Mẹ bầu đi tiểu buốt là hiện tượng thường gặp ở phụ nữ mang thai, nhất là ở giai đoạn 3 tháng đầu và 3 tháng cuối. Tìm hiểu thêm về các nguyên nhân dưới đây để đưa ra cách điều trị thích hợp mẹ nhé
1. Nguyên nhân mẹ bầu đi tiểu buốt là do đâu?
Trong thời gian mang thai, sự thay đổi hormone để giúp cho bào thai phát triển khiến cơ thể mẹ chưa kịp thích ứng nên sẽ dẫn đến nhiều trở ngại trong cuộc sống thường ngày của mẹ. Bên cạnh đó, tình trạng mẹ bầu đi tiểu buốt còn có thể xuất phát những nguyên nhân bệnh lý nguy hiểm. Chính vì vậy, khi cảm thấy tiểu rắt, tiểu buốt khi mang thai, cùng một số triệu chứng khác lạ, mẹ bầu cần đi khám ngay nhằm tránh biến chứng nguy hiểm. Các nguyên nhân cho tình trạng mẹ bầu bầu đi tiểu buốt là:
Do sinh lý thay đổi khiến cho bầu đi tiểu buốt khi mang thai
Khi mang thai, nội tiết tố hCG của mẹ tăng, làm tăng lưu lượng máu ở thận, kéo theo lượng chất lỏng bài tiết qua thận cũng cao hơn. Đồng thời, trong giai đoạn này, thai nhi sẽ phát triển kích thước từng ngày, gây chèn ép lên bàng quang của mẹ, khiến mẹ bầu luôn buồn tiểu. Đi tiểu nhiều nhưng lượng nước tiểu ít nên mẹ có thể cảm thấy sự buốt nhẹ khi đi vệ sinh
Bầu đi tiểu buốt do bệnh lý viêm đường tiết niệu
Một nguyên nhân bệnh lý của tình trạng mẹ bầu đi tiểu buốt có thể là do mẹ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs) xảy ra do vi khuẩn tấn công vào bàng quang, thông qua niệu đạo, gây nhiễm trùng đường tiểu. Bệnh thường được nhận biết bằng cảm giác mẹ bầu đi tiểu buốt, đau bụng dưới, khó chịu và/hoặc nóng rát khi đi tiểu. Theo bệnh viện Stanford Children’s Health (Mỹ), bệnh nếu không kịp thời điều trị, có thể gây nhiễm trùng các cơ quan lân cận, đặc biệt là thận, gây biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe mẹ bầu. Đối với thai nhi, nhiễm trùng tiết niệu có thể dẫn đến sinh non.
Do đó, khi có các dấu hiệu như đau lưng dưới, hai bên dưới khung xương sườn hoặc trên xương chậu, đi kèm sốt, buồn nôn, ớn lạnh, mẹ bầu cần phải đi khám để điều trị kịp thời.
Bầu đi tiểu buốt do mắc bệnh phụ khoa
Viêm âm đạo, viêm vùng chậu hay viêm cổ tử cung,… là các căn bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ nói chung, phụ nữ mang thai nói riêng. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên chứng tiểu buốt khi mang bầu.
Các bệnh phụ khoa thường do vi khuẩn bacterial vaginosis hoặc nấm candida gây nên. Hai yếu tố khiến chị em khi mang thai dễ mắc các bệnh về phụ khoa là vì:
- Cơ thể phụ nữ khi mang thai rất nhạy cảm, sức đề kháng và hệ miễn dịch trong giai đoạn này đều giảm, vi khuẩn dễ xâm nhập và tấn công.
- Việc vệ sinh vùng kín không đúng cách cũng là nguyên nhân gây nên các bệnh phụ khoa.
Bệnh có tác hưởng xấu đến sức khỏe mẹ bầu cũng như sinh hoạt vợ chồng. Chính vì vậy, ngay khi phát hiện bất thường, mẹ bầu nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị. Bác sĩ sẽ đưa ra đơn kháng sinh điều trị hợp lý mà không gây ảnh hưởng đến bé. Lưu ý, mẹ không nên áp dụng theo các mẹo trị viêm âm đạo dân gian trong thời kỳ mang thai.
