Trẻ bị nôn nhiều với tần suất thường xuyên hơn thì bạn sẽ phải lo lắng. Tuy vậy, đừng vội nghĩ đến việc dùng thuốc ngay, hãy thử những biện pháp tự nhiên tại nhà để khắc phục cho bé, bạn nhé!
Nôn là tình trạng dường như khá phổ biến ở trẻ trong giai đoạn đầu đời. Đây là lúc bé tập làm quen, thích nghi với nhiều loại mùi vị, thức ăn, trong khi các cơ quan tiêu hóa trong cơ thể phải làm việc để “hòa nhập” với đồ ăn nạp vào hằng ngày.
Bên cạnh đó, tình trạng trẻ bị nôn nhiều đôi khi cũng có thể do mệt mỏi, căng thẳng. Việc ăn quá nhiều hoặc một số vấn đề về sức khỏe khác như ngộ độc thực phẩm, nhiễm vi khuẩn, virus… cũng khiến bé bị nôn.
Nói đến đây, hẳn là khi trẻ nôn, nhiều người sẽ chọn dùng thuốc để con chóng khỏi. Điều này hoàn toàn không tốt vì nhiều chuyên gia y tế đã cảnh báo về tác hại của việc cho trẻ tiếp xúc quá sớm với các loại thuốc.
Do đó, bạn có thể đối phó với tình trạng trẻ nôn nhiều bằng việc áp dụng những biện pháp hoàn toàn tự nhiên sau đây:
1. Trẻ bị nôn nhiều, bạn nên cho uống bổ sung nước và các loại dịch lỏng khác nhau
Bạn cần lưu ý rằng khi bị nôn, cơ thể trẻ sẽ mất nước và rơi vào trạng thái mệt mỏi. Chính vì vậy, mẹ cần bù đắp cho trẻ lượng dịch đã bị thất thoát ấy bằng nhiều cách khác nhau.
Đặc biệt, bạn không nên một lúc ép con phải uống quá nhiều nước. Điều này sẽ phản tác dụng và có thể khiến trẻ bị nôn nhiều hơn. Thay vào đó, bạn có thể cho trẻ nhấm nháp từng thìa một. Ngoài ra, bạn cũng cần hạn chế cho bé dùng thức ăn đặc trong vòng ít nhất 12 giờ, kể từ sau khi hết nôn. Mẹ có thể thay thức ăn đặc bằng các món súp rau củ để vừa bù nước, vừa bổ sung thêm vitamin và khoáng chất cần thiết.
2. Nước gừng và mật ong
Từ ngàn xưa, ông bà ta đã biết dùng gừng để đối phó với chứng nôn mửa. Ngày nay, bạn vẫn có thể kế thừa kinh nghiệm này bằng cách nghiền một miếng gừng nhỏ rồi vắt lấy nước cốt, thêm một chút mật ong để dễ dùng hơn.
Sự kết hợp của gừng và mật ong không chỉ chữa buồn nôn hiệu quả mà còn trợ tiêu hóa tốt. Lưu ý: không sử dụng cách này đối với trẻ dưới 1 tuổi vì bé có thể bị ngộ độc mật ong nhé!
3. Sử dụng bạc hà tươi
Ngoài gừng, bạc hà tươi cũng là khắc tinh của chứng buồn nôn đấy! Đối với trường hợp trẻ bị nôn nhiều, mẹ có thể nghiền một ít lá bạc hà tươi để lấy phần dịch chiết. Bạn pha khoảng một thìa súp dịch chiết bạc hà này cùng một thìa cà phê nước cốt chanh, thêm một lượng nước vừa phải để cho bé uống từng chút một.Bạn có thể thêm một ít mật ong vào hỗn hợp để tăng hương vị.
Ngoài ra, nếu con có thể ăn cay, bạn hãy cho trẻ nhai trực tiếp lá bạc hà để có hiệu quả tương tự. Chú ý: phương pháp này không nên dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới một tuổi.
4. Trà quế
Trà quế có tác dụng làm dịu dạ dày của trẻ. Đây cũng là giải pháp hỗ trợ tốt mà bạn có thể nghĩ đến.
Cách pha trà đơn giản nhất là đun một thìa cà phê bột quế với một cốc nước khoảng vài phút. Tiếp theo, bạn lọc bỏ bã và thêm một chút mật ong.
Đối với một số người, trà quế có vị khó dùng. Bạn có thể cân nhắc chỉ cho trẻ lớn dùng mà thôi.
5. Nước cơm
Ngày nay, chúng ta thường quên mất những lợi ích mà nước cơm đem lại. Trong dân gian, nước cơm cũng giúp chữa nôn do viêm dạ dày nữa đấy!
