Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Các vấn đề sức khỏe trẻ em khác

Xử trí khi trẻ bỏ giấc trưa và đột nhiên bé không chịu ngủ một mình

Khi trẻ bỏ giấc trưa

Theo thống kê, có khoảng 80% trẻ 2 tuổi vẫn ngủ trưa. Đến 3 tuổi, con số này giảm xuống còn khoảng 60%, nhưng có 1/4 trẻ 4 tuổi và thậm chí khoảng 10-15% trẻ 5 tuổi vẫn ngủ trưa mỗi ngày. Do thể chất mỗi trẻ khác biệt nên điều quan trọng là cha mẹ phải “đọc” được tín hiệu của trẻ chớ đừng áp đặt tuổi “đúng” hoặc theo cách “tốt nhất”.

Bảng tổng hợp dưới đây sẽ giúp bạn nhận ra các dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng để bỏ giấc ngủ trưa:

  • Tự tỉnh giấc trong một tâm trạng tốt.
  • Buồn ngủ vào ban đêm và duy trì giấc ngủ.
  • Ngủ khoảng 11 đến 12 tiếng một đêm.
  • Có hành vi tỉnh táo trong cả ngày, ngay cả khi không ngủ trưa.

“Cuộc chiến” để ép con bạn ngủ trưa càng mệt mỏi hơn khi bạn nghĩ trẻ luôn cần một giấc ngủ trưa mà bé không chịu ngủ. Và có phài trẻ luôn cần 1 giấc ngủ như thế?

1. Giai đoạn chuyển tiếp giờ ngủ trưa
Theo tiến sĩ Laura Jana, bác sĩ khoa nhi tại Omaha, Nebraska, nước Mỹ thì có một giai đoạn chuyển tiếp. Theo cô, trong khi nhiều trẻ vẫn ổn khi không ngủ trưa vài ngày thì có những trẻ sẽ mệt mỏi và trở nên cáu kỉnh. Một số trẻ dù đã quá 4 tuổi nhưng vẫn cần ngủ trưa để có sức khỏe tốt hơn.

Một số trẻ em, thường từ 2 tuổi, độ tuổi mà cha mẹ cho rằng không cần phải ngủ trưa, nhưng cơ thể bé thực chất vẫn cần hưởng lợi từ giấc ngủ ngắn này. Khi bỏ qua quá giấc trưa như vậy, trẻ dễ trở nên cáu kỉnh, mệt mỏi vào đầu giờ chiều.

Theo các chuyên gia, giai đoạn chuyển tiếp có thể kéo dài khoảng 6 tháng. Đây thật sự là khoảng thời gian dài có thể khiến các bậc cha mẹ cảm giác như tận 6 năm! Tuy vậy, bạn nên cho bé có một giấc trưa thường xuyên ngay sau bữa ăn, đây là lúc cơ thể có sự giảm nhiệt độ tư nhiên nên dễ buồn ngủ hơn. Lúc này, bạn hãy cùng con lên giường, đọc những truyện kể cho bé nghe, rồi ôm con vào lòng, mát-xa nhẹ hoặc xoa nhẹ vào lưng để làm dịu trẻ. Bạn đừng quên giảm ánh sáng, đóng các màn cửa, tắt ti-vi, dọn dẹp đồ chơi… Nếu bé không chịu ngủ trong vòng 45 phút, giấc trưa đã qua và bạn sẽ cần yêu cầu trẻ ngủ đêm sớm để đủ 11 đến 12 tiếng vào đêm hôm đó.

em_be_ngu
Cần cho trẻ ngủ đêm sớm cho đủ giấc nếu trẻ bỏ giấc ngủ trưa

2. Xử trí khi bé không chịu ngủ trưa

Nếu sau tất cả những cố gắng đó mà bé không chịu ngủ trưa, cha mẹ không nên xem đó là thái độ xấu. Thay vào đó, hãy xem đó là hành vi có thể đoán trước dù bạn có thể rất bực bội. Khi nhìn sự việc theo hướng này, bạn sẽ có thể lên kế hoạch và giải quyết hậu quả, chẳng hạn như cho trẻ đi ngủ sớm buổi tối.

