Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Các vấn đề sức khỏe trẻ em khác

Viêm ống tai ngoài ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, triệu chứng và cách chữa trị

Viêm ống tai ngoài là căn bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân do vùng da tai của bé lúc này vẫn còn khá mong manh, dễ bị tổn thương bởi các yếu tố tác động từ bên ngoài.

viêm ống tai ngoài ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Viêm ống tai ngoài ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khiến bé khó chịu, quấy khóc, mẹ phải làm sao?

Viêm ống tai ngoài ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ làm bé cảm thấy khó chịu do đau rát, ngứa ngáy ở tai. Bố mẹ cần hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng để có cách phòng ngừa và xử trí hiệu quả cho trẻ.

Viêm ống tai ngoài là gì?

Để hiểu hơn viêm ống tai ngoài ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là thế nào, trước hết bạn điểm qua viêm ống tai ngoài là gì nhé. Đây là hiện tượng lớp da bảo vệ ở ống tai bị tổn thương, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và vi nấm phát triển dẫn đến viêm. Mặc dù là bệnh lý nhẹ nhưng nếu bố mẹ không biết cách phòng ngừa và xử trí đúng sẽ rất dễ gây ra những biến chứng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé.

Nguyên nhân gây viêm ống tai ngoài ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Viêm ống tai ngoài ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường do 2 nguyên nhân, chủ yếu là do vi nấm và vi trùng. Tuy nhiên, một điều khiến các bà mẹ vô cùng bất ngờ, chính là từ những thói quen chăm sóc bé chưa đúng cách, vô tình làm tổn thương da ống tai của bé, đã “mở đường” cho mầm bệnh xâm nhập và gây viêm nhiễm.

Chính vì vậy, việc nhận biết những nguyên nhân gây bệnh ở trẻ sẽ giúp bố mẹ chủ động hơn trong việc phòng ngừa cho trẻ.

Hình ảnh viêm tai ngoài ở trẻ sơ sinh
Viêm tai ngoài ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nếu không được phát hiện sớm sẽ gây nguy hiểm cho bé

Sau đây sẽ là một số nguyên nhân gây viêm ống tai ngoài ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mà bố mẹ nên chú ý:

Tắm gội không đúng cách: Nếu bố mẹ tắm cho bé không đúng cách và không lau chùi cẩn thận sau khi tắm sẽ khiến ống tai ngoài của trẻ bị đọng nước hoặc còn sót lại xà phòng. Khi da ống tai bị “ngâm” như thế sẽ suy giảm sức đề kháng, tạo điều kiện cho viêm nhiễm phát triển.

Nước tắm không vệ sinh: Bé thường xuyên tắm gội, chơi đùa ở môi trường nước ô nhiễm, tiếp xúc trực tiếp với các loại mầm bệnh có thể dẫn đến viêm ống tai ngoài.

Vệ sinh tai không đúng cách: Bố mẹ sử dụng các dụng cụ vệ sinh chưa được khử trùng hoặc có cấu tạo quá cứng gây trầy xước vùng da ống tai của bé, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn và vi nấm xâm nhập, gây viêm nhiễm.

Mặt khác, nếu vệ sinh tai “quá kỹ”, lau chùi tới mức tẩy hết lớp sáp nhờn sinh lí bảo vệ da ống tai thì cũng coi như “nối giáo cho giặc”, mầm bệnh sẽ “vô tư” mà xâm nhập.

Do bệnh lý về da: Các bệnh về da ở trẻ nhỏ như viêm da, chốc lở, vảy nến, nấm da cũng sẽ làm tăng nguy cơ viêm ống tai ngoài ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.

Triệu chứng viêm ống tai ngoài thường gặp ở trẻ, bố mẹ nên chú ý

Một trong những biểu hiện thường gặp khi trẻ bị viêm ống tai là cảm giác đau nhức, ngứa ngáy trong tai.

Tuy nhiên, do trẻ nhỏ chưa thể nhận thức được những dấu hiệu lạ của cơ thể nên bố mẹ cần cẩn thận quan sát và theo dõi. Nhất là khi thấy bé thường xuyên có những biểu hiện lạ như khó chịu, quấy khóc và thường xuyên gãi tai.

Lúc này, nếu bố mẹ có ý định kiểm tra tai bé thì việc chạm vào vùng tai bị tổn thương sẽ càng khiến bé thêm đau nhức và khó chịu. Cần quan sát cẩn thận xem tai bé có đang bị sưng hoặc tấy đỏ hay không.

