Có nhiều cách trị đẹn cho trẻ sơ sinh như dùng thuốc Tây y, Đông y và các thực phẩm quen thuộc hàng ngày. Mẹ có thể tìm hiểu và chọn ra cách trị đẹn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phù hợp. Nhưng trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu bệnh đẹn là gì và bị đẹn là bị gì nhé!
1. Bệnh đẹn ở trẻ sơ sinh là gì?
Đẹn lưỡi (oral thrush/mouth thrush) hay còn gọi là bệnh nấm lưỡi, tưa lưỡi; đẹn lưỡi là một bệnh nhiễm trùng nấm men xảy ra ở lưỡi, phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; đặc biệt là giai đoạn đang bú sữa mẹ; thường xuất hiện dưới dạng các mảng hoặc vết loét có hình dạng bất thường màu trắng hoặc vàng trong miệng bé.
Cách nhận biết bé bị nổi đẹn trong miệng:
- Xung quanh miệng trẻ sơ sinh bị đẹn lưỡi sẽ xuất hiện những mảng màu trắng sữa.
- Bệnh đẹn làm trẻ sơ sinh đau rát miệng lưỡi, biếng bú, lười ăn, hay nôn trớ, đau họng khó nuốt.
- Trường hợp nặng có thể viêm sưng đỏ, gây nhiễm trùng nặng. Bệnh đẹn thường chữa lâu khỏi và dễ tái phát.
Vì vậy, việc phát hiện sớm đẹn lưỡi ở trẻ sơ sinh là điều cần thiết để biết cách trị đẹn cho trẻ sơ sinh hiệu quả.
2. Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị đẹn lưỡi là gì?
Đẹn (hay nấm miệng, tưa lưỡi) là do sự phát triển quá mức của một loại nấm có tên là Cadida albicans. Hầu hết chúng ta đều có nấm Candida trong miệng và đường tiêu hóa; đây là một dấu hiệu bình thường của sự phát triển.
Vì sao đẹn lưỡi xuất hiện ở trẻ sơ sinh? Do trẻ sơ sinh không có hệ miễn dịch khỏe mạnh; không đủ số lượng vi khuẩn giúp kiểm soát đẹn lưỡi; hoặc đang sử dụng một số loại thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn; nên bé sẽ gặp tình trạng đẹn lưỡi ở trẻ sơ sinh.
Hơn nữa, bé bị nổi đẹn trong miệng có thể do vú của mẹ không được vệ sinh và lau khô đúng cách sau khi cho con bú.
3. Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị đẹn lưỡi là gì?
Sau đây là dấu hiệu bé bị nổi đẹn trong miệng mẹ cần chú ý:
- Biểu hiện ban đầu của trẻ sơ sinh bị đẹn là trên lưỡi và niêm mạc miệng có các đốm, mảng trắng đục hoặc vàng nhạt nổi cộm lên.
- Những đốm này sẽ nhanh chóng lan ra khắp miệng (lưỡi, lợi, niêm mạc miệng, kể cả vòm họng).
- Một số trường hợp trẻ sơ sinh bị đẹn nặng còn viêm sưng đỏ khiến trẻ bỏ bú vì đau miệng.
- Trẻ bị đẹn nếu để lâu, nấm sẽ ăn loang khắp lưỡi, làm mất vị giác khiến trẻ biếng bú.
- Trẻ bị nấm miệng có thể kèm theo tiêu lỏng và da quanh hậu môn bị viêm đỏ. Nếu phát hiện bé bị nấm miệng, mẹ nên điều trị ngay để tránh tình trạng này.
Tuy nhiên, mẹ cũng đừng sốt ruột “cậy” những chấm trắng này ra vì sẽ gây chảy máu; dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng. Sau đây là cách trị đẹn cho trẻ sơ sinh an toàn và hiệu quả.