Dù bé không chịu ngủ giấc trưa nhiều ngày liên tiếp, nhưng điều đó không có nghĩa là trẻ đã sẵn sàng để bỏ hẳn giấc trưa. Bạn cần xem xét liệu hành vi này có xảy ra thường xuyên hơn qua nhiều tuần liền hay không. Một vài trẻ cũng có thể tạm thời ngủ trưa lại sau một thời gian gián đoạn nếu bạn thấy trẻ thiếu tỉnh táo vào buổi chiều.

Khi bỏ hẳn giấc ngủ trưa, trẻ cũng cần một khoảng thời gian chuyển tiếp. Bạn hãy thử bắt đầu một thói quen cùng với trẻ trong thời gian này như dùng sách màu, câu đố và đồ chơi để con tự giải trí nhẹ nhàng. Bằng cách này, bạn cũng được nghỉ xả hơi.

Theo các chuyên gia, một giấc ngủ ngắn khoảng 20 phút là đủ tốt cho tất cả chúng ta. Đây là thời gian nghỉ ngơi vừa đủ, cho phép não bắt đầu tích hợp các dữ liệu vào bộ nhớ dài hạn và cung cấp năng lượng cho nửa sau của ngày. Vì vậy, một giấc ngủ trưa ở mọi lứa tuổi là điều được các chuyên gia thường khuyến khích.

3. Linh hoạt

Chìa khóa thực sự để đối phó với một đứa trẻ trong quá trình bỏ giấc trưa là phải linh hoạt với thời gian biểu. Nếu bé không chịu ngủ trưa, bạn nên cố gắng xoa dịu trẻ. Hãy điều chỉnh thời gian nghỉ trưa và để ý các dấu hiệu buồn ngủ của trẻ.

Bé không chịu ngủ 1 mình, mẹ phải “cương – nhu” kết hợp

Đừng lo lắng nếu con bạn đột nhiên không chịu ngủ 1 mình trong những năm đầu đời. Có nhiều lý do cho điều này, và đây là một số gợi ý thực tế để giúp bạn giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả.

1. Con sợ bóng tối và muốn được quay vào phòng ngủ chung với ba mẹ

Trẻ từ chối để bạn tắt đèn ngủ và khóc khi bạn vẫn muốn thực hiện điều này.

bé không chịu ngủ
Càng lớn bé càng có nhiều lý do để không đi ngủ sớm

Để giúp con yên tâm ngủ một mình, đầu tiên, bạn có thể lắp một công tắc điều chỉnh độ sáng cho ánh sáng phòng ngủ của bé. Tức là cho phép bạn dần dần làm tối căn phòng nhiều hơn một chút mỗi đêm.

Thứ hai, bạn có thể ngồi với trẻ cho đến khi bé ngủ – mặc dù điều đó có thể sớm trở thành thói quen khó sửa.

2. Sau khi thức dậy vào nửa đêm, trẻ không thể ngủ lại được nữa

Bạn đang ngủ say thì đột nhiên cục cưng đang nằm bên cạnh mình, tỉnh táo và khuôn mặt thể hiện sự cô đơn. Bé nói rằng không thể ngủ lại và muốn được ở bên mẹ, được ăn món nào đó.

Lúc này, bạn đưa con trở lại giường, hôn trẻ một cách âu yếm và rời khỏi phòng. Kiên quyết từ chối khi bé đòi ăn, đòi chơi. Bạn nói rõ ràng với bé rằng đây không phải là thời gian để vui chơi và ăn uống. Bạn làm điều này mỗi lần bé thức dậy vào ban đêm cho đến khi bé ổn định tâm lý, ngủ ngon giấc.

