Categories
Mang thai Biến chứng thai kỳ

Huyết áp cao khi mang thai nên xử trí sao đây mẹ ơi?

Huyết áp cao là mầm mống của nhiều căn bệnh tim mạch nguy hiểm như tai biến, suy tim. Điều này còn nguy hiểm hơn nếu mẹ đang mang trong mình một “sinh linh bé nhỏ”. Cao huyết áp khi mang thai là do đâu? Xử trí và phòng ngừa tình trạng này như thế nào? Hãy để MarryBaby mách bạn trong bài viết dưới đây nhé.

Huyết áp cao là gì?

Huyết áp cao (tăng huyết áp) là khi huyết áp có chỉ số ≥ 130/80 mm Hg. Bệnh lý này xảy ra khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao và tạo ra nhiều áp lực cho tim. Ngoài ra, huyết áp cao cũng là nguyên nhân gây ra các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…

Huyết áp cao có nhiều loại như:

  • Cao huyết áp vô căn: Loại này không có nguyên nhân cụ thể, chiếm đến 90% các trường hợp mắc bệnh.
  • Cao huyết áp thứ phát: Trường hợp này là triệu chứng của một số bệnh khác ở thận, động mạch, bệnh van tim và một số bệnh nội tiết.
  • Cao huyết áp tâm thu đơn độc: Loại này thường xảy ra ở người lớn tuổi
  • Cao huyết áp khi mang thai (gồm tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật): Loại này cảnh báo các nguy cơ tim mạch trong thai kỳ. 

Huyết áp cao là gì?

Huyết áp cao khi mang thai là thế nào?

Huyết áp cao khi mang thai là khi trị số huyết áp tâm thu (HATT) ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (HATTr) ≥ 90 mmHg. Huyết áp cao khi mang thai không phải lúc nào cũng nguy hiểm nếu được kiểm soát tốt. 

  • Cao huyết áp khi mang thai nhẹ nếu trị số trong khoảng 140-159/90-109 mmHg
  • Cao huyết áp khi mang thai nặng nếu trị số ≥ 160/110 mmHg

Cao huyết áp khi mang thai gồm 4 thể lâm sàng sau:

  • Tăng huyết áp mạn tính

Tình trạng này xảy ra trước khi mẹ mang thai hoặc trước thai được 20 tuần. Phụ nữ bị tăng huyết áp mãn tính cũng có thể bị tiền sản giật trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ.

  • Tăng huyết áp thai kỳ

Tình trạng này xảy ra khi mẹ bị cao huyết áp khi mang thai và không có protein trong nước tiểu, kèm với các vấn đề về tim hoặc thận khác. Tăng huyết áp thai kỳ được chẩn đoán sau 20 tuần của thai kỳ. Tình trạng này thường biến mất trong vòng 42 ngày sau sinh. 

  • Tiền sản giật

tiền sản giật gây huyết áp cao khi mang thai

– Tình trạng này thường xảy ra ở mẹ bầu mang thai lần đầu, đa thai, thai trứng, mắc hội chứng phospholipid, đặc biệt là mẹ bầu bị tăng huyết áp mãn tính, bị thận hoặc đái tháo đường.

Tiền sản giật được chẩn đoán dựa trên kết quả xét nghiệm protein niệu và huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương nhỏ hơn 90 mmHg.

– Tình trạng này thường xuất hiện ở tuần thứ 20 ở mẹ bầu có huyết áp bình thường trước đó và liên quan đến sự chậm phát triển của thai nhi do suy thai. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến mẹ sinh non.

  • Tiền sản giật trên nền bệnh lý tăng huyết áp mãn tính

Tình trạng này sẽ có xác suất xảy ra cao khi thai phụ bị cao huyết áp kèm thêm protein niệu lần đầu.

>>Mẹ có thể quan tâm: Thuyên tắc ối, tai biến sản khoa nguy hiểm với các bà mẹ

  • Huyết áp cao khi mang thai tháng cuối là sao?

Nhiều mẹ đặc biệt quan tâm về tình trạng huyết áp cao khi mang thai tháng cuối. Lúc này, một số bộ phận trong cơ thể mẹ buộc phải tăng sinh mạch máu do các thay đổi về sinh lý tim mạch như tăng thể tích máu, nhịp tim. Hơn nữa, mẹ cũng đang cần nhiều lưu lượng máu hơn bình thường. Vì lẽ đó, mạch máu sẽ chịu áp lực nhiều hơn, làm huyết áp cao khi mang thai tháng cuối.

