Categories
Sau khi sinh Vóc dáng

5 bài tập yoga sau sinh nhẹ nhàng giúp bạn giảm mệt mỏi

Bài tập yoga sau sinh giúp mẹ thư giãn và rèn luyện thể chất

Tác dụng của những bài tập yoga sau sinh sẽ giúp hỗ trợ bạn cải thiện sức mạnh cho sàn chậu, làm cơ bắp săn chắc lại, giúp thư giãn vai, cổ, duy trì xương sống thẳng, làm tăng khả năng chịu đựng và ngừa chứng trầm cảm sau sinh. Điều này đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phục hồi cơ thể để bạn trở lại cuộc sống sinh hoạt hàng ngày bình thường.

Vậy sau sinh bao lâu có thể tập yoga? Nếu sinh thường, bạn có thể tập yoga sau ít nhất 6 tuần sinh con. Trong trường hợp bạn sinh mổ thì cần đợi ít nhất 12-16 tuần sau sinh.

[inline_article id=203301]

Dưới đây là 5 bài tập yoga nhẹ nhàng cho phụ nữ sau sinh nhanh hồi phục sức khỏe.

Bài tập yoga sau sinh cho mẹ nhanh hồi phục sức khỏe

Các bài tập yoga nhẹ nhàng dưới đây đã được chứng minh là có thể giúp cải thiện lưu lượng máu, củng cố hệ thống thần kinh và thư giãn cơ thể cũng như tâm trí của bạn.

1. Bài tập yoga sau sinh gác chân lên tường

bài tập yoga gác chân lên tường

Đây là bài tập yoga sau sinh giúp bạn thư giãn, thiền định và hỗ trợ máu lưu thông theo hướng ngược lại.

Bạn duỗi người, hai chân đặt lên tường, giữ thẳng, hai tay để duỗi thả lỏng tự nhiên. Sau đó, bạn nhắm mắt và chú ý hít thở đều.

2. Tập tư thế em bé để cơ thể thư giãn

tư thế em bé

Bài tập yoga sau sinh này khá nhẹ nhàng, giúp bạn giảm đau đầu, cổ, ngực, đồng thời giúp mở sàn chậu, hông và lưng dưới. Mẹ đang cho con bú thường dễ bị đau lưng. Vì vậy, tư thế em bé sẽ rất phù hợp cho bạn để giảm thiểu những mệt mỏi.

Bạn quỳ trên sàn, đặt mông ngồi vào gót chân. Sau đó, bạn từ từ vươn thân người lên phía trước, tay và lưng duỗi thẳng, hai đầu gối dần dần mở rộng ra. Bạn thả lỏng cằm, cổ, mặt và cơ thể rồi hít thở đều.

Trong lúc tập tư thế em bé, bạn có thể kết hợp thực hiện bài tập kegel sau sinh sẽ giúp củng cố các cơ sàn chậu đã bị suy yếu trong quá trình sinh nở. Bạn hãy thực hiện động tác như đang nín tiểu và giữ như vậy trong 2-3 giây rồi lại thả lỏng 2-3 giây. Sau đó, bạn nên lặp lại động tác này 4-5 lần liên tiếp.

3. Tư thế ngọn núi tốt cho cơ bắp và thăng bằng

tư thế ngọn núi

Tư thế ngọn núi là bài tập yoga sau sinh làm săn chắc vùng bụng, xương chậu, thân mình và lưng.

Bạn mở hai bàn chân vừa phải, thả lỏng hai cánh tay, lòng bàn tay hướng ra ngoài, giữ lưng thẳng và cổ thon dài.

Khi thực hiện tư thế, bạn hít thở sâu, khi thở ra thì hóp bụng, siết chặt chân, mở ngực, mở vai, giữ lưng người thẳng. Bạn thực hiện động tác với nhịp thở đều đặn trong 5 nhịp.

