Hormone thai kỳ chính là thủ phạm chính gây ra tính khí thất thường khiến mẹ bầu vốn dĩ rất hiền lành, lại trở nên “xấu tính” hơn hẳn. Đâu là những loại hormone khiến mẹ bầu trở thành “cô gái thời tiết”, tính khí thất thường? Hãy cùng Marry Baby đi tìm thủ phạm nhé.
Hormone thai kỳ có tác động như thế nào trong suốt 9 tháng mang thai?
Trước cả thời khắc bạn dùng que thử thai để xác định xem mình đã có thai hay chưa, các hormone đã bắt đầu “lao động” cật lực. Buồn nôn, mệt mỏi là hai triệu chứng phổ biến vào đầu thai kỳ do hormone HCG, những thay đổi sinh lý do estrogen và progesterone tăng cao gây nên. Nếu xét về kết quả sau cùng, đó là thiên thần bé con ra đời, sự chịu đựng của mẹ bầu do những sự thay đổi sau quả là cũng rất xứng đáng:
- Ốm nghén “không tên”, buồn nôn, ói mửa.
- Cảm xúc thất thường.
- Lưu lượng máu tăng cao giúp mái tóc bóng mượt, móng tay bóng khỏe. Tuy nhiên, một số mẹ bầu khác lại mọc mụn, da trở nên nhạy cảm, tăng sắc tố trên mặt, núm vú và bụng.
- Táo bón, đầy hơi, do progesterone làm chậm quá trình tiêu hóa.
- Khó thở.
- Chảy nước mũi, nghẹt mũi, đôi khi hắt xì ra máu, do màng nhầy mỏng.
- Tăng tiết dịch âm đạo.
- Đau bụng, căng tức ngực.
- Nhức đầu hoặc đau nửa đầu.
Hormone thai kỳ hoạt động thế nào sau sinh?
Thay đổi hormone khi mang thai như thế nào? Nếu trong thời gian mang thai, hormone thai kỳ gây ra sự khó chịu, sau sinh tình hình có vẻ khả quan hơn.
- Ngay sau khi bé con chào đời, oxytocin, hormone tình yêu, giúp hình thành “sợi dây” liên kết tình cảm giữa hai mẹ con. Hormone này cũng chịu trách nhiệm chính cho các cơn co thắt tử cung trong quá trình sinh nở và có thể bị kích thích bởi anh xã của bạn vào thời điểm này.
- Trong thời gian “vượt cạn”, hormone endorphins, thuốc giảm đau tự nhiên của cơ thể được sản xuất trong não.
- Khả năng cho con bú của mẹ là nhờ prolactin, hormone tiết ra từ tuyến yên, hỗ trợ việc sản xuất sữa. Hormone này cũng được biết đến như phương thuốc thư giãn, vì vậy không có gì lạ nếu bạn thường xuyên ngủ thiếp đi khi cho bé bú.
- Với sự gia tăng của prolactin, estrogen, chu kỳ rụng trứng bị ức chế, dẫn đến hiện tượng mẹ thường xuyên đổ mồ hôi và cảm thấy nóng nực. Ngoài ra, ham muốn tính dục cũng giảm hẳn, âm đạo khô làm chuyện “yêu” trở nên khó khăn.
- Không phải vì cho con bú làm mẹ mất nước và luôn cảm thấy khát “vô độ”, mà do nội tiết tố sản xuất quá nhiều làm tăng cảm giác khát nước.
- Hội chứng tâm lý sau sinh Baby blues, là hiện tượng phổ biến và hoàn toàn bình thường sau sinh, do hormone tuyến giáp gây nên.
Điểm mặt các hormone thai kỳ làm mẹ “mang tiếng”
1. Hormone hCG (Human chorionic gonadotropin)
Sự xuất hiện của hormone này là dấu hiệu mang thai rõ ràng nhất, và bạn có thể nhận biết thông qua que thử thai. Hormone hCG kích thích hoàn thể sản xuất hormone estrogen và progesterone trong 10 tuần đầu của thai kỳ, đồng thời cũng tăng lưu lượng máu đến vùng xương chậu. Đây là nguyên nhân làm bạn thường xuyên “ghé thăm” nhà vệ sinh trong 3 tháng đầu thai kỳ.
2. Progesterone
Hormone progesterone giúp tử cung sẵn sàng cho sự làm tổ của trứng, giúp quá trình cấy có thể diễn ra thành công. Thiếu hụt progesterone là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sảy thai sớm. Progesterone cũng có tác dụng giúp mẹ bầu giảm căng thẳng, cũng như ngăn chặn các cơn co thắt tử cung. Tuy nhiên, progesterone là nguyên nhân chính cho sự xuất hiện của mụn trứng cá, chứng táo bón, đầy hơi thường gặp ở phụ nữ mang thai.
3. Hormone estrogen
Nhóm này gồm 3 hormone chịu trách nhiệm kích thích tử cung và cải thiện lưu lượng máu giữa tử cung và nhau thai. Ngoài ra, estrogen cũng tác động đến các tuyến sữa, chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình nuôi con bằng sữa mẹ ngay sau khi trẻ chào đời.
Trong thời gian mang thai, nồng độ estrogen có thể tăng thêm 100 lần, và sẽ giảm dần khi quá trình sinh con diễn ra. Bạn có thể đổ lỗi cho estrogen nếu ham muốn tình dục giảm, khi tâm trạng thay đổi thất thường, những cơn đau đầu cũng như sự tăng đáng kể chất nhầy tử cung.
4. Hormone relaxin
Hormone relaxin là gì? Nới lỏng dây chằng ở xương chậu chuẩn bị cho quá trình sinh con và mở rộng mạch máu giúp tăng cường lưu lượng máu là 2 nhiệm vụ chính của hormone relaxin. Đi kèm với 2 nhiệm vụ này, relaxin cũng là thủ phạm dẫn đến đến hàng loạt những triệu chứng mang thai khó chịu như: ợ nóng, suy giãn tĩnh mạch, phù chân.
5. Hormone prolactin
Khả năng cho con bú của mẹ là nhờ prolactin, hormone tiết ra từ tuyến yên, phát triển tuyến vú và thay đổi cấu trúc của các mô vú, hỗ trợ quá trình sản xuất sữa mẹ. Hormone này cũng được biết đến như phương thuốc thư giãn, vì vậy không có gì lạ nếu bạn thường xuyên ngủ thiếp đi khi cho bé bú.
6. Hormone oxytocin
Ngay sau khi bé con chào đời, oxytocin, hormone tình yêu, giúp hình thành “sợi dây” liên kết tình cảm giữa hai mẹ con. Oxytocin cũng chịu trách nhiệm chính cho các cơn co thắt tử cung trong quá trình sinh nở, và có thể bị kích thích bởi anh xã của bạn vào thời điểm này.
[inline_article id=441]
Hormone thai kỳ rất quan trọng cho quá trình mang thai song cũng gây ra không ít phiền toái cho các bà bầu. Tuy nhiên, nếu biết cách nghỉ ngơi và chăm sóc thai kỳ đúng cách, chị em có thể làm giảm các triệu chứng do hormone khi mang thai gây ra.
MarryBaby