Áp xe vú sau sinh phát triển như một biến chứng của viêm vú cho con bú. Đây là một tình trạng khá nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa; sức khỏe của mẹ; và gây ra các biến chứng nguy hiểm. Bài viết này MarryBaby sẽ nói về dấu hiệu và cách điều trị áp xe vú sau sinh. Các mẹ hãy theo dõi nhé!
Nguyên nhân gây ra áp xe vú sau sinh
Áp xe là gì? Theo NCBI cho biết, áp xe vú sau sinh gây ra bởi hai loại vi khuẩn là Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng); và Streptococcus (liên cầu khuẩn). Vi khuẩn gây bệnh sẽ xâm nhập trực tiếp vào tuyến vú thông qua ống dẫn sữa; vết xây xước ở núm vú; quầng vú; hoặc đường toàn thân qua các ổ nhiễm khuẩn, nhiễm trùng huyết.
Trong tháng đầu tiên sau khi sinh, nguyên nhân gây áp xe ngực có thể do các mẹ chưa có kinh nghiệm làm vệ sinh núm vú nên gây ra các tổn thương tại vị trí này. Ở thời kỳ cai sữa, khi em bé đã có vài chiếc răng sữa và vú cũng dễ bị căng sữa sẽ là nguyên nhân tăng khả năng bị chấn thương ở núm vú.
>> Mẹ bỉm có thể xem thêm: Các bệnh về vú khi cho bé bú: Mẹ phát hiện sớm có thể điều trị hiệu quả!
Dấu hiệu áp xe vú sau sinh
Thông thường, áp xe ngực thường liên quan đến viêm vú; là một tình trạng gây đau và sưng vú. Các chuyên gia tại NCBI đã chia sẻ các dấu hiệu bị áp xe vú sau sinh như sau:
- Khối u biến động được xác định ở vú.
- Chảy mủ từ núm vú hoặc vị trí ban đỏ.
- Đỏ, sưng và đau ở một vùng của vú.
- Sốt và buồn nôn.
- Có các hạch bạch huyết ở nách.
Áp xe vú có nguy hiểm không?
Theo chia sẻ của bác sĩ tại Bệnh viện Từ Dũ – TP.HCM; Áp xe vú sau sinh nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng có thể gây biến chứng như viêm xơ tuyến vú mạn tính. Tình trạng này do dùng kháng sinh kéo dài ở giai đoạn áp xe; hoặc là hậu quả của việc tiêm trực tiếp kháng sinh vào tuyến vú để điều trị áp xe ngực.
Ngoài ra, mẹ bỉm còn có thể bị viêm tấy tuyến vú là quá trình viêm mủ tuyến vú khi dịch tiết lẫn mủ nằm giữa các lớp da; mô lỏng lẻo dưới da; mô liên kết và mô tuyến vú. Khi vùng viêm lan rộng đến các mô; bệnh nhân sẽ có biểu hiện bằng hội chứng nhiễm khuẩn; nhiễm độc nặng; vùng thâm nhiễm không có ranh giới rõ ràng.
Và biến chứng nặng nhất của áp xe vú sau sinh là hoại thư vú do vi khuẩn có độc tính cao hoặc do trực khuẩn hoại thư gây ra. Hội chứng nhiễm khuẩn; nhiễm độc nặng; tụt huyết áp; toàn thân suy sụp; vú căng to, phù nề; da trên ổ áp-xe có màu vàng nhạt hay bị hoại tử. Hạch bạch huyết sưng đau.
Cách điều trị áp xe vú sau sinh
1. Chẩn đoán
Theo bệnh viện Hùng Vương – TPHCM, trước khi điều trị áp xe vú sau sinh; các bác sĩ cần chẩn đoán bệnh theo các bước như sau:
- Bác sĩ sẽ khám lâm sàng.
- Siêu âm vú.
- Rút mủ tìm vi khuẩn và làm kháng sinh đồ để xác định kháng sinh thích hợp đối với từng bệnh nhân.
- Đôi khi cần làm các xét nghiệm như sinh thiết để xác định nguyên nhân tổn thương.
2. Các phương pháp điều trị áp xe vú
Dưới đây là các phương pháp điều trị áp xe vú sau sinh theo các chuyên gia tại bệnh viên Cleveland tại Hoa Kỳ:
- Chườm nóng để giảm đau và giảm sưng.
- Thông tắc ống dẫn bằng cách nhẹ nhàng massage ngực.
- Chọc hút bằng kim vào túi dịch bị nhiễm trùng để hút chất lỏng ra ngoài.
- Rạch và dẫn lưu một đường nhỏ trên khối chứa đầy chất lỏng để dẫn lưu mủ.
- Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể cho mẹ bỉm uống các loại thuốc như kháng sinh; kháng viêm; và giảm đau.
Trong quá trình điều trị áp xe vú sau sinh, mẹ vẫn có thể cho em bé bú sữa mẹ. Ngoại trừ trường hợp, mẹ bỉm được chỉ định sử dụng thuốc có thể gây hại cho em bé qua đường sữa. Vì vậy, mẹ muốn cho con bú trong khi đang dùng thuốc chữa áp xe vú sau sinh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước.
[inline_article id=281340]
Hy vọng bài viết này sẽ giúp các mẹ hiểu hơn về vấn đề áp xe vú sau sinh. Nếu còn thắc mắc gì về vấn đề này hãy để lại bình luận. Các bác sĩ tham vấn của MarryBaby sẽ giải đáp ngay nhé.