Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Các vấn đề sức khỏe trẻ em khác

Trẻ biếng ăn phải làm sao? 9 giải pháp hữu hiệu nhất!

Tình trạng biếng ăn hay chán ăn ở trẻ là rất phổ biến. Mặc dù cha mẹ đã áp dụng nhiều cách để cải thiện tình trạng. Tuy nhiên, điều cha mẹ cần làm đó là xác định chính xác nguyên nhân; và giải quyết từng nguyên nhân với cách phù hợp.

Vậy trẻ biếng ăn phải làm sao? Nguyên nhân làm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ biếng ăn là gì? Cùng Marrybaby tìm hiểu ngay!

1. Biếng ăn ở trẻ là gì?

Biếng ăn ở trẻ (Loss of appetite in child) là tình trạng thường gặp ở trẻ trong giai đoạn từ 1 – 6 tuổi. Tuy nhiên, khi bé tròn 1 tuổi, tốc độ tăng trưởng của trẻ sẽ giảm dần; và kéo theo lượng thức bé ăn cũng giảm theo.

Đây chỉ là tình trạng biếng ăn sinh lý ở trẻ; nhưng trẻ vẫn hoạt động và phát triển bình thường. Tuy vậy, biếng ăn ở trẻ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu tình trạng biếng ăn ở trẻ kéo dài, sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của con.

Để xác định trẻ có biếng ăn thật sự hay không, tránh việc nhầm tưởng do gia đình quá lo lắng nên nghĩ trẻ biếng ăn; cần dựa vào các yếu tố giúp đánh giá sau:

  1. Trẻ tăng cân chậm hoặc không tăng cân, hoặc có thể là sụt cân.
  2. Lượng thức ăn trẻ ăn vào trong một ngày ít hơn nhu cầu theo độ tuổi.
  3. Trẻ hay bị táo bón, lâu ngày mới đi tiêu hoặc lượng phân ít hơn bình thường.

Do đó, cha mẹ cần hiểu rõ nguyên nhân để biết phải làm sao khi trẻ biếng ăn.

2. Nguyên nhân biếng ăn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là gì?

Nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn
Nguyên nhân biếng ăn và chán ăn ở trẻ là gì, và phải làm sao khi trẻ biếng ăn?

2.1 Tâm lý

  • Trẻ có áp lực về việc phải tăng cân.
  • Trẻ ham chơi, và không muốn dành thời gian để ăn.
  • Trẻ thường xuyên bị thúc ép ăn nhiều. Nên tạo ra cảm giác sợ ăn và chán ăn.
  • Trẻ có thể đang chịu đựng nhiều cảm xúc tức giận, sợ hãi, lo lắng,..dẫn đến trẻ chán ăn. Có thể trẻ đã trải qua một cú sốc tâm lý nào đó như bị lạm dụng tình dục ở trẻ, bạo lực gia đình, áp lực điểm số trong trường học,…

2.2 Bệnh lý

  • Con đang bị bệnh và cảm thấy mệt mỏi nên không muốn ăn.
  • Trẻ đang bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón.
  • Trẻ biếng ăn có thể do con đang mọc răng. Vì con sẽ thấy đau khi hoạt động hàm.
  • Trẻ đang gặp vấn đề bệnh lý về răng miệng như sâu răng, nấm miệng, viêm nướu,….
  • Trẻ bị nhiễm bệnh do virus hay vi khuẩn. Trẻ có thể bị viêm tai giữa, mũi, cổ họng, mắt, đường ruột gây ra ho, sốt, mệt mỏi… dẫn đến biếng ăn.
  • Trẻ thiếu hụt vitamin và khoáng chất: thường gặp nhất là thiếu hụt sắt và kẽm, là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng biếng ăn chậm lớn ở trẻ.

Với trẻ biếng ăn do bệnh lý, cha mẹ không cần suy nghĩ quá nhiều phải làm sao; mà hãy đưa con đi bác sĩ ngay để được thăm khám nhé.

2.3 Yếu tố di truyền

  • Nhiều nghiên cứu cho rằng, biếng ăn ở trẻ có thể có xu hướng theo di truyền.
  • Trẻ được sinh ra trong những gia đình có tiền sử bị các bệnh mạn tính như: viêm khớp, viêm đại tràng, suy thận, xơ gan… có nguy cơ biếng ăn cao hơn những người khác.

2.4 Lý do liên quan đến bữa ăn

  • Bữa ăn gia đình thường xuyên có không khí căng thẳng.
  • Trên bàn ăn không có món trẻ thích, khiến con không có hứng thú ăn uống.
  • Trẻ bị phân tâm do xem tivi hoặc mải mê với thiết bị di động, con ăn rất chậm hoặc chỉ ngậm thức ăn.
  • Chế độ ăn uống không phù hợp: Con ăn vặt quá nhiều lần trong ngày, nên con không muốn tham gia ăn những bữa chính cùng gia đình.
  • Thực đơn các món ăn nhàm chán, ăn liên tục một món trong thời gian dài: Chưa có sự cân bằng và điều tiết giữa sữa và bữa ăn dặm, mẹ cho bé uống sữa quá nhiều hoặc sữa cao năng lượng nên trẻ không có cảm giác đói

Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác là biếng ăn sinh lý – đã đề cập phía trên; đây là dạng biếng ăn do sự ảnh hưởng của những thay đổi trong cơ thể, sự phát triển mới như biết ăn, biết lẫy, biết bò, mọc răng, v.v. Giai đoạn này không kéo dài, mà diễn ra rất nhanh chỉ khoảng tầm từ 7-15 ngày.

