Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Cảm cúm khi mang thai: Bật mí cách khắc phục đơn giản cho mẹ

Có thể trong quá khứ, mẹ đã nhanh chóng “tóm” lấy một vỉ kháng sinh để khắc phục cơn cảm cúm khi mang thai. Nhưng giờ đây chắc chắn mẹ sẽ tự hỏi: Chúng có an toàn không? Cùng MarryBaby bỏ túi một vài bí quyết hữu ích giúp bạn trị cảm cúm khi mang thai trong bài viết dưới đây nhé.

Nguyên nhân gây cảm cúm khi mang thai

Virus gây cúm lây nhiễm vào phổi, mũi và cổ họng của bạn, gây ra các triệu chứng hô hấp tương tự như cảm lạnh. Bạn có thể bị cúm do hít phải virus này trong không khí hoặc chạm vào thứ gì đó có virus cúm trên đó.

Bệnh cúm dễ lây lan bắt đầu từ một ngày trước khi các triệu chứng bắt đầu và từ 5-7 ngày sau khi cảm thấy ốm. Điều này có nghĩa là mẹ có thể bị lây bệnh cúm bởi người khác trước khi mẹ hoặc người đó biết chính họ bị bệnh.

Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm

Trước tiên khi tìm hiểu cách khắc phục tình trạng cảm cúm khi mang thai, bạn cần phân biệt được cảm cúm và cảm lạnh. Cảm lạnh do một số siêu vi thông thường gây ra. Chúng khiến bạn có những triệu chứng bệnh nhẹ đến trung bình như: hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ho khan, sốt nhẹ,… Trong khi đó, cúm lại do virus Influenzae gây ra. Khi mắc cúm, bạn có thể sốt cao, ớn lạnh, cơ thể đau nhức, ăn uống mất ngon,…

Cảm cúm khi mang thai có nguy hiểm không?

1. Sức đề kháng yếu ớt hơn

Khi mang thai, hệ miễn dịch của bạn không còn sắc bén như thường lệ nữa. Điều này là do điều chỉnh của cơ thể để bảo vệ sự tồn tại của thai nhi. Nhưng cũng chính vì vậy mà các mẹ bầu dễ mắc cảm cúm hay các loại vi khuẩn khác. Nếu bị cảm cúm, mẹ cũng dễ bị biến chứng như viêm phổi hay phế quản. Vì vậy, tiêm ngừa cúm từ trước khi mang thai khoảng 3 tháng là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả cho các mẹ.

2. Gây dị tật ở bé

Bị cảm cