Bệnh kawasaki ở trẻ em được phát hiện và đặt tên lần đầu vào năm 1967, nhưng cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh. Bệnh thường xảy ra với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và có thể được chữa trị hoàn toàn nếu phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng nhanh chóng phát hiện bệnh ngay khi những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện.
Mẹ biết gì về căn bệnh này? Dưới đây là những thông tin quan trọng, không thể không biết về “tên sát thủ” nguy hiểm kawasaki, mẹ đừng bỏ lỡ nhé!
1. Bệnh kawasaki là gì?
Bệnh kawasaki hay còn được gọi là hội chứng kawasaki, là bệnh sốt có mọc ban cấp tính kèm viêm lan tỏa khắp các mạch máu lớn, nhỏ trong cơ thể, bao gồm cả động mạch vành cung cấp máu cho tim. Bệnh không gây hậu quả tức thời cho sức khỏe bé, nhưng nếu để lâu dài, không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng cho tim, dẫn đến hiện tượng phình động mạch vành hoặc giãn động mạch vành.
Bệnh hầu như chỉ xảy ra với trẻ em. Hầu hết trẻ mắc bệnh đều trong giai đoạn 1-2 tuổi. Tuy không xác định được nguyên nhân cụ thể, nhưng thống kê cho thấy, tỷ lệ bé trai mắc bệnh cao hơn nhiều so với bé gái.
[inline_article id=162339]
2. Dấu hiệu nhận diện bệnh kawasaki ở trẻ em
Dấu hiệu của bệnh khá giống với bệnh sốt phát ban, với triệu chứng ban đầu bao gồm sốt cao kéo dài và nổi mẩn đỏ khắp cơ thể, đặc biệt ở đầu ngón tay, chân. Trong một số trường hợp, bạn cũng có thể phát hiện bé bị nổi hạch ở cổ, kèm theo sưng đỏ tay chân.
Bé cũng có triệu chứng mắt đỏ do viêm màng kết. Triệu chứng này sẽ xuất hiện ngay trong tuần đầu tiên. Sau khi bé giảm sốt, các vết ban, mắt đỏ, hạch ở cổ cũng sẽ mất đi.
Mẹ cũng có thể lưu ý đến lưỡi của trẻ. Nếu thấy lưỡi của bé đỏ bất thường và có các mụn nhỏ nổi lên, hơi giống quả dâu tây, lưỡi khô, nứt, màng nhầy đỏ sẫm, mẹ nên đưa bé đến bệnh viện kiểm tra ngay.
Dấu hiệu đặc biệt mẹ cần lưu ý: 80% trẻ mắc bệnh kawasaki sẽ có triệu chứng sốt kèm theo bong tróc da ở vùng xung quanh hậu môn.
3. Điều trị bệnh kawasaki ở trẻ em
Trẻ được chẩn đoán mắc kawasaki sẽ được tiêm Gamma globulin vào tĩnh mạch để giảm viêm và ngăn ngừa tổn thương động mạch. Aspirin liều cao cũng được sử dụng trong giai đoạn cấp tính cho đến khi triệu chứng sốt giảm hẳn. Nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện bất thường nào khi sử dụng aspirin, mẹ nên báo ngay cho bác sĩ.
Trong trường hợp xét nghiệm chẩn đoán cho thấy sự xuất hiện của chứng phình mạch, hoặc bất kỳ dấu hiệu đáng nghi nào về tim, mạch máu, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
Lưu ý: Trong quá trình điều trị bệnh kawasaki ở trẻ em, mẹ không nên cho tiêm phòng vắc-xin sởi, quai bị, rubella, thủy đậu ít nhất trong 3 tháng.
[inline_article id=131502]
4. Nguy cơ khi trẻ mắc bệnh
Có triệu chứng lâm sàng không rõ ràng, không xuất hiện đầy đủ trong giai đoạn đầu nên bệnh kawasaki ở trẻ em rất khó chẩn đoán. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách trong vòng 10 ngày từ khi bệnh khỏi phát, bé cưng sẽ không gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Bệnh kawasaki ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng tim, làm tim đập nhanh hơn, từ đó có thể dẫn đến suy tim. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể gây tắc, viêm và giãn mạch vành, dẫn đến nhồi máu cơ tim. Khoảng 15-25% trẻ mắc bệnh có biểu hiện phình động mạch vành hoặc giãn động mạch vành. Một số trường hợp khác, trẻ cũng có nguy cơ sưng khớp, viêm màng não, viêm phổi hoặc ruột.
Cho tới thời điểm hiện tại, nguyên nhân gây bệnh kawasaki ở trẻ em vẫn chưa được xác định rõ ràng nên cũng không có cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Tìm hiểu về bệnh, nguyên nhân cũng như cách chăm sóc, điều trị là cách tốt nhất để ba mẹ có thể bảo vệ bé cưng khỏi căn bệnh nguy hiểm này. Ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường, mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được điều trị sớm, kịp thời hạn chế những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.