Categories
Giai đoạn hậu sản Sau khi sinh

Tiểu buốt sau sinh, nguyên nhân do đâu?

Sau khi vượt cạn thành công, mẹ phải đối mặt với nhiều vấn đề khác hậu thai sản như cơ thể mệt mỏi đau đớn, sưng phù, sản dịch, chảy máu âm đạo, gặp khó khăn trong vấn đề đi vệ sinh,… Trong đó, tiểu buốt sau sinh mổ hoặc sinh thường là hiện tượng vô cùng phổ biến. 

Nó có thể đi kèm với tình trạng bí tiểu, són tiểu, khiến mẹ cảm thấy đau đớn khó chịu và trở nên tự ti hơn. 

Các nguyên nhân gây tiểu buốt sau sinh

Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp khiến phụ nữ sau sinh bị đi tiểu buốt:

1. Tiểu buốt sau sinh do kích ứng niệu đạo

Trong quá trình sinh con, đặc biệt là sinh mổ, mẹ bầu thường được đặt ống thông tiểu. Điều này nhằm giúp bàng quang không bị đầy trong quá trình phẫu thuật và hỗ trợ mẹ bầu không cần ngồi dậy để đi vệ sinh sau khi sinh con. 

Ống thông tiểu sẽ được lấy ra khi thuốc gây tê đã hết tác dụng hoàn toàn. Sau khi lấy ống thông ra, niệu đạo bị kích ứng nhẹ khi bạn đi tiểu. Do đó, bạn sẽ có cảm giác nóng ran, châm chích và tiểu buốt sau sinh mổ hoặc sinh thường.

2. Sau sinh đi tiểu buốt do co thắt bàng quang

Co thắt bàng quang xảy ra khi cơ bàng quang bỗng nhiên bị co bóp khiến mẹ cảm thấy cần phải đi tiểu ngay. Điều này có thể gây đau khi đi tiểu do bàng quang đã bị ảnh hưởng bởi quá trình phẫu thuật và sinh nở.

Nếu cơn đau không thuyên giảm mà chuyển biến nặng hơn, bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám.

3. Viêm nhiễm đường tiết niệu sau sinh

Có đến 16% chị em lần đầu làm mẹ sẽ phải trải nghiệm cảm giác khó chịu này, đặc biệt là khi sinh mổ. Nguyên nhân gây ra là do đường tiết niệu có dấu hiệu bị nhiễm trùng kèm theo các dấu hiệu như khó chịu, nước tiểu có màu sẫm. Tình trạng này có thể được điều trị bằng kháng sinh.

Tiểu buốt sau sinh
Sau sinh, tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu sẽ dẫn đến tiểu buốt

4. Sau sinh đi tiểu buốt do sa bàng quang

Sinh con có thể khiến bàng quang bị sa, đặc biệt là nếu mẹ bầu chọn phương pháp sinh mổ. Điều này là do sự thay đổi ở các cơ có chức năng giữ các cơ quan vùng chậu. Vào cuối giai đoạn mang thai, hormone làm giãn các cơ này để khung chậu sẵn sàng cho việc sinh nở. Sau khi sinh, các cơ đó vẫn giãn ra và gây sa bàng quang.

Các triệu chứng khác của tình trạng sa bàng quang bao gồm són tiểu khi hắt hơi, đau khi đi tiểu. Bệnh thường sẽ tự hết nhưng nếu nghiêm trọng, mẹ cần nhờ sự can thiệp của bác sĩ để tiến hành phẫu thuật.

5. Sau sinh đi tiểu buốt do tổn thương bàng quang

Sau khi sinh con bằng phương pháp phẫu thuật, niệu đạo có thể xuất hiện một lỗ rò nhỏ khiến mẹ cảm thấy đau đớn khi đi vệ sinh, đi tiểu không kiểm soát hoặc thậm chí nhiễm trùng. Hiện tượng này dù không phổ biến nhưng lại cần phẫu thuật để chữa trị.

