Tỳ vị là gì? Cách chăm sóc tỳ vị cho bé trong mùa hè sao cho tốt? Nếu tỳ vị của bé hư nhược, bạn cần phải cải thiện ngay.
Tỳ vị và cách chăm sóc tỳ vị là những vấn đề liên quan đến chức năng tiêu hóa và hấp thu, ảnh hưởng đến sự phát triển khỏe mạnh, toàn diện của trẻ.
Tỳ vị là gì?
Trước khi muốn chăm sóc và phòng ngừa những tác hại ảnh hưởng đến chức năng tỳ vị của bé, bạn cần hiểu rõ tỳ vị là gì. Theo Đông y, nếu như thận là “gốc” bẩm sinh của cơ thể con người thì tỳ vị lại là “gốc” hậu thiên sau khi sinh ra và trưởng thành. Tương tự như ngụ ý gốc có vững thì cả một cái cây mới sống tốt được.
Tỳ và vị giống như một cặp anh em, luôn “xuất hiện” và đồng hành trong mọi tình huống. Cả hai cơ quan này đều có tác dụng tiếp nhận, tiêu hóa và chuyển hóa thành nguồn dinh dưỡng toàn diện cung cấp cho nhu cầu của cả cơ thể. Chính vì vậy, chức năng tỳ vị mạnh hay yếu sẽ trực tiếp có liên quan đến sự thịnh suy của một sinh mệnh.
Những triệu chứng cho thấy tỳ vị của bé có vấn đề
Một khi đã hiểu tỳ vị là gì cũng như tầm quan trọng của bộ phận này thì vấn đề tiếp theo chính là nhận biết triệu chứng khi tỳ vị không khỏe. Điều này giúp bố mẹ có thể sớm phát hiện kịp thời và có phương pháp điều trị cho trẻ.
1. Khí huyết tỳ vị hỗn loạn sẽ gây quầng thâm mắt
Tỳ kinh là một sợi kinh mạch tràn trề khí huyết, trong khi đó vị trí túi mắt lại chính là điểm khởi đầu của tỳ kinh. Do đó, nếu phát hiện trẻ đột nhiên xuất hiện quầng thâm ở mắt thì hãy cân nhắc đến vấn đề khí huyết ở tỳ vị đang bị thiếu hụt và hỗn loạn. Tuy tình trạng này có thể gặp ở trẻ nhỏ nhưng thông thường sẽ xuất hiện nhiều hơn ở người lớn, đặc biệt là người thường xuyên chịu áp lực và thức khuya.
2. Tỳ khí hư nhược khiến màu môi mất đi sự tươi tắn
Nếu một người có tỳ khí đầy đủ thì môi đỏ nhuận, da đàn hồi cũng rất tốt. Ngược lại, tỳ khí hư nhược sẽ làm đôi môi trở nên nhợt nhạt, thậm chí là chuyển màu vàng vọt, bong tróc da. Nếu thấy hiện tượng này xuất hiện thì việc tích cực cải thiện tỳ khí là vô cùng cần thiết.
3. Dạ dày nếu bị nhiệt dễ gây táo bón, nếu bị hư hàn lại gây tiêu chảy
Đối với người bị chứng nhiệt trong dạ dày thì tàn dư thức ăn sẽ vận chuyển khá chậm, kéo theo thành phần nước bị thất thoát nhiều hơn, lúc đến được đại tràng thì đã rất khô cứng mà dẫn đến hiện tượng táo bón. Ngược lại, khi tỳ vị hư hàn sẽ gây tiêu chảy, phân ít nhưng rời rạc.
4. Cánh mũi ửng đỏ khi tỳ vị nội nhiệt hoặc cơ bắp thiếu săn chắc khi tỳ vị hư hàn
Để phán đoán sức khỏe tỳ vị của trẻ, bố mẹ cũng có thể quan sát màu sắc ở mũi và độ săn chắc, đàn hồi ở làn da. Nếu bị đỏ hai bên cánh mũi, trẻ rất có thể bị tỳ vị nội nhiệt. Nếu da thiếu tính đàn hồi, thậm chí có hiện tượng “nhão” đi, có thể trẻ có tỳ vị bị hư hàn.
Cách chăm sóc tỳ vị cho bé trong mùa hè
1. Chế độ ăn uống thanh đạm cũng là cách chăm sóc cơ thể sau khi hiểu tỳ vị là gì
Sau khi đã biết khái niệm tỳ vị là gì cũng như triệu chứng khi tỳ vị không khỏe thì công tác cải thiện và chăm sóc sức khỏe tỳ vị càng đáng được lưu ý hơn. Đặc biệt trong mùa hè nóng bức, men tiêu hóa tiết ra cũng giảm đi. Bên cạnh đó, chức năng tiêu hóa ở trẻ nhỏ còn chưa phát triển hoàn chỉnh nên càng dễ bị suy nhược. Lúc này, mẹ nên chú ý chế biến thực phẩm cho trẻ thanh đạm hơn.
Thực đơn hằng ngày cho bé cần đa dạng nguyên liệu, cách chế biến và liều lượng. Đồng thời, bạn vẫn nên lấy các món luộc, hầm, hấp làm chủ đạo, hạn chế tối đa các món nhiều dầu mỡ, nêm quá nhiều gia vị để giúp trẻ dễ hấp thu và tiêu hóa.
Trước khi cho trẻ ăn cơm, mẹ nên cho trẻ uống vài thìa súp nước canh để kích thích dịch vị dạ dày tiết ra, sau đó mới bắt đầu cho trẻ ăn trọn bữa chính. Ngoài ra, mẹ cần chú ý cho trẻ ăn vừa phải, không ép trẻ ăn quá no để tránh tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe tỳ vị của bé.
2. Bổ sung vitamin hợp lý
Tình trạng thiếu hụt vitamin sẽ khiến cơ thể trẻ trở nên khô khan, dễ chảy máu chân răng và viêm khóe miệng. Khi thời tiết nóng, trẻ đổ nhiều mồ hôi hơn. Theo đó, các loại vitamin tan trong nước cũng thất thoát không ít, dẫn đến tình trạng thiếu vitamin càng nghiêm trọng.
Do đó, để tăng cường đảm bảo sự khỏe mạnh cho tỳ vị nói riêng và chức năng của hệ tiêu hóa nói chung, mẹ nên bổ sung rau xanh và trái cây cho bé, điển hình như chuối, hạt óc chó, táo, các loại dưa… đều là lựa chọn lý tưởng. Ngoài ra, chế độ ăn của trẻ cũng cần kết hợp thêm các nguyên liệu như nội tạng động vật, thịt nạc, trứng, lương thực thô, đậu.
3. Đảm bảo đủ protein
Hiểu rõ tỳ vị là gì để bạn chăm sóc bộ phận này chu đáo hơn. Một trong số việc chăm sóc này là đảm bảo đủ protein. Trẻ nhỏ dưới 6 tuổi chính là đang ở giai đoạn vàng của quá trình sinh trưởng và phát triển, đòi hỏi phải được hấp thu đầy đủ protein để đáp ứng nhu cầu cơ thể. Khi trẻ đổ mồ hôi sẽ làm tăng nhanh sự trao đổi, phân giải protein và năng lượng tiêu hao cũng sẽ lớn hơn.
Lúc này, mẹ có thể bổ sung thịt ức gà, thịt heo nạc, cá, tôm, trứng vào khẩu phần ăn dặm của trẻ. Bên cạnh đó, mỗi ngày mẹ nên cho trẻ uống thêm khoảng 250-500ml sữa bò, tốt nhất là chọn sữa bò nguyên chất hoặc sữa chua, đặc biệt là sữa chua rất có lợi cho hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ.
4. Chú ý bổ sung nước và khoáng chất cho trẻ
Trẻ đổ nhiều mồ hôi và thân nhiệt tăng cao do thời tiết thì lượng kali và natri trong cơ thể cũng mất đi nhiều hơn, dẫn đến tình trạng trẻ biếng ăn, uể oải, dễ trúng nắng. Mẹ cần thường xuyên cho trẻ uống nước hợp lý, không nên đợi đến khi trẻ khát mới cho uống. Ngoài nước lọc, một số loại thực vật giàu thành phần nước như bí đao, dưa hấu, khổ qua… cũng thích hợp để trẻ ăn.
5. Chăm sóc tinh thần của trẻ
Hiểu rõ tỳ vị là gì thì bạn cần duy trì cảm xúc tốt cho trẻ. Tâm trạng lạc quan, tích cực, vui vẻ có thể giúp cơ thể cân bằng âm dương, khí huyết lưu thông, thần trí tỉnh táo, dễ hấp thu dinh dưỡng toàn diện. Do đó, các thành viên trong gia đình nên chủ động tạo môi trường sống hòa thuận, thoải mái cho trẻ. Đây là một trong những yếu tố giúp trẻ có được tỳ vị khỏe mạnh, giúp quá trình trao đổi chất trong cơ thể hiệu quả hơn.
6. Tạo điều kiện cho trẻ tắm nắng và vận động thể chất
Người lớn thường vì lo sợ quá mức mà vô tình khiến trẻ không có cơ hội hoạt động ngoài trời, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà. Bạn nên có thời gian đưa trẻ ra ngoài vui chơi, tắm nắng để tăng cường sức đề kháng, cơ bắp và xương cốt dẻo dai hơn, khả năng tiêu hóa, hấp thu lẫn bài tiết đều hoạt động tốt nhất.
Ăn trái cây phù hợp với thể chất để không ảnh hưởng sức khỏe tỳ vị
Trái cây mặc dù đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải mọi loại quả đều thích hợp với trẻ. Để đảm bảo con không gặp tác dụng phụ ở tỳ vị cũng như các cơ quan khác thì khi cho trẻ ăn trái cây, bố mẹ nên hiểu biết thể chất của bé thuộc nhóm nào.
Ví dụ khi đang thiếu vitamin A, C, thì trẻ thích hợp ăn dưa ngọt, cam quýt. Nếu trẻ đang bị cảm mạo, ho thì bạn có thể chế biến lê chưng đường phèn cho trẻ uống. Song nếu trẻ bị tiêu chảy thì không nên ăn lê. Đối với trẻ béo phì, mẹ cần kiểm soát lượng trái cây cho trẻ ăn, tốt nhất là chọn loại quả ít đường.
Trẻ có thể chất hư hàn thì có thể ăn những loại quả có tính nhiệt để điều tiết lại, chẳng hạn như vải, cam, quýt, long nhãn, sầu riêng, táo… Tuy nhiên, nếu trẻ đang bị bệnh, mẹ cần hạn chế nhóm trái cây này để tránh làm tăng nội nhiệt trong cơ thể, gây khó khăn cho hiệu quả điều trị bệnh và phục hồi.
Ngược lại, nếu thuộc thể chất nhiệt, trẻ sẽ thích hợp với những loại quả có tính hàn hơn, ví dụ như dưa hấu, chuối, xoài… Nhưng dù thể chất nào thì việc kiểm soát liều lượng thức ăn cho trẻ đều rất quan trọng, để không gây tác dụng phụ đối với sức khỏe của bé.
Lê Phương