>>Mẹ có thể quan tâm: Tháng cuối thai kỳ nên ăn gì?

Nguyên nhân bầu bị huyết áp cao khi mang thai

Nguyên nhân bầu bị huyết áp cao khi mang thai

Để biết cách giảm huyết áp cao khi mang thai, mẹ cần hiểu rõ nguyên nhân gây ra huyết áp cao. Cao huyết áp khi mang thai có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau đây:

  • Chế độ sinh hoạt 

Có một chế độ sinh hoạt lành mạnh là cách giảm huyết áp cao khi mang thai hiệu quả. Chế độ sinh hoạt và ăn uống bị “buông thả” sẽ khiến mẹ bị thừa cân hoặc béo phì, ít vận động là những nguyên chính gây huyết áp cao khi mang thai.

  • Số lần mang thai

Phụ nữ mang thai lần đầu có nhiều khả năng bị huyết áp cao khi mang thai. Tin vui là, khả năng tăng huyết áp sẽ giảm dần trong những lần mang thai tiếp theo.

  • Số lượng thai nhi

Mẹ bầu mang song thai, đa thai sẽ dễ bị cao huyết áp khi mang thai. Vì cơ thể mẹ phải làm việc “chăm chỉ” hơn để nuôi dưỡng nhiều hơn một em bé.

  • Tuổi tác

Phụ nữ mang thai trên 35 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người dưới độ tuổi này. Do đó, cách giảm huyết áp cao khi mang thai là mang thai sớm hơn 35 tuổi.

  • Tiền sử bệnh

Phụ nữ bị huyết áp cao trước khi mang thai có nguy cơ mắc các biến chứng liên quan trong thai kỳ cao hơn những người có huyết áp bình thường.

>>Mẹ có thể quan tâm: Sản giật là gì? – Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Cao huyết áp khi mang thai có nguy hiểm không? 

Cao huyết áp khi mang thai có nguy hiểm không? 
Cao huyết áp khi mang thai có nguy hiểm không? 

Điều không ít mẹ bầu băn khoăn là cao huyết áp khi mang thai có nguy hiểm không. Thống kê cho thấy khoảng 5-10% phụ nữ bị cao huyết áo khi mang thai. Huyết áp cao khi mang thai nếu không được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời có thể dẫn đến:

  • Lượng máu đến nhau thai ít hơn: Nếu nhau thai không nhận đủ máu, thai nhi có thể bị thiếu oxy và có ít chất dinh dưỡng hơn. Điều này có thể dẫn đến bé phát triển chậm, sinh con nhẹ cân hoặc sinh non. Hơn nữa, bé sinh non dễ gặp vấn đề về hô hấp và dễ nhiễm trùng hơn. 
  • Nhau bong non: Đây là hiện tượng nhau thai tách khỏi thành của tử cung trước khi thai nhi sinh. Nếu bị nặng có thể gây chảy máu nhiều, nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai nhi.
  • Tổn thương các cơ quan khác: Huyết áp cao khi mang thai không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến tổn thương não, mắt, tim, phổi, thận, gan và các cơ quan quan trọng khác, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
  • Chuyển dạ sinh sớm: Mẹ có thể phải sinh sớm để ngăn ngừa các biến chứng đe dọa đến tính mạng do huyết áp cao khi mang thai.
  • Bị mắc bệnh tim mạch trong tương lai: Bị tiền sản giật (một thể lâm sàng của cao huyết áp) có thể làm mẹ tăng nguy cơ mắc bệnh tim và mạch máu (tim mạch) trong tương lai. Nguy cơ này tăng lên nếu mẹ bị tiền sản giật nhiều hơn 1 lần hoặc sinh non do huyết áp cao khi mang thai.

>>Mẹ có thể quan tâm: 4 cách phòng ngừa tiền sản giật cực hữu ích cho mẹ bầu

Dấu hiệu cao huyết áp khi mang thai

Trong một số trường hợp, các dấu hiệu cao huyết áp khi mang thai có thể không rõ ràng nên thường bị bỏ qua. 

