Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Triệu chứng và bệnh phổ biến

Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh và trẻ em nhỏ

Nhận biết sớm các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em để có thể kịp thời đưa trẻ đi điều trị trước khi các biến chứng nghiêm trọng xảy ra.

1. Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em sơ sinh và trẻ nhỏ

1.1 Sốt cao

Triệu chứng trẻ bị sốt cao lên đến 40 độ C, đột ngột và liên tục 2 – 7 ngày. Sốt cao là một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em.

Sốt có thể xảy ra do virus lây lan qua vết muỗi đốt. Nếu cơn sốt không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể kèm theo tình trạng suy nhược, đau khớp, chảy máu mũi và các tình trạng tương tự khác.

Nhận diện triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em
Sốt cao, sốt đột ngột là triệu chứng bệnh sốt xuất huyết đầu tiên ở trẻ em mẹ cần lưu ý

1.2 Phát ban

Sau thời gian vài ngày, triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em sẽ có dấu hiệu phát ban, xuất huyết theo nhiều dạng khác nhau như chảy máu cam, đốm xuất huyết dưới da, nôn, đi tiêu ra máu…

Phát ban có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên cơ thể của trẻ bị bệnh. Những đốm đỏ sẫm này có thể gây ngứa và khó chịu, khiến việc mang theo các hoạt động thường ngày trở nên khó khăn. Các vết phát ban có thể phát triển nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.

1.3 Nôn mửa và tiêu chảy

Khó hạ sốt, đau cơ, đau khớp, buồn nôn, nôn, đau bụng, đau đầu. Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết này ở trẻ em có thể dẫn đến mất nước và ngất xỉu nếu không được điều trị kịp thời. Trẻ bị ảnh hưởng không thể thực hiện các hoạt động như đi lại, ăn uống hoặc tập trung.

1.4 Chán ăn và bỏ ăn

Trẻ trở nên cáu kỉnh do không thể ăn uống đầy đủ vì bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em nêu trên.

Các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ bị nhầm lẫn với các bệnh nhiễm trùng khác. Tuy nhiên tình trạng và cơn đau có thể dữ dội hơn rất nhiều lần. Do đó, khi trẻ có các triệu chứng trên, mẹ nên cho bé đến bệnh viện để được kiểm tra và có phương pháp điều trị phù hợp và đúng cách.

2. Biến chứng từ triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em

Với một số trường hợp bất thường, bệnh sốt xuất huyết có thể chuyển biến nhanh chóng và trở nên nghiêm trọng. Tình trạng này gọi là sốt xuất huyết Dengue nặng gồm: sốc giảm thể tích, xuất huyết nặng và suy tạng.

Lúc này, trẻ em bị sốt xuất huyết sẽ có thể xuất hiện các triệu chứng như:

  • Xuất huyết nghiêm trọng;
  • Đau bụng dữ dội, thường xuyên cảm thấy buồn nôn và nôn;
  • Khó thở, tụt huyết áp, mất nước và bị suy nội tạng,…

triệu chứng biến chứng sốt xuất huyết ở trẻ em

3. Các giai đoạn bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em

Thông thường, trẻ bị sốt xuất huyết dengue cần phải được xác định trong 3 ngày đầu tiên kể từ ngày đầu tiên bé sốt.

  • Ngày thứ 1: Trẻ sốt cao, đột ngột, mặt ửng đỏ, cổ họng đỏ nhưng không đau. Lúc này, mẹ chưa cần đưa bé đến bệnh viện, có thể giữ ở nhà để theo dõi thêm.
  • Ngày thứ 2: Nếu trẻ vẫn có dấu hiệu sốt cao, mẹ nên thử tìm các dấu hiệu xuất huyết dưới da trên bụng, tay chân, mí mắt, cổ.
  • Ngày thứ 3: Các triệu chứng sốt xuất huyết trở nên rõ ràng hơn. Ngoài sốt cao, bé có thể xuất huyết da niêm mạc như chảy máu mũi, máu răng.
  • Ngày thứ 4 và 5: Các triệu chứng rõ ràng hơn. Bé có những vết ban đỏ khắp người, sốt cao, chảy máu cam…

Đa số các trường hợp sốt xuất huyết ở giai đoạn đầu (có triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em nhưng chưa có biểu hiện xuất huyết) đều được điều trị tại nhà. Nhưng điều này không có nghĩa rằng biến chứng không xảy ra. Chính vì vậy, các bé cần được theo dõi sát sao để kịp thời xử trí trước những biến chứng.

