Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Tháng thứ 26: Tâm lý sợ hãi

Trí tưởng tượng sinh động là một trong những phần thú vị nhất trong phát triển tâm lý của trẻ trước tuổi đi học, trừ những lúc tưởng tượng đến sự sợ hãi.

Bé 2 tuổi có thể sợ tất cả mọi thứ cũng như hay tưởng tượng ra những hình ảnh đáng sợ vượt khỏi những gì diễn ra trước mắt trẻ.
Hai điều này biểu hiện ở một số trẻ như không thích người lạ hoặc nhớ lại một kinh nghiệm trong quá khứ như một lần chích ngừa chẳng hạn. Chắc chắn bạn thường nhận ra rất nhiều trẻ sợ bác sĩ.

Cùng tham khảo một số cách để giảm bớt nỗi sợ tâm lý này nhé:

  • Thử mua cho bé một túi y tế đặc biệt có ống nghe đồ chơi, nhiệt kế để con bạn có thể chơi trò làm bác sĩ và cũng có thể mang theo một búp bê đồ chơi để đóng giả bệnh nhân.
  • Nói trước với trẻ về những gì sắp xảy ra như: “Đầu tiên, chúng ta sẽ đi đến một bàn lớn và nói tên của con. Sau đó chúng ta sẽ ngồi xuống ghế, đọc 1 cuốn sách và đợi gọi tên”.
  • Nên cho con bạn ngồi trên đùi trong suốt thời gian bác sĩ khám và chích thuốc.
  • Đừng nói dối trẻ, đừng bao giờ nói kiểu: “Chích sẽ không đau một chút nào cả”.
  • Đừng bao giờ hứa những chuyện không có thật, kiểu như: “Con sẽ không phải chích đâu”. Con của bạn chắc chắn sẽ trốn chích nếu có cơ hội.
  • Luôn giữ tinh thần lạc quan, bé 2 tuổi rất giỏi nhận biết các dấu hiện trên khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể của bạn.
Bé 2 tuổi: Tâm lý sợ hãi khi 25 tháng tuổi
Để bé 2 tuổi ngoan ngoãn đi khám bác sĩ, mẹ nên có quá trình chuẩn bị tâm lý trước cho bé

Cuộc sống của mẹ: Nói “ không” với trẻ
Bạn có tự hỏi có phải bé 2 tuổi đang đảm nhận nhiệm vụ “kiểm tra sức chịu đựng của bạn”? Câu trả lời thường là: “Lẽ dĩ nhiên rồi!”.

Thông qua việc khám phá không ngừng và luôn đẩy cha mẹ đến giới hạn chịu đựng, trẻ sẽ học được những điều gì được chấp nhận và những gì không.

Có nhiều cha mẹ không muốn nói “Không” với trẻ trước tuổi đi học vì sợ làm ảnh hưởng tới tinh thần của trẻ nhưng thật sự “Không” là một từ cần thiết và vô cùng quan trọng. Bé con ở tuổi này sẽ không bao giờ nhận ra những quy luật nếu như bạn không chỉ rõ cái gì “được” và cái gì “không”.

Bạn có biết, bé 2 tuổi không thể hiểu những giải thích dài dòng về việc: “Tại sao giữ khư khư và giành đồ chơi với bạn là điều không tốt?”. Trẻ chỉ cần hiểu một cách nhanh chóng và rõ ràng thông điệp: “Hành động đó không được chấp nhận”. Cố gắng giữ giọng nói của bạn đủ cứng rắn nhưng vẫn ấm áp và khích lệ. Lúc này, “kiên nhẫn” chính là người bạn tốt nhất của bạn!

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Tháng thứ 26 của bé: Những câu hỏi bất tận

Bé 2 tuổi tuổi và những thắc mắc bất tận

Bé 2 tuổi của bạn là một tài năng hùng biện vừa chớm nở, mặc dù bạn là người quản trò trong hầu hết cuộc nói chuyện này. Bé bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi, đây là cơ hội giúp bé phát triển 2 kỹ năng cần thiết trong suốt quá trình lớn lên: đó là cách để khám phá mọi thứ xung quanh, và cách để cuộc trò chuyện được tiếp tục. Bạn nên tạo điều kiện cho bé gắn kết với bạn lâu hơn và bắt nhịp nhiều hơn những từ ngữ của bé.

