Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Các vấn đề sức khỏe trẻ em khác

Bệnh viêm mao mạch dị ứng ở trẻ, mẹ làm cách này để tránh di chứng cho con

Bệnh viêm mao mạch dị ứng ở trẻ là tình trạng sức khỏe không phổ biến. Vậy bệnh lý này có chữa được hay không? Con có thể gặp phải những biến chứng gì?

Nếu vô tình thấy con có những biểu hiện như nổi các chấm xuất huyết ở cẳng tay, cẳng chân, đi ngoài phân đen, đau bụng, tiểu ra máu kèm thêm đau nhức khớp thì đó có thể là trẻ đã mắc bệnh viêm mao mạch dị ứng (henoch-schonlein pupura-HSP).

Bệnh viêm mao mạch dị ứng

Đây là một tình trạng sức khỏe khá hiếm gặp nên chắc chắn bạn sẽ không khỏi lo lắng. Nhưng bạn hãy yên tâm vì nếu phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời thì đa số trẻ sẽ nhanh khỏe lại mà không gặp bất kỳ nguy hại nào. Mời bạn tham khảo bài viết sau để hiểu hơn về bệnh, từ đó có biện pháp phòng ngừa thích hợp cho trẻ.

Thế nào là bệnh viêm mao mạch dị ứng ở trẻ em?

Về lý thuyết, bệnh viêm mao mạch dị ứng là một dạng viêm có liên quan đến các mạch máu nhỏ, đặc trưng là xuất hiện những tổn thương lan tỏa hệ thống tại nhiều cơ quan như da, khớp, thận và ruột. Hiện cơ chế bệnh sinh như thế nào vẫn chưa rõ, nhưng một vài nghiên cứu đã chỉ ra đó là do phản ứng giữa kháng nguyên và kháng thể xảy ra chủ yếu trên lớp nội mạc mao mạch gây hậu quả làm tổn thương mạch máu dẫn đến xuất huyết.

Bệnh này chẳng từ một ai nhưng đối tượng thường gặp nhất vẫn là trẻ em (chiếm 90% số ca bệnh) trong độ 4 – 16 tuổi (bé từ 2 tuổi trở lên cũng có nguy cơ mắc bệnh). Tình trạng này đặc biệt gặp nhiều ở bé trai hơn bé gái và thường xảy ra vào giai đoạn đông xuân. Đa phần trẻ bị bệnh thường sẽ khỏi hoàn toàn nếu tích cực điều trị. Nhưng cũng có trường hợp trẻ bị tái phát hoặc gặp các biến chứng về thận sau đó.

Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh viêm mao mạch dị ứng ở trẻ em?

Căn nguyên bệnh cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nhưng sau nhiều nghiên cứu, giới chuyên gia nhận định bệnh HSP thường khởi phát từ những vấn đề sau:

  • Trẻ đã có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp trên khoảng vài tuần trước đó (trường hợp này chiếm tỷ lệ khoảng 30 – 50% số ca bệnh)
  • Trẻ nhiễm phải các loại vi khuẩn như tụ cầu, liên cầu khuẩn, virus gây bệnh lao hoặc một số loại nấm men
  • Sử dụng một số loại thuốc, sau khi tiêm ngừa vaccine

Ngoài ra, một số yếu tố phụ khác cũng kích thích bệnh phát triển như trẻ bị côn trùng cắn sưng tấy, gặp chấn thương, dị ứng với một số thực phẩm lạ hoặc thời tiết trở lạnh…

Những dấu hiệu dễ nhận biết trẻ mắc bệnh viêm mao mạch dị ứng

triệu chứng của bệnh viêm mao mạch dị ứng ở trẻ

Như đã đề cập, viêm mao mạch dị ứng là tình trạng gây tổn thương lan tỏa trên nhiều cơ quan khác nhau. Người bệnh sẽ có các biểu hiện lâm sàng như:

  • Ở da: Xuất hiện các chấm hoặc ban xuất huyết không ngứa tại các vị trí như cẳng tay, cẳng chân, mông, đùi và những nếp gấp (gấp khoeo chân, gấp khuỷu tay). Mẹ nên chú ý vì đây là triệu chứng đầu tiên sẽ xuất hiện khi trẻ mắc bệnh. Ngoài những vị trí vừa nêu, các chấm hoặc ban xuất huyết đôi khi cũng hiện diện ở tai, mũi và vùng kín của trẻ.
  • Ở khớp: Trẻ thường than phiền về cơn đau nhức khó chịu tại những nơi gần với các ban và chấm xuất huyết. Thường gặp nhất là khớp cổ tay, cổ chân, khớp gối.
  • Tại hệ tiêu hóa: Người bệnh sẽ thấy đau bụng quanh rốn. Cơn đau âm ỉ kéo dài khoảng vài giờ, có khi vài ngày chưa dứt kèm theo buồn nôn hoặc nôn. Nhiều trẻ còn có hiện tượng đi ngoài phân đen, nôn ra máu.
  • Tại thận: Nếu đã xuất hiện các biểu hiện ở thận như viêm cầu thận, tiểu ra máu chứng tỏ bệnh đã tiến triển mạnh.

