Clubfoot hay bàn chân khoèo là một trong những dị tật thường gặp ở hệ vận động của trẻ. Mặc dù tình trạng này không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng lại là rào cản khiến bé gặp trở ngại trong vấn đề sinh hoạt và vận động. May mắn thay, nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bé sẽ có cơ hội đi lại bình thường như bao đứa trẻ bình thường khác.
Theo thống kê, tỷ lệ trẻ mới sinh mắc phải chứng Clubfoot khá cao. Cứ mỗi 1.000 trẻ thì có từ 1 – 3 ca gặp phải dị tật này. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, trẻ lớn lên sẽ có nguy cơ dẫn đến tàn tật vận động, gặp khó khăn trong vấn đề vận động sinh hoạt, đôi khi lại mặc cảm ngoại hình của mình…
Trong bài viết này, Marry Baby muốn chia sẻ với bạn những kiến thức về việc chuẩn đoán và điều trị tình trạng bàn chân khoèo ở trẻ và cung cấp cho bạn thêm kinh nghiệm trong việc chăm sóc con thật tốt. Hãy cùng tham khảo ngay nhé!
Chẩn đoán bàn chân khoèo (Clubfoot) ở trẻ sơ sinh như thế nào?
Chứng Clubfoot có thể được xác định rõ bằng việc siêu âm thai định kỳ. Thông thường, tình trạng này có thể phát hiện được vào khoảng 3 tháng giữa thai kỳ, đặc biệt là trường hợp dị tật xảy ra ở cả hai bên bàn chân. Tuy không thể khắc phục được khiếm khuyết trước khi sinh nhưng điều này sẽ giúp các bác sĩ nắm rõ hơn về tình hình để có phương án điều trị thích hợp ngay khi trẻ vừa sinh.
Hoặc khi trẻ được sinh ra, các bác sĩ có thể căn cứ vào việc quan sát hình dáng và vị thế của bàn chân bé. Trong một số trường hợp, bác sĩ cần dùng đến phương pháp chụp X-quang để hiểu được mức độ nghiêm trọng của tình trạng mà trẻ đang gặp phải trước khi thực hiện các bước điều trị cần thiết.
Những biến chứng nào có thể xảy ra khi trẻ mắc chứng bàn chân khoèo (Clubfoot)?
Ngay cả sau khi đã trải qua điều trị, trẻ vẫn có thể phải đối mặt với các biến chứng như:
- Vận động bị hạn chế và không nhanh nhẹn như bình thường
- Cỡ giày của bàn chân bị ảnh hưởng có thể nhỏ hơn so với chân còn lại
- Bắp chân kém phát triển hơn ở chân bị ảnh hưởng
Trường hợp nếu không kịp thời điều trị, trẻ sẽ gặp các vấn đề nghiêm trọng hơn:
- Nguy cơ hình thành chứng viêm khớp
- Bước đi không bình thường do cổ chân bị xoay khiến trẻ không đi trên lòng bàn chân. Thay vào đó, trẻ phải đi trên gót chân hoặc bờ ngoài hay trên đầu trước bàn chân (gặp trong những trường hợp nặng)
Vì sao cần phải điều trị bàn chân khoèo càng sớm càng tốt?
Vì lúc này các xương, khớp và dây chằng của trẻ vẫn còn mềm và dễ uốn chỉnh. Nếu để trẻ lớn hơn rồi mới điều trị, khi đó xương đã cứng và biến dạng làm cho việc chỉnh hình khó khăn hơn.
Do vậy, khoảng từ 1 đến 2 tuần lễ sau khi sinh nên bắt đầu điều trị nhằm thay đổi hình dạng của bàn chân trước khi trẻ bắt đầu tập đi.
Các phương pháp có thể áp dụng trong điều trị chứng Clubfoot ở trẻ
Việc điều trị tình trạng này phụ thuộc vào đánh giá của bác sĩ về mức độ biến dạng. Mục tiêu chung được đặt ra là làm sao để trẻ có thể đi lại càng bình thường càng tốt. Nếu quá trình chữa trị diễn ra tích cực, có thể đảm bảo trẻ sẽ di chuyển và sinh hoạt bình thường. Dưới đây là một số phương pháp chữa bàn chân khoèo bẩm sinh bạn có thể tham khảo:
1. Phương pháp Ponseti
Đây là phương pháp khá phổ biến do bác sĩ Ponseti nghiên cứu và đã áp dụng thành công, có liên quan đến việc kéo duỗi và bó bột. Với ưu điểm là hiệu quả, ít tốn kém nên phương pháp này được xem là hướng điều trị chủ yếu cho chứng Clubfoot ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là với các nước đang phát triển như Việt Nam.