Ban đầu những câu hỏi yêu thích của bé sẽ là: “Tại sao?”, “Đó là gì vậy ba mẹ?” và đa phần là “Gì vậy?”, hoặc đơn giản hơn là những từ ngọng nghịu không rõ nghĩa. Khi kỹ năng ngôn ngữ của bé phát triển cũng là lúc nhiều câu hỏi trí tuệ hơn xuất hiện, chẳng hạn như: “Điều gì làm nên âm thanh?”, “Sao xe lại chỉ đi trên đường?”, “Tại sao những con chim không rớt xuống?”…

Mẹ nên trả lời những thắc mắc của bé càng nhanh càng tốt, đơn giản và trọn câu, chẳng hạn như: “Những chú chim có cánh để giúp chúng bay cao trên bầu trời”. Bạn nên biết rằng trả lời câu hỏi của bé cũng là cách để động viên bé hăng hái đặt những câu hỏi khác trong tương lai và qua những lời giải đáp của bạn sẽ giúp bé học hỏi rất nhiều, chẳng hạn như cách kết hợp câu văn như thế nào cho trôi chảy. Đừng sợ phải nói câu: “Mẹ không biết”, bạn nên tham khảo và đọc những cuốn sách hay về các chủ đề mà bạn muốn chia sẻ cùng con.

Con bạn thích trả lời câu hỏi cũng nhiều như cách bé đặt câu hỏi. Vì vậy, khi bạn đọc sách, hãy hỏi bé về những bức tranh hay câu chuyện trong đó, như là: “Con có thấy con cún màu nâu trong bức tranh ở đâu không?”, “Con nghĩ cún nâu thích ăn món gì nào?”, “Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong câu chuyện này đây?”…

Bé 2 tuổi và những câu hỏi bất tận
Các bé 2 tuổi nổi tiếng với những tràng dài câu hỏi không bao giờ kết thúc

Cuộc sống của mẹ: Nên cho bé thời gian tự xoay xở
Bé 2 tuổi không phải lúc nào cũng hoạt động cùng một khung giờ như người lớn. Bé dễ dàng xao lãng khi ngồi vào bàn ăn, hay nằng nặc đòi tự mình mang tất bất kể phải tốn bao nhiêu thời gian đi nữa. Ngay cả đối với những bậc phụ huynh mang tiếng kiên nhẫn nhất cũng có thể cảm thấy quá sức chịu đựng, đặc biệt là khi họ phải chạy đua với thời gian vì trễ giờ.

Thay vì dỗ dành bé 2 tuổi của bạn phải làm nhanh lên, tại sao bạn không dành thêm vài phút và để bé tự do làm mọi thứ theo cách riêng của bé. Một cách khác để bạn lấy lại bình tĩnh là hít thở thật sâu và chậm rãi hoặc đếm đến mười để cố gắng làm bạn lắng dịu xuống.

Tất nhiên nếu bạn thực sự đang vội, bạn chỉ còn cách là nhảy vào cuộc và mang bé theo cùng, bạn có thể cho bé làm những việc bé thích vào những ngày ít bận rộn hơn.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Bé 2 tuổi: Những trạng thái cảm xúc

Các bé 2 tuổi luôn bộc lộ cảm xúc của mình một cách tự nhiên và bộc phát, từ giọng nói, vung tay, giậm chân và kể cả những giọt “nước mắt cá sấu”.

Cha mẹ hiếm khi phải đoán trạng thái cảm xúc của bé 2 tuổi. Việc trải qua nhiều loại cảm xúc khác nhau là một điều lành mạnh, thậm chí kể cả những cảm xúc không vui. Vì vậy, bạn không cần tỏ ra quá sốt sắng để vỗ về khi thấy trẻ phụng phịu hay sụt sịt.

Nên để cho con của bạn biết rằng đôi khi không thoải mái cũng là một điều tốt vì nó là một phần của cuộc sống. Nếu lúc đó nhảy ngay vào để can thiệp, bạn sẽ khiến trẻ suy nghĩ sai lầm rằng: Buồn và giận dỗi là trạng thái không bình thường.

Khi bạn giải quyết mọi vấn đề giùm con của bạn cũng đồng nghĩa với việc bạn đang cướp đi cơ hội giúp bé trải nghiệm các thể loại cảm xúc của riêng mình.

Những trạng thái cảm xúc ở bé 2 tuổi
Đối với bé 2 tuổi, việc trải nghiệm các cảm xúc khác nhau, cả vui lẫn buồn, là cơ hội cho bé học hỏi

Mẹ nên làm gì lúc này?
Nói cho trẻ biết về trạng thái hiện tại của trẻ, ví dụ: “Giờ con đang nổi giận với mẹ vì hôm nay mẹ không cho con đi chơi công viên”.
Để cho trẻ biết bạn cũng có những cảm xúc tương tự: “Con cảm thấy buồn khi tạm biệt bà ngoại, mẹ cũng vậy”.

Nếu con của bạn hét lên hoặc đánh đấm lung tung khi bé buồn hoặc tức giận, chỉ cho bé cách để giải tỏa cảm xúc của mình như đấm vào một cái gối hoặc giậm chân xuống sàn.

Cuộc sống của mẹ
Có lúc bạn thấy như mình là nhân vật chính của quyển tiểu thuyết “hai năm kinh hoàng”. Thật ra đây đã là năm thứ hai của chặng đường đầy thử thách này và những ngày tháng sắp tới có phần yên bình hơn đôi chút với nhiều niềm vui đang chờ đón.

Bé 2 tuổi đã có thể di chuyển tự tin hơn và cần ít sự coi sóc hơn. Trẻ cũng biết cách thể hiện những mong muốn của mình tốt hơn so với trước đây, dù chưa diễn đạt được trọn vẹn.

Đồng thời, sự tò mò vô biên của trẻ được cân bằng chút ít bởi việc hiểu được những quy tắc. 2 tuổi là lứa tuổi luôn thách thức những ranh giới và phản đối với cha mẹ, nhưng trẻ cũng mong muốn làm hài lòng bạn nhiều hơn.

Trẻ luôn muốn trở thành đứa trẻ tốt và trẻ muốn được giúp đỡ, vì vậy, thói quen và tính nhất quán trong câu nói của bạn giúp trẻ học được sự xâu chuỗi và giữ cho cuộc sống hàng ngày phát triển theo đúng quy luật.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Bé 2 tuổi: Phát triển ngôn ngữ

Ở tuổi này, vốn từ của trẻ đang trên đà phát triển nhanh chóng. Bé 2 tuổi biết khoảng 50 đến 75 từ và bắt đầu biết xâu chuỗi lại với nhau thành cụm từ và câu.

Các bé 2 tuổi thường dùng những cấu trúc đơn giản chỉ gồm 2 từ: danh từ và động từ như “Con ngủ”, “Uống sữa”. Qua thời gian, trẻ sẽ bắt đầu thể hiện mình bằng những câu dài hơn. Nếu con bạn thường dùng ít hơn 20 từ, hoặc có biểu hiện chậm hơn bạn bè trong việc phát triển ngôn ngữ, bạn nên đưa trẻ đi kiểm tra thính giác.

Những câu đầu tiên trẻ nói thường ngắn và thường dùng để nhấn mạnh như: “Mẹ giúp con”, “Ba chơi bóng”. Trước tuổi đi học, trẻ có xu hướng lặp lại những từ trẻ thường nghe thấy như “Tạm biệt” hoặc “Hết rồi!!!”, vì vậy bạn nên cẩn thận khi nói chuyện trước mặt bé nhé.

Bé 2 tuổi: Phát triển ngôn ngữ
Nếu được quan tâm phát triển đúng đắn từ những năm đầu đời, khả năng ngôn ngữ của bé 2 tuổi sẽ bộc lộ rõ khi bé đến tuổi đi học

Làm gì để khuyến khích bé 2 tuổi nói câu hoàn chỉnh?
– Nên mở rộng cụm từ trong câu trả lời của bạn dựa trên những từ chính trẻ vừa nói, ví dụ: “Con muốn mẹ giúp con mang vớ phải không?”, “Được rồi, ba sẽ chơi bóng với con nhé”.
– Không nên chỉnh ngữ pháp của trẻ vì vẫn còn quá sớm để chỉ ra lỗi ở thời điểm này, bạn chỉ nên tình cờ lặp lại câu trẻ vừa nói và dùng đúng từ.
– Không nên nhấn mạnh và bắt trẻ lặp lại một câu đầy đủ như: “Con hãy nói: Mẹ giúp con mang vớ”, điều này chỉ khiến bé con thất vọng và phá vỡ sự phát triển bình thường của trẻ.
– Thường xuyên đọc sách cho trẻ nghe bằng cách tương tác, hỏi trẻ những gì trẻ thấy trong sách hoặc đố trẻ những gì sẽ xảy ra tiếp theo để phát triển ngôn ngữ cho trẻ.

Cuộc sống của mẹ
Có lẽ bạn không phải là người mẹ đầu tiên cảm thấy sự bề bộn đang tràn ngập trong tổ ấm của mình, thậm chí tăng lên theo thời gian khi bé con lớn dần.

Các bé 2 tuổi không chỉ luôn nằng nặc đòi mua thêm thật nhiều đồ chơi mới mà còn là những đồ chơi đi theo bộ hoặc “phức tạp” hơn như đồ chơi xếp hình lego, xếp hình ro bot, mô hình xe hơi… mà trẻ có thể tháo rời, lắp ghép và tha hồ khám phá.

