Rubella cùng với sởi, quai bị là những bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ. Nhiều mẹ không phân biệt được triệu chứng của bệnh sởi và rubella, từ đó có cách chăm sóc trẻ chưa đúng cách.
Vậy rubella là bệnh gì? Bệnh rubella ở trẻ em khác gì với bệnh sởi? Có nên tiêm vắc xin sởi quai bị rubella hay không? Mẹ đừng nên bỏ qua những thông tin quan trọng dưới đây nhé.
Rubella là bệnh gì?
Rubella (hay còn gọi là bệnh sởi Đức, bệnh ban đào) là một căn bệnh truyền nhiễm do virus cùng tên gây nên. Các triệu chứng của bệnh rubella thường xuất hiện sau 14 – 21 ngày kể từ ngày virus xâm nhập vào cơ thể.
Bệnh khởi đầu với biểu hiện sốt nhẹ, sưng các tuyến bạch huyết (chủ yếu ở các tuyến sau cổ) và phát ban trong 3 – 5 ngày.
Một số dấu hiệu khác thường gặp khi nhiễm virus rubella
- Nghẹt mũi, sổ mũi.
- Nhức đầu, chóng mặt.
- Sốt nhẹ.
- Mắt đỏ.
- Đau khớp.
Tùy vào cơ địa, có nhiều trường hợp mắc bệnh rubella nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ.
Bệnh rubella ở trẻ em có nguy hiểm không?
Theo thống kê, bệnh rubella hiếm khi để lại biến chứng nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu mắc rubella trong thai kỳ, em bé sinh ra sẽ dễ gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Đây gọi là hội chứng rubella bẩm sinh.
Trung bình mỗi năm có khoảng 100.000 ca hội chứng rubella bẩm sinh trên toàn thế giới. Phụ nữ mang thai nhiễm rubella có thể ảnh hưởng xấu đến thai kỳ như sảy thai, thai chết lưu.
Bên cạnh đó, virus rubella sau khi xâm nhập vào cơ thể mẹ bầu sẽ tiếp tục tấn công thai nhi, khiến trẻ sinh ra có các nguy cơ như:
- Khiếm thính
- Đục thủy tinh thể
- Bị các bệnh về tim mạch bẩm sinh
- Thiếu máu
- Viêm gan.
- Chậm phát triển.
- Tổn thương võng mạc.
- Suy dinh dưỡng.
- Tự kỷ
- Tiểu đường
- Tâm thần phân liệt.
- Chậm phát triển trí tuệ.
Hiện nay, các chuyên gia vẫn đang nhiên cứu ảnh hưởng của virus rubella lên thai nhi, nhằm tìm ra phương án hạn chế tình trạng này.
Điều trị bệnh rubella ở trẻ em
Thông thường, bệnh rubella ở trẻ em không để lại biến chứng nguy hiểm và có thể tự khỏi mà không cần thuốc đặc trị. Mẹ có thể tham khảo một số cách xoa dịu những triệu chứng khó chịu ở trẻ, ví dụ như:
- Uống nhiều nước, nước lọc xen kẽ nước ép trái cây giàu vitamin C.
- Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, mềm và có thể chia nhỏ khẩu phần ăn làm nhiều lần trong ngày giúp trẻ dễ tiêu hóa.
- Xoa nhẹ nhàng những chỗ bị ngứa, hạn chế gãi hoặc ma sát mạnh vì dễ làm da tổn thương và để lại sẹo.
- Cho trẻ nghỉ ngơi, không vận động nặng.
- Giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ, có thể dùng khăn nhúng nước ấm lau người. Không nên ủ kín hoặc kiêng tắm cho trẻ vì có thể làm bệnh trở nên trầm trọng.
- Trong trường hợp trẻ sốt hoặc đau nhức, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ định loại thuốc điều trị phù hợp.
Cách phòng bệnh rubella ở trẻ em
- Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh rubella phổ biến và hiệu quả nhất.