Bắt đầu phương pháp này, các bác sĩ sẽ nắn chỉnh cổ chân, bàn chân của trẻ một cách nhẹ nhàng sau đó bó bột. Việc bó bột có thể lặp đi lặp lại mỗi tuần 1 lần và kéo dài trong suốt vài tháng. Bác sĩ sẽ kiểm tra và chỉ định nẹp chỉnh hình sau khi đã hoàn thành giai đoạn nắn chỉnh. Đến cuối quá trình này, bác sĩ sẽ thực hiện một cuộc tiểu phẫu để củng cố vào kéo dài gân Achilles tùy trường hợp. Sau đó, trẻ cần được đeo nẹp trong 3 tuần để hỗ trợ làm lành gân gót.
Cha mẹ cần cho trẻ mang giày đặc biệt có tác dụng cố định chân trong 23 giờ mỗi ngày, đi liên tục trong 2 – 3 tháng đầu, sau đó chỉ cần đeo trong lúc trẻ ngủ cho đến khi được 4 – 5 tuổi. Điều quan trọng là phải tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ để tình trạng biến dạng chân của con không quay lại vị trí cũ.
2. Phương pháp French (kéo duỗi và băng bó)
Đây là một phương pháp không can thiệp phẫu thuật được áp dụng cho chứng bàn chân khoèo (Clubfoot) có liên quan đến việc kéo duỗi và băng bó. Phương pháp này còn được gọi là phương pháp cơ năng hay phương pháp vật lý trị liệu và rất hữu ích có thể thực hiện ngay sau khi sinh.
Phương pháp French dựa trên các bài tập kéo giãn, tập thể dục, massage và đeo nẹp với mục đích di chuyển bàn chân từ từ về đúng vị trí. Trong 3 tháng đầu, các buổi trị liệu chủ yếu thực hiện ở trung tâm y tế với các nhà trị liệu vật lý. Hầu hết các cải thiện sẽ diễn ra trong thời gian này. Sau đó, trẻ có thể tiếp tục điều trị tại nhà. Bố mẹ sẽ được các chuyên gia hướng dẫn để họ có thể điều trị cho trẻ.
Phương pháp này cần phối hợp chặt chẽ cùng gia đình, đặc biệt với người mẹ, trẻ được đeo nẹp chỉnh hình 20 – 23 giờ mỗi ngày cho đến khi được 2 tuổi.
3. Phẫu thuật
Phẫu thuật xâm lấn có thể được yêu cầu trong những trường hợp nặng hoặc không đáp ứng với phương pháp bó bột hoặc băng thun. Trường hợp trẻ bị khoèo chân từ 1 hoặc 2 tuổi trở lên mới bắt đầu chỉnh hình thì cũng được chỉ định điều trị bằng phương pháp này.
Trong quá trình phẫu thuật, các gân của chân được kéo dài để đưa bàn chân về đúng vị trí. Sau phẫu thuật, bàn chân bị ảnh hưởng sẽ được bó bột trong hai tháng và trẻ sẽ cần phải đeo nẹp trong ít nhất một năm sau khi phẫu thuật. Điều này được thực hiện để ngăn chặn chứng Clubfoot tái phát trở lại.
Làm thế nào để nhận biết được chứng Clubfoot tái phát sau khi điều trị?
Cha mẹ có thể phát hiện sớm tình trạng chân khoèo tái phát khi trẻ có các biểu hiện:
- Mất khả năng nghiêng bàn chân ra ngoài
- Không thể nâng mũi bàn chân lên cao
- Vùng trước bàn chân bị khép nghiêng vào trong
Dù bằng bất kỳ phương pháp điều trị chứng bàn chân khoèo (Clubfoot) nào thì điều tiên quyết là phải tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo tình trạng trên không còn tái phát.
Marry Baby