Nếu mẹ đi khám thai thường xuyên, mẹ có thể theo dõi được trị số huyết áp của mình, tiểu cầu trong máu. 

  • Huyết áp cao khi mang thai là 140/90 mmHg và huyết áp cao nghiêm trọng trong thai kỳ là 160/110. Trong khi đó, huyết áp bình thường là khoảng 120/80 mmHg.
  • Mức độ tiểu cầu trong máu giảm

Nếu mẹ không khám thai thường xuyên, đây là một số dấu hiệu của huyết áp cao khi mang thai cho mẹ tham khảo:

  • Đau đầu dữ dội
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Protein dư thừa trong nước tiểu 
  • Các thay đổi về thị lực như: mất thị lực tạm thời, mờ mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng
  • Đau bụng trên, thường là dưới xương sườn bên phải
  • Suy giảm chức năng gan
  • Khó thở do phù phổi
  • Tăng cân đột ngột và phù – đặc biệt là ở mặt và tay 
  • Đi tiểu ít

>>Mẹ có thể quan tâm: Đau bụng khi mang thai tháng thứ 5, dấu hiệu mẹ không nên chủ quan

Mẹ bị huyết áp cao khi mang thai nên xử trí ra sao?

Mẹ bị huyết áp cao khi mang thai nên xử trí ra sao?

Sau khi biết các dấu hiệu cao huyết áp khi mang thai, mẹ hẳn rất tò mò cách điều trị, cải thiện tình trạng này. Thực tế, việc điều trị cụ thể cho bệnh tăng huyết áp thai kỳ sẽ được xác định bởi bác sĩ chuyên khoa dựa trên các cơ sở:

  • Mang thai, tuổi thai, sức khỏe tổng thể và tiền sử bệnh của mẹ
  • Mức độ nghiêm trọng của bệnh
  • Khả năng đáp ứng của mẹ đối với thuốc, hoặc liệu pháp cụ thể

1. Điều trị không dùng thuốc

  • Giảm cân nếu mẹ bị thừa cân: Mẹ có thể tham khảo các chỉ số trọng lượng bách phân vị để biết cân nặng chuẩn trong từng giai đoạn của thai kỳ và điều chỉnh cho phù hợp.
  • Tập thể dục thường xuyên: Mẹ lưu ý nên tập thể dục đều đặn để tránh huyết áp tăng trở lại. Ngoài ra, mẹ chú ý chọn các bài tập yoga, đi bộ… nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương đến bé trong bụng.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Mẹ nên bổ sung vào thực đơn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu protein tốt, thực phẩm giàu canxi, kali, magie, trái cây rau củ; đồng thời loại bỏ chất béo bão hòa và cholesterol. Nếu tuân thủ theo thực đơn trên, mẹ có thể làm giảm huyết áp tới 11mmHg.
  • Tránh uống rượu và hút thuốc: Uống nhiều rượu sẽ làm tăng chỉ số huyết áp và giảm hiệu quả của thuốc điều trị huyết áp. Bên cạnh đó, bỏ hút thuốc cũng giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nguy cơ vỡ ối sớm.
  • Cắt giảm lượng caffeine: Mặc dù vai trò của caffeine đối với huyết áp vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, caffeine có thể làm tăng huyết áp lên đến 10mmHg ở những người không dung nạp caffeine thường xuyên. Nếu mẹ thuộc team ủng hộ đồ uống nhiều caffein, mẹ hãy đo huyết áp trong vòng 30 phút sau khi uống thức uống có chứa caffeine, trường hợp chỉ số này tăng từ 5-10mmHg, đây là “thông điệp vũ trụ” gửi đến cho mẹ rằng, mẹ phải cắt giảm lượng caffeine nạp vào mỗi ngày.
  • Giảm căng thẳng: Mẹ có thử tâm sự với người thân, bạn bè hoặc đi massage, ngồi thiền để tinh thần thư thái và giảm căng thẳng.
  • Ăn tỏi hoặc bổ sung chiết xuất tỏi: Một nghiên cứu cho thấy, bổ sung tỏi hàng ngày giúp giảm huyết áp tâm thu lên đến 5mmHg và giảm huyết áp tâm trương tối đa 2,5mmHg. Mẹ lưu ý chỉ nên ăn hoặc dùng tỏi như một gia vị với số lượng 2-4 tép tỏi mỗi ngày để tránh gây tụt huyết áp quá mức.
  • Đảm bảo giấc ngủ sâu và ngon: Huyết áp thường giảm xuống khi chúng ta ngủ. Do đó, mẹ bị mất ngủ, thiếu ngủ thường dễ bị huyết áp cao khi mang thai. 

