Cùng MarryBaby tìm hiểu những cách trị sổ mũi bằng phương pháp dân gian an toàn. Nhưng trước hết, hãy cùng tìm hiểu xem sổ mũi là gì và nguyên nhân do đâu để bảo vệ sức khỏe trẻ tốt hơn.
Nguyên nhân gây sổ mũi
Cấu tạo hốc mũi gồm một lớp niêm mạc, trên bề mặt được bao phủ thảm nhầy. Nó có chức năng bảo vệ mũi, giữ bụi bẩn và các loại vi khuẩn sau đó vận chuyển ra phía sau và xuống họng.
Lớp mô trong hốc mũi bị kích thích bởi các yếu tố như hóa chất, viêm nhiễm, khối u, dị vật… Khi đó, tuyến chế tiết nằm trong lớp biểu mô sẽ tăng sản xuất, dịch tiết nhiều hơn bình thường gây hiện tượng chảy nước mũi.
Chảy nước mũi là hiện tượng sức khỏe phổ biến ở mọi độ tuổi, đặc biệt hay gặp ở trẻ nhỏ. Tình trạng chảy nước mũi kéo dài không chỉ gây khó chịu mà có thể dẫn đến bệnh đường hô hấp như viêm xoang.
Trị sổ mũi bằng phương pháp dân gian
Sử dụng lá trầu
Theo kinh nghiệm dân gian, lá trầu hơ nóng có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe mẹ mới sinh và cả với bé. Quan niệm xưa cho rằng trẻ mặc không đủ ấm, ngực bị lạnh sẽ sinh ra sổ mũi. Hơ lá trầu và đắp lên ngực giúp trị sổ mũi.
Điều này hoàn toàn đúng. Y khoa ngày nay đã công nhận hiệu quả của tinh dầu trong lá trầu hiệu quả trong việc chữa ho, sổ mũi.
Nhiều thí nghiệm khoa học trên chiết xuất lá trầu cho thấy: Trong lá trầu có chứa hợp chất tinh khiết có tác dụng vệ sinh răng miệng, và các tính năng khác như chống tiểu đường, chống bệnh tim, chống viêm, điều hòa miễn dịch, chống loét , chống nhiễm trùng… Lá trầu có đặc tính khử trùng và làm ấm, giúp giảm triệu chứng sổ mũi.
Lá hẹ và đường phèn
Chọn 5-10 lá hẹ, vài cục đường phèn. Cho tất cả vào chén, sau đó hấp cách thủy.
Mỗi lần dùng, bạn cho con uống từ 2-3 thìa cà phê, liều lượng 2 lần/ngày.
Cháo hành, tía tô
Tía tô từ lâu được xem là thảo dược trị cảm rất tốt. Loại lá này được trồng quanh nhà để có sẵn khi dùng. Khi gặp cảm mạo, phong hàn, người ta thường nấu cháo tía tô ăn để giải cảm.
Theo Đông y, tía tô có tính ấm, vị cay. Lá này có tác dụng trị cảm mạo, giúp cơ thể tiết mồ hôi, giảm các triệu chứng bệnh do cảm lạnh cần chữa bằng cách cho ra mồ hôi.
Tía tô nấu với cháo hành nóng sẽ giúp cơ thể tăng tiết mồ hôi, giải cảm, giảm sổ mũi.
Gừng và mật ong
Gừng có chứa tinh dầu có thành phần Zingiberol, methyheptenone. Gừng tính cay ấm, có tác dụng tăng cường tuần hoàn huyết dịch, kích thích tiết dịch vị, hưng phấn ruột, xúc tiến tiêu hóa, chữa cảm lạnh, buồn nôn, ho do lạnh. Mỗi lần dùng 4 – 10gr.
Để chế biến thuốc trị sổ mũi theo dân gian, bạn cắt gừng thành từng lát sau đó đem hấp với mật ong lượng vừa đủ. Dùng từng lát gừng ngậm ăn hàng ngày là triệu chứng sổ mũi giảm hẳn.
Mẹ cũng có thể cho trẻ uống gừng xắt lát ngâm nước ấm, dùng cùng chanh và mật ong.
Tỏi ngâm mật ong
Mật ong có tính sát khuẩn. Chất alliin trong tỏi khá nhiều. Đây là loại chất đặc biệt giúp đặc trị bệnh cảm cúm hiệu quả, giúp long đờm, dễ thở, bớt ho, tránh nghẹt mũi và sổ mũi
Cắt tỏi thành lát, ngâm vào mật ong từ 2-3 ngày. Sau đó, đút cho bé uống mỗi lần 1-2 thìa cà phê. Nếu con sợ mùi tỏi mà không uống, mẹ có thể nướng tỏi cho thơm rồi nghiền vào cháo cho con ăn.
Trị sổ mũi bằng húng chanh và quất
Bài thuốc này cần 15-16 lá húng chanh, 4-5 quả quất (tắc) xanh. Rửa sạch, cho tất cả vào máy xay sinh tố xay nhuyễn.
Cho hỗn hợp này vào chén, thêm đường phèn vừa đủ và hấp cách thủy khoảng 20 phút. Cho trẻ uống liên tục cho tới khi hết sổ mũi.
Trị sổ mũi bằng phương pháp dân gian thường sử dụng đường phèn, mật ong và các loại thảo dược nên thơm ngon và không đắng như uống thuốc Tây. Phương pháp này thích hợp với trẻ, giúp trẻ dễ uống và kéo dài mà không sợ tác hại của hóa chất.