6. Dính bàng quang gây tiểu buốt sau sinh

Sau bất kỳ loại phẫu thuật ở bụng, tình trạng dính có thể xảy ra trong khung chậu. Tại vị trí phẫu thuật hình thành mô sẹo có thể khiến các mô dính chặt với nhau. Sự dính này có thể hình thành ở bàng quang, niệu đạo hoặc tử cung, gây đau khi đi tiểu. 

Vì vậy, tình trạng tiểu buốt sau sinh mổ có thể xảy ra. Trong trường hợp này, y tá hoặc bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ cách để tránh tình trạng này. Nếu tình trạng dính xảy ra, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nội soi để loại bỏ chỗ dính.

tiểu buốt sau sinh
Phụ nữ sinh mổ có nhiều nguy cơ bị tiểu buốt sau sinh

7. Bí tiểu sau sinh

Bí tiểu sau sinh là một hiện tượng tương đối phổ biến. Việc bí tiểu sau sinh có thể xuất phát từ nguyên nhân do hormone progesterone tăng lên và gây áp lực đến bàng quang trong thai kỳ nhưng lại giảm đột ngột khi bé chào đời, dẫn đến hiện tượng mất trương lực bàng quang.

Ngoài ra, tầng sinh môn và niệu đạo bị sưng lên do chấn thương khi sinh qua đường âm đạo dẫn đến tắc nghẽn niệu đạo làm cho việc đi tiểu trở nên khó khăn hơn.

Khi bị bí tiểu sau sinh, mẹ bỉm sẽ dễ bị tiểu són, nước tiểu chảy nhỏ giọt, có cảm giác đau buốt mỗi khi đi tiểu.

Tình trạng tiểu buốt kéo dài bao lâu sau khi sinh con?

Không có thời gian chính xác bao lâu thì tình trạng tiểu buốt sau sinh sẽ được khắc phục mà điều này còn phụ thuộc vào cơ địa của mẹ cũng như cách mẹ bỉm chăm sóc sức khỏe sau sinh.

Nếu chăm sóc cơ thể tốt, tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, tình trạng tiểu buốt có thể được cải thiện nhanh chóng. Ngược lại, tiểu buốt có thể kèm theo đau đớn, tổn thương vùng kín, để lại biến chứng nếu không chăm sóc tốt. 

Bên cạnh đó, tùy theo nguyên nhân mà thời gian phục hồi có thể khác nhau. Nếu mẹ không tìm ra nguyên nhân, nên đến các cơ sở y tế để được trực tiếp thăm khám, tư vấn.

Trong thời gian chăm sóc tại nhà, mẹ có thể nghỉ ngơi nhiều hơn, cố gắng uống nhiều nước và ăn nhiều chất xơ để dễ đi tiểu hơn. Ngoài ra, có thể dùng túi chườm ấm ở vùng đáy chậu, vận động nhẹ, tập một số bài tập cơ sàn chậu đơn giản,…

Tiểu buốt sau sinh
Ăn nhiều rau giúp cải thiện tình trạng tiểu buốt sau sinh

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Bạn cần đến gặp bác sĩ nếu:

  • Đau vùng chậu kèm theo buồn nôn và nôn mửa
  • Sốt cao trên 39°C
  • Vùng kín có mùi khó chịu
  • Buồn tiểu nhưng không thể đi
  • Đau đớn kéo dài khi tiểu
  • Nước tiểu có màu sẫm.
  • Vùng kín sưng tấy, ửng đỏ 
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Tình trạng tiểu buốt kéo dài không khỏi

Tiểu buốt sau sinh là một tình trạng tương đối phổ biến nên các mẹ không cần phải quá lo lắng nếu gặp hiện tượng này. Hãy tập trung nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể có thể phục hồi nhanh chóng mẹ nhé!