4. Tư thế cây cầu tốt cho cột sống lưng

tư thế cây cầu mang lại nhiều lợi ích của yoga

Sau khi sinh con, bạn rất dễ bị mỏi người do phải dành nhiều thời gian ngồi và nằm trông con. Bài tập yoga sau sinh này sẽ giúp bạn giảm bớt sự khó chịu ở cột sống, tăng cường sức mạnh cho đôi chân, kéo căng các cơ hông, đồng thời mở rộng vai nên hỗ trợ bạn thư giãn tinh thần và giảm mệt mỏi hiệu quả.

Bạn nằm thẳng, gập đầu gối, để khoảng cách giữa hai chân rộng bằng vai. Sau đó, bạn đan tay vào nhau, hít sâu rồi nâng lưng, hông và ngực. Kế đến, bạn thở đều, chậm rãi và giữ tư thế tầm 30 giây thì nghỉ và thực hiện lại động tác 3 lần.

5. Tư thế yoga mặt bò giúp ngừa tật gù vai

bài tập yoga sau sinh - tư thế yoga mặt bò

Tư thế yoga mặt bò rất hiệu quả trong việc giúp bạn kéo dài hông, cũng như cổ và vai. Bạn thực hành tư thế này cũng có thể giúp chống lại tật gù vai khi phải ngồi lâu cho con bú hay bế bé yêu trong thời gian dài.

Bạn ngồi thẳng lưng trong tư thế quỳ, chân phải gập đặt lên chân trái và đảm bảo 2 đầu gối chồng lên nhau. Bạn giơ tay trái lên, gập khuỷu tay và đưa ra sau lưng, còn tay phải bạn đưa ra sau và cố gắng nắm hai bàn tay lại với nhau. Bạn giữ nguyên tư thế trong khoảng 10-20 giây, rồi đổi bên và lặp lại động tác.

Những lưu ý khi tập yoga sau sinh

những lưu ý khi tập yoga sau sinh

Để ngăn ngừa phần cơ bụng ngoài bị tách ra làm 2 hay còn gọi là xổ bụng sau sinh (abdominal separation), bạn không nên thực hiện những động tác như gập bụng, vặn người sâu, hay ngửa toàn bộ thân trên ra sau. Bởi những động tác này sẽ tạo áp lực cho vùng bụng và khiến cơ bụng căng quá mức.

Dưới đây là một số tư thế yoga cụ thể mà bạn không nên tập sau sinh, đặc biệt nếu đang bị xổ bụng hoặc có bất kỳ vết rách nào lớn trong quá trình sinh nở.

  • Tư thế plank
  • Tư thế con bò
  • Tư thế con mèo
  • Tư thế tam giác vặn
  • Tư thế ngồi xổm malasana
  • Tư thế xoạc chân hanumanasana

Ngoài những tư thế trên, bạn cũng hãy lưu ý tránh các tư thế khiến bụng hướng xuống dưới hoặc những tư thế kéo căng người tác động nhiều vào vùng bụng. Bạn chỉ nên dần dần thực hiện những tư thế này khi cơ thể đã hoàn toàn bình phục.

[inline_article id=188538]

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ bài tập yoga sau sinh nào nhé.

Bạn cũng cần hỏi bác sĩ trước khi tập yoga nếu bị xổ bụng. Tình trạng này khi không được chữa lành đúng cách sẽ gây yếu bụng, yếu sàn chậu hoặc các vấn đề khác nghiêm trọng hơn.

Khi có em bé, cuộc sống của bạn sẽ càng trở nên bận rộn và nhiều căng thẳng hơn. Tuy nhiên, nếu có ý thức tốt về sức khỏe của mình bằng cách tập yoga sau sinh nhẹ nhàng, bổ sung hoa quả và sống lành mạnh, bạn sẽ tận hưởng được cuộc sống ngay cả những lúc tất bật chồng con, công việc. Bạn hãy chia sẻ công việc với bạn đời để có thêm thời gian thư giãn cho bản thân hoặc chỉ cần đơn giản thực hiện những bài tập thở sâu cũng giúp giải phóng hiệu quả những mệt mỏi và căng thẳng đấy.

