Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Các vấn đề sức khỏe trẻ em khác

Hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ em và những điều mẹ cần biết

Theo quan niệm truyền thống, bàn chân bẹt ở trẻ em được xem như tướng phú quý và thịnh vượng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bàn chân bẹt là một dị tật phổ biến, có thể tác động xấu đến sự phát triển của trẻ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bàn chân bẹt ở trẻ em
Trẻ bị bàn chân bẹt. Ảnh minh họa: theindusparent

Bàn chân bẹt là gì?

Người bị bàn chân bẹt thì gan bàn chân họ không cong lên mà phẳng sát dưới sàn. Nếu có cong thì cũng rất ít.

Chân người có 33 khớp nối, 26 xương,100 cơ, gân và dây chằng. Vòm bàn chân giúp chúng ta bật đứng dễ dàng và giúp phân phối trọng lượng cơ thể đều ở chân và bàn chân.
Cấu trúc vòm chân sẽ quyết định dáng đi của một người. Vòm này vừa phải cứng cáp vừa phải linh hoạt để thích nghi với các loại bề mặt khác nhau.

Những người có bàn chân bẹt thì trọng lượng lại dồn vào má trong của chân khi họ đứng hoặc đi, khiến mũi chân chĩa ra ngoài.

Hiện tượng bàn chân bẹt ở trẻ em

bé bị bàn chân bẹt
Trẻ em sinh ra chân thường phẳng. Ảnh min họa: ezshopex

Trẻ em thường sinh ra với gan bàn chân phẳng. Lúc này xương khớp của trẻ dễ uốn nên bàn chân bé bị phẳng khi đứng lên. Nếu bạn kéo bé đứng trên đầu ngón chân hoặc bế bé lên, thì bạn vẫn có thể nhìn thấy gan bàn chân cong theo dạng vòm. Nhưng khi bé đứng thì vòm này biến mất. Bàn chân có khuynh hướng chìa ra, dồn trọng lực vào mặt trong khiến lòng bàn chân càng phẳng.

Thông thường khi trẻ 3 tuổi, chân sẽ cứng hơn và không còn dễ uốn như trước, lúc này vòm gan bàn chân mới hình thành. Chỉ khoảng 1-2 trong số 10 trẻ là vẫn duy trì bàn chân phẳng tới khi trưởng thành.

Đối với trẻ không xuất hiện vòm gan bàn chân hoặc vòm gan này rất thấp, thì cũng không cần điều trị gì đặc biệt trừ khi chân bị đau hay thiếu linh hoạt.

Tuy nhiên, bàn chân bẹt có nhiều dạng và một số trường hợp sau có thể dẫn tới viêm khớp khi bước vào độ tuổi teen, do đó mẹ cần lưu ý.

Dấu hiệu bàn chân bẹt ở trẻ em

Với tật bàn chân bẹt ở trẻ, bố mẹ nên sớm nhận biết những dấu hiệu sau đây để nhanh chóng có những biện pháp can thiệp phù hợp.

  • Bé bị bàn chân bẹt không có hình vòm như bình thường.
  • Bé có khuynh hướng áp cạnh trong của bàn chân xuống đất.
  • Khi trẻ bị bàn chân bẹt di chuyển, bố mẹ có thể dễ nhận thấy chân bé có dấu hiệu biến dạng và nghiêng vào sâu bên trong.
  • Khi bé yêu đứng quay mặt về phía bạn, cạnh mắt cá chân bị cong khá nhiều.
  • Mỗi khi nô đùa hay chạy giỡn, bé thường phàn nàn với bạn về cảm giác đau ở bàn chân, đầu gối hay mắt cá chân.
  • Trẻ bị bàn chân bẹt không nhanh nhẹn, hay tỏ ra vụng về, lúng túng hơn với những bạn đồng lứa khi chạy nhảy hay chơi thể thao.