Bạn nên thử bỏ từng loại đồ chơi vào một hộp đựng riêng, để tiết kiệm có thể tận dụng lại những hộp đựng khăn giấy ướt của bé. Thêm vào đó, bạn thử ra quy định là trẻ chỉ được chơi 1 hoặc 2 loại đồ chơi cùng lúc. Điều này giữ cho trẻ sự hào hứng và lâu chán đồ chơi mới, đồng thời sàn nhà của mẹ cũng sạch sẽ, gọn gàng hơn.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Dinh dưỡng cho trẻ tập đi và mẫu giáo

12 bí quyết giúp mẹ có bé không chịu ăn rau quả hãy cập nhật ngay nhé!

1. Mẹ tăng cường ăn rau

Lần đầu tiên ăn nho, những bé bú sữa mẹ (nếu mẹ cũng thường ăn loại quả này khi cho con bú) sẽ ăn nhiều hơn trẻ không bú mẹ. Những hương vị trong chế độ ăn uống của người mẹ có thể được truyền cho bé qua đường sữa mẹ.

bé không chịu ăn
Mẹ ít ăn rau có thể dẫn đến khi sinh ra bé không chịu ăn rau

Nếu mẹ ăn nhiều thực phẩm nào lúc mang thai và cho con bú thì tự nhiên khẩu vị của bé cũng sẽ thích những thực phẩm đó. Vì thế, muốn tập cho bé ăn rau thì chính bạn nên ăn ba bát rau và hai bát trái cây trong một ngày. Làm thế nào để bạn hoàn thành chỉ tiêu này?

Bạn nên chia lượng rau này thành các cữ nhỏ để ăn trong ngày. Ví dụ như một ly nước cam ép và một bát dâu tây vào bữa điểm tâm, cà rốt vào giữa buổi sáng, táo hoặc chuối với bơ đậu phộng vào buổi trưa, và bát salad trộn vào bữa tối là những gì bạn cần để duy trì sức khoẻ của bản thân cũng như cho bé một khởi đầu tốt để làm quen với rau quả.

2. Thực đơn giống nhau mỗi ngày

Cũng theo nghiên cứu trên, nếu cho trẻ bú mẹ và trẻ bú bình cùng ăn đậu cô-ve hàng ngày suốt hơn một tuần thì sau khoảng thời gian này, cả hai đều có thể ăn rau nhiều gần ba lần so với lúc bắt đầu mới tập ăn.

Bạn nên cho bé thời gian để thích nghi. Khi sinh ra, nhiều bé không chịu ăn, “dị ứng” với các món rau quả có vị nhẫn nhẫn, nhất là rau xanh. Bé cần tập cho quen dần với một hương vị, ăn càng nhiều thì bé sẽ học cách thích ăn chúng hơn.

Bạn cũng nên thử cho bé ăn những trái cây ngọt. Theo nghiên cứu này, các em bé dường như thích đậu cô-ve hơn khi trước đó được cho ăn trái đào. Bé có thể học được cách liên hệ vị ngọt từ trái cây với rau, dần dần có thể khuyến khích bé ăn nhiều hơn.

3. Không nhượng bộ, phớt lờ vẻ mặt khó chịu của bé không chịu ăn rau quả

Hầu hết trẻ nhỏ đều trưởng thành qua các giai đoạn mà trẻ muốn ăn chỉ một món từ ngày này qua ngày khác. Nhưng như vậy không có nghĩa là bạn phải làm 1 món như thế. Bạn nên cho trẻ dùng nhiều thức ăn khác nhau, kể cả các loại rau cho bé để khuyến khích con bạn linh động hơn khi đói. Bạn cũng có thể thử cho trẻ ăn một đĩa rau trộn khi trẻ đói, trước khi cho trẻ dùng bữa chính sau đó.

Bé không chịu ăn rau có thể sẽ nhăn mũi, cau mày hoặc bịt mắt khi lần đầu tiên bạn cho bé thử, nhưng điều đó không có nghĩa là bé sẽ không thể ăn được một chút gì. Thái độ khó chịu này chỉ là một phản ứng bốc đồng, bé vẫn có thể chịu ăn vài muỗng rau sau khi ‘làm mình làm mẩy’ với mẹ.

Đừng đầu hàng trước vẻ mặt ‘khổ sở’ của bé. Cứ kiên nhẫn mỗi ngày tập cho bé ăn một ít thì chẳng bao lâu bé sẽ làm quen với những bữa cơm có các loại rau quả và cũng sẽ thay đổi thái độ theo chiều hướng tích cực hơn.

4. Nếu lần đầu không thành công, hãy thử lại nhiều lần khác

Nhiều nghiên cứu cho thấy có thể mất 10 lần hoặc hơn để trẻ chấp nhận thức ăn mới. Nếu bé không chịu ăn rau, bạn hãy thử cho trẻ ăn một phần nhỏ để trẻ không thấy quá nhiều hoặc kết hợp “bổ sung” rau vào món gì đó mà bạn biết trẻ thích ăn.