2. Điều trị dùng thuốc

Huyết áp cao khi mang thai sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé, thậm chí dẫn đến tử vong. Việc sử dụng thuốc điều trị huyết áp cao khi mang thai cần phải theo đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng, liều thuốc, thời gian dùng… Một số loại thuốc hiệu quả để điều trị ban đầu và sau đó kiểm soát huyết áp:

  • Thuốc cường adrenergic
  • Chất ức chế men chuyển angiotensin
  • Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB). Tuy nhiên thuốc này chống chỉ định khi mang thai. 
  • Thuốc chẹn beta
  • Thuốc chẹn kênh canxi
  • Thuốc giãn mạch trực tiếp
  • Thuốc lợi tiểu. Chú ý việc sử dụng thuốc này cần có chỉ định từ bác sĩ. 

Cách phòng ngừa huyết áp cao khi mang thai

Phòng bệnh hơn chữa bệnh! Sau đây là những cách phòng ngừa cao huyết áp khi mang thai cho mẹ tham khảo:

  • Nghiên cứu cho thấy aspirin liều thấp (75-100mg) hàng ngày có hiệu quả để phòng ngừa phụ nữ có nguy cơ cao xuất hiện tiền sản giật. Hơn nữa, Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) cũng khuyến cáo nên bắt đầu sử dụng liệu pháp aspirin liều thấp hàng ngày từ giữa tuần 12-28 thai kỳ (tối ưu nhất là trước tuần 16) cho đến lúc sinh ở những phụ nữ có nguy cơ cao tiền sản giật.
  • Các nguy cơ tiền sản giật cao có thể là: Tăng huyết áp trong lần mang thai trước, bệnh thận mạn tính, bệnh tự miễn lupus ban đỏ, hội chứng kháng phospholipid, đái tháo đường loại 1 hoặc loại 2, tăng huyết áp mạn tính.
  • Các nguy cơ trung bình tiền sản giật bao gồm: Mẹ mang thai lần đầu, mẹ bầu ≥ 40 tuổi, có khoảng cách giữa hai lần mang thai hơn 10 năm, BMI ≥ 35 kg/m2 tại lần khám đầu tiên, gia đình có tiền sử mắc bệnh, mang đa thai. Hiện nay đã có các test sàng lọc tiền sản giật thực hiện ở quí I thai kỳ (11 tuần – 13 tuần 6 ngày) nhằm đánh giá người có nguy cơ cao hay thấp với tiền sản giật, từ đó sử dụng các biện pháp dự phòng hiệu quả. 
  • Mẹ nên bổ sung canxi (1,5-2 g/ngày đường uống) để phòng ngừa tiền sản giật tại lần khám tiền sản đầu tiên.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn cũng giúp phòng ngừa huyết áp cao khi mang thai hiệu quả.

Trên đây là chia sẻ của MarryBaby về bệnh cao huyết áp khi mang thai. Hy vọng mẹ đã nắm đầy đủ thông tin để chuẩn bị và điều chỉnh khi cần để có một thai kỳ khỏe mạnh.

Categories
Mang thai Biến chứng thai kỳ

4 cách phòng ngừa tiền sản giật cực hữu ích cho mẹ bầu

Tại sao cần phòng ngừa tiền sản giật? Tiền sản giật là một hội chứng bệnh lý nghiêm trọng xuất hiện nửa sau thai kỳ (khoảng sau tuần thai thứ 20). Đây là biến chứng thai kỳ nguy hiểm do huyết áp tăng cao và một số cơ quan khác như thận bị tổn thương. 

