Bà bầu mất ngủ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và sức khỏe thai kỳ. Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài, bà bầu dễ rơi vào trầm cảm thai kỳ, một căn bệnh âm thầm nhưng vô cùng nguy hiểm. Vì thế, chị em nên nhớ kỹ những điều này khi bị mất ngủ trong lúc mang thai để bảo vệ bản thân và thai nhi nhé.
Nguyên nhân khiến bà bầu mất ngủ
1. Hormone thay đổi
Những thay đổi hormone nội tiết tố trong cơ thể, cộng thêm tác dụng phụ khi mang thai đã ảnh hưởng không ít đến hệ tiêu hóa của mẹ bầu từ đó gây ra táo bón, ợ nóng, khó tiêu, đầy bụng. Tất cả các yếu tố này đều khiến mẹ bầu khó chịu, ngủ không ngon giấc và rơi vào trạng thái mất ngủ thường xuyên.
2. Tư thế ngủ không thoải mái
Càng về các tháng cuối của thai kỳ, áp lực của thai nhi càng gây chèn ép nội tạng nhiều hơn khiến bà bầu khó thở, mệt mỏi dẫn đến mất ngủ. Vì vậy, bà bầu nên thường xuyên thay đổi tư thế ngủ để tìm cảm giác dễ chịu nhất giúp bạn ngủ ngon nhé.
3. Mơ ngủ
Khi mang thai, cơ thể mệt mỏi cộng với nhiều nỗi lo lắng của mẹ cho em bé sắp chào đời, điều này có thể khiến mẹ thường xuyên mơ ngủ. Những giấc mơ có thể khiến bạn tỉnh giấc giữa đêm và khó ngủ lại dẫn đến thiếu ngủ.
4. Chuột rút thai kỳ
Tình trạng này rất phổ biến khi bạn mang thai. Nếu thường xuyên bị chuột rút vào ban đêm chắc chắn bạn cũng dễ bị mất ngủ, nhất là trong tam cá nguyệt thứ 3.
5. Đi tiểu đêm
Sự chèn ép của thai nhi lên bàng quang khiến bà bầu mót đi tiểu liên tục. Điều này cũng khiến bạn bị mất ngủ và mệt mỏi.
6. Thai nhi đạp nhiều
Càng về các tháng cuối của thai kỳ, thai nhi càng hoạt động mạnh hơn. Sự quẫy đạp của bé sẽ khiến mẹ bị đau, thức giấc và khó ngủ lại.
Mất ngủ ở bà bầu có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Mặc dù việc mẹ bị mất ngủ không làm thai nhi mất ngủ theo, song lại khiến mẹ bị căng thẳng, mệt mỏi nên sẽ ảnh hưởng đến thần kinh của em bé trong bụng. Ngoài ra, việc mất ngủ khiến sức đề kháng của mẹ giảm sút dẫn đến ăn uống kém, dễ mắc bệnh. Những điều này đều ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, khiến bé có nguy cơ bị sinh non hoặc mẹ sảy thai cao.
Ngoài ra, các chuyên gia cảnh báo, mẹ bầu ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày trong tháng cuối thai kỳ sẽ có nguy cơ sinh mổ cao hơn hoặc chuyển dạ lâu hơn.
Cách chữa mất ngủ cho bà bầu
Giấc ngủ quan trọng là vậy nên mẹ bầu cần cố gắng thay đổi các thói quen ăn uống, sinh hoạt để cơ thể thích nghi tốt hơn với từng giai đoạn của thai kỳ. Điều này sẽ mang đến cảm giác dễ chịu và giúp bạn ngủ ngon giấc.
1. Cách chữa cho bà bầu mất ngủ 3 tháng đầu thai kỳ
Những thử thách lớn nhất ở giai đoạn này là mẹ bầu thường đi tiểu nhiều, cảm giác đau xương chậu và đau ngực, buồn nôn do ốm nghén. Tất cả các triệu chứng này đều gây ra chứng mất ngủ ở bà bầu, vì vậy bạn cần khắc phục bằng cách:
♦ Hạn chế uống nước vào buổi tối
Việc uống nước nhiều vào buổi tối sẽ khiến bà bầu đi tiểu đêm gây thức giấc và khó ngủ lại. Để không đi tiểu đêm, bà bầu nên giảm uống nước sau 6 giờ tối.