4. Cách chữa trị đẹn cho trẻ sơ sinh hiệu quả
Tuy là căn bệnh có triệu chứng khó chịu nhưng đẹn lưỡi lại rất dễ chữa trị. Mẹ có thể áp dụng các cách rơ miệng trẻ bằng các phương thuốc dân gian hay hiện đại đều mang đến hiệu quả cao.
4.1 Cách trị đẹn cho trẻ sơ sinh với thuốc kháng nấm
Đây cách trị đẹn trong miệng bé trẻ sơ sinh yêu dấu tiện dụng lại an toàn được nhiều mẹ áp dụng nhất hiện nay.
- Mẹ có thể rơ miệng cho trẻ bằng các loại thuốc kháng nấm thích hợp như Miconazole (Daktarin), Nystatin, Bicarbonate de Natri…
- Đối với thuốc dạng viên, nên tán thật mịn, hòa với dung dịch Nabica 1,4% (Natri Bicarbonat 14 phần ngàn) hoặc với nước sôi nguội trước khi sử dụng.
(*) Trước khi áp dụng cách trị đẹn này cho trẻ sơ sinh; mẹ cần tham khảo kỹ với bác sĩ.
4.2 Cách trị đẹn cho trẻ sơ sinh bằng phương pháp dân gian
- Mẹ có thể hái lá cỏ mực rửa sạch, giã nát, lọc qua khăn xô lấy nước cốt, hòa với 1 tí xíu muối tinh (muối trắng).
- Dùng bông thấm thuốc bôi vào chỗ sưng đau, lở loét, ngày bôi 2 – 3 lần. Với trẻ trên 1 tuổi, Mật ong cũng có tính sát trùng rất tốt.
- Sau khi rơ lưỡi xong mẹ phải cho con uống nước lọc tráng miệng để khỏi lưu lại chất đường trong miệng.
- Ngoài ra, mẹ có thể rơ lưỡi bằng lá hẹ, lá bồ ngót cũng rất hiệu quả.
Với trẻ lớn hơn 2 tuổi, biết cách ngậm nước trong miệng; mẹ hãy nướng hay hấp 1 củ tỏi cho vừa chín rồi giã chung với lá diếp cá sau đó đổ nước nóng vào. Mẹ dùng khăn xô lọc ra còn chừng 1 bát để ấm, kêu con ngậm trong miệng chừng mấy chục giây là nhả ra. Bé làm ngày 2 lần, chừng chục lần sẽ giúp giảm viêm rất hiệu quả.
>> Mẹ xem thêm: Mẹo giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc vào ban đêm
[inline_article id=187278]
5. Những lưu ý khi rơ miệng trị đẹn cho trẻ sơ sinh
Cách trị đẹn cho trẻ sơ sinh thì tương đối đơn giản và dễ thực hiện; tuy nhiên cũng cần lưu ý đến một số vấn đề sau:
- Rửa tay sạch sẽ và bấm gọn móng tay; quấn gạc đã hấp vào ngón trỏ; cho một ít thuốc lên gạc và rơ miệng cho con.
- Tiến hành sau khi cho trẻ bú khoảng 2 giờ: thời gian áp dụng cách trị đẹn, rơ miệng cho trẻ sơ sinh này giúp sữa xuống hết tá tràng; tránh gây nôn và để thời gian niêm mạc miệng tiếp xúc với thuốc được lâu.
- Nên rơ khắp miệng cho trẻ gồm: mặt trong hai má, trên và dưới lưỡi, mặt trong và ngoài cửa lợi, hàm ếch. Khi rơ lưỡi, mẹ cần cẩn thận; không đưa ngón tay vào quá sâu trong miệng trẻ tránh gây nôn.
- Vệ sinh các vật dụng của bé hàng ngày thật sạch sẽ: Ngoài cách trị đẹn, rơ miệng cho trẻ sơ sinh; mẹ cũng cần để tránh được mầm bệnh lây lan.
- Hấp hoặc luộc núm vú, bình bú trong 5-7 phút sau mỗi lần bú (nếu bé bú bình).
