Categories
Chăm sóc sức khỏe gia đình Gia đình

2 cách làm tinh dầu tỏi giúp dưỡng da, tóc và trị các chứng viêm nhiễm

cách làm tinh dầu tỏi
Cách làm tinh dầu tỏi để làm đẹp 

Khi Thế vận hội Olympic lần đầu tiên xuất hiện ở Hy Lạp cổ đại, các vận động viên đã sử dụng tỏi như một loại thuốc để tăng cường sức bền, sức dẻo dai và giúp cơ thể mau hồi phục sau chấn thương. Đây được xem là thần dược chống oxy hóa và kháng viêm mạnh mẽ nhất thời bấy giờ.

Tác dụng của tỏi không chỉ dừng lại như một loại gia vị, mà tinh dầu chiết xuất từ tỏi còn được sử dụng như một liệu pháp hương thơm, dùng trong massage dưỡng da, giảm đau…

Dưới đây là 2 cách làm tinh dầu tỏi tại gia:

Cách 1: Cách làm tinh dầu tỏi bằng cách đun nóng

Nguyên liệu

  • 4 tép tỏi tươi
  • 120ml dầu ô liu.

Tùy theo mục đích, bạn có thể thay dầu ô liu bằng các loại dầu nền trung tính khác. Nếu chiết xuất tinh dầu tỏi với mục đích nấu ăn, bạn có thể chọn dầu nền có khả năng chịu nhiệt cao như dầu hoa cải, dầu hạt nho… Muốn tốt cho sức khỏe tim, bạn nên chọn dầu nền là dầu bơ hoặc dầu ô liu extra-virgin vì chúng có nhiều chất béo không bão hòa đơn. Nếu bạn muốn một hương vị độc đáo, vậy hãy chọn dầu mè.

Cách làm tinh dầu tỏi

Cách làm tinh dầu tỏi

  • Bạn băm nhuyễn tỏi, sau đó cho vào một cái chảo nhỏ. Tốt nhất là bạn dùng dụng cụ ép tỏi để ép nhuyễn trực tiếp tỏi vào trong chảo, tránh hao hụt tinh dầu.
  • Sau đó bạn đổ vào chảo 120ml dầu ô liu. Khuấy đều trên lửa nhỏ từ 3-5 phút. Độ nóng sẽ giúp tinh dầu tỏi hòa vào dầu nền.
  • Bạn khuấy đều đến khi tỏi chuyển sang màu nâu nhẹ và hơi giòn.
  • Đừng để dầu sôi, bởi vì dầu quá nóng sẽ bị mất hương vị và độ tinh khiết.
  • Không nên để tỏi quá nhừ đến mức đen, sẽ khiến dầu bị đắng.
  • Tắt bếp và trút hỗn hợp vào một lọ thủy tinh. Sau khi hỗn hợp nguội thì bạn đậy nắp thật chặt để ngăn chặn không khí ẩm xâm nhập làm hỏng dầu.
  • Nếu bạn không muốn nhìn thấy những mẩu tỏi lợn cợn trong lọ thì có thể lọc qua một chiếc khăn xô để loại bỏ phần bã tỏi. Tuy nhiên, để bã tỏi trong lọ sẽ giúp tinh dầu tiếp tục tan vào dầu nền, làm tăng hương vị của tinh dầu tỏi theo thời gian.

[inline_article id=261901]

Sử dụng

  • Bảo quản tinh dầu tỏi trong tủ lạnh trong vòng 5 ngày. Thỉnh thoảng hãy lắc nhẹ để tinh dầu được trộn đều. Lượng tinh dầu này bạn chỉ sử dụng trong 5 ngày, không dùng lâu hơn để tránh vi khuẩn xâm nhập.
  • Không để tinh dầu tỏi bên ngoài tủ lạnh, vì nhiệt độ phòng sẽ khiến vi khuẩn botulism sinh sôi. Đây là một loại độc tố thần kinh cực mạnh có thể gây tử vong ở người và động vật.
  • Bạn có thể bảo quản tinh dầu tỏi trong tủ đông trong 1 năm nếu muốn sử dụng lâu dài.