♦ Lập thời khóa biểu cụ thể cho các sinh hoạt của bạn
Ví dụ, từ 2-4 giờ chiều, bạn phải có một giấc ngủ ngắn để cơ thể được thư giãn và ngủ ngon vào ban đêm. Lưu ý, giấc ngủ ngày chỉ nên kéo dài 30 phút, vì nếu ngủ quá nhiều thì buổi tối bạn sẽ không còn buồn ngủ nữa.
♦ Không uống các thức uống chứa caffeine
Caffeine không tốt cho thần kinh của thai nhi và khiến mẹ bầu mất ngủ. Vì thế mẹ bầu không nên uống cà phê hoặc các loại trà để ngủ ngon giấc nhé.
♦ Uống trà gừng
Trà gừng giúp giảm các triệu chứng ợ nóng cũng như ốm nghén trong thai kỳ, nhờ đó sẽ giúp mẹ bầu ngủ ngon giấc hơn. Mẹ bầu có thể uống trà gừng ấm vào buổi tối để thư giãn giúp ngủ ngon giấc.
♦ Tập thể dục vào buổi chập tối
Vận động nhẹ nhàng giúp máu huyết lưu thông, giảm chứng chuột rút khi mang thai giúp mẹ bầu ngủ ngon vào ban đêm. Do đó, mẹ bầu nên đi bộ hoặc tập yoga vào buổi tối nhé.
2. Cách chữa cho bà bầu mất ngủ 3 tháng giữa thai kỳ
Thử thách của mẹ bầu trong giai đoạn này là ợ nóng, chuột rút và tình trạng mộng mị. Những điều này xảy ra do sự thay đổi của cơ thể để thích nghi với sự phát triển của thai nhi cộng với những lo lắng tăng lên của mẹ. Vì vậy, mẹ bầu cần áp dụng các “chiến thuật” để mang lại giấc ngủ ngon trong giai đoạn này bao gồm:
♦ Kéo dài khoảng cách giữa bữa tối với thời điểm lên giường
Mẹ bầu cần ăn 4 giờ trước khi đi ngủ để hệ tiêu hóa xử lý hết thức ăn. Bên cạnh đó, mẹ bầu nên ngồi hoặc đứng sau bữa ăn để giữ axít không bị đẩy ngược lên cổ gây ra tình trạng ợ nóng.
♦ Tránh các thực phẩm dễ gây ợ nóng
Những món ăn có vị cay, nồng hoặc chua đều là tác nhân gây ợ nóng khiến mẹ bầu khó ngủ. Vì thế mẹ bầu nên tránh ăn các thực phẩm này vào bữa tối nhé.
♦ Không uống nước có ga
Nếu muốn giảm tình trạng chuột rút, mẹ bầu nên tránh uống nước có ga vì loại nước này gây mất cân bằng canxi dẫn đến chứng chuột rút. Vì vậy, mẹ bầu nên thay thế nước ngọt có ga bằng sữa ấm, nước ép trái cây, rau củ.
♦ Tránh căng thẳng
Hơn lúc nào hết, mang thai là giai đoạn mà tinh thần cần được thư giãn nhiều nhất. Nếu bị stress, mẹ bầu sẽ không thể ngủ ngon. Vì thế, bạn nên để cơ thể và tâm trí thư giãn bằng cách tắm nước ấm, nghe nhạc nhẹ, tưới cây, thiền… để giúp an thần và ngủ ngon nhé.
3. Cách chữa cho bà bầu mất ngủ 3 tháng cuối thai kỳ
Trong giai đoạn này, bà bầu phải đối mặt với những cơn đau lưng trầm trọng, đi tiểu đêm thường xuyên, khó thở, ợ nóng và chuột rút gia tăng khiến bạn mất ngủ. Bạn có thể cải thiện giấc ngủ bằng các cách sau:
♦ Tìm tư thế ngủ dễ chịu
Bà bầu khó ngủ phải làm sao? Theo các chuyên gia, nằm nghiêng bên trái sẽ giúp mẹ bầu giảm bớt sức nặng của thai nhi lên cơ lưng và cột sống, đồng thời giúp em bé nhận được oxy nhiều hơn. Vì thế mẹ nên chọn tư thế nằm nghiêng bên trái, đồng thời kẹp một chiếc gối ở giữa hai chân để cảm thấy dễ chịu hơn nhé.