Các mẹ lưu ý, trẻ dưới 2 tuổi thường sở hữu bàn chân dẹp tự nhiên. Tuy nhiên, bé 3 tuổi trở lên sẽ dần hình thành rõ vòm bàn chân. Nếu trong giai đoạn này, ba mẹ không nhận thấy sự phát triển của vòm chân ở trẻ và bé thường xuyên phàn nàn về việc đau đầu gối, lưng hay bàn chân thì con yêu của bạn có thể đã mắc hội chứng bàn chân dẹp.

Các dạng bàn chân bẹt ở trẻ em

  • Bàn chân bẹt mềm mại: Đây là dạng linh hoạt nhất. Vòm bàn chân sẽ xuất hiện khi bạn nâng chân khỏi sàn. Gan bàn chân sẽ hoàn toàn chạm đất khi bạn đặt chân xuống sàn. Loại này xuất hiện ở trẻ em và không đau.
  • Gân Asin căng: Gân Asin (gân gót chân) nối xương gót chân với cơ bắp chân. Nếu gân này quá căng, trẻ sẽ thấy đau khi đi và chạy. Tình trạng này khiến gót chân nhỏm lên sớm trước khi trẻ đi hoặc chạy. Trọng lực dồn xuống mũi chân, gây ra tình trạng ngón chân hình búa và biến dạng ngón chân cái. Đây là hậu quả của tình trạng bàn chân bẹt và ở trẻ em thì tập vật lý trị liệu có thể kéo giãn gân.
Biến dạng ngón chân cái
Biến dạng ngón chân cái. Ảnh minh họa: drgraff
  • Bàn chân bẹt thể cứng: Tình trạng này khá hiếm gặp ở trẻ nhỏ mà chủ yếu ở tuổi teen. Lúc này trẻ sẽ rất khó di chuyển bàn chân lên xuống, không thể nghiêng chân qua lại ở mắt cá. Chân sẽ đau và nếu không được điều trị có thể dẫn tới viêm khớp.
  • Rối loạn chức năng gân cơ chày sau: Dạng bàn chân phẳng này lại xuất hiện ở người lớn khi gân nối giữa cơ bắp chân và mặt trong mắt cá bị tổn thương, sưng và đứt. Nếu vòm bàn chân không nhận được sự hỗ trợ, bạn sẽ cảm thấy đau trong chân và mắt cá.

Tùy vào nguyên nhân mà trẻ bị bàn chân bẹt có thể phải điều trị một hoặc cả hai bàn chân.

Bàn chân bẹt ở người lớn
Bàn chân bẹt ở người lớn. Ảnh minh họa: fixflatfeet

Nguyên nhân khiến bé bị bàn chân bẹt

Các nguyên nhân phổ biến gây ra hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ bao gồm:

  • Di truyền: Bàn chân bẹt có thể truyền từ bố mẹ sang con hoặc từ ông bà sang cháu.
  • Vòm chân yếu: vòm chân chỉ xuất hiện khi ngồi nhưng lại phẳng khi đứng
  • Chấn thương chân hay mắt cá
  • Viêm khớp hoặc viêm khớp dạng thấp (mãn tính)
  • Tổn thương, mất chức năng hoặc đứt gân cơ chày sau
  • Tổn thương thần kinh hoặc mắc bệnh cơ bắp, chẳng hạn bại não, loạn dưỡng cơ bắp hoặc nứt đốt sống.

Một nguyên nhân khác là hội chứng ”dính các xương bàn chân”. Lúc này các xương ở bàn chân dính lại với nhau một cách bất thường, gây ra tình trạng bàn chân bẹt và cứng.

Người bị béo phì hoặc tiểu đường cũng dễ mắc bàn chân bẹt. Phụ nữ có thai hoặc người già cũng có thể bị bàn chân bẹt do gân cơ chày sau bị yếu.

Gân là cấu trúc hỗ trợ chính của vòm bàn chân. Gân có thể bị viêm, bị đứt hoặc quá tải. Gân bị tổn thương khiến gan bàn chân phẳng.