Các bệnh xã hội cũng làm cho bầu đi tiểu buốt
Bệnh lậu là một trong những bệnh lây qua đường tình dục (STD) nguy hiểm, do vi khuẩn song cầu lậu neisseria gonorrhoeae gây ra. Bệnh lây qua đường tình dục, khiến cho mẹ bầu luôn tự ti, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày cũng như đời sống vợ chồng. Khi mắc bệnh, một trong số các hậu quả mà bệnh gây ra là tình trạng mẹ bầu đi tiểu buốt khi mang thai.
Mụn rộp sinh dục cũng nằm trong nhóm bệnh STD gây ra hiện tượng bầu đi tiểu buốt. Nguyên nhân gây ra mụn rộp sinh dục chính là virus Herpes Simplex Virus (HSV).
Khi nghi ngờ mình có khả năng mắc các bệnh lây qua đường tình dục, mẹ cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám, kiểm tra và điều trị.
[inline_article id= 286578]
2. Những câu hỏi thường gặp về tình trạng mẹ bầu đi tiểu buốt
Đi tiểu buốt khi mang thai có nguy hiểm không?
Nếu đã loại trừ các nguyên nhân bệnh lý, hiện tượng sinh lý do hormone – nội tiết tố – thay đổi, hay do bàng quang bị chèn ép khiến mẹ có cảm giác buồn tiểu sẽ không ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và bé.
Dù vậy, tác động của nó vẫn sẽ khiến mẹ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Bầu đi tiểu buốt khi mang thai tháng cuối có ảnh hưởng gì không?
Vào những tháng cuối, thai nhi sẽ di chuyển dần xuống dưới, gây chèn ép lên bàng quang, dẫn đến tình trạng tiểu buốt tiểu rắt cho mẹ bầu. Nếu là nguyên nhân sinh lý như đã đề cập ở trên, mẹ có thể yên tâm khi tình trạng này không gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Trái ngược với đó, nếu mắc các bệnh lý gây nên tình trạng mẹ bầu đi tiểu buốt trong 3 tháng cuối như viêm âm đạo, bệnh xã hội, nhiễm trùng đường tiểu,… thì sẽ nguy hiểm. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, thậm chí có nguy cơ dẫn đến sảy thai, sinh non.
Khi nào tình trạng mẹ bầu đi tiểu buốt cần gặp bác sĩ?
Khi thấy có một hoặc một số dấu hiệu dưới đây, mẹ nên đi khám để được điều trị kịp thời:
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu (khó tiểu), phải ngồi rất lâu.
- Đôi khi kèm theo có máu trong nước tiểu.
- Phải đi tiểu thường xuyên hơn bình thường vào ban đêm (tiểu đêm).
- Đi tiểu nhiều hơn 10 lần với trường hợp mẹ uống dưới 2 lít nước trong ngày.
- Màu nước tiểu bất thường, đục hoặc đậm màu mặc dù uống đủ nước.
- Nước tiểu có mùi hôi bất thường, để lâu có kiến xuất hiện (bệnh lý đái tháo đường thai kỳ).
- Đau bụng dưới hoặc đau lưng, ngay dưới xương sườn.
- Sốt cao trên 37,8 °C cảm thấy nóng và rùng mình, tay chân lạnh.
- Giảm thân nhiệt bất thường khi nhiệt độ cơ thể thấp dưới 36 °C, kèm các cơn ớn lạnh liên tục.
- Buồn nôn, nôn mửa và sút cân một cách bất thường.
3. Cách trị tiểu buốt cho bà bầu
Trong trường hợp mẹ bầu đi tiểu buốt khi mang thai do nội tiết thay đổi sẽ không nguy hiểm. Với trường hợp này chị em cần thay đổi chế độ ăn uống, bổ sung chất xơ, vitamin B, C và uống nhiều nước để cải thiện tình trạng tiểu buốt. Cụ thể là:
Thay đổi chế độ ăn uống
Theo đó, mẹ nên tăng cường ăn các nhóm thực phẩm lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc là lời khuyên nếu mẹ đang bị tiểu buốt làm phiền.
- Rau xanh và các loại củ: Cải xoăn kale, cà rốt, bí ngô, súp lơ, đậu nành, bắp cải, hành tây, ớt chuông, củ cải, nấm hương…
- Trái cây: Cam, chanh, quýt, bưởi, việt quất, nho đỏ, dừa…
Các loại rau, củ trái cây đều chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc. Một số loại còn ngăn ngừa tình trạng sỏi thận, là nguyên nhân hàng đầu gây tiểu buốt.
Lưu ý rằng mẹ chỉ nên ăn với liều lượng vừa đủ hàng ngày vì không phải cái gì ăn nhiều cũng tốt.