Vậy trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ biếng ăn thì phải làm sao? Dưới đây là những cách cha mẹ có thể áp dụng.

>> Mẹ xem thêm: Bảng chiều cao cân nặng của trẻ từ 0 đến 10 tuổi chuẩn WHO (2023)

3. Trẻ biếng ăn và chậm tăng cân phải làm sao?

Trẻ biếng ăn phải làm sao?
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ biếng ăn, chậm tăng cân phải làm sao?

3.1 Hãy để bữa cơm trở nên vui vẻ

Trong bài viết 7 hoạt động giúp gắn kết tình cảm gia đình, trong đó hoạt động cả nhà ăn cơm cùng nhau là hoạt động giúp gắn kết gia đình rất hiệu quả.

Không những thế, đối với trẻ biếng ăn và cha mẹ không biết phải làm sao, cha mẹ có thể bắt đầu bằng việc khuyến khích con tự ăn, hướng dẫn con dùng muỗng, nĩa,… cho con cảm thích thú để ăn ngon miệng hơn.

Mẹ cũng có thể cho con ngồi ăn cùng bàn thay vì cho con ăn riêng trước hoặc sau bữa ăn gia đình; việc ngồi ăn cùng gia đình với không khí vui vẻ sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.

3.2 Không nên làm bé bị căng thẳng

Nhiều cha mẹ không biết phải làm sao khi thấy trẻ biếng ăn. Và cách mà nhiều cha mẹ làm đó chính là dọa nạt, la mắng, trừng phạt để ép bé phải ăn. Lúc này, cha mẹ vô tình đẩy con vào tình trạng sợ hãi và căng thẳng tột độ mỗi khi tới giờ ăn.

Thay vào đó, cha mẹ có thể chia những cữ ăn của con ra thành nhiều cữ nhỏ. Khi con ăn hết một phần, cha mẹ mới cho thêm phần tiếp theo. Dần dần cha mẹ kết hợp thêm nhiều món ăn vào thực đơn buổi sáng; buổi trưa; buổi tối cho con. Thực đơn bắt đầu da dạng, đồng thời trẻ cũng ăn khỏe và hào hứng hơn.

3.3 Chú ý thời gian cho mỗi bữa ăn

Trẻ biếng ăn phải làm sao? Mẹ hãy cân đối khoảng thời gian giữa các bữa ăn sao cho phù hợp.

Thời gian tối đa mỗi bữa ăn của trẻ, cho dù là nhanh hay chậm chỉ nên trong khoảng 30 phút. 

Nếu cha mẹ thấy con ăn lâu hơn hoặc chậm hơn khoảng thời gian này, hãy thêm hoặc bớt lượng thức ăn sao phù hợp. Ngoài ra, cách này cũng giúp bé tránh được áp lực tâm lý phải ăn nhiều, ăn nhanh; mà còn giúp con thấy thoải mái vì ăn vừa đủ.

3.4 Khoảng cách giữa các bữa ăn

Dựa theo bảng thời gian cho bé ăn dặm trong ngày tiêu chuẩn, mẹ sẽ biết rằng khoảng cách thời gian giữa các bữa ăn chính là từ 4 -5 giờ; và giữa các bữa phụ là khoảng 2 giờ.

Bởi vì, nếu khoảng cách giữa các bữa ăn quá gần thì con sẽ chưa đói. Ngược lại nếu khoảng cách quá xa sẽ vô tình làm cho tình trạng biếng ăn ở trẻ trượt dài thêm. Cha mẹ cũng lưu ý thêm là không nên cho con ăn vặt trong khoảng thời gian chuyển sang cữ ăn tiếp theo.

3.5 Không dùng đồ ăn làm phần thưởng

Nhiều bậc phụ huynh khi đối diện với tình trạng trẻ biếng ăn, chán ăn lâu ngày không biết phải làm sao; và cha mẹ đã dùng các phần thưởng để dụ con ăn.

Mặc dù cách này có thể hiệu quả, nhưng chỉ đáp ứng tức thời. Thành thử trẻ chỉ ăn đối phó để nhận phần thưởng, chứ không giúp ích cho việc cải thiện tình trạng biếng ăn ở trẻ. Thế nên, mặc dù là đang không biết phải làm sao khi thấy trẻ biếng ăn, cha mẹ TUYỆT ĐỐI KHÔNG dùng phần thưởng để dụ con ăn.

>> Trẻ biếng ăn phải làm sao? Không vừa ăn vừa xem tivi vì những tác hại khôn lường!