Gân gót chân có thể bị đứt
Gân gót chân có thể bị đứt. Ảnh minh họa: Mayoclinic

Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Trẻ bị bàn chân bẹt nếu không cảm thấy đau hay các triệu chứng khác thì không cần điều trị. Ngược lại nếu xuất hiện các dấu hiệu sau thì nên đi khám:

  • Lòng bàn chân mới bị phẳng gần đây
  • Đau bàn chân, mắt cá và chi dưới
  • Các triệu chứng không được cải thiện dù đã mang giày chỉnh hình cho bàn chân bẹt
  • Một hoặc cả hai chân trở nên bẹt hơn
  • Bàn chân cứng ngắc, nặng nề, khó di chuyển, khó xoay trở.

Các bài tập giúp giảm các triệu chứng do bàn chân bẹt gây ra

Bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn bạn một số bài tập để cải thiện độ chắc khỏe và linh hoạt của bàn chân, mắt cá.

Bài tập giãn gân gót chân: Mục đích của bài tập này là kéo giãn gân gót chân Asin và cơ đùi sau, giảm tình trạng bàn chân khuỳnh vào trong.

  • Đứng đối mặt với tường, chống hai tay lên tường ngang tầm mắt.
  • Đưa bàn chân bị bẹt ra sau chân còn lại, sao cho gót chân chạm vững chắc xuống sàn nhà.
  • Khuỵu đầu gối bàn chân trước cho đến khi chân sau căng hết cỡ.
  • Giữ 30 giây, sau đó thả lỏng rồi tiếp tục. Thực hiện 9 lần rồi đổi bên nếu chân còn lại cũng bị bẹt.
  • Nhớ giữ lưng thẳng trong suốt quá trình tập.
  • Thực hiện 2 lần mỗi ngày.
Cách tập giãn gót chân
Cách tập giãn gót chân cho trẻ bị bàn chân bẹt. Ảnh minh họa: Duchenne Therapy Network

Bài tập lăn bóng golf: Bài tập này cần một cái ghế và một quả bóng golf

Bạn ngồi lên ghế, hai bàn chân đặt vững chắc trền sàn. Đặt 1 quả bóng golf dưới chân lăn nó phía dưới gan bàn chân trong 2 phút để kéo giãn dây chằng cân gan chân.

Cách thực hiện bài tập lăn bóng
Cách thực hiện bài tập lăn bóng. Ảnh minh họa: marinafarook

Cách điều trị bàn chân bẹt ở trẻ em và người lớn

Nếu chân bị đau thì những đôi giày chỉnh hình dành cho người bị bàn chân bẹt có thể giúp giảm đau. Hoặc bạn có thể mua những miếng quế lót giày dành riêng cho người bị bàn chân bẹt. Tuy nhiên, những sản phẩm này chỉ giúp giảm căng thẳng ở mô gân, giảm triệu chứng đau chứ không đem lại lợi ích lâu dài.

Đeo băng nẹp chuyên dụng cho mắt cá chân cũng giúp giảm viêm.

Băng mắt cá chân
Băng mắt cá chân

Đối với người bị đứt gân thì việc mang giày có thể giúp giảm thiểu triệu chứng. Nếu không, bạn sẽ phải phẫu thuật nối gân.

Quế lót giày chỉnh hình lòng bàn chân
Quế lót giày chỉnh hình lòng bàn chân. Ảnh minh họa: freepik

Những trẻ bị dính xương bàn chân thì việc phẫu thuật cũng sẽ cần thiết.

Một số trẻ béo phì bị bàn chân bẹt kèm xương yếu, cách tốt nhất là giảm cân và bổ sung canxi + vitamin D cho xương chắc khỏe.

Bàn chân bẹt có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng và liên kết của cơ thể khi đứng, đi và chạy, làm tăng nguy cơ đau hông, đầu gối và mắt cá. Do đó, từ lúc bé 3 tuổi, bạn nên bắt đầu quan sát bàn chân của con, đưa con đi khám và hướng dẫn con các bài tập vật lý trị liệu, vừa là một hình thức luyện tập thể thao. Đặc biệt, hãy khuyến khích trẻ thừa cân tập luyện và ăn uống đủ chất để giảm sức nặng lên đôi chân.

[inline_article id=64498]

Xuân Thảo