Categories
Chăm sóc sức khỏe gia đình Gia đình

3 cách nấu bó nước mát giải nhiệt đúng chuẩn người Hoa

Trùng hợp nếu bạn cũng đang tìm cách nấu nước mát của người Hoa tại nhà thì bài viết này là dành cho bạn. Trong đó, MarryBaby sẽ hướng bạn chỗ mua nguyên liệu, cách sơ chế và cả cách nấu đến thành phẩm nước mát. Xem ngay nào!

1. Nước mát, nước sâm giải nhiệt là gì?

Nước “sâm” – tên gọi chung cho các loại nước giải khát được nấu từ những vị thuốc Nam như rong biển, mía lau, rễ cỏ tranh, la hán quả, đường phèn… Ngoài ra, tùy điều kiện, thói quen và sở thích mà có thể nấu chung với râu bắp, bông cúc, kỷ tử, mã đề, lá đỏ…

Các loại nước mát và nước sâm giải nhiệt của người Hoa nhìn chung là khá an toàn. Vì nguyên liệu chủ yếu để nấu loại nước mát này chủ yếu là cây cỏ, thảo dược và các vị thuốc được sử dụng rộng rãi.

Nhiều người tìm cách nấu nước mát của người Hoa vì khả năng giải nhiệt của nó vào những ngày hè nóng bức.

2. Công dụng của nước mát, nước sâm giải nhiệt là gì?

Các loại nước mát và nước sâm theo truyền thống của người Hoa có công dụng giải nhiệt, cân bằng âm dương và hỗ trợ sức khỏe.

Một số công dụng khác của nước sâm giải nhiệt:

  • Giải nhiệt cơ thể: Những loại nước mát và nước sâm thường được dùng trong mùa hè hoặc trong thời tiết nóng để giải nhiệt cơ thể.
  • Giải độc gan: Các dược liệu có trong nước mát và nước sâm có thể giúp thanh lọc cơ thể, tăng cường chức năng gan và thận.
  • Hỗ trợ tiêu hóa: Một số loại nước mát; ví dụ như nước mát trái cây và nước mát thảo dược; có thể giúp cải thiện quá trình tiêu hóa, giảm triệu chứng khó tiêu, nôn mửa và tiêu chảy.
  • Tăng cường sức khỏe: Các thành phần dược liệu trong nước mát và nước sâm có thể cung cấp các dưỡng chất thiết yếu, vitamin và khoáng chất cho cơ thể; giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng cường sức khỏe tổng thể.
Công dụng của nước mát là gì? Làm thế nào để biết cách nấu nước mát chuẩn như người Hoa?

3. Nguyên liệu nấu nước mát bao gồm những gì?

3.1 Rong biển

Rong biển (海草) có hàm lượng dinh dưỡng cao, có chứa nhiều khoáng chất; đặc biệt là lượng canxi, iốt cao, hàm lượng cholesterol thấp. Bên cạnh đó, rong biển còn có chất fertile clement; đây là chất không thể thiếu của tuyến giáp, tốt cho thai phụ và trẻ em.

Theo y học cổ truyền, rong biển màu đen hoặc xanh, vị mặn, ngọt nhẹ, tính mát, quy vào kinh thận, bổ được thận âm và thận khí. Tạng thận là tạng chủ về thủy, tức là sự tươi mát, dẻo dai của cơ thể. 

3.2 Rễ cỏ tranh

Rể cỏ tranh
Rể cỏ tranh – Nguyên liệu trong cách nấu nước mát phổ biến

Theo Đông y, rễ cỏ tranh có màu trắng hoặc vàng nhạt, vị ngọt, tính hàn, vào các kinh tâm, phế, tỳ, vị và bàng quang. Có công dụng giúp thanh nhiệt, làm mát, lợi tiểu và thanh phế nhiệt.

3.3 Mía lau

Mía lau thân nhỏ, mảnh hơn so với các loại mía khác. Có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, trợ tỳ, kiện vị (giúp ăn ngon miệng), lợi đại tiểu trường (đi tiêu tiểu dễ), làm mát, giảm ho, giảm nóng, giải độc rượu, giải được các sức nóng của thuốc.

Đặc biệt, mía lau còng giúp sinh tân (làm mát bằng cách tạo thêm tân dịch) nên ít gây tác dụng phụ như lợi tiểu đến mất nước. Tuy nhiên, những người bị nóng trong người, có ho thì không nên dùng.

3.4 Râu bắp

Cách nấu nước mát là có dùng râu bắp không? Chắc chắc là không thể thiếu râu bắp
Cách nấu nước mát là có dùng râu bắp không? Râu bắp là không thể thiếu để nấu nước mát đúng cách

Râu bắp còn có tên gọi khác là ngọc mễ tu, có chứa nhiều loại vitamin. Theo y học cổ truyền, râu bắp có vị ngọt, tính bình, quy kinh thận, bàng quang, có công năng lợi tiểu, tiêu thũng (giảm phù), thông lợi mật, thanh huyết nhiệt (làm giảm nóng nảy, bứt rứt, mụn nhọt), chỉ huyết.