3.6 Luôn kiên nhẫn với bé khi thử đồ ăn mới

Kiên nhẫn và cho con ăn thêm những món ăn mới
Khi thấy trẻ biếng ăn và mẹ không biết phải làm sao. Mẹ có thể thử chế biến nhiều món mới với cách trang trí lạ mắt

Khi thấy trẻ biếng ăn, nhiều mẹ bế tắc, không biết phải làm sao; nhưng mẹ cần chút kiên nhẫn và cho con thử những món ăn mới. Để hiệu quả hơn, cha mẹ hãy làm gương cho con bằng cách tự nấu và tự ăn món của mình nấu. Khi thấy cha mẹ ăn ngon, con sẽ tò mò và muốn ăn cùng.

Cách giúp bé ăn được nhiều hơn:

  • Tạo thực đơn đa dạng và trình bày đẹp mắt. Đảm bảo Sắc – Hương – Vị.
  • Hãy khuyến khích con ăn tất cả các món ăn có trên bàn, dù chỉ ăn mỗi thứ một ít.
  • Để con tự lựa chọn món con thích ăn miễn sao món ăn không gây hại cho trẻ là được.
  • Trong mỗi bữa ăn nên có ít nhất một món ăn mà bé thích, điều này có thể kích thích sự thèm ăn của trẻ.

>> Trẻ sơ sinh biếng ăn phải làm sao: Lên thực đơn “chuẩn” cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi

3.7 Xây dựng thói quen ăn đúng giờ

Thói quen ăn đúng giờ là cách cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ biếng ăn nếu cha mẹ đang không biết phải làm sao. Để bắt đầu, cha mẹ hãy đặt ra quy tắc là không cho phép con ăn bất cứ món gì khi chưa đến cữ ăn chính trong ngày.

Song song đó, cha mẹ cũng nên có thói quen thông báo trước 10 – 15 phút trước bữa ăn. Để con bắt đầu suy nghĩ và tưởng tượng về bữa ăn. Tuy nhiên, cách này sẽ hiệu quả khi và chỉ khi cha mẹ cũng có thói quen ăn đúng giờ.

Cụ thể hơn:

  • Không cho trẻ uống hoặc ăn đồ ngọt trước bữa ăn vì các thức ăn này tạo cảm giác “no giả” làm trẻ chán bữa ăn chính.
  • Không cho trẻ ăn thức ăn vặt vì các món này chứa nhiều dầu mỡ là lý do chính khiến dạ dày của bé luôn được lấp đầy mỗi khi đến bữa. Vì vậy trẻ sẽ bị mất cảm giác đói và lười ăn hơn.
  • Không cho trẻ uống quá nhiều nước trong các bữa ăn sẽ khiến con có cảm giác no bụng và không còn thấy hứng thú để ăn, ngoài ra nước còn làm loãng dịch vị ảnh hưởng đến sự tiêu hoá của dạ dày con.

>> Mẹ xem thêm: Trẻ nên ngủ tối lúc mấy giờ để phát triển chiều cao vượt trội?

3.8 Trẻ cần tăng cường vận động thể chất

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ biếng ăn phải làm sao
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ 1 tuổi biếng ăn phải làm sao? Cha mẹ hãy tăng cường hoạt động thể chất cho con

Trẻ ít vận động cũng có thể khiến trẻ biếng ăn. Cha mẹ nên khuyến khích con vận động hàng ngày. Nếu có thể, hãy dành thời gian vận động cùng con. Cha mẹ có thể cho con đi bộ, nhảy dây, đá banh,…

Việc vận động khiến con bị tiêu hao năng lượng và cơn đói đến nhanh hơn. Nếu con còn nhỏ dưới 6 tháng tuổi chưa thể vận động nhiều. Cha mẹ hãy thực hiện massage cho trẻ sơ sinh. Điều này giúp kích thích hệ tiêu hóa của con hoạt động tốt hơn.

>> Trẻ biếng ăn phải làm sao? Cách tăng sức đề kháng cho bé khỏe mạnh vượt trội

3.9 Đảm bảo bữa ăn đủ chất và sổ giun định kỳ

Một trong những điều mẹ phải đảm bảo là thức ăn mà con ăn phải đầy đủ dưỡng chất. Các vitamin và khoáng chất trong chế độ ăn uống cũng có thể kích thích sự thèm ăn của trẻ.

Những thực phẩm mẹ nên tăng cường trong bữa ăn cho trẻ như: thịt bò, gà, cá, đa dạng các loại rau với nhiều màu sắc, đặc biệt là màu xanh đậm. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần tẩy giun định kỳ cho trẻ 6 tháng/lần để tránh nhiễm giun, sán,… là một trong những nguyên nhân khiến bé suy nhược, và biếng ăn.

Tất cả nội dung trên là những gì mẹ cần biết về trẻ biếng ăn phải làm sao. Tóm lại, nếu cha mẹ nhận thấy tình trạng biếng ăn ở trẻ kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bé; tốt nhất là nên cho con đi khám với bác sĩ chuyên khoa Nhi để con được kiểm tra chính xác.

By Huỳnh Phong

Senior Writer at HelloBacsi & MarryBaby

Expertise in healthcare, parenting and psychological content development, keyword research, and content planning to drive organic traffic and enhance online visibility.