Xem thêm:

 

Categories
Giai đoạn hậu sản Sau khi sinh

8 triệu chứng nguy hiểm phải cẩn trọng khi chăm sóc sau sinh 

mẹ và con

Hậu sản sau sinh rất nguy hiểm vì có thể gây ra các biến chứng khó lường, đe dọa tính mạng của bà đẻ. Nếu các mẹ xuất hiện 8 triệu chứng nguy hiểm dưới đây, hãy theo dõi, chăm sóc sau sinh cẩn thận và đến bệnh viện khám ngay nhé!

Nhiều người cho rằng, mỗi lần sinh nở là mỗi lần đánh cược tính mạng của người mẹ. Điều này nghe có vẻ nghiêm trọng khi mà sinh đẻ là tự nhiên ở mọi giống loài, thế nhưng sự thật là như vậy các mẹ ạ. Trong lúc sinh nở, các bà đẻ phải đối diện với rất nhiều rủi ro, sau sinh các mẹ lại tiếp tục đối diện với một thứ gây ám ảnh khác là hậu sản. Các loại hậu sản sau sinh các bà đẻ dễ gặp phải như:

1. Băng huyết sau sinh

Băng huyết là xuất huyết trên mức bình thường và thường xảy ra ngay sau khi sinh, nhưng cũng có thể sau một tháng mới xuất hiện.

Những bà đẻ nào dễ bị băng huyết sau sinh?

Băng huyết sau sinh gây nguy hiểm cho bà đẻ trong những tuần đầu sau sinh nở. Mặc dù chưa đến 5% bà đẻ bị băng huyết nhưng mẹ nên biết rằng nó không loại trừ một ai.

Những mẹ sinh mổ, sinh bằng phương pháp giác hút hoặc phương pháp forceps (dùng dụng cụ kéo thai qua ngả âm đạo), sinh đôi hoặc sinh ba, lao động nặng, bị béo phì, rối loạn huyết áp… thường có nguy cơ băng huyết cao. Nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời có thể nguy hiểm tới tính mạng. 

• Dấu hiệu và triệu chứng bị băng huyết sau sinh

+ Bà đẻ bị chảy nhiều máu, có thể phải thay băng vệ sinh 2 lần/giờ.

+ Xuất huyết sau sinh rất bình thường, thế nhưng nếu mẹ bị xuất huyết nhiều vào kéo dài tới 2 tuần, đó là dấu hiệu của băng huyết.

+ Các nguyên nhân phổ biến của xuất huyết ngay sau sinh bao gồm chảy máu và mất tử cung, một tình trạng khiến tử cung mất trương lực và khả năng co bóp tốt, thậm chí là bị ngừng lưu thông máu.

+ Xuất huyết sau sinh chậm hơn có thể là do nhiễm trùng tử cung hoặc bị sót nhau thai (có nghĩa là một số nhau thai vẫn còn trong tử cung sau khi sinh).

bang-huyet-sau-sinh
Bà đẻ dễ bị băng huyết sau sinh nở

2. Sót nhau thai sau sinh 

Thông thường sau khi sinh em bé, nhau thai cũng sẽ trôi ra ngoài tử cung. Thế nhưng cũng có nhiều trường hợp nhau thai bị sót lại do tử cung không co bóp đủ để đẩy nhau thai ra ngoài, hoặc cổ tử cung bị đóng lại trước khi tất cả nhau thai bị tống ra ngoài, cũng có thể do nhau thai không tự tách ra khỏi tử cung mà cần phải can thiệp bằng tay.

Tất cả các bà đẻ sau khi sinh đều được bác sĩ kiểm tra và lấy hết rau ra ngoài, tuy nhiên có nhiều trường hợp nhau có ra ngoài nhưng vẫn bị sót lại một vài mảnh đứt gãy nhỏ nên khó phát hiện. Nhau bị sót thường gây ra những biến chứng nguy hiểm làm bà đẻ bị nhiễm trùng, sốt cao, nếu không được kiểm tra và phát hiện kịp thời sẽ nguy hiểm tới tính mạng.

Những phụ nữ thuộc nhóm dễ có nguy cơ bị xuất huyết sau sinh ở mục một nên kiểm tra và chăm sóc sau sinh kỹ hơn. Khi phát hiện bị sót nhau thai, mẹ nên tới phòng mổ ngay để bác sĩ lấy hết các nhau còn sót lại.