3. Trẻ lo lắng về chuyện nho nhỏ nào đó. Chính điều này tác động đến giấc ngủ của bé khiến trẻ sợ phải ngủ một mình.

Trẻ vẫn đi ngủ trong khoảng thời gian quy định như mọi ngày mà không thể hiện bất kỳ sự khó chịu nào. Nhưng bạn có thể nghe thấy tiến động nho nhỏ từ trong phòng. Bé trở mình liên tục, thức giấc nhiều giờ sau đó. Điều này cũng tương tự như khi bạn có chuyện gì phải suy nghĩ, thức dậy vào nửa đêm và không muốn tự mình trở lại.

Bạn vào phòng và trò chuyện với bé rằng dù có chuyện đã xảy ra trong ngày chăng nữa thì cũng cần phải ngủ ngon ngày mai mới giải quyết tốt hơn được. Không có gì con phải quá lo lắng. Nhớ bảo con trẻ nằm trên giường khi bạn nói những điều này.

Ngày hôm sau, cha mẹ hãy suy nghĩ kỹ về những vấn đề có thể khiến bé mệt mỏi. Có thể chiều hôm trước bé đã gây lộn với bạn hàng xóm, hoặc ở trường mẫu giáo bị cô phạt hay chơi đùa quá trớn với anh/chị em của mình. Cố gắng làm những gì bạn có thể để hỗ trợ bé vượt qua căng thẳng để ngủ ngon giấc.

4. Cái gọi là nỗi sợ khi ngủ một mình thực ra chỉ là hành vi tìm kiếm sự chú ý từ cha mẹ của bé.

Trẻ không muốn bạn rời đi và để bé lại một mình trong phòng. Bé lý giải rất nhiều lý do về nỗi sợ hãi nhưng chỉ cần nghe tiếng bước chân mẹ quay trở lại là trẻ vui vẻ và muốn cha mẹ tham gia một trò chơi nho nhỏ nào đó ngay lập tức.

bé không chịu ngủ
Bé không chịu ngủ đôi khi chỉ là muốn tìm kiếm sự chú ý

Hãy cố gắng kiểm soát tình thân ngay lúc này. Ví dụ như cố gắng phớt lờ khi trẻ nhắn nhủ “Mẹ ơi, con không muốn ngủ một mình – và nếu bạn cảm thấy phải đi gặp hãy nói chuyện ngắn gọn, kết thúc nhanh để đưa bé đi vào giấc ngủ.

Ngoài ra, bạn nên dành cho bé sự chú ý đặc biệt mỗi buổi sáng thức dậy và nói rằng: “Mẹ cảm thấy rất vui và tự hào khi con có thể tự ngủ một mình. Con đã mạnh mẽ như một chú rồng rồi nè!”

Để trẻ có 1 giấc ngủ ngon, không có gì là quá khó. Bạn chỉ cần quan sát và chăm sóc trẻ đúng cách khi bé không chịu ngủ là con sẽ thích nghi với lịch sinh hoạt của mẹ “dàn xếp” ngay thôi!

Linh Lan

Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe bé sơ sinh Năm đầu đời của bé

10 nguyên tắc vàng cho bé ngủ ngon

Bé ngủ ngon hay không cũng phụ thuộc không ít vào sự chăm sóc của mẹ đấy, bạn ạ! Đây là 10 nguyên tắc vàng bạn có thể áp dụng ngay để bảo đảm bé cưng có giấc ngủ như ý muốn nhé!

bé ngủ ngon

1. Đừng để bé nằm sấp (nằm úp bụng)

Vị trí này trước đây được các bác sĩ khuyến cáo cho bé nằm, nhưng hiện nay các nhà khoa học đã cùng đồng thuận rằng cho bé nằm bằng lưng (nằm ngửa) giảm nguy cơ bị đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Do các bé còn nhỏ này chưa có đủ sức để tự lật mình hay cử động khi được đặt nằm sấp. Chính vì thế các bé rất dễ bị ngộp thở. Trong khi đó các bé nằm ngửa thì mặt bé không bị che chắn nên có thể thở dễ dàng, bé ngủ ngon hơn. Vào khoảng 6 tháng tuổi, các bé mới có thể ngủ tùy thích và có thể di chuyển khắp mọi hướng. Khi này, ngay cả khi nằm sấp thì bé cũng đã có thể di chuyển, lật mình khi cần thiết.

