Cách chữa mụn nhọt ở mông đơn giản là cứu cánh cho những chị em mê tắm biển mà vùng bikini này cứ suốt ngày bị nổi mẩn.
Sự thật là đa phần chị em đều bị mụn nhọt ở mông và cảm thấy vô cùng phiền toái mỗi khi đi biển. Những vết mụn sần sùi, để lại sẹo thâm khiến làn da vùng bikini kém sắc. Chắc hẳn không mẹ trẻ nào muốn mông đã bị rạn vì sinh nở rồi lại còn phải chịu thêm vết thâm từ mụn nhọt nữa đúng không?
Marry Baby xin chia sẻ cách chữa mụn nhọt ở mông đơn giản sau đây để giúp chị em cải thiện vùng nhạy cảm này và tự tin diện bikini đi biển nhé.
I. Nguyên nhân gây mụn nhọt ở mông
Mụn nhọt là một bệnh nhiễm trùng da, có mủ thường phát triển xung quanh nang lông. Mụn có thể mọc ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, kể cả ở mông.
1. Do vi khuẩn S.aureus
Vi khuẩn có tên staphylococcus aureus (S.aureus) là nguyên nhân gây ra mụn nhọt ở mông. Chứng bệnh ngoài da này thường được gọi là nhiễm trùng tụ cầu khuẩn. Vi khuẩn S.aureus sống trên bề mặt da của tất cả mọi người và thường vô hại. Song nếu chúng thâm nhập vào bên trong da sẽ gây ra mụn nhọt.
Nhọt phát triển nhanh, nghiêm trọng hoặc tái phát có thể do vi khuẩn MRSA hoặc S.aureus kháng methicillin. Đây là một loại S.aureus cụ thể có khả năng sống sót sau khi bạn dùng một số loại thuốc và có thể lây truyền từ người này sang người khác.
MRSA miễn dịch với hầu hết các loại kháng sinh, vì vậy rất khó điều trị. Nhiễm trùng da MRSA có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm nhiễm trùng mô sâu đe dọa tính mạng và viêm phổi phức tạp.
Các loại vi khuẩn khác cũng có thể gây ra nhọt nếu thâm nhập vào nang lông hoặc tuyến dầu.
2. Các nguyên nhân khác
Mụn nhọt ở mông còn có nguyên nhân từ nhiều yếu tố khác, bao gồm bệnh chàm, bệnh vẩy nến hoặc kích ứng da. Đây là các yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tiếp cận các mô da sâu hơn.
Ngoài ra, chứng mụn nhọt ở mông còn có thể do:
+ Thiếu máu, thiếu sắt
+ Bệnh tiểu đường
+ Điều trị bằng kháng sinh trước đó
+ Vệ sinh cá nhân kém
+ Béo phì
+ HIV và các điều kiện tự miễn dịch khác
+ Nóng trong người
+ Thời tiết nóng bức
+ Ngồi nhiều và mặc quần áo quá bí bách.
II. Triệu chứng nhọt mụn ở mông
Nhọt thường xuất hiện ở mông, nhưng cũng có thể xảy ra ở mặt, cổ, nách, vai hoặc mí mắt. Khi một vài nhọt xuất hiện cùng nhau trong một nhóm sẽ được gọi là carbuncle.
Nhọt trên mông thường nổi cục và có các biểu hiện như:
+ Màu đỏ
+ Sưng tấy
+ Gây đau đớn
+ Vùng nhọt nóng
+ Mưng mủ.
Khi mới mọc, nhọt có biểu hiện sưng nhỏ, cứng, có chân chỉ bằng khoảng một hạt đậu. Sau vài ngày nhọt có thể phát triển lớn và mềm hơn. Lúc này, nhọt thường có đầu màu vàng hoặc trắng rò rỉ mủ hoặc chất lỏng trong suốt.
Nhọt có thể phát triển lớn bằng khoảng quả bóng golf hoặc thậm chí lớn hơn.
III. Cách chữa mụn nhọt ở mông
Học viện Da liễu Hoa Kỳ khuyến cáo các biện pháp khắc phục tại nhà sau đây cho bất kỳ loại nhọt nào:
+ Bạn có thể ngâm một miếng vải sạch vào nước ấm. Sau đó, dùng gạc đặt lên khu vực bị nhọt khoảng 10-15 phút. Mỗi ngày thực hiện 3-4 lần cho đến khi mủ tự chảy ra.
+ Nếu nhọt lớn và gây đau nhiều, bạn có thể cân nhắc việc dùng thuốc thoa ngoài hoặc thuốc uống theo chỉ định của bác sĩ.
+ Luôn giữ vùng da mụn sạch sẽ. Tránh chạm hoặc chà xát mụn gây nhiễm trùng.
+ Nếu mụn bùng phát có mủ, bạn hãy dùng gạc băng lại để tránh vi khuẩn lây lan.
+ Bạn cũng nên tránh nặn, chọc, bóp. Việc này có thể khiến mụn bị viêm và nhiễm trùng nặng hơn.
IV. Cách ngăn ngừa nhiễm trùng MRSA tại nhà
Bạn có thể áp dụng các cách sau để ngăn ngừa nhiễm trùng MRSA gây mụn nhọt ở vùng da mông.
+ Tắm gội hàng ngày
+ Rửa tay đúng cách bằng xà bông sát khuẩn
+ Sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn
+ Sử dụng chất khử trùng (được phép dùng trong nhà) cho các bề mặt tại nhà
+ Giặt quần áo và giường ngủ thường xuyên
+ Không dùng chung vật dụng cá nhân như dao cạo râu, khăn tắm, mỹ phẩm, khăn lau hoặc chất khử mùi với người khác
+ Sử dụng sản phẩm dưỡng da dạng tuýp bơm, xịt, bóp thay vì dạng hũ hoặc lọ
+ Tẩy da chết cho da mông mỗi tuần để loại bỏ tế bào chết, làm sạch da ngăn ngừa vi khuẩn
+ Ăn uống thực phẩm có tính mát
+ Mặc quần áo thoải mái có chất liệu thấm hút tốt
+ Không ngồi lâu một chỗ.
V. Khi nào đi khám bác sĩ?
Mụn nhọt bình thường bạn chỉ cần chữa trị ở nhà. Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm nhiễm nặng, bạn nên đi đến bệnh viện để điều trị kịp thời.
+ Mụn sưng tấy và đau đớn đến mất ngủ
+ Chân mụn lan rộng, đau kèm sốt
+ Mụn nhiễm trùng nặng đến áp xe.
Mụn nhọt ở mông rất phổ biến, hầu hết các chị em đều mắc phải, nhất là dân văn phòng. Tình trạng này khiến bạn cảm thấy đau nhức khó chịu. Những vết thâm trên mông còn gây phiền toái lớn mỗi lần diện đồ đi biển. Để trị chứng mụn nhọt này, bạn hãy nhớ những phương pháp Marry Baby đã gợi ý trong bài viết nhé.
Hanako