• Các triệu chứng của nhau thai bị giữ lại

Bà đẻ bị chảy nhiều máu, bị sốt và đau bụng. Triệu chứng này thường xuất hiện sớm nhất là 24 giờ sau khi sinh và muộn nhất là 10 giờ hoặc hơn.

3. Nhiễm trùng máu sau sinh

Sau khi sinh cơ thể của người mẹ rất non nớt, sức đề kháng yếu nên dễ bị các vi trùng, vi khuẩn tấn công gây viêm nhiễm, nhất là những vùng có vết thương hở như âm đạo, vì vậy mà việc chăm sóc sau sinh phải hết sức cẩn thận.

Nhiễm trùng nặng có thể đe dọa tính mạng của bà đẻ khi gây ra các cơn co giật và ngưng tim.

Những loại nhiễm trùng hậu sản thường gặp mẹ cần cảnh giác như:

+ Nhiễm trùng đường tiết niệu

+ Nhiễm trùng bàng quang,

+ Sưng viêm vú

+ Nhiễm trùng máu

+ Nhiễm trùng tử cung (viêm nội mạc tử cung).

Khi các loại nhiễm trùng này không được điều trị hoặc điều trị nhưng cơ thể mẹ bị kháng với thuốc kháng sinh sẽ dẫn đến nhiễm trùng máu, nguy hiểm tới tính mạng.

• Các triệu chứng và dấu hiệu nhiễm trùng ở bà đẻ

Bà đẻ thường buồn nôn và ói mửa. Khi bị nhiễm trùng máu, bà đẻ thường ngừng đi tiểu, bị sốt cao trên 38 độ C và bị tụt huyết áp. Cơ thể hay ớn lạnh, kiệt sức, chóng mặt.

nhiem-trung-o-ba-de
Bà đẻ dễ bị nhiễm trùng sau sinh

4. Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) hoặc tắc mạch phổi (PE)

Các cục máu đông trong hệ tuần hoàn là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với phụ nữ mang thai và sau sinh vì có thể gây đau ngực, khó thở. Nguyên nhân là do mức estrogen và các protein đông máu khác cao làm bà đẻ và bà bầu bị tăng đông. 

Những phụ nữ hút thuốc, mắc bệnh tiểu đường, trên 35 tuổi, điều trị tại giường, phục hồi sau sinh mổ hoặc mắc bệnh béo phì… thường có nguy cơ phát triển cục máu đông cao hơn.

DVT có xu hướng xảy ra ở chân nhưng cũng có thể hình thành trong bất kỳ tĩnh mạch nào đưa máu về tim nên rất khó phát hiện. Nếu cục máu đông di chuyển qua hệ thống tuần hoàn và đến phổi (điều này được gọi là thuyên tắc phổi, hoặc PE) sẽ đe dọa tính mạng của bà đẻ.

• Triệu chứng bà đẻ bị tăng đông

Các triệu chứng bị tăng đông mẹ cần chú ý như bị sưng ở một chân, chân hay có màu đỏ và cảm thấy nóng khi chạm vào.

5. Đau đầu ngoài màng cứng sau sinh 

Hầu hết phụ nữ sau sinh đều mắc phải chứng đau đầu, mệt mỏi do thiếu ngủ, thế nhưng nếu mẹ bị đau đầu dữ dội kèm theo đau cổ, buồn nôn, bỗng nhạy cảm với đèn sáng… có thể mẹ đã bị đau đầu ngoài màng cứng.

Theo thống kê, tỷ lệ mắc phải chứng đau đầu ngoài màng cứng sau sinh là 1/100. Nguyên nhân là do màng chứa dịch não tủy có một vết thủng, khi màng bị thủng, chất lỏng bao bọc tủy sống và não bị rò rỉ gây ra mất cân bằng áp suất trong chất lỏng dẫn đến đau đầu tê liệt. 