>>> Mẹ hãy xem thêm: Bầu tháng đầu nên ăn gì và tránh ăn gì để thai nhi khỏe mạnh?
Một số cách dân gian trị tiểu buốt, tiểu rắt cho bà bầu
- Chữa đi tiểu buốt cho bà bầu với bí đao: Tính mát của bí đao giúp mẹ bầu nhuận tiểu, điều chỉnh co giãn ở bàng quang. Mẹ bầu bị tiểu buốt có thể ăn bí đao luộc hoặc uống nước bí đao ép nguyên chất.
- Mẹ bầu đi tiểu buốt nên ăn rau mồng tơi: Ngoài việc là món canh giải nhiệt mát lành, mồng tơi còn được dùng để chữa tiểu buốt cho bà bầu. Chỉ cần rửa sạch mồng tơi và nấu với nước lọc, mẹ bầu chắt phần nước uống hàng ngày sẽ làm chứng tiểu buốt, tiểu rắt thuyên giảm rõ rệt.
- Chữa tiểu rắt cho bà bầu với củ sắn dây: Trong các thực phẩm có tính mát, không thể không nhắc tới bột từ củ sắn dây. Có nhiều mẹo dân gian dùng bột sắn để chữa các bệnh như nóng trong người, nhiệt miệng, táo bón, tiểu buốt, tiểu rắt…
- Dùng râu ngô cho bà bầu bị tiểu buốt: Râu ngô có tính mát, mẹ bầu có thể nấu nước râu ngô với 1 ít đường phèn để uống trong ngày.
Tuy nhiên các mẹo chỉ áp dụng được với trường hợp do sinh lý thông thường. Các mẹ cần liên hệ với bác sĩ để được tham vấn liệu trình phù hợp trong tình trạng mẹ bầu đi tiểu buốt do nguyên nhân bệnh lý.
Tư thế khi đi vệ sinh: Nghiêng về phía trước
Khi đi vệ sinh, mẹ hãy nghiêng người về phía trước. Tư thế này giúp cho lượng nước tiểu trong bàng quang thoát ra dễ dàng hơn. Đồng thời đảm bảo sau mỗi lần đi tiểu, bàng quang sẽ không bị sót lại phần nước thải. Từ đó giảm được đáng kể tần suất đi tiểu ở mẹ bầu.
Bài tập Kegel cho mẹ bầu đi tiểu buốt
- Xác định vị trí cơ sàn chậu (cơ Kegel) của mẹ bằng cách đưa 1 ngón tay vào âm đạo và cố gắng ép các cơ xung quanh.
- Khi đã định vị được cơ sàn chậu, hãy co các cơ này trong vòng 5-10 giây, sau đó thả lỏng, lặp lại 10-20 lần.
- Trong khi tập cơ sàn chậu, tránh hóp bụng, tạm dừng thở, di chuyển chân hoặc ép cơ mông và cơ bụng. Tập trung vào việc điều khiển cơ sàn chậu.
- Không thực hiện trong khi đi tiểu vì nó có thể làm cho các cơ yếu đi, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu.
- Mẹ phải tập vừa phải, đừng quá sức sẽ ảnh hưởng đến phản xạ tự nhiên của âm đạo.
4. Mẹ bầu đi tiểu buốt cần lưu ý:
Trường hợp tiểu buốt gây ra cảm giác khó chịu nên mẹ bầu hãy ghi nhớ những điều sau:
- Không tùy ý sử dụng các loại thuốc khi chưa có sự tư vấn, chỉ định từ các bác sĩ. Kể cả khi dùng mẹo dân gian cũng nên dùng với lượng vừa đủ
- Từ bỏ thói quen ăn đồ cay, đồ nóng, uống nước đá lạnh. Chế độ ăn uống lành mạnh, đủ vitamin, khoáng chất, chất xơ giúp mẹ có hệ bài tiết khỏe mạnh.
- Vệ sinh sạch sẽ vùng kín cũng là yếu tố mẹ bầu cần chú ý. Chọn chất liệu quần lót, khăn vệ sinh phù hợp. Việc giữ khô thoáng vùng kín rất quan trọng để tránh nhiễm trùng.
- Ghi nhớ các mốc xét nghiệm, thăm khám định kỳ để được bác sĩ theo sát quá trình mang thai và điều trị kịp thời khi có các bất thường bệnh lý.