Trước khi làm điệu cho các “thiên thần bé bỏng”, mẹ hãy dành vài phút đọc kỹ những lưu ý khi bấm lỗ tai cho bé mẹ nhé.
1. Thời điểm nào thích hợp để bấm lỗ tai cho bé?
Dù bấm lỗ tai ở thời điểm nào thì ba mẹ cũng cần chú ý chăm sóc cho lỗ tai bé cẩn thận để tránh nguy cơ nhiễm trùng hoặc ảnh hưởng đến vết thương.
a. Đối với trẻ sơ sinh:
Khi mới sinh, da của trẻ nhỏ thường rất dễ tổn thương. Ngay cả khi bị một vết chích của muỗi đốt, da con cũng đủ để sưng đỏ lên. Cộng thêm với việc hệ miễn dịch của trẻ còn yếu nên nguy cơ bị nhiễm trùng sẽ cao hơn nhiều so với người lớn. Vì thế, Tiến sĩ Nhi khoa Kimberly Schneider tại Đại học Sức khỏe Indiana (Hoa Kỳ) khuyến nghị nếu mẹ có ý định bấm lỗ tai cho bé sơ sinh, hãy cố gắng đợi ít nhất khi trẻ được 3 tháng tuổi vì “nếu có nguy cơ xảy ra nhiễm trùng do lỗ xỏ, trẻ dưới 3 tháng tuổi sẽ phải nhập viện và điều trị theo phác đồ với nhiều nguy cơ biến chứng cao hơn”.
Ngoài ra, cha mẹ nên chọn vị trí bấm lỗ cho trẻ phù hợp. Khi bấm lỗ tai cho bé sơ sinh, chỉ nên bấm phần dái tai. Đối với phần sụn tai, tuyệt đối không bấm cho con vì đó là nơi có nhiều dây thần kinh, đồng thời, gây đau dai dẳng hơn và khả năng nhiễm trùng cao hơn.
>>> Mẹ có thể xem: Xỏ lỗ tai cho bé từ sơ sinh, đúng hay đã sai rồi?
b. Đối với bé gái lớn:
Có nên bấm lỗ tai cho trẻ hay không? Quyết định này nằm ở cha mẹ. Trong trường hợp này, mẹ muốn con cùng bàn luận về việc xỏ khuyên tai cho bé, thì thời điểm tốt nhất là khi con đủ 10 tuổi vì lúc này con yêu có khả năng ý thức trong việc làm đẹp và có trách nhiệm cho việc mình làm như: vệ sinh khuyên tai thường xuyên, tránh va chạm vào lỗ xỏ; hoặc tự biết tháo tai và thay bông khác nếu như con yêu có sự lựa chọn khác,…
2. Bấm lỗ tai cho bé ở đâu an toàn?
Bấm lỗ tai cho bé ở đâu? Mẹ nên bấm lỗ tai cho con ở bệnh viện, các cơ sở y tế (tại TP.HCM, một số bệnh viện có dịch vụ xỏ khuyên tai cho bé như Bệnh viện Tai mũi họng, Bệnh viện Hùng Vương…) để đảm bảo quá trình xỏ lỗ tai cho bé an toàn, tránh nhiễm trùng.
3. Bấm lỗ tai cho bé mấy ngày tháo ra được?
Hiện này vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho các câu hỏi bấm lỗ tai cho bé mấy ngày tháo ra được hay bấm lỗ tai cho con bao lâu thì tháo vì điều này hoàn toàn tùy thuộc vào da và thể trạng của từng con, sẽ có các phản ứng khác nhau.
Theo Trung tâm Y khoa John Hopskine (Hoa Kỳ), thời gian để vết bấm lỗ tai lành lại hẳn và đảm bảo an toàn cho sức khỏe cho bé là từ 4 đến 6 tuần sau khi bấm. Mẹ cũng không nên quá nôn nóng tháo khuyên ra khi vết thương do bấm tai chưa lành vì điều này sẽ khiến lỗ bấm bị bít lại và bé lại phải chịu đau để bấm lần tiếp theo.