Triệu chứng này thường phát triển ngay khi vừa mới sinh xong, nhưng cũng có thể 2-3 ngày sau mới xuất hiện. Khi có các dấu hiệu của chứng đau đầu này, mẹ cần tới ngay bệnh viện để chữa trị kịp thời nhé.

Các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo

Bà đẻ bị đau đầu dữ dội, giống như chứng đau nửa đầu, nhất là khi ngồi hoặc đứng.

ba-de-bi-dau-dau
Bà đẻ bị đau đầu dữ dội

6. Hội chứng HELLP

Tiền sản giật là hội chứng nguy hiểm thường gặp ở các bà đẻ, có thể gây ra tử vong nếu không được phát hiện sớm và cứu chữa kịp thời. 

Hội chứng HELLP (H là viết tắt của tan máu, phá vỡ các tế bào hồng cầu, EL là viết tắt của men gan cao, LP là viết tắt của số lượng tiểu cầu thấp) là biến chứng nguy hiểm nhất của chứng tiền sản giật vì nó gây ra những cơn động kinh cấp tính, đe dọa tính mạng của bà đẻ.

Hội chứng này thường xuất hiện sau sinh khoảng một tuần với các triệu chứng như bà đẻ bị co giật, huyết áp cao, thậm chí đột quỵ. Nhiều người còn bị chảy máu gan, sưng chân dưới, tay, mặt, thậm chí cả lòng trắng mắt…

• Dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo

Bà đẻ bị nhức đầu, mờ mắt, đau ở ngực bên phải và bụng trên, khó tiêu, cơ thể phù nề nặng nhất là chân và tay.

7. Streptococcus nhóm A xâm lấn (GAS) 

Tình trạng viêm nhiễm sau sinh ở các bà đẻ rất phổ biến, thế nhưng nếu nhiễm vi khuẩn strep thật sự rất nguy hiểm. Trong khi đó các mẹ rất dễ bị nhiễm loại vi khuẩn này từ quá trình đẻ mổ, khám phụ khoa đến đặt kẹp, chân không, ống thông Foley hoặc khâu đáy chậu… Nguy hiểm hơn là loại vi khuẩn này lại rất khó phát hiện, dẫn đến khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị. 

Khi bị nhiễm trùng, bà đẻ thường bị sốt, ớn lạnh, cảm giác mệt mỏi, mất nước hoặc buồn nôn và nôn…

• Cảnh báo dấu hiệu và triệu chứng

Bà đẻ bị sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi nhiều, ngứa ran, khát nước, tình trạng đau ngày càng tăng, bị mất nước hoặc buồn nôn, thể trạng yếu ớt, mệt mỏi.

benh-soi-mat-sau-sinh
Sau sinh mẹ dễ bị sỏi mật

8. Sỏi mật và bệnh túi mật

Túi mật giúp giải phóng các enzyme để phân hủy chất béo và di chuyển chất béo qua cơ thể. Khi mang thai, lượng estrogen bị tăng lên có thể làm mất cân bằng các enzyme đó, dẫn đến sự hình thành sỏi mật gây ra sưng túi mật và đau, nhất là sau khi ăn. 

Nếu không được chăm sóc sau sinh cẩn thận và điều trị kịp thời, các vấn đề về túi mật có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc vỡ, gây nguy hiểm tới tính mạng của người mẹ.

• Các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo

Bà đẻ bị đau dữ dội, giống như đau tim, khó thở, cảm thấy buồn nôn hoặc nôn mửa.

Kể từ khi mang bầu cho tới giai đoạn 40 ngày sau sinh thật sự là một khoảng thời gian đầy rủi ro với người mẹ. Sinh nở mẹ tròn, con vuông chưa chắc là đã bước sang vùng an toàn bởi những biến chứng sau sinh luôn tiềm ẩn và đe dọa tính mạng của người mẹ. Vì thế các mẹ cần hết sức chú ý trong vấn đề ăn uống và chăm sóc sau sinh nhé! 

Hanako