2. Cố định thanh chắn nôi cho đến khi con 2 tuổi để bé ngủ ngon

Kiểm tra các thanh chắn ở nôi và các thanh này nên có khoảng cách nhỏ hơn 6 cm để đầu của bé không thể chui lọt.

Lưu ý: Giường người lớn, trường kỷ (đi văng) có liên quan đến những ca tử vong ở trẻ sơ sinh. Con rất nhỏ tuổi cũng có thể cọ quậy khỏi vị trí bạn đặt bé ban đầu và rơi từ cạnh giường xuống đất. Do vậy, việc cho bé ngủ một mình trên những mặt phẳng cao, không có thanh chắn, mà bạn không giám sát sẽ rất nguy hiểm, có thể gây tai nạn ngoài ý muốn cho bé.

3. Chọn khung giường là các thanh gỗ thay vì các miếng ván ép

Điều này sẽ làm giảm bụi vi sinh vật (còn gọi là ve bụi, bọ bụi) và nguy cơ bị dị ứng đường hô hấp.

Bụi vi sinh vật hay có khi còn gọi là bụi nhà là những loại mạt – mò, chúng sống trong nhà, đặc biệt là trên da người và thú cưng, ván ép… rồi phân tán ở đồ dùng chăn, gối, nệm, thảm trải… nơi mà nhiệt độ ấm, độ ẩm cao; ngược lại ở nơi nhiệt độ khô hanh rất khó kiếm thấy chúng.

4. Trong một vài tuần đầu có thể bạn sẽ thấy khá căng thẳng với ý tưởng để bé ngủ một mình

bé ngủ ngon

Nếu muốn bé ngủ ngon hơn, bạn có thể cho bé ngủ trong giỏ chuyên dụng loại dành cho trẻ sơ sinh hoặc trong nôi ngay bên sát giường bạn. Khuyến cáo bạn nên cho bé ngủ chung phòng với bạn trong 6 tháng đầu đời của bé.

Lưu ý: Bạn không nên để bé ngủ chung giường với trẻ khác. Đây là một trong những điều nguy hiểm nhất đối với một bé đang ngủ. Bé có thể dễ dàng lăn lên người hoặc chèn ép bé còn lại vì trẻ nhỏ không có ý thức được sự hiện hữu của 1 bé khác khi đang ngủ. Chính vì thế mà bé có nguy cơ dễ bị ngộp thở trong trường hợp này.

Các bậc cha mẹ cũng có thể gây nguy hiểm không kém khi ngủ chung với bé vì vô tình lăn lên người bé hoặc đẩy bé khỏi cạnh giường hoặc gây rủi ro khiến bé bị chèn ép giữa cha và mẹ.

Bênh cạnh đó, nếu bạn có mái tóc dài thì nên dùng dây thun để cột tóc lại trước khi đi ngủ cùng con để ngăn tóc che mặt hoặc quấn quanh đầu hay cổ của bé.

5. Tấm nệm cho bé phải vững chắc và vừa khít với khung giường một cách hoàn mỹ

Tấm nệm quá nhỏ sẽ để lại những khoảng trống mà trẻ sơ sinh có thể ngã hoặc mắc kẹt vào đó. MarryBaby cũng muốn nhắc nhở thêm là bạn không bao giờ nên dùng các tấm nệm cũ đã qua sử dụng cho bé.

6. Không đặt gối, chăn vào nôi của bé

bệnh viêm ruột hoại tử

Các bé rất dễ bị ngạt thở trong gối hoặc bị đè giữa mớ chăn gối và không thể thoát ra. Chưa kể còn tạo nguy cơ bé bị hầm.