Chưa kể, việc tháo ra quá sớm sẽ không tốt cho những bé có cơ địa dễ bị dị ứng, bé có thể bị nhiễm trùng vết bấm. Mẹ hãy cố gắng chờ đợi cho đến khi vết thương lành hẳn rồi mới tháo cho bé nhé.
Sau khi xỏ khuyên tai cho bé và qua thời gian lỗ xỏ lành, mẹ có thể thông lỗ xỏ tai bằng cách trượt đi trượt lại sợi chỉ hoặc xoay nhẹ bông tai mỗi ngày. Sau khi tháo ra, mẹ có thể thay bằng bông tai vàng. Nên nhớ phải cho bé đeo liên tục trong 6 tháng để hình thành lỗ xỏ vĩnh viễn.
>>> Mẹ có thể xem thêm: Vòng hổ phách có tác dụng gì với trẻ em? Liệu có tốt như lời đồn không?
4. Cách giảm đau khi bấm lỗ tai cho bé
Trước khi bấm lỗ tai cho bé từ 30-60 phút, người thực hiện sẽ dùng thuốc gây tê chứa lidocaine ngoài da tại dái tai trẻ hoặc bôi một lớp kem lên dái tai.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyên một cách bấm lỗ tai không đau là chườm đá từ 15-30 phút trước khi bấm lỗ tai cho bé để làm tê liệt các thụ thể đau ở tai. Bạn nên bọc cục đá trong cái khăn mỏng để chườm cho bé thay vì để đá trực tiếp lên da.
Dù thực hiện cách giảm đau nào thì bé cũng không thể khỏi đau hoàn toàn. Do đó, bạn nên cho con biết trước về cảm giác đau như kim chích khi bấm lỗ tai. Ngoài ra, quá trình bấm lỗ tai cũng xảy ra rất nhanh nên bạn hãy khuyến khích con hít thở đều để giảm cảm giác đau.
5. Cách vệ sinh tai cho bé sau khi bấm lỗ tai
Bên cạnh câu hỏi bấm lỗ tai cho bé mấy ngày tháo ra được thì mẹ cũng cần biết cách vệ sinh tai cho be sau khi bấm lỗ tai đúng phương pháp, kỹ thuật để con yêu không bị nhiễm trùng. Vùng da xung quanh chiếc khuyên có thể bị sưng tấy, nhạy cảm hoặc đỏ ngay sau khi bấm lỗ tai.
Để tránh cho bé bị nhiễm trùng tai, mẹ có thể tham khảo một số cách vệ sinh sau khi bấm lỗ tai cho bé:
- Tránh chạm vào chiếc khuyên mới trừ những lúc vệ sinh lỗ xỏ.
- Trước khi chạm tay vào tai bé, mẹ dùng xà phòng diệt khuẩn rửa tay cho bản thân và cho bé để ngăn ngừa vi khuẩn lây truyền từ các ngón tay vào tai. Một chút vi khuẩn cũng gây hại đến vết thương nếu không được vệ sinh sạch.
- Làm sạch toàn bộ khu vực xung quanh lỗ xỏ khuyên (mặt trước và mặt sau) bằng cồn y tế trên tăm bông 2-3 lần một ngày.
- Khi tắm cho bé, mẹ nên tránh để dầu gội, sữa tắm, nước hoa hay các loại hóa mỹ phẩm khác tác động đến vị trí bấm lỗ tai.
- Trong những ngày đầu sau khi bấm lỗ tai, mẹ hãy dùng thuốc mỡ kháng sinh theo chỉ thị bác sĩ để thoa tai bé mỗi ngày 2 lần, nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng vết thương và thúc đẩy tốc độ hồi phục.
- Đối với trẻ lớn, tốt nhất không nên cho bé đi bơi khi lỗ xỏ khuyên tai chưa lành, vì nước và hóa chất trong hồ bơi có thể gây dị ứng lỗ xỏ.
- Sau 4-6 tuần kể từ khi bấm lỗ tai, nếu cần tháo hoa tai, mẹ nên làm nhẹ nhàng khi tai bé vẫn còn đang ướt chứ không được vặn khi da khô vì điều này sẽ làm cho vết bấm lỗ tai bị nứt ra, chảy máu khiến cho vết thương lâu bình phục.