3.5 Bông cúc

Bông cúc (tên thuốc Bắc là cúc hoa) vị ngọt đắng, tính hơi hàn, qui kinh phế can thận. Bông cúc có tác dụng giải cảm hạ sốt tiêu viêm, giải độc (làm giảm sưng viêm các mụn nhọt), làm sáng mắt. 

3.6 Mã đề

Mã đề còn gọi là mã đề thảo, xa tiền thảo, xa tiền tử, nhả én. Tính mát, vị ngọt, quy kinh can, phế, tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt. Được dùng làm thuốc thông tiểu, chữa ho lâu ngày, viêm amidal, viêm bàng quang, đau mắt đỏ tác dụng lợi tiểu, giải độc.

Mã đề là một vị phụ thêm vào trong cách nấu các loại nước mát; tuy nhiên, không dùng cho người gầy ốm và hay khó tiêu lạnh bụng.

3.7 Bí đao

Bí đao có tác dụng giải nhiệt, phòng say nắng, khô miệng, mụn nhọt, ban sởi. Ngoài ra, ăn bí đao thường xuyên còn có tác dụng giảm cân, tốt cho người bị xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, huyết áp cao, bị phù do viêm thận.

Tuy nhiên, nấu nước mát đúng cách cần chú ý tuyệt đối không dùng bí đao sống; hoặc nước ép bí đao sống vì sẽ gây rối loạn tiêu hóa.

Trên thực tế, tùy theo sở thích, ảnh hưởng văn hóa, thể trạng cơ thể mà việc chọn nguyên liệu để nấu nước mát sẽ còn khác nhau. Và nguyên liệu để nấu nước mát là tương đối nhiều, ví dụ như nước uống mát gan 24 vị.

4. Cách nấu các loại nước mát theo chuẩn người Hoa

4.1 Cách nấu nước mát, nước sâm uống giải nhiệt

Cách nấu nước mát, nước sâm giải nhiệt
Cách nấu nước mát, nước sâm giải nhiệt

Nguyên liệu nấu nước mát, nước sâm:

  • 1 bó nguyên liệu nấu nước mát bao gồm: mía lau, rễ tranh, lá dứa, lá cây lẻ bạn, cây thuốc dòi, râu bắp.
  • Đường phèn (tùy ý).

Cách nấu nước mát giải nhiệt:

  • Bước 1: Rửa thật sạch tất cả các nguyên liệu nấu nước mát. Nhất là phải rửa sạch bùn đất ở rễ tranh và lá dứa.
  • Bước 2: Cho toàn bộ nguyên liệu vào cùng với 1,5 – 2 lít nước và nấu đến sôi. Nấu sôi liên tục khoảng 10 – 15 phút. (Lá dứa nên cho vào sau cùng khi chuẩn bị nấu xong)
  • Bước 3: Thỉnh thoảng bạn dùng vá để ép chặt các nguyên liệu để ra hết chất.
  • Bước 4: Sau khi nấu gần xong, bạn cho đường phèn vào, khuấy đều rồi bắt nồi xuống.
  • Bước 5: Lược lấy nước và uống nóng hoặc đợi nguội và uống với đá.

Thành phẩm:

Nước mát sau khi nấu sẽ có vị thanh mát, ngọt dịu vừa phải. Uống nước mát giúp thanh nhiệt cơ thể; nhất là những ngày trời nóng uống nước mát còn đã khát hơn.

4.2 Cách tự nấu nước mát sâm rong biển

Cách nấu nước mát sâm rong biển
Cách tự nấu nước mát sâm rong biển

Nguyên liệu để nấu nước mát sâm rong biển:

  • 1 bó nguyên liệu bao gồm: mía lau, rễ tranh, lá dứa, cây thuốc dòi.
  • 1 quả la hán quả.
  • Đường phèn 200g.
  • Rong biển khô 50g. Rong biển để nấu nước mát bạn chọn loại rong biển sợi phơi khô, có màu đen đậm. Bạn có thể mua ở Chợ Lớn hoặc tại các chợ nhỏ lẻ tại khu vực. Nếu muốn chắc chắn thì bạn có thể tìm mua ở khu vực đường Hải Thượng Lãn Ông, Quận 5.

Cách nấu nước mát sâm rong biển:

  • Bước 1: Rửa rong biển khô rồi ngâm ngập nước trong khoảng 30 phút. Khi rong biển đã nở ra thì mang đi rửa thật sạch để loại bỏ hết phần cát bám trên rong biển. Cắt trái la hán quả rửa sạch và cắt làm bốn. 
  • Bước 2: Cho tất cả nguyên liệu vào nấu cùng với 3 lít nước. Nấu sôi liên tục trong 20 phút để ra hết chất. (lá dứa nên cho vào cuối cùng)
  • Bước 3: Thỉnh thoảng bạn dùng vá để ép chặt các nguyên liệu để ra hết chất.
  • Bước 4: Cho đường phèn vào và khuấy đều trước khi bắt nồi xuống bếp.
  • Bước 5: Lược lấy nước và uống nóng hoặc đợi nguội và uống với đá.