Cách 2: Cách làm tinh dầu tỏi không dùng nhiệt

Cách làm tinh dầu tỏi không dùng nhiệt

Nguyên liệu

  • 8 tép tỏi tươi
  • 470ml dầu ô liu. Như gợi ý ở trên, bạn có thể thay dầu ô liu bằng dầu bơ hoặc dầu hạt nho… tùy thích.

Cách làm tinh dầu tỏi

  • Đập giập, băm nhỏ tỏi, cho vào lọ thủy tinh.
  • Đổ 470ml dầu ô liu vào lọ, đậy nắp lại, lắc vài lần.
  • Có thể thêm các loại thảo mộc để tăng hương vị, chẳng hạn thảo mộc khô (oải hương, xạ hương, mùi tây, húng quế…), vỏ cam (chanh, bưởi), hoa khô ăn được.
  • Bảo quản lọ trong tủ lạnh từ 2-5 ngày để tinh dầu tỏi ngấm vào dầu nền.

Sử dụng

  • Nếu bạn dùng tinh dầu tỏi trong vòng 2 ngày sau khi thực hiện thì mùi hương sẽ không được mạnh lắm.
  • Chỉ sử dụng trong vòng 5 ngày, lượng dầu dư thừa nên vứt đi để tránh bị ngộ độc botulism như đã nói ở trên.
  • Bạn có thể bảo quản tinh dầu tỏi trong tủ đông trong vòng 1 năm.

Công dụng của tinh dầu tỏi

Công dụng của tinh dầu tỏi

Tinh dầu tỏi chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu như các vitamin nhóm B và C, magie, canxi, kẽm, kali, phốt pho, sắt… giúp tăng cường miễn dịch và chống lại bệnh tật.

  • Ngăn ngừa cảm lạnh và cúm: Nhờ hợp chất allicin mà tinh dầu tỏi có khả năng kháng vi khuẩn và virus cực mạnh. Ngoài ra, tinh dầu tỏi còn có đặc tính thông mũi và long đờm, giúp trị các bệnh đường hô hấp như viêm phế quản.

Vì tinh dầu tỏi rất mạnh nên bạn chỉ cần một vài giọt là đủ. Để trị cảm cúm, bạn hòa 1 giọt tinh dầu tỏi với 1 thìa cà phê dầu thực vật. Sau đó dùng hỗn hợp này massage cột sống, ngực và bụng để giảm các triệu chứng cảm cúm.

[inline_article id=262458]

Để trị nhiễm trùng đường hô hấp, bạn hòa 30ml dầu dừa với 3 giọt tinh dầu tỏi và 3 giọt tinh dầu khuynh diệp. Sau đó massage lên ngực và trán.

  • Hỗ trợ trị nhiễm trùng da: Tinh dầu tỏi có thể trị nấm kẽ chân, ngứa vùng bẹn, mụn cóc và các loại nấm khác. Nó cũng có thể tham gia trị vẩy nến nhưng bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Ngoài ra, tinh dầu tỏi còn có thể trị mụn và làm mờ sẹo do mụn gây ra.

Để trị nhiễm trùng da, bạn hòa vài giọt tinh dầu tỏi vào nước ấm để dùng ngâm chân, ngâm rửa các vùng bị nấm, bị ngứa.

Hoặc bạn có thể hòa 60ml dầu hạnh nhân với 10 giọt tinh dầu tỏi, 5 giọt tinh dầu oải hương rồi ngâm móng, ngâm chân 2-3 lần mỗi ngày cho đến khi hết bị nấm.

Đối với mụn và sẹo mụn, bạn nhỏ một giọt tinh dầu tỏi vào một ít mặt nạ bùn (mud pack) rồi thoa lên mặt.