Chỉ số huyết áp ≥ 140/90mmHg được cho là cao với mẹ bầu. Đây là một dấu hiệu của hội chứng tiền sản giật. Mẹ bầu bị tiền sản giật nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến sản giật gây những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Tiền sản giật gây ra một số vấn đề như sau:

  • Hạn chế sự phát triển của bào thai
  • Làm dễ bị sinh non
  • Khiến nhau thai dễ bị tách khỏi tử cung trước khi sinh
  • Gây tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các tổn thương cơ quan khác

Theo các bằng chứng y khoa hiện tại, có 2 phương pháp dự phòng tiền sản giật được khuyến cáo là sử dụng aspirin ở những người có nguy cơ cao và bổ sung đủ canxi ở những phụ nữ có khẩu phần canxi thấp. Các phương pháp sau đây mặc dù chưa đủ mạnh về chứng cứ nhưng mẹ bầu có thể tham khảo để phòng ngừa tiền sản giật. 

1. Duy trì cân nặng ổn định

duy trì cân nặng để phòng ngừa tiền sản giật

Duy trì cân nặng ổn định bằng bài tập thể dục và chế độ ăn uống là cách phòng ngừa tiền sản giật rất quan trọng vì giúp ổn định huyết áp cho bà bầu.

  • Tập thể dục nhẹ nhàng: Mẹ bầu có thể lựa chọn thực hiện các bài tập nhẹ nhàng từ 10 đến 15 phút mỗi ngày để cơ thể lưu thông máu tốt hơn đến thai nhi, củng cố hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại căng thẳng. Đây là cách giảm huyết áp cao khi mang thai giúp phòng ngừa tiền sản giật và các bệnh khác hiệu quả.
  • Ăn uống lành mạnh: Bị tiền sản giật nên ăn gì? Chế độ ăn uống vô cùng quan trọng giúp bà bầu duy trì cân nặng ổn định. Mẹ bầu cần tránh các đồ uống có cồn và caffeine, các đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ và đồ ăn vặt. Ngoài ra, nên hạn chế muối trong bữa ăn. Thay vào đó, hãy bổ sung rau củ và nước trái cây nhằm bổ sung các dưỡng chất thiết yếu và lượng điện giải cao để nhờ đó phòng ngừa tiền giản giật hiệu quả hơn.

>> Mẹ bầu có thể tìm hiểu thêm: Tập thể dục cho mẹ bầu: 7 bài tập yoga cho thai kỳ luôn khỏe mạnh

2. Khám thai định kỳ

Khám thai định kỳ rất cần thiết để phòng ngừa tiền sản giật. Bác sĩ sẽ thăm khám tổng quát và kiểm tra các thông số về huyết áp, tiểu đường, protein trong nước tiểu nhằm xác định mẹ bầu có nguy cơ bị tiền sản giật hay không. Khi đó, bác sĩ sẽ cho lời khuyên hữu ích và điều trị phù hợp.

[quotation title=””]

Mẹ bầu nên theo dõi lịch khám thai và đi khám định kỳ đầy đủ. Trường hợp có bất kì triệu chứng nào như khó thở, đau nhói bụng, đau đầu dữ dội hay mắt bị mờ không hồi phục thì cần gặp bác sĩ ngay lập tức để được thăm khám và xử lí kịp thời.

[/quotation]

>> Mẹ bầu có thể quan tâm: Lịch khám thai 3 tháng cuối và những lưu ý quan trọng cho mẹ bầu

3. Thư giãn để phòng ngừa tiền sản giật

uống đủ nước để phòng ngừa tiền sản giật

Để phòng ngừa tiền sản giật, ngoài duy trì cân nặng ổn định và khám thai định kỳ thì mẹ nên giữ tâm trạng thoải mái bằng các cách sau:

  • Uống đủ nước: Mẹ bầu nên uống từ 8 đến 10 cốc nước mỗi ngày để đủ nước cho cả mẹ và thai nhi.
  • Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ cũng vô cùng quan trọng giúp mẹ bầu giảm căng thẳng. Mẹ bầu nên ngủ đủ từ 7 đến 8 tiếng một ngày. Ngoài ra nên có giấc ngủ ngắn vào buổi trưa để cơ thể và đầu óc được thư giãn. 

4. Bổ sung vitamin thiết yếu

Trong giai đoạn thai kỳ, mẹ bầu cần rất nhiều dưỡng chất. Đặc biệt, bác sĩ đề xuất mẹ bầu nên bổ sung vitamin D trong thai kỳ. Tuy nhiên, vì là vitamin tan trong dầu và liên quan đến hấp thu canxi nên cần tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng và cách dùng.