♦ Uống ít nước vào buổi tối
Trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ, bạn nên hạn chế uống nước để tránh bị đi tiểu đêm gây ra chứng mất ngủ.
♦ Không gian thông thoáng
Bà bầu mất ngủ phải làm sao? Không gian phòng ngủ thông thoáng mang đến cảm giác mát mẻ, dễ chịu và giúp mẹ bầu nhận được nhiều oxy hơn để thúc đẩy tuần hoàn máu, giúp bạn ngủ ngon giấc.
♦ Tắm nước ấm
Đối với chứng đau mỏi cơ bắp, việc massage nhẹ nhàng và tắm bằng nước ấm sẽ giúp cơ thể được thư giãn, lưu thông khí huyết, từ đó mang đến một giấc ngủ ngon cho bà bầu.
♦ Ăn nhiều thực phẩm giàu axi folic
Mẹ bầu khó ngủ phải làm sao? Các chuyên gia khuyên bà bầu nên ăn nhiều các loại rau lá xanh và ngũ cốc để tăng cường lượng axit folic cho cơ thể. Axit folic giúp giảm các triệu chứng chuột rút, bứt rứt chân tay ở bà bầu, mang đến giấc ngủ ngon.
4. Các cách chữa mất ngủ ở bà bầu khác
Ngoài các gợi ý trên, bà bầu mất ngủ cả đêm có thể tìm đến các biện pháp sau:
♦ Gối cao
Kê gối cao đầu khi ngủ giúp bà bầu hạn chế sự khó chịu do chứng ợ nóng gây ra để ngủ ngon giấc hơn.
♦ Kê gối ở bụng
Áp lực của thai nhi lên cơ thể mẹ bầu gây ra sự khó chịu bất kể bạn nằm ở tư thế nào. Mặc dù nằm nghiêng bên trái là tư thế mang đến cảm giác dễ chịu nhất song nếu kết hợp với việc kê một chiếc gối dưới bụng sẽ càng giúp giảm áp lực của thai nhi và mang đến giấc ngủ ngon hơn cho bà bầu.
♦ Ngâm chân bằng nước ấm
Nước muối ấm có tác dụng thư giãn, lưu thông khí huyết, giúp giảm chứng chuột rút, khô nẻ bàn chân và mang đến giấc ngủ ngon cho bà bầu.
♦ Không xem tivi, đọc sách báo, dùng điện thoại trên giường
Khi não phải tư duy hoặc bị kích thích quá nhiều sẽ ở trong trạng thái tỉnh táo khiến bạn không còn buồn ngủ nữa. Vì vậy, khi đã lên giường, bà bầu chỉ nên nghe nhạc nhẹ để giúp ngủ ngon hơn.
♦ Không nên ngủ khi chưa buồn ngủ
Việc ép bản thân phải ngủ khi đầu óc còn tỉnh táo sẽ gây áp lực cho não bộ khiến bạn càng khó đi vào giấc ngủ. Vì thế bà bầu chỉ nên ngủ khi bạn cảm thấy thật buồn ngủ nhé.
♦ Duy trì thói quen ngủ đúng một giờ
Thiết lập đồng hồ sinh học cho cơ thể không chỉ giúp tránh khỏi tình trạng mất ngủ mà còn ngăn ngừa bệnh đãng trí sau sinh rất hiệu quả. Vì thế, bạn nên duy trì thói quen đi ngủ vào một giờ nhất định để không bị chứng mất ngủ làm phiền.
[inline_article id = 76900]
Bà bầu mất ngủ do nhiều nguyên nhân và gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thai kỳ. Vì thế, để có giấc ngủ ngon, bà bầu nên tìm cách khắc phục các nguyên nhân gây mất ngủ bằng các cách MarryBaby gợi ý trong bài viết này nhé.
MarryBaby
Nhật Lãm