Bệnh viêm mao mạch dị ứng ở trẻ còn có thể gây các triệu chứng hiếm gặp hơn như viêm tinh hoàn, hôn mê, co giật rất nguy hiểm. Lưu ý, mỗi trẻ sẽ có biểu hiện không giống nhau.

Chẩn đoán viêm mao mạch dị ứng ở trẻ em

Việc chẩn đoán sẽ dựa trên những triệu chứng lâm sàng vừa nêu. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ đặt những câu hỏi xoay quanh tiền sử sức khỏe của trẻ. Để khẳng định chắc chắc con có bệnh viêm mao mạch dị ứng hay không, đôi khi còn cần các xét nghiệm như:

  • Sinh thiết mô (mẫu được lấy từ tế bào da hoặc tế bào thận) rồi soi dưới kính hiển vi. Cách này chỉ cần thiết khi các biện pháp chẩn đoán khác cho kết quả không rõ ràng.
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu nhằm đo mức protein để đánh giá sức khỏe của thận.
  • Nội soi (là phương pháp sử dụng sóng âm nhằm tái tạo hình ảnh của các mô, cơ quan trong cơ thể) đường tiêu hóa nhằm tìm ra dấu hiệu của bệnh.

Phương pháp điều trị bệnh viêm mao mạch dị ứng ở trẻ

Bệnh viêm mao mạch dị ứng ở trẻ, làm cách này tránh di chứng cho con

Viêm mao mạch dị ứng có chữa được không? Hiện chưa có phương thuốc chữa dứt điểm bệnh lý này. Vì thế, việc điều trị cho trẻ chủ yếu là giải quyết các triệu chứng bệnh, cụ thể như sau:

  • Đảm bảo trẻ uống đủ nước mỗi ngày. Việc thiếu nước sẽ làm cho các tổn thương ngoài da lâu lành hơn.
  • Xây dựng chế độ ăn lành mạnh bao gồm đầy đủ vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
  • Sử dụng một số loại thuốc giảm đau không kê toa chẳng hạn paracetamol (acetaminophen) hoặc thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen hoặc naproxen để giảm các triệu chứng đau nhức. Nếu trẻ có biểu hiện viêm thì bác sĩ sẽ kê toa thêm một số thuốc corticosteroid.
  • Việc sử dụng thuốc nói chung phải có sự tham vấn y khoa rõ ràng. Bạn không nên cho trẻ tự ý dùng thuốc để tránh những rủi ro sức khỏe không đáng có.

Bệnh viêm mao mạch dị ứng thường đặc trưng bởi chứng phát ban và đau khớp. Những biểu hiện này thường sẽ biến mất mà không cần can thiệp nhưng cũng có trường hợp tái phát lại sau đó.

Viêm mao mạch dị ứng có nguy hiểm hay không?

Câu trả lời cho trẻ bị viêm mao mạch dị ứng có nguy hiểm hay không còn tùy vào thời điểm phát hiện bệnh. Nếu phụ huynh chậm trễ, không nhận biết các dấu hiệu của bệnh sớm, tình trạng đau khớp sẽ khiến trẻ đi lại khó khăn. Chưa kể, các tổn thương trên da nếu nặng sẽ chuyển sang giai đoạn viêm mao mạch hoại tử do lưu thông máu tại những vị trí bị ảnh hưởng không tốt.

Biến chứng nguy hại nhất phải kể đến đó chính là tổn thương ở thận. Biểu hiện lâm sàng là trẻ bị phù nề, protein niệu (trong nước tiểu có nhiều protein). Nhiều trẻ còn bị viêm cầu thận tiến triển. Các bé trai còn có thể gặp tình trạng viêm tinh hoàn và xoắn thừng tinh khi mắc bệnh. Phụ nữ từng bị HSP khi còn nhỏ sẽ có nguy cơ cao bị tăng huyết áp thai kỳ.

Vừa rồi là những chia sẻ về bệnh viêm mao mạch dị ứng ở trẻ em. Mong rằng bạn đã có những thông tin hữu ích trong việc nuôi dạy con thật tốt. Đừng quên thông báo ngay cho bác sĩ nếu phát hiện thấy trẻ có những biểu hiện lạ mà bản thân không rõ nguyên nhân nhé.

M.P