[quotation title=””]

Mẹ bầu có thể tắm nắng tầm 20 phút vào buổi sáng hoặc bổ sung dưới dạng viên theo sự hướng dẫn của bác sĩ. 

[/quotation]

Bên cạnh đó, việc bổ sung viên uống vitamin chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất cũng rất cần thiết, bao gồm: các vitamin C, B, E; axit folic, sắt, iốt, phốt pho, magie và canxi… Những chất này giúp bù đắp lượng dinh dưỡng bị thiếu hụt trong chế độ ăn uống, làm tăng sức đề kháng cho cả mẹ bầu và thai nhi.

[inline_article id=298897]

Trên đây là 4 cách giúp ổn định huyết áp để phòng ngừa tiền sản giật mà bầu có thể tham khảo. Ngoài ra mẹ hãy tầm soát dị tật thai nhi để giúp ngăn chặn những rủi ro đến thai nhi nhé.

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế các điều trị hay quản lý y khoa.

Categories
Mang thai Biến chứng thai kỳ

10 cách giảm huyết áp cao khi mang thai tự nhiên mà lại hiệu quả

Chắc hẳn các mẹ có tình trạng tăng huyết áp khi mang thai rất quan tâm tới vấn đề sức khỏe của mình. Ngoài việc điều trị bằng thuốc, MarryBaby sẽ mách mẹ một số cách giảm huyết áp cao khi mang thai tự nhiên mà lại hiệu quả nhé.

1/ Hạn chế muối và thực phẩm chứa nhiều natri

Mặc dù cơ thể mẹ bầu cần một lượng natri mỗi ngày nhưng nếu tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến tăng huyết áp. Vì vậy, cách giảm huyết áp cao khi mang thai cần được ưu tiên đó là hạn chế nêm muối vào trong thức ăn, cũng như hạn chế chấm thức ăn với mắm, nước tương. Gợi ý là mẹ có thể sử dụng những gia vị khác thay thế muối như bột tiêu chanh (lemon pepper) hoặc các loại thảo mộc để giúp món ăn không mất vị thơm ngon.

Bên cạnh đó, thực phẩm đóng hộp hoặc thức ăn nhanh cũng chứa rất nhiều muối. Trong trường hợp mẹ bầu có nhu cầu mua thực phẩm chế biến sẵn thì cần chọn sản phẩm có hàm lượng natri thấp.

2/ Tránh sử dụng các chất kích thích

Chắc hẳn bạn đã biết thuốc lá, rượu bia và ma túy đều là những tác nhân gây hại cho sức khỏe của mẹ lẫn thai nhi. Bên cạnh đó, các sản phẩm có chứa caffeine như café, nước tăng lực cũng có thể khiến huyết áp mẹ tăng cao. Vì vậy hạn chế các chất này là một trong những cách hiệu quả để giảm huyết áp cao khi mang thai.

cách giảm huyết áp cao khi mang thai

3/ Ăn nhiều socola đen

Theo nghiên cứu, các chuyên gia thấy rằng socola đen thực sự có hiệu quả và là một trong những cách giảm huyết áp cao khi mang thai một cách tự nhiên. Tuy nhiên socola đen chứa hàm lượng calo cao, các mẹ không nên ăn quá nhiều.

4/ Ăn các thực phẩm chứa nhiều kali, cách giảm huyết áp cao khi mang thai tự nhiên

Nếu mẹ yêu thích ăn chuối thì nên duy trì sở thích này trong thai kỳ. Không chỉ chuối mà một số thực phẩm khác như khoai lang, cà chua, đậu tây… cũng rất giàu kali giúp hỗ trợ bạn kiểm soát tình trạng cao huyết áp. Không những vậy, kali còn là một khoáng chất quan trọng trong thai kỳ. Kali giúp duy trì cân bằng chất lỏng và điện giải, hỗ trợ truyền các xung điện thần kinh, co cơ và giải phóng năng lượng từ carbohydrate, chất béo và protein.

>> Mẹ bầu có thể xem thêm: Những loại rau tốt cho bà bầu và thai nhi mẹ đã biết chưa?