Tốt nhất, mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được điều trị sốt xuất huyết ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường như: mệt mỏi, người lờ đờ, đau bụng, nôn ói, chảy máu nhiều, tay chân lạnh…

4. Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em điều trị như thế nào?

4.1 Điều trị và chăm sóc tại nhà

  • Bé cần được nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Thức ăn nên ở dạng lỏng để bé dễ nuốt và không bị nôn ói. Nếu bé còn đang bú mẹ, cần tăng số lần cho bú. Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em làm máu cô đặc, khó lưu thông nên bé cần được uống nhiều nước để tránh bị sốc, bởi tình trạng sốc chính là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người không được điều trị sốt xuất huyết đúng cách.
  • Cần theo dõi sát sao để kịp xử lý khi trẻ có biểu hiện bị sốc. Nếu thấy bé đau bụng, ói và tay chân lạnh toát thì cần đưa bé đến bệnh viện cấp cứu ngay. Một biểu hiện khác của tình trạng sốc là bé bỗng trở nên lừ đừ, có khi vật vã và không tỉnh táo. Bé cũng có thể giảm hẳn số lần đi tiểu nhưng lại thấy rất khát. Da bầm, môi xám cũng là một biểu hiện của sốc.
  • Không sử dụng các mẹo dân gian để điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em. Những triệu chứng nốt đỏ ở da khi trẻ em bị sốt xuất huyết là do một số hồng cầu thoát khỏi thành mạch máu ra bên ngoài tụ dưới da gây nên hiện tượng xuất huyết dưới da. Các dấu hiệu này sẽ biến mất trong 5-7 ngày. Vì vậy, cha mẹ  không nên điều trị sốt xuất huyết theo cách dân gian như chà lá trầu lên da hoặc cạo gió, có thể làm tổn thương da của trẻ.
  • Uống thuốc theo chỉ định từ bác sĩ. Khi trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết dengue, cha mẹ nên cho uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, không nên để trẻ sốt quá cao dễ dẫn đến co giật.

4.2 Điều trị tại cơ sở y tế

Sốt xuất huyết thường kéo dài trong 7 ngày và hầu hết bệnh có thể tự khỏi qua quá trình điều trị tại nhà. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể xuất hiện các biến chứng nặng (chiếm tỷ lệ từ 3-5%).

Do đó, nếu trẻ sơ sinh bị sốt xuất huyết hoặc nếu tình trạng sức khỏe của trẻ không được cải thiện, các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em dần trở nên nặng hơn, mẹ nên đưa bé đến bệnh viện điều trị càng sớm càng tốt.

Để khắc phục tình trạng mất nước nghiêm trọng ở trẻ, bác sĩ sẽ cho truyền dịch truyền tĩnh mạch (IV-Intravenous) và chất điện giải cho bé. trong quá trình điều trị, bác sĩ có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau, hạ sốt theo liều lượng nhất định. Tuy nhiên, nếu bé bị xuất huyết nghiêm trọng, bác sĩ sẽ phải truyền tiểu cầu để giữ an toàn cho bé.

5. Hướng dẫn phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ

Muỗi vằn là tác nhân truyền bệnh. Do đó, để phòng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, cha mẹ cần:

  • Cho con ngủ mùng.
  • Thường xuyên cập nhật các tin tức về tình hình lây nhiễm sốt xuất huyết ở trẻ em.
  • Tránh để các vật dụng đọng nước xung quanh nhà, thả cá trong lu đựng nước để diệt lăng quăng.
  • Chủ động liên hệ với các cơ quan y tế ở địa phương để phun thuốc diệt muỗi nếu thấy cần thiết.
  • Quan sát tình trạng của bé mỗi ngày để có thể phát hiện sớm nhất các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em và có cách điều trị kịp thời mẹ nhé.

Mẹ cần lưu ý sốt xuất huyết dengue là một trong những bệnh trẻ em thường gặp, nhất là khi có dịch hoặc ổ dịch xuất hiện ở nơi mình sinh sống thì các mẹ càng phái chú ý hơn triệu chứng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em để tránh các nguy cơ nhiễm bệnh cho con.