>>> Mẹ có thể xem: Mẹo giữ lại cuống rốn trẻ sơ sinh để “giữ vía” cho con thông minh
6. Dấu hiệu nhiễm trùng lỗ khuyên tai – Mẹ cần làm gì trong tình huống này?
Những dấu hiệu sau cho thấy lỗ khuyên tai của con bị nhiễm trùng, mẹ sẽ cần liên hệ ngay với bác sĩ để chăm sóc lỗ xỏ khuyên. Đó là:
- Tại vị trí xỏ lỗ xuất hiện vết sưng tấy, đỏ, đau lan ra ngoài lỗ
- Lỗ khuyên có mủ
- Bé bị sốt trên 38 độ C sau khi bấm lỗ
Nếu bị phản ứng với bông tai kim loại, mẹ sẽ thấy trẻ có các dấu hiệu như khô da, nứt nẻ, sưng tấy và ngứa quanh vùng khuyên tai, lỗ xỏ khuyên. Đồng thời con luôn trong trang thái khó chịu, quấy khóc do vết thương đau. Vậy cách chữa bấm lỗ tai bị mưng mủ cho bé là gì?
Những điều mẹ cần làm khi bấm lỗ tai cho bé bị mưng mủ, nhiễm trùng:
- Đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa để chẩn đoán về tình trạng tai nhiễm trùng, mưng mủ của con
- Với những trường hợp lỗ tai bé bị mưng mủ nặng, trẻ có thể được điều trị bằng kháng sinh trong vòng 4 – 5 ngày.
- Nếu trẻ có các triệu chứng dị ứng kim loại, cách chữa duy nhất là tháo bỏ khuyên tai và làm theo hướng dẫn chăm sóc, điều trị lỗ xỏ khuyên của bác sĩ.
>>> Mẹ có thể xem thêm: Bấm lỗ tai bị sưng phải làm sao? Mách mẹ cách giúp bé khắc phục
7. Mẹ nên chọn bông tai nào an toàn, phù hợp cho con?
Khi lỗ bấm đã lành và khô thì cha mẹ có thể tiến hành đeo bông tai làm điệu cho bé. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vì da trẻ còn non nên mẹ hãy chọn những loại kim loại không có chứa thành phần niken. Chất liệu bông tai mà trẻ nên đeo là bạc ta, vàng 14, 18 hoặc 24 carat vì chúng hầu như không gây nên phản ứng dị ứng cho trẻ.
Hãy lưu ý tới kiểu dáng bông tai trẻ sử dụng. Vì còn nhỏ nên trẻ rất hiếu động, cha mẹ nên chọn những mẫu khuyên nụ, hoặc khuyên tròn nhỏ, tránh xa những kiểu khuyên dài diêm dúa. Trẻ có thể dùng tay giật chúng, hoặc bông bị vướng mắc vào gối, áo quần gây tổn thương tai, chảy máu tai.
8. Trẻ có cần tránh hoạt động thể thao sau khi bấm lỗ tai không?
Bạn có thể không cho trẻ đi bơi sau khi bấm lỗ tai, vì trong nước biển hay hồ bơi có nhiều vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng. Những môn thể thao cần đội mũ bảo hộ cũng nên tránh vì có thể tác động đến vị trí bấm lỗ tai.
Nếu trẻ cần tham gia hoạt động thể chất trong 6 tháng đầu sau khi bấm, bạn có thể dùng băng gạc che bông tai lại để bảo vệ. Tốt nhất, trước khi bấm lỗ tai cho trẻ, bạn nên hỏi huấn luyện viên thể thao của trẻ về điều này để biết có thể ảnh hưởng đến việc tập luyện không nhé.
Thông qua bài viết trên chắc hẳn mẹ đã biết thêm thông tin về những điều cần làm khi bấm lỗ tai cho bé. Bên cạnh đó, mẹ đừng quên bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng từ các nguồn vitamin dồi dào như: thịt, cá, trứng, sữa,… để con yêu tăng sức đề kháng “đánh bật” các nguy cơ gây nhiễm trùng quanh vành tai mẹ nhé.
>>> Mẹ có thể quan tâm: Chọn ngày cắt tóc cho bé mang lại sức khỏe may mắn!