Bạn cần đặc biệt loại bỏ các vật mềm mại khỏi giường ngủ của bé. Những chiếc chăn làm từ da cừu hoặc những vật phủ lông tơ như nùi bông có thể gây ngộp thở cho con. Bên cạnh đó, những thứ đồ kê cho bé thoải mái như thú nhồi bông cũng có thể khiến bé lâm vào nguy cơ bị che toàn bộ mũi hoặc miệng khi ngủ, tình trạng này cực kỳ nguy hiểm vì có thể gây tử vong do ngộp thở hoặc SIDS. Nếu cần thiết, bạn hãy chọn cho bé cái chăn bằng cotton nhẹ hơn để bé ngủ ngon và an toàn.

7. Cố định tấm nệm vào các thanh chắn trên nôi để đem đến sự thoải mái cho thiên thần của bạn

Một số trẻ sơ sinh cảm thấy thoải mái hơn khi ngủ nếu tiếp xúc với thứ gì đó. Tuy vậy bạn cũng nên thường xuyên vệ sinh giặt rửa các tấm đệm này vì các bé có xu hướng đổ mồ hôi vùng đầu rất nhiều.

8. Điều chỉnh “các trang bị ngủ” theo sự phát triển của bé

Khi bé còn rất nhỏ và không di chuyển nhiều, một chiếc giỏ là lý tưởng (cho 2 tháng đầu đời). Nó sẽ che chắn tốt cho bé và giúp bạn có thể dịch chuyển bé dễ dàng mà không làm bé tỉnh giấc. Bạn có thể sử dụng chăn quấn bé trong suốt 3 tháng đầu đời, đây là một lựa chọn tốt vì nó sẽ giúp bé có cảm giác như đang trong tử cung và chiếc chăn còn tạo chút áp lực lên bụng bé tạo hiệu quả thư giãn. Một chiếc túi ngủ cho bé cũng là giải pháp lý tưởng vì nó che chắn cho bé khi cần mà không gây bất kỳ rủi ro nào. Khi bé lớn hơn bạn có thể cho bé ngủ trong nôi, rồi trên giường có thanh chắn.

[inline_article id=82681]

9. Nhiệt độ trong phòng nên bằng hoặc nhỏ hơn 19ºC để bé ngủ ngon

Bạn nên treo một nhiệt kế trong phòng để theo dõi. Nếu phòng quá nóng, nhiệt độ cơ thể của bé sẽ tăng, không tốt cho sức khỏe.

10. Không hút thuốc ở bất kỳ nơi đâu trong nhà

Việc hít khói thuốc thụ động gây hại rất lớn đến sức khỏe của trẻ sơ sinh và các vấn đề hô hấp có xu hướng xấu đi vào ban đêm. Nếu bạn hút thuốc, hãy thay quần áo và rửa tay trước khi đến gần bé.

Ngoài ra, Giáo sư nhi khoa Gideon Lack, trưởng nhóm nghiên cứu liên quan tới giấc ngủ của trẻ sơ sinh tại trường King’s College London (Anh) và các cộng sự tin rằng bé ngủ ngon hơn khi ăn dặm sớm (từ khi 4-5 tháng) là do các bé ít bị đói hơn bé chỉ bú mẹ. Ông nói: “Lợi ích của việc ăn dặm sớm là dường như trẻ có thể ngủ ngon hơn”.

Trẻ được ăn dặm sớm cũng ít giật mình khi ngủ hơn so với những trẻ được ăn dặm sau 6 tháng. Số lần các bé thức dậy vào ban đêm cũng ít hơn 9%. Kết quả này cho thấy các nhà khoa học cần phải nghiên cứu sâu hơn về việc liệu có nên khuyến khích cho trẻ ăn dặm sớm.

Hầu hết các mẹ đều Việt đều đang cho con ăn dặm khi được 5 tháng tuổi. Nghiên cứu này có thể giúp mẹ tự tin hơn khi bé đòi ăn dặm sớm.

Linh Lan