 

viêm ống tai ngoài 2
Bé bị viêm tai sẽ liên tục quấy khóc do đau rát

Đặc biệt, nếu thấy dịch vàng chảy ra từ ống tai, chắc chắn bé đã bị viêm ống tai ngoài. Bé cần được đưa đến gặp bác sĩ để điều trị ngay.

Một số trường hợp nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm, nhiễm trùng có thể lan sâu và lan tỏa trong ống tai, thậm chí ra cả cửa tai, vành tai, gây lở loét và sau này rất dễ bị chít hẹp ống tai, nghe kém.

Phòng ngừa và điều trị viêm tai ngoài ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

1. Cách phòng bệnh viêm ống tai ngoài ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

– Khi tắm cho trẻ, bố mẹ nên chú ý cẩn thận, đừng để nước và xà phòng lọt vào tai bé. Sau khi tắm xong thì dùng bông tăm sạch và mềm thấm hết nước bên trong tai bé. Mẹ chú ý lau thật nhẹ nhàng để không làm trầy xước vùng da mỏng manh của bé nhé. Có như vậy mẹ mới phòng ngừa được viêm ống tai ngoài ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. 

– Đặc biệt, khi vệ sinh tai cho trẻ, bố mẹ nên kiểm tra để đảm bảo rằng dụng cụ đã được vệ sinh cẩn thận. Không dùng những vật cứng, có khả năng gây tổn thương cho tai của bé. Không lau quá sâu và quá kỹ để tránh làm mất chất sáp nhờn bảo vệ của da ống tai.

– Tránh cho bé tiếp xúc hoặc tắm trong môi trường nước bị ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh.

– Giữ vệ sinh và bảo vệ vùng tai mũi họng bằng cách cho bé đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, tránh tiếp xúc trực tiếp với khói bụi ô nhiễm.

[inline_article id=204235]

2. Điều trị viêm ống tai ngoài ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thế nào?

– Với những trường hợp viêm ống tai ngoài ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mức độ nhẹ, bố mẹ có thể tự chữa cho bé bằng cách sử dụng tinh dầu tỏi. Trong tỏi có chứa các chất làm giảm sưng, giảm viêm, kháng khuẩn, làm nhanh lành vết thương. 

– Bố mẹ có thể sử dụng các dung dịch nhỏ tai theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để giảm đau, kháng viêm và diệt khuẩn.

Sau khi nhỏ thuốc, bố mẹ hãy để 1 thời gian rồi dùng bông lau sạch phần thuốc còn sót lại ở bên ngoài để đảm bảo ống tai trẻ luôn được khô thoáng, sạch sẽ.

– Trong trường hợp bé có dấu hiệu đột nhiên bị sưng mặt, đau nhức dữ dội hay sốt cao, bố mẹ nên đưa bé đến bệnh viện ngay để chữa trị kịp thời nhé.

Bệnh viêm ống tai ngoài ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì có thể khỏi sau vài ngày nên bố mẹ không cần quá lo lắng. Đây cũng không phải là bệnh truyền nhiễm nên bố mẹ có thể yên tâm về việc trẻ có thể bị lây bệnh từ những người xung quanh, trừ trường hợp dùng chung đồ vệ sinh tai với người nhiễm bệnh.

Tham vấn y khoa: BS-CKII. Vũ Hải Long

Bác Sĩ Vũ Hải Long

– Bác sĩ Vũ Hải Long tốt nghiệp bác sĩ nội trú năm 1983, tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp 2 năm 2005.

– Từ năm 2005 đến 2020, bác sĩ Long giữ chức vụ Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhân dân 115.

– Bác sĩ Long có 15 công trình nghiên cứu khoa học và sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được nghiệm thu.

– Ngoài ra, bác sĩ đã biên soạn 3 tựa sách về ngành đã được xuất bản như sau: Phòng trị các bệnh Tai mũi họng (NXB Y học), Chẩn đoán và phòng trị chóng mặt (NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh), Tìm hiểu và phòng trị Bệnh mạch máu não.

– Trong suốt 38 năm cống hiến cho y học, bác sĩ Long đã được trao nhiều bằng khen, giấy khen, chiến sĩ thi đua của UBND TP, sở Y tế và Bệnh viện. Hiện tại, bác sĩ Vũ Hải Long đang cộng tác cho MarryBaby ở chuyên mục Bệnh trẻ em.