Để cho trẻ dùng, bạn đun sôi một chén gạo trắng cùng với 2-3 cốc nước. Chờ đến khi nước cạn đi một nửa, bạn lấy phần nước, để nguôi bớt và cho trẻ dùng.
6. Giấm táo
Phương thuốc điều trị cho tình trạng trẻ bị nôn nhiều chẳng đâu xa mà ngay trong chính gian bếp nhà bạn.
Giấm táo có đặc tính kiềm hóa nên mang lại khả năng tiêu diệt vi khuẩn. Đồng thời chúng có giúp làm dịu niêm mạc dạ dày. Nhờ đó,không chỉ có tác dụng với cơn buồn nôn mà giấm táo còn hữu ích đối với trẻ ngộ độc thực phẩm.
Bạn pha một thìa giấm táo vào cốc nước ấm rồi cho trẻ dùng trước khi ăn. Giấm táo sẽ phát huy ngay các công dụng trên.
7. Bạch đậu khấu
Bạn có thể khắc phục tình trạng trẻ nôn nhiều hiệu quả bằng cách sử dụng hạt bạch đậu khấu. Loại hạt này mang lại tác dụng làm dịu đường tiêu hóa, từ đó giúp giảm cơn buồn nôn nhanh chóng.
Cách dùng cũng khá đơn giản. Bạn chỉ cần nghiền một nửa thìa cà phê hạt bạch đậu khấu, trộn cùng một ít đường rồi cho trẻ dùng.
8. Đinh hương
Trong các loại dược liệu thiên nhiên thì đinh hương được sử dụng khá nhiều cho các vấn đề tiêu hóa, đặc biệt làm giảm chứng buồn nôn.
Vì vậy trong trường hợp con đã lớn, bạn có thể cho bé nhai nụ đinh hương. Ngoài ra, bạn cũng có thể pha trà bằng cách đun sôi vài nụ đinh hương rồi cho bé uống. Bạn cũng có thể thêm mật ong để tăng hương vị, giúp trẻ dễ tiếp nhận hơn.
9. Hạt thì là
Theo y học cổ truyền, hạt thì là hay còn gọi tiểu hồi hương có vị cay, tính ấm. Chúng thường có mặt trong các bài thuốc bổ giúp kích thích tiêu hóa, trừ giun.
Y học hiện đại cũng có nhiều nghiên cứu chứng minh tác dụng này, đặc biệt là trong vấn đề nôn trớ, nấc cụt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thành phần tinh dầu anethol, estragol có trong hạt làm dịu và chống nhiễm khuẩn cực tốt.
Bạn đun sôi một thìa cà phê hạt thì là trong nước khoảng 10 phút. Sau đó, bạn lọc bỏ bã và cho trẻ dùng. Để có hiệu quả rõ rệt, bạn có thể cho trẻ dùng 3 – 4 lần/ngày.
10. Hỗn hợp dịch chiết hành tây và gừng
Có thể nói hành tây là một nguồn dồi dào kháng sinh tự nhiên. Thế nên việc sử dụng dịch chiết từ củ hành tây có thể giúp bảo vệ con khỏi cơn nôn mửa hiệu quả. Mặt khác, khi kết hợp với gừng, đây quả là một bộ đôi hoàn hảo đối với trẻ thường bị nôn nhiều.
Đầu tiên bạn cần chuẩn bị dịch chiết của hành tây và gừng bằng cách giã chúng riêng biệt. Sau đó, lấy một lượng bằng nhau ở mỗi loại rồi trộn đều trong bát. Cho trẻ dùng nhiều lần trong ngày để giảm nhanh triệu chứng buồn nôn và nôn.
11. Trà hoa cúc
Trà hoa cúc khá nổi tiếng nhờ đặc tính làm dịu dạ dày. Chúng cũng rất có lợi để hỗ trợ tiêu hóa, tạo giấc ngủ sâu bằng việc hãm cơn buồn nôn.
Bạn chỉ cần ngâm một thìa cà phê hoa cúc khô vào nước nóng, đợi nguội bớt rồi thêm một chút mật ong vào. Để có tác dụng tốt, bạn nên cho trẻ uống trà hoa cúc 2-3 lần/ngày.
Trên đây là gợi ý về các biện pháp tại nhà giúp trẻ khắc phục tình trạng bị nôn nhiều. Tuy nhiên, nếu con trẻ không đáp ứng với các biện pháp trên hoặc tình trạng diễn biến xấu hơn, bạn cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức. Mặt khác, bạn cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thử bất kỳ biện pháp nào ở trên.
Marry Baby