- Mẹ nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, phòng ngủ và nơi vui chơi cho trẻ cần thông thoáng, hạn chế bụi bặm.
- Thực hiện ăn sạch uống sạch.
- Tránh cho trẻ đến những nơi đông người, đặc biệt trong thời điểm có dịch bệnh rubella.
Một số câu hỏi về bệnh rubella ở trẻ em
Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh rubella
1. Có nên tiêm ngừa vắc xin sởi quai bị rubella?
Tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự tấn công của virus rubella. Vắc xin ngừa rubella thường được tiêm tích hợp với sởi và quai bị. Thông thường, trẻ sẽ được tiêm sởi quai bị rubella mũi đầu tiên vào tháng thứ 12 – 15, mũi tiếp theo vào độ tuổi 4 – 6 tuổi.
Vắc xin phòng bệnh rubella được chứng minh an toàn cho hầu hết mọi người. Một tỷ lệ nhỏ có thể gặp một số phản ứng phụ như sốt nhẹ, phát ban hay mỏi người. Để phòng ngừa bệnh rubella ở trẻ em, mẹ nên cho trẻ tiêm vắc xin theo đúng lộ trình của Bộ Y Tế nhé.
2. Virus rubella lây lan qua những con đường nào?
Bệnh rubella có thể lây qua hai đường phổ biến.
- Lây qua đường hô hấp: Khi người bệnh ho, các hạt chất lỏng có chứa virus sẽ bắn ra ngoài không khí, những người khác hít vào và lây bệnh.
- Lây từ mẹ sang con: Mẹ bầu bị nhiễm rubella sẽ lây cho thai nhi thông qua đường máu.
3. Làm thế nào để phân biệt bệnh rubella và sởi
Mẹ có thể dựa vào những dấu hiệu dưới đây để phân biệt hai loại bệnh này.
- Đặc điểm nốt ban: Khi bị sởi, nốt ban sẽ có màu đỏ tươi và có thể xuất hiện cả bên trong miệng. Những nốt ban của bệnh rubella có màu sắc nhạt hơn, mật độ ban cũng thưa hơn so với bệnh sởi.
- Thời gian ủ bệnh: Bệnh sởi thường mất 1 – 2 tuần để phát bệnh, trong khi thời gian ủ bệnh của virus rubella có thể kéo dài 2 – 3 tuần.
- Mức độ lây lan: Theo nghiên cứu, khả năng lây nhiễm của virus rubella ít hơn so với virus sởi.
- Triệu chứng xuất hiện: 90% người mắc bệnh sởi sẽ có dấu hiệu rõ rệt. Ngược lại, bệnh rubella chỉ xuất hiện triệu chứng ở 25 – 50% ca bệnh.
- Thân nhiệt: Người bị bệnh sởi có thể sốt cao đến hơn 40oC, còn sốt do nhiễm rubella thường không vược quá 38.3oC.
4. Những ai có nguy cơ mắc bệnh rubella
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh rubella. Một số trường hợp dưới đây có khả năng cao hơn những người khác.
- Chưa được tiêm ngừa vắc xin sởi quai bị rubella.
- Sống trong vùng đang bùng phát dịch rubella.
- Chưa từng bị nhiễm rubella trước đây.
5. Làm thế nào để kiếm tra khả năng miễn dịch bệnh rubella của cơ thể?
Bằng phương pháp xét nghiệm máu, bạn có thể đo được lượng kháng thể virus rubella trong cơ thể.
Bệnh rubella ở trẻ em thường sẽ không để lại biến chứng nguy hiểm, nhưng mẹ không nên chủ quan. Mẹ nên lưu ý cách chăm sóc khi trẻ bị bệnh rubella, đồng thời quan sát và theo dõi các dấu hiệu bất thường để kịp thời xử lý, tránh để lại hậu quả đáng tiếc.
Xem thêm: