu thì người con, người cháu sinh ra sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn những đứa trẻ bình thường khác.
- Chấn thương đầu: Những tai nạn va chạm mạnh ở vùng đầu cũng là nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng đau đầu về sau cho bé. Bạn càng cần phải chú ý nhiều hơn nếu như con bạn có xuất hiện cơn đau đầu liên tục và tình trạng càng xấu đi sau một chấn thương ở đầu vì đó có thể là dấu hiệu của một tình trạng nguy hiểm hơn.
- Bệnh tật và nhiễm trùng: Nếu như con bạn đang mắc các bệnh như: bệnh tai giữa ở trẻ em, viêm xoang, cảm cúm thì rất có thể sẽ có thêm cơn đau nhức đầu kèm theo.
- Do yếu tố môi trường: bạn cũng nên để ý khi thời tiết chuyển mùa hoặc môi trường sống của bé vì đây cũng chính là nguyên nhân quan trọng gây nên hiện tượng đau đầu ở trẻ nhỏ.
- Yếu tố cảm xúc: cũng giống như người lớn, trẻ nhỏ nếu như gặp các tình trạng áp lực căng thẳng do học hành hay các áp lực từ mối quan hệ thầy cô giáo, hoặc bố mẹ cũng dễ xuất hiện tình trạng đau đầu.
Ngoài ra nếu trẻ thường xuyên ăn các thực phẩm chiên rán, hay thức chế biến sẵn như soda, chocolate, trà,…cũng là một nguyên nhân gây ra hiện tượng đau đầu.
Điều trị đau đầu tại nhà cho bé như thế nào?
Có nhiều cách giảm đau đầu ở trẻ em khác nhau bạn có thể tham khảo như sau:
- Đầu tiên bố mẹ cần chú ý theo dõi những dấu hiệu khả nghi liên quan tới các bệnh đau đầu của trẻ như: sốt, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn,… sau đó hãy đưa trẻ tới các bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được thăm khám cẩn thận.
- Nếu như trẻ chỉ bị đau đầu do thay đổi thời tiết và cơn đau không trầm trọng thì bạn có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau như paracetamol liều 10mg/kg và cho trẻ nghỉ ngơi thoải mái.
- Còn nếu như trẻ đau đầu xuất phát từ nguyên nhân do căng thẳng học hành thì bố mẹ cần để trẻ có thời gian thư giãn và nghỉ ngơi đầy đủ để trẻ có thể yên tâm vui vẻ và học hành tốt.
- Quan tâm tới chế độ dinh dưỡng cho bé, bạn có thể nấu các món ăn có tác dụng phòng chống và chữa trị đau đầu như : canh bí đỏ, ngải cứu với trứng.v..v.v.
- Bên cạnh đó bạn không để cho trẻ thức khuya, bỏ bữa sáng hay tiếp xúc nhiều với máy tính.
Khi nào cần đưa trẻ bị đau đầu đi khám bác sĩ?
Nếu trẻ chỉ thỉnh thoảng bị đau đầu và những thời điểm khác trẻ vẫn bình thường thì bạn cũng không cần thiết phải lo lắng nhiều. Tuy nhiên, với các dấu hiệu như:
- Cơn đau đầu xuất hiện vào buổi sáng sớm
- Đau đầu làm trẻ không thể ngủ ngon
- Cơn đau tăng dần và diễn ra thường xuyên hơn
Đây rất có thể là dấu hiệu báo trước một căn bệnh nguy hiểm nào đó. Bố mẹ hãy nhanh chóng đưa trẻ đi khám bác sỹ. Đặc biệt nếu bạn thấy trẻ bị thay đổi thị lực, yếu cơ hay co giật kèm theo thì lại càng nguy hiểm hơn.
Ngoài ra, cũng cần đưa trẻ đi khám ngay nếu trẻ bị đau đầu dữ dội hoặc cơn đau đầu khiến trẻ không thể tham gia các hoạt động hàng ngày.
Nhìn chung khi trẻ bị đau đầu, mẹ nên chú ý quan sát cẩn thật hơn bình thường một chút. Những căn bệnh đáng sợ chắc chắn sẽ không thể làm ảnh hưởng sức khỏe bé yêu nếu mẹ phát hiện sớm và chữa trị kịp thời phải không nào?