Bạn có thể đắp mặt nạ bùn với tỏi để trị mụn
Bạn có thể đắp mặt nạ bùn với tỏi để trị mụn
  • Giúp tóc khỏe mạnh: Sự có mặt của vitamin B6, vitamin E, B1 và C giúp ngăn ngừa tóc gãy rụng, trị gàu. Bạn pha 1 giọt tinh dầu tỏi với 30ml dầu nền rồi đổ lên chân tóc, sau đó chải đều từ gốc đến ngọn. Để qua đêm nhằm tăng tuần hoàn máu, giúp tóc mọc nhanh, loại bỏ cảm giác ngứa ngáy do gàu và tế bào chết gây ra.
  • Trị nhiễm trùng tai: Một số nghiên cứu cho rằng tinh dầu tỏi tốt hơn thuốc kháng sinh trong việc trị nhiễm trùng tai, đặc biệt đối với trẻ em bị viêm tai. Bạn hòa 1 thìa cà phê dầu ô liu với 2 giọt tinh dầu tỏi. Nhỏ 2-3 giọt hỗn hợp này vào tai bị viêm nhiễm. Thực hiện 1 lần mỗi ngày.
  • Trị viêm loét miệng, đau răng, sưng nướu: Miệng là vùng cư trú chính của vi khuẩn, khiến nơi đây dễ bị tấn công gây sâu răng, viêm nướu, lở loét miệng. Bạn có thể hòa 1 giọt tinh dầu tỏi với 1 thìa cà phê dầu dừa hoặc dầu ô liu để súc miệng, sau đó nhổ ra và đánh răng như bình thường. Bạn cũng có thể thấm hỗn hợp này vào tăm bông rồi thoa lên chỗ sâu răng hoặc vùng bị lở loét. Nhưng đừng bao giờ trực tiếp nuốt tinh dầu nhé.
  • Tăng cường năng lượng: Tỏi giúp thần trí tỉnh táo và tập trung, tăng cường năng suất. Bạn pha loãng 1 giọt tinh dầu tỏi với nước và xịt xung quanh phòng. Hít hương tinh dầu sẽ giúp cơ thể tăng cường năng lượng.
  • Giảm cholesterol và ngăn ngừa béo phì: Tinh dầu tỏi giúp giảm cholesterol trong máu và ngăn ngừa mảng bám động mạch tích tụ. Nó loại bỏ nước, chất béo dư thừa, muối và các độc chất ra khỏi cơ thể, đồng thời kiểm soát các tế bào chất béo. Hợp chất 1, 2-cinyldithiin trong tinh dầu tỏi còn ngăn ngừa tăng cân. Bạn có thể hòa 5 giọt tinh dầu tỏi với 30ml dầu mè rồi massage toàn thân để tăng tuần hoàn máu, tăng cường thải độc tố và nước thông qua mồ hôi và nước tiểu.

Những lưu ý khi dùng tinh dầu tỏi

Những lưu ý khi dùng tinh dầu tỏi
Massage bằng tinh dầu tỏi giúp nóng người, đổ mồ hôi, thải loại độc tố
  • Tinh dầu tỏi có tốc độ oxy hóa nhanh, do đó bạn nên dùng trong thời gian ngắn, tối đa là 5 ngày để ngăn ngừa nhiễm khuẩn salmonella hoặc botulism.
  • Không bao giờ thoa trực tiếp tinh dầu tỏi lên da vì có thể gây kích ứng. Bạn luôn phải hòa tinh dầu tỏi với nước ấm hoặc dầu nền trước khi sử dụng. Không để tinh dầu tỏi vấy vào mắt, tai, mũi, miệng khi nó ở trạng thái nguyên chất.
  • Để biết da mình có bị dị ứng với tinh dầu tỏi hay không, bạn thoa 1 xíu tinh dầu tỏi (đã pha loãng) lên mặt trong cánh tay rồi để trong 1 ngày. Nếu thấy da không bị kích ứng thì mới thoa lên những vùng khác.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú không nên dùng tinh tỏi.
  • Trẻ dưới 6 tuổi không nên dùng tinh dầu tỏi.
  • Người đang uống thuốc trị bệnh tim và thuốc kháng đông nên tham khảo bác sĩ trước khi dùng tinh dầu tỏi.

[inline_article id=260348]

Ngoài các công dụng trên, bạn còn có thể dùng tinh dầu tỏi để nấu ăn, trộn salad, thêm vào các món súp… giúp tăng cường sức khỏe từ trong ra ngoài. Vì tinh dầu tỏi chỉ bảo quản được trong thời gian ngắn nên mỗi lần thực hiện, bạn chỉ làm vài tép tỏi thôi nhé. Chúc bạn thành công với cách làm tinh dầu tỏi của MarryBaby.

Xuân Thảo