Hoa Vũ

 

Categories
Sau khi sinh Vóc dáng

Thu nhỏ “cô bé” với bài tập Kegel sau sinh cực hiệu quả

Bài tập Kegel sau sinh là những bài tập tăng cường sức mạnh các cơ sàn chậu. Đó là những cơ bắp hỗ trợ bàng quang, âm đạo, tử cung và trực tràng. Bài tập Kegel cho phụ nữ nói chung và đặc biệt là mẹ bầu và các mẹ sau sinh sẽ đem lại những tác dụng đáng kể:

Những tác dụng của bài tập Kegel sau sinh cho phụ nữ

1. Phụ nữ mang thai

Đối với phụ nữ mang thai chuẩn bị sinh con, bài tập Kegel giúp cơ xương chậu của họ mạnh hơn; giúp làm giảm hiện tượng són tiểu vào những tháng cuối thai kỳ. Đồng thời giúp cho cuộc “vượt cạn” diễn ra dễ dàng hơn. Ngoài thực hành bài tập này, mẹ có thể tiến hành massage đáy chậu.

2. Phụ nữ sau khi sinh

Bài tập Kegel giúp làm săn chắc cơ âm đạo đã lỏng lẻo do sinh nở. Đồng thời giúp các vết thương tầng sinh môn mau phục hồi. Nhiều mẹ sau sinh cũng bị són tiểu và bài tập Kegel sẽ khắc phục tình trạng này.

3. Những người phụ nữ mắc chứng đi tiểu không tự chủ

Bài tập Kegel không chỉ giúp tăng cường các cơ âm đạo, cơ vòng hậu môn mà còn giúp kiểm soát cảm giác buồn tiểu, giúp chấm dứt tình trạng tiểu không tự chủ.

>>> Bạn có thể xem thêm: 3 cách nhanh hết sản dịch cho phụ nữ sau sinh

4. Những người phụ nữ có nguy cơ sa tử cung

Sa tử cung là một biến chứng khi tử cung trượt xuống khỏi vị trí thông thường; thậm chí lộ ra ngoài âm đạo. Nếu một người phụ nữ có cơ vùng mạnh, chắc khỏe thì hiện tượng này ít khả năng xảy ra. Nhưng những bà mẹ trải qua sinh thường; bị bí tiểu hoặc táo bón hoặc phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh có nguy cơ cao với hiện tượng này. Bài tập Kegel cho phụ nữ sau sinh sẽ giảm thiểu đáng kể nguy cơ sa tử cung.

Bài tập Kegel dành cho mọi lứa tuổi. Càng lớn tuổi, phụ nữ càng nên thực hành bài tập này thường xuyên vì cùng với thời gian; các cơ ở vùng sàn chậu càng có xu hướng nhão và yếu hơn.

Thu nhỏ vùng kín với bài tập Kegel sau sinh

1. Bài tập 1

Dưới đây là các bước để tiến hành bài tập Kegel cho phụ nữ sau sinh một cách hiệu quả nhất:

Bước 1: Bạn nên đi tiểu trước khi tiến hành tập Kegel.

Bước 2: Tìm cơ xương chậu của bạn bằng cách thít chặt âm đạo và hậu môn như khi bạn đang nín tiểu. Như vậy, bạn đã thực hiện việc thít chặt cơ âm đạo và cơ hậu môn. Khi thực hiện điều này, nên nhớ rằng cơ bụng, mông, đùi của bạn không liên quan đến. Để việc thực hiện được tốt, bạn nên thực hiện thao tác hít vào, thở ra đều đặn vài lần rồi thả lỏng cơ.

>>> Bạn có thể xem thêm: Áp xe vú sau sinh: Dấu hiệu và cách điều trị thế nào?

Ngoài cách thực hiện thông thường kể trên, bạn có thể luyện tập Kegel với một ngón tay đặt vào âm đạo. Bạn sẽ cảm nhận sự thắt chặt của cơ âm đạo trước khi di chuyển sàn chậu lên. Nhớ là vệ sinh sạch sẽ ngón tay nhé! Nếu cảm thấy chưa thực sự tự tin khi xác định cơ âm đạo, bạn có thể dùng gương đặt dưới vùng đáy chậu khi thực hành bài tập thả lỏng-thít chặt cơ âm đạo và hậu môn.