5. Tránh cằn nhằn, mặc cả, hoặc “mua chuộc”

Tất cả những chiến thuật này sẽ tạo sự đấu tranh quyền lực và sẽ thất bại sau một thời gian áp dụng. Tốt nhất là bạn nên đưa ra nhiều lựa chọn món rau và khuyến khích trẻ ăn thử. Đừng quên luôn giữ không khí bữa ăn vui vẻ.

bé không chịu ăn rau
Giữ không khí vui tươi trong bữa ăn cũng là cách để bé yêu thích món ăn của mình.

6. Làm một tấm gương tốt

Khi gia đình cùng dùng bữa với nhau, bạn hãy để trẻ thấy bạn (và mọi người khác trong gia đình) ăn nhiều loại thức ăn dinh dưỡng khác nhau, trong số đó có nhiều loại rau. Ngoài ra, trẻ chập chững đi thường hay bắt chước ăn những gì mà bọn trẻ khác ăn, vì thế bạn hãy tìm cơ hội cho trẻ ăn lành mạnh với bạn bè.

7. Để trẻ tham gia vào việc chọn và chuẩn bị món rau cho bữa ăn

Trẻ có khuynh hướng sẽ chịu ăn rau do bản thân tự chọn, chẳng hạn, trẻ có thể quyết định bạn sẽ nấu món đậu que luộc hay rau muống xào cho bữa tối. Bạn cũng có thể cho trẻ rửa bắp cải và giá (đậu mầm). Những lựa chọn đơn giản sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ quyết định và “gắn bó” với món rau hơn.

8. Thử nhiều cách chế biến khác nhau

Món rau có thể tạo vị rất khác biệt tùy thuộc vào cách chế biến, chẳng hạn trẻ có thể không thích món rau ăn sống, nhưng có thể thích rau hấp hoặc hầm nhẹ. Tuy nhiên, nếu có thể, bạn nên cho trẻ ăn rau sống an toàn đã được làm sạch cẩn thận vì đây là cách ăn tốt nhất cho sức khỏe!

9. Bé không chịu ăn rau chỉ vì định kiến hình thái

Gọi là định kiến không hẳn chính xác nhưng giúp bạn hiểu ý niệm. Nhiều bé không chịu ăn món nào đó chỉ vì sự nhạy cảm và không thích một số hình thái nhất định. Ví dụ món canh khoai mỡ nhớt nhớt có thể khiến trẻ không muốn ăn. Do vậy, bạn cần chú ý đến những loại rau nào mà trẻ thường từ chối không ăn để có ý niệm nhất định về điều này.

[inline_article id=247239]

10. Trộn lẫn trái cây và rau với nhau

Nghe có vẻ là một ý tưởng tồi nhưng trẻ thường khó biết được thực phẩm nào được trộn lẫn với nhau trong phần ăn của mình. Kết quả thu được có thể khiến bạn ngạc nhiên đấy!

11. Tạo niềm vui

Hãy thử làm một khuôn mặt bằng rau củ (như mắt bằng dưa chuột, mũi làm bằng cà chua, đậu xanh làm miệng và mái tóc bằng cà rốt cắt sợi). Trẻ mới biết đi cũng thích món dầm (như trái cây dầm). Vì vậy, hãy thử làm món rau với sữa chua hoặc bông cải xanh với phô mai chảy.

12. Cấm ăn

Với bé không chịu ăn rau, bạn có thể thử giả bộ cấm trẻ không được ăn món rau mà bạn đang muốn trẻ ăn. Hãy cho trẻ biết rõ là không được ăn món rau này, nhưng mọi người khác trong gia đình thì được phép ăn. Hiệu quả có thể cao hơn là bạn tưởng. Tất nhiên, với cách này phải có sự thỏa thuận từ trước của cả gia đình và bạn cũng cần tránh lạm dùng.

Một điều cần lưu ý khi cho trẻ ăn trái cây tươi và rau đó là rau sống và trái cây cứng có thể gây ngạt thở rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Bạn cần bảo đảm đã nấu hoặc cắt thành những miếng nhỏ để không gây nguy cơ tiềm ẩn cho trẻ.

Linh Lan

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Tháng thứ 27: Bé thích cắn bạn

Bé 2 tuổi thích cắn bạn
Một số bé 2 tuổi thường hay cắn khi bé giận dỗi hoặc cảm thấy bị đe dọa, bởi vì bé không biết cách bày tỏ cảm xúc của mình và việc bày tỏ thông qua hành động sẽ mạnh hơn là dùng lời nói, bằng cách… cắn!