Nếu lúc rơ ngón tay có “bóc” các mảng nấm ra, mẹ sẽ thấy lớp niêm mạc bên dưới trầy đỏ và đôi khi gây chảy máu. Điều này mẹ đừng quá lo lắng nếu chảy máu ít. Rơ miệng kỹ là tốt vì nếu rà không kỹ; đẹn sẽ nhanh chóng tràn lan ra trở lại.
LƯU Ý: Mẹ nên rơ lưỡi nhẹ nhàng, không nên cạy, chà xát mạnh để cố lấy nấm ra sẽ dễ gây viêm nhiễm nặng hơn.
>> Mẹ xem thêm: Có nên quấn trẻ sơ sinh khi ngủ không? Mẹ nên lưu ý điều gì?
Lưu ý khi vệ sinh miệng cho trẻ sơ sinh
Sau khi áp dụng cách trị đẹn cho trẻ sơ sinh hiệu quả, bé đã bớt hoặc hết đẹn; nên tiếp tục rà miệng trẻ thêm hai ngày để tránh trường hợp bị tái phát trở lại. Mẹ có thể rơ miệng cho bé tối đa 3-4 lần/ngày; nhiều nhất 7 ngày. Sau đó, nếu trẻ không đỡ; mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng các loại kháng nấm khác.
Hướng dẫn chăm sóc và theo dõi tại nhà:
- Rửa tay.
- Rửa sạch đồ chơi của trẻ nhằm ngăn tái nhiễm.
- Vệ sinh vú mẹ bằng nước ấm và sau khi cho trẻ bú.
- Cho uống nước, làm sạch miệng trước khi bôi thuốc vào miệng.
- Bệnh kéo dài hơn 7 ngày hoặc tái phát cần tái khám để tìm nguyên nhân cốt lõi.
6. Cách phòng tưa lưỡi, phòng trẻ sơ sinh bị đẹn
Cách trị đẹn cho trẻ sơ sinh thì tương đối đơn giản; nhưng để bé yêu luôn khỏe mạnh không quấy khóc vì bị đau do đẹn gây ra; mẹ có thể chủ động phòng bệnh nấm, đẹn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Phòng ngừa bằng cách vệ sinh khoang miệng và lưỡi đúng cách như sau:
- Đối với trẻ bú sữa bình, mẹ cần vệ sinh bình sữa và núm vú thường xuyên vì các vi nấm thường trú ẩn nơi đây. Sau khi trẻ bú bình xong, chị em nên cho trẻ uống ít nước chín đun sôi để nguội.
- Mẹ có thể dùng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% để súc miệng cho trẻ. Đây là biện pháp làm sạch các cặn sữa trẻ còn ngậm trong miệng chưa nuốt hết.
- Nên vệ sinh lau lưỡi cho trẻ hàng ngày bằng cách dùng gạc sạch thấm nước muối sinh lý lau lưỡi cho trẻ ngày 2 lần sáng và trước khi đi ngủ.
Sau khi vệ sinh lưỡi miệng sạch sẽ, mẹ hãy dùng 1 gói Nystatin 1gr (loại dùng cho trẻ nhỏ) trộn với 2 thìa cà phê nước đun sôi để nguội. Dùng hỗn hợp này lau lưỡi và khoang miệng cho bé ngày 1 lần, chờ khoảng 20 – 25 phút mới cho trẻ ăn.
>> Mẹ xem thêm: Mẹo giữ lại cuống rốn trẻ sơ sinh để “giữ vía”cho con thông minh
[inline_article id=69794]
Có thể thấy đẹn lưỡi là căn bệnh gây nhiều phiền phức cho mẹ và bé. Tuy nhiên, bé bị bệnh đẹn lưỡi cũng khá dễ xử lý. Chỉ cần một chút kiên trì, cẩn thận là các mẹ đã giải cứu trẻ yêu khỏi tình trạng đau rát miệng, khó chịu vì đẹn lưỡi rồi.
Chúc mẹ tìm được cách trị đẹn cho trẻ sơ sinh hiệu quả nhất cho thiên thần nhỏ của mình nhé!