Khi thực hiện bài tập Kegel, bạn nên thít cơ âm đạo trong vòng 2-3 giây rồi thả ra với thời gian tương tự. Lặp lại thao tác này. Khi bạn đã thành thạo, có thể co cơ sàn nhanh hơn và mạnh hơn và tăng thời gian co cơ âm đạo lên thành 10 giây và lặp lại vài lần. Nên tập luyện bài tập Kegel 3-4 lần mỗi ngày để tăng sức mạnh cho vùng sàn khung xương chậu, tăng sự mạnh mẽ, dẻo dai và cuốn hút của phụ nữ.

 

Bài tập Kegel sau sinh
Bài tập Kegel sau sinh là một bài tập đơn giản, an toàn và kín đáo

Bài tập Kegel cho phụ nữ có thể thực hiện tại bất cứ đâu, ngay cả khi bạn đang làm việc tại công sở, đang ăn trưa cùng bạn bè hay đang nghỉ ngơi.

2. Bài tập 2

Bước 1: Thít chặt cơ âm đạo và hậu môn, cảm nhận vùng sàn chậu được nâng lên trong 3 giấy, sau đó thư giãn các cơ bắp hoàn toàn cũng trong 3 giây. Đây là bước tương tự như động tác 1 kể trên. Nếu bạn đã thành thạo, có thể kéo dài thời gian co cơ lên 5-10 giây. Lặp lại 5-10 lần sau đó nghỉ ngơi khoảng 10 giây và chuyển sang bước 2.

Bước 2: Nằm ngửa, hai chân mở rộng sang hai bên, hơi co đầu gối lại và đặt 2 lòng bàn chân sát nhau, 2 chân sẽ tạo thành tư thế như cánh bướm. Kéo bàn chân và đầu gối về phía ngực và giữ trong khoảng 20 giây. Chú ý, trong lúc này hai lòng bàn chân vẫn ép sát nhau.

Trong lúc này, tiếp tục thít cơ vùng chậu và hít thở vài giây. Sau đó thả lỏng cơ, đẩy đầu gối và bàn chân về vị trí ban đầu.

>>> Bạn có thể xem thêm: Bổ sung nội tiết tố nữ sau sinh như thế nào cho mẹ bỉm sữa?

3. Bài tập 3

Bước 1: Nằm ngửa trên sàn, co đầu gối theo phương thẳng đứng, hai bàn chân chạm sàn, mở rộng hai chân bằng vai, hai tay đặt xuôi theo thân người.

Bước 2: Từ từ nâng hông lên, trong quá trình này, hãy thít chặt các cơ sàn chậu, đồng thời nâng 1 chân lên cao. Sau đó, hạ chân và hông xuống vị trí ban đầu, đồng thời thả lỏng các cơ sàn chậu.

Lặp lại bước 1 và 2 nhưng đổi chân.

>>> Bạn có thể xem thêm: Mẹo thu nhỏ vùng kín sau sinh với bài tập 5 phút mẹ bỉm cần biết!

Các lưu ý khi tập Kegel

lưu ý khi tập bài tập kegel sau sinh

Bài tập Kegel sau sinh rất có ích cho việc phục hồi vùng kín, nhưng các mẹ nên lưu ý những điều sau:

  • Không tập kegel khi bàng quang đầy nước tiểu để tránh nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Không nên tập khi bạn đang trong thời kỳ “đèn đỏ” vì có nguy cơ nhiễm khuẩn.
  • Nếu thấy đau vùng bụng, lưng, có thể bạn đã sai thao tác. Trong trường hợp này, không nên cố tập tiếp sẽ làm cho những tổn thương trầm trọng hơn.
  • Phải kiên trì tập luyện. Vì bài tập Kegel có tác dụng sớm nhất sau 4-6 tuần luyện tập. Hoặc tùy vào cơ địa cũng như sự chăm chỉ luyện tập của từng người.

[inline_article id=67139]

Với bài tập Kegel sau sinh vô cùng đơn giản; an toàn và linh hoạt. Mẹ có thể tập ở mọi nơi, mọi lúc. Các bài tập sẽ khắc phục được rất nhiều vấn đề sức khỏe và tìm lại được sự quyến rũ của mình.