Thành phẩm:

Nước sâm rong biển (海草) có mùi hương thảo mộc dịu mát xen chút mùi rong biển đặc trưng vô cùng dễ chịu. Nước sâm rong biển có màu đen loãng.

4.3 Cách tự nấu nước mát 24 vị của người Hoa

Cách nấu nước mát 24 vị theo chuẩn người Hoa
Cách tự nấu nước mát 24 vị theo chuẩn của người Hoa

Nguyên liệu để nấu nước mát 24 vị:

  • 3 khúc mía lau.
  • 1 bó rễ tranh.
  • 1 bó bông ngò rí.
  • 50g râu bắp.
  • 50g mã đề.
  • 3 cây lá sữa.
  • 80g đường phèn.
  • 6 lít nước.
  • Muối.

Hoặc bạn có thể nói là mua bó nguyên liệu nấu sâm 24 vị là người bán sẽ bán cho bạn đầy đủ các nguyên liệu cần thiết.

Cách nấu nước mát 24 vị:

  • Bước 1: Rửa sạch tất cả các nguyên liệu, sau đó ngâm rửa với nước muối khoảng 20 phút để loại bỏ vi khuẩn và các bùn đất. Sau đó để ráo.
  • Bước 2: Bó các nguyên liệu thành từng bó nhỏ; mía lau nên chặt thành từng khúc ngắn và đập dập dẹp.
  • Bước 3: Cho tất cả các nguyên liệu thảo dược vào trong nồi (trừ đường phèn) với 6 lít nước.
  • Bước 4: Đun sôi rồi đun nhỏ lửa trong khoảng 40 phút. Khi thấy nước chuyển thành màu nâu đậm là được. Tiếp tục lọc lấy nước bỏ bã. Cho thêm đường phèn vào rồi khuấy đều cho đường tan hết là được.
  • Bước 5: Lược sạch các nguyên liệu để lấy nước. Để ấm và uống là được.

Thành phẩm:

Nước mát 24 vị hay còn gọi là sâm 24 vị, là loại nước mát phổ biến đối với hầu hết người Hoa. Lý do là vi nước sâm 24 vị giúp mát gan, lợi tiểu, giải độc cơ thể…

Để có thể mua được nguyên liệu nấu nước mát 24 vị; bạn có thể tìm đến các cửa hiệu Đông Y gia truyền để được hướng dẫn và bán chính xác bộ nguyên liệu để nấu. Khu vực tập trung nhiều cửa hàng Đông Y nhất là ở khúc đường Trần Hưng Đạo (một chiều) ở quận 5.

5. Lưu ý khi uống nước mát và nước sâm mát gan

Các đồ uống được nấu từ cây cỏ, lá cây và rễ tự nhiên là tương đối an toàn và có lợi cho sức khỏe. Vì hầu như các loại nguyên liệu này không chứa chất gây hại; hay bị hóa chất ảnh hưởng. Bên cạnh đó, hương vị cũng thanh mát và dễ chịu.

Sau khi đã biết cách nấu nước mát, bạn cũng sẽ cần lưu ý vài điều để đảm bảo an toàn khi uống nước mát:

  • Không mua các nguyên liệu đã cũ, hoặc bị héo.
  • Hạn chế uống nước sâm vào buổi tối, buổi đêm.
  • Đối tượng nên tránh dùng nước mát: Trẻ sơ sinh; người đang bị tiêu chảy, hoặc người bệnh đang theo chế độ dinh dưỡng của bác sĩ.

Theo tổ chức y tế Rhode Island, các bác sĩ không phủ nhận công dụng của các loại trà, các loại nước mát nấu từ lá là tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên các bác sĩ cũng nói thêm:

Nếu lạm dụng các loại trà chứa caffein, làm tăng nhịp tim, kéo theo tăng huyết áp; nguy cơ cao sẽ nguy hiểm cho những ai đang mắc bệnh tim; cao huyết áp. Vậy nên, hãy uống vừa phải như một hình thức giải khát, và không làm dụng như thuốc chữa bệnh.”

Nhìn chung, có thể thấy rằng uống nước mát giải khát, giải nhiệt là tốt cho sức khỏe. Nếu có thời gian vào bếp, bạn có thể tham khảo phần nội dung cách nấu nước mát giải nhiệt mà MarryBaby đã đề cập ở trên để nấu cho gia đình cùng uống nhé.

[key-takeaways title=”Các bài viết liên quan:”]

[/key-takeaways]