5/ Bổ sung đậu nành và các sản phẩm từ sữa ít chất béo

Các chuyên gia nghiên cứu đã chứng minh rằng việc bổ sung đạm từ đậu nành và các sản phẩm từ sữa ít chất béo như sữa tách béo, sữa chua, phô mai giúp làm giảm huyết áp tâm thu. Với các mẹ không sử dụng được sản phẩm từ sữa do hội chứng rối loạn dung nạp lactose, có thể sử dụng các sản phẩm từ đậu nành để thay thế. Các mẹ cũng cần lưu ý trong phô mai cũng chứa hàm lượng natri cao, nên cần tiêu thụ vừa phải.

cách giảm huyết áp cao khi mang thai

6/ Bổ sung ngũ cốc nguyên hạt vào chế độ ăn

Ngũ cốc nguyên hạt là những loại hạt chỉ bị loại bỏ lớp vỏ trấu bên ngoài, giữ lại toàn bộ phần hạt bên trong cũng như chất dinh dưỡng. Các nghiên cứu cho thấy ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ cũng là thực phẩm lý tưởng trong việc giúp mẹ bầu giảm huyết áp nên đừng bỏ qua nhé.

7/ Kiểm soát cân nặng khi mang thai

Thừa cân là một yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp trong thai kỳ. Không những vậy, thừa cân còn làm trầm trọng thêm các tình trạng như đau lưng, chuột rút ở chân, trĩ, tiểu đường thai kỳ, đau nhức khớp… Vì vậy, mẹ không nên chủ quan với vấn đề cân nặng mà cần đảm bảo rằng việc tăng cân khi mang thai không vượt quá giới hạn an toàn.

Thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục phù hợp, hầu như các mẹ có thể đạt được cân nặng hợp lý. Có thể nói, kiểm soát cân nặng cũng được xem là một trong những cách giảm huyết áp cao khi mang thai. Trong trường hợp mẹ gặp khó khăn trong việc tăng cân hợp lý thì hãy nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng nhé!

8/ Tập thể dục điều đặn, cách giảm huyết áp cao khi mang thai mẹ bầu nên thử

Đối với những phụ nữ không tập thể dục, nguy cơ tăng huyết áp sẽ cao hơn so với người thường xuyên vận động. Vận động không chỉ giúp giảm căng thẳng, tăng cường lưu thông máu, giảm huyết áp mà còn tác động tích cực đến sức khỏe của em bé sau này.

Các mẹ nên cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 buổi/tuần. Nếu mới bắt đầu tập, mẹ có thể thử bài tập nhẹ nhàng như đi bộ. Đối với một số bài tập vận động mạnh, nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn về mức độ an toàn.

cách giảm huyết áp cao khi mang thai

9/ Tránh làm việc căng thẳng

Tình trạng căng thẳng có thể khiến huyết áp của các chị em tăng, dù có mang thai hay không. Vì vậy, loại bỏ những lo lắng, căng thẳng và áp lực cũng là cách giảm huyết áp cao khi mang thai khá quan trọng. Việc này có thể đạt được bằng việc không làm việc quá sức khi mang thai, luyện tập thiền hay yoga.

Những phương pháp này không chỉ giúp mẹ cảm thấy dễ chịu, thư thái và bình tĩnh hơn mà còn có thêm những lợi ích như gia tăng sự gắn kết của mẹ và bé, kiểm soát tốt cơn đau chuyển dạ khi tới ngày sinh….

>>> Mẹ có thể xem thêm: Tiền sản giật sau sinh và các biến chứng nguy hiểm

10/ Nghe nhạc, cách giảm huyết áp cao khi mang thai ít ai ngờ tới

Từ nghiên cứu, các chuyên gia chỉ ra rằng việc nghe loại nhạc phù hợp trong khi hít thở chậm rãi ít nhất 30 phút mỗi ngày có thể giúp giảm huyết áp. Mẹ có thể nghe các bản giao hưởng nhẹ nhàng, nhạc cổ điển, nhạc Celtic, hoặc một bản nhạc chậm nhẹ nhàng mà mẹ yêu thích. Tránh nghe các thể loại như rock, pop, heavy metal vì nó có thể gây tác dụng ngược.

[inline_article id=297449]

Hi vọng thông qua bài viết, các mẹ đã biết cách giảm huyết áp cao khi mang thai cho bản thân. Hãy tiếp tục theo dõi các bài viết của MarryBaby để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích cho mẹ và bé.