Không vì thế mà bạn chấp nhận cho hành động ấy của bé nhé. Hơn ai hết, bạn cần cho con biết đây không phải là thói quen tốt và cần phải bỏ ngay. Nên tỏ ra bình tĩnh và nghiêm nghị khi nói với bé: “Con không được cắn vì như thế sẽ làm người khác đau”. Sau đó bạn hãy quay sang trẻ bị bé cắn và xoa dịu. Việc làm rối lên và quá kích động sẽ chỉ âm thầm khích lệ bé tiếp diễn tình trạng này vào một lần khác.

Bạn có thể tỏ ra đồng cảm với bé nhưng vẫn lặp lại nguyên tắc cư xử đúng đắn cho bé biết: “Mẹ biết con bực bội vì bạn lấy đồ chơi của con, nhưng con không được phép cắn bạn. Nếu giận, con có thể dùng lời nói cho bạn biết hoặc nói với mẹ”.

Đôi khi “căn bệnh thích cắn” của một đứa bé 2 tuổi được ví như một bệnh dịch bắt nguồn từ môi trường những người chăm sóc bé hàng ngày như mẫu giáo hay sân chơi. Điều này xảy ra bởi các bé 2 tuổi rất thích quan sát và học hỏi hành vi ứng xử được tạo ra bởi những người xung quanh bé, đặc biệt là người lớn. Chính vì vậy, bạn càng cần bình tĩnh hơn khi xử lý tình huống này để làm gương cho bé.

Cuộc sống của mẹ: Để bé ngồi yên dễ hay khó
Bé con hiếu động của bạn liệu có thể ngồi yên trong bao lâu? Chắc chắn là ngắn hơn nhiều so với một buổi lễ nhà thờ, họp dân phố, một bài phát biểu hay buổi lễ kỷ niệm nào đó.

bé 2 tuổi thích cắn bạn
Thật khó để bắt một đứa bé 2 tuổi ngồi yên ngoan ngoãn như thế này

Trẻ 2 tuổi ưa bốc đồng và hay ngọ nguậy, bé vẫn chưa định hình đâu là cách ứng xử phù hợp trong những tình huống như thế này. Khoảng thời gian tập trung thông thường của bé là từ 3 đến 5 phút, tương ứng với mỗi năm tuổi đời của trẻ.

Khi dự một cuộc họp trang trọng nào đó mà bạn phải dắt bé theo cùng, chắc chắn rằng bạn có mang theo những trò chơi tiêu khiển nhẹ nhàng cho bé như cuốn truyện, bút chì màu, gấu bông hay những món đồ chơi yêu thích của bé, bánh kẹo cũng là một cách hay.

Bạn cũng nên chọn ngồi ở những nơi nào đó trong hội trường để có thể dễ dàng lánh ra ngoài khi bé phát sinh sự cố nào đó mà không gây sự chú ý cho mọi người.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Tháng thứ 13: Tuần 1

Những bước đi đầu tiên của bé 1 tuổi

Rất nhiều bé tập đi trong khoảng 9 đến 12 tháng tuổi và có thể đi vững vào lúc 14 hoặc 15 tháng. Bạn đừng lo lắng nếu bé 1 tuổi của bạn vẫn chưa chịu đi. Điều này là rất bình thường.

Khuyến khích trẻ 1 tuổi tập đi bằng cách tạo nhiều cơ hội để bé tự di chuyển mà không có sự hỗ trợ như:

  • Không nên thường xuyên bồng ẵm bé đi lại nữa mà để bé tự tìm đến nơi bé cần.
  • Sắp xếp đồ đạc để bé có chỗ vịn tay an toàn và thuận tiện dọc đường đi.
  • Bỏ tất cả những vật gây nguy hiểm bé có thể nắm phải như khăn trải bàn dạng rủ hoặc ổ cắm điện.
  • Nếu bé đang cố tập bước đi, bé sẽ cảm thấy yên tâm hơn nếu có thể nắm lấy ngón tay bạn hoặc được bạn nắm tay dẫn đi từ phía sau bé.
  • Đồ chơi thú đẩy cũng giúp bé tập đi, vì vậy bạn nên chọn loại có đế rộng và chắc chắn.

Khi bé bắt đầu tập đi, nhiều cha mẹ có khuynh hướng mua xe tập đi và giày đi trong nhà cho bé, nhưng 2 món đồ này thật sự không cần thiết vì xe tập đi không an toàn và giày sẽ khiến bé dễ bị trượt chân hơn. Chân trần hoặc tất có thể giúp bé tập giữ thăng bằng và di chuyển tốt hơn. Khi đi ra ngoài đường, phải mang giày cho bé, vì giày sẽ bảo vệ chân bé an toàn.

Sự phát triển của trẻ 1 tuổi
Để bé tập đi bằng cách dắt tay sẽ giúp củng cố các cơ bắp và giúp bé bước đi vững chãi hơn

Sổ tay bí quyết cho mẹ

Chúng ta có nhiều bạn bè có con trong độ tuổi mới sinh đến 3 tuổi, hãy chia sẻ quần áo, vật dụng với nhau. Mọi người có thể chọn ra những thứ họ cần. Khi con lớn lên, những vật dụng, quần áo còn sử dụng được sẽ tiếp tục chia sẻ cho những gia đình có con mới ra đời.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Chăm sóc trẻ

Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ nhỏ: Bé 2 tuổi

Mẹ cần lưu tâm vấn đề sức khỏe nào của bé giai đoạn 2 tuổi?
Trong lần khám sức khỏe định kỳ cho bé 2 tuổi, bác sĩ có thể kiểm tra những vấn đề sau:

  • Cân nặng và số đo của con bạn để chắc rằng bé đang phát triển khỏe mạnh, tốc độ phát triển đều đặn.
  • Kiểm tra nhịp tim và hô hấp của bé.
  • Kiểm tra các biểu hiện mắt và tai của bé.
  • Đo kích cỡ vòng đầu của bé để đánh dấu sự phát triển của não bé.
  • Bổ sung các mũi tiêm chủng miễn dịch mà bé thiếu từ lần kiểm tra trước.
  • Giải thích các lo lắng về an toàn và sức khỏe gồm cách phát hiện triệu chứng và điều trị của những bệnh thường gặp trong giai đoạn này như nhiễm trùng tai, cảm lạnh.
  • Làm xét nghiệm tầm soát nếu thấy bé có nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt hay nhiễm độc chì.
  • Dõi theo bước chân của bé để kiểm tra dáng đi và khả năng phối hợp.
  • Trao đổi thêm về sự phát triển của bé, tính cách và biểu hiện của bé. Tư vấn mẹ về cách tập cho bé đi vệ sinh, giải đáp các thắc mắc về tâm lý trẻ tuổi mẫu giáo, khi bé có anh, chị em hay có sự ganh tị giữa các bé; những điều nên hay không nên rèn luyện bé trong giai đoạn này.
Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ nhỏ: Bé 2 tuổi
Bên cạnh các vấn đề về thể chất, ba mẹ nên quan tâm đến các vấn đề tâm lý trẻ 2 tuổi với bác sĩ khi đi khám sức khỏe định kỳ

Chuẩn bị cho những câu hỏi của bác sĩ trước khi khám sức khỏe định kỳ:

  • Bé ngủ thế nào? Phần lớn các bé ở tuổi này ngủ khoảng 11 tiếng vào buổi tối và ngủ trưa khoảng 2 tiếng trong ngày. Một số bé có khi không ngủ trưa mà thích đánh một giấc dài vào buổi tối. Nếu con bạn hay bị tỉnh giấc bởi ác mộng, nhớ nói với bác sĩ. Bé ở tuổi này hay gặp ác mộng và biểu hiện sợ bóng tối. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách dỗ dành bé.
  • Bé ăn thế nào? Bây giờ bạn có thể giới hạn lượng thức ăn ngọt của bé. Khi bé có nhiều thời gian chơi với các bạn cùng lứa ở nhà trẻ, sân chơi, chắc chắn bé sẽ thích ăn vặt hơn. Nếu không thể khống chế sở thích ăn ngọt của bé, hãy nói chuyện với bác sĩ để có những lời khuyên về các món ăn nhẹ tốt cho sức khỏe, giúp bạn giảm bớt lo lắng về chế độ dinh dưỡng của bé.
  • Tập cho bé cách đi vệ sinh thế nào? Hầu hết các bé đều bắt đầu tập cách đi vệ sinh từ giai đoạn này, tuy một số bé vẫn chưa thể kiểm soát được. Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên giúp bé dễ dàng bước qua giai đoạn dùng tã lót.
  • Bạn có để ý điều gì bất thường trong cách đi của bé? Ở tuổi này có nhiều trẻ đi chân vòng kiềng vì chân bé vẫn chưa phát triển. Vấn đề này sẽ giải quyết được khi bé được 7 tuổi.
  • Bé có hiếu động và thích vận động? Trẻ 18 tháng tuổi có thể điều khiển tốt tay chân và phối hợp tốt toàn bộ cơ thể. Bé có thể dễ dàng đá bóng, dùng tay ném, xây nhà, leo lên đồ vật, bật nhảy, đi lên đi xuống cầu thang. Tạo cho bé nhiều cơ hội để vận động và khám phá.
  • Bé đang học từ mới gì? Phần lớn các bé ở tuổi này hay hỏi: “Tại sao”. Đôi khi tất cả những gì bé cần chỉ là một lời giải thích, và muốn tiếp tục nói chuyện với bạn. Kho từ vựng của bé đang mở rộng và bé sẽ thử những từ mới mỗi ngày. Bác sĩ có thể kiểm tra khả năng ngôn ngữ của con bạn bằng cách hỏi chuyện bé. Trẻ 2 tuổi biết khoảng 50 – 100 từ cơ bản và bắt đầu ghép hai từ lại với nhau.
  • Bé đã hiểu và phản ứng lại mệnh lệnh 2 bước? Trẻ hai tuổi thường đủ lớn để hiểu và làm theo những hướng dẫn 2 bước như: “Đi đến phòng và ôm con gấu” hay: “Đến chỗ bố và ôm bố”. Nếu con bạn không làm theo hướng dẫn, hay có vẻ không nghe lời bạn, nhớ lưu ý với bác sĩ.
  • Bé thích chơi trò gì? Những hoạt động yêu thích của bé sẽ giúp bác sĩ tìm hiểu sâu hơn về cách phát triển của bé. Nhiều bé ở tuổi này thích lắp ghép các miếng xếp hình đơn giản, vẽ vời trên giấy, phân loại đồ vật theo màu sắc, có khi bé cũng hứng thú với trò nhét vật vào đầy trong hộp rồi lại lôi hết ra…
  • Bạn có để ý đến những bất thường trong mắt bé hoặc cách bé nhìn mọi thứ? Tìm hiểu thêm về kiểm tra thị lực và cách phát hiện những vấn đề tiềm ẩn.
  • Bé có đi khám nha sĩ? Trẻ em nên đi khám nha sĩ sau một tuổi. Nếu con bạn vẫn chưa khám, bạn có thể sắp xếp từ bây giờ.

Khám sức khoẻ định kỳ cho bé 2 tuổi

Bạn có thể tải mẫu câu hỏi tại đây

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Bé 3 tuổi rưỡi: Suy nghĩ kỳ diệu

Trí tưởng tượng bay bổng của bé 3 tuổi rưỡi
Để học cách phân biệt giữa thực tế và tưởng tượng là một quá trình lâu dài. Trong năm nay, con đang trải qua một cột mốc rất thú vị. Theo các chuyên gia về phát triển tâm lý của trẻ, các bé 3 tuổi rưỡi vẫn đang thực hành tư duy theo lối “suy nghĩ kỳ diệu”. Bé có thể gắn nhiều đặc tính “kỳ diệu” cho những đồ vật hay người xung quanh và những điều vô lý ấy lại rất “hợp lý” dưới góc nhìn của con trẻ.

Bé có thể tha hồ tưởng tượng rằng những lá thư sẽ bí mật mọc cánh và bay tới tay ông bà ngay sau khi bỏ vào thùng, con cọp đang ẩn náu trong lùm cây, những chú chim kia có thể biết nói và thực sự có ai đó đang sống trên mặt trăng. Đôi khi những điều người lớn nói được trẻ hiểu theo nghĩa đen bởi vì những nghĩa đó có vẻ đúng đối với bé, ví dụ như: “Con muỗi đang đốt con kìa”.

Mặt khác, giai đoạn này bé cũng sẽ dần dần nhận ra những gì tưởng tượng có lẽ là không có thực, máy bay đồ chơi không thực sự bay được hay những vật sặc sỡ sinh động kia không phải sống bên trong màn hình tivi.

Quá trình này có thể phải mất vài năm, vì ngay cả đứa trẻ tám tuổi vẫn tin trên đời có cô tiên và ông bụt. Tuy nhiên, một chút lòng tin vào những điều kỳ diệu ngay cả khi đã trưởng thành vẫn rất tuyệt phải không nào.

Bé 3 tuổi rưỡi: Suy nghĩ kỳ diệu
Đừng ngạc nhiên khi thấy trí tưởng tượng của bé là vô hạn

Cuộc sống của mẹ: Khi bé biếng ăn
Có phải không khí bữa ăn lúc nào cũng rất căng thẳng vì bé không chịu ngồi vào bàn ăn? Các chuyên gia khuyên rằng không nên ép buộc bé ăn những món mà bé không thích. Thực phẩm nên là nguồn vui và nguồn dưỡng chất chứ không phải là sự đấu tranh và là cuộc chiến mỗi khi bé ngồi vào bàn.

Việc ép buộc bé ăn có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa hay mất cân đối về cân nặng sau này. Chỉ nên cho bé ăn khi tới đúng bữa, nếu thấy đói bé sẽ ăn và nếu không đói thì không cần ép buộc. Đối với trẻ kén ăn, bạn không nên tạo thói quen phải chuẩn bị một chế độ ăn đặc biệt cho bé. Nếu trẻ vẫn không chịu ăn thì đừng phạt, bạn nên dẹp thức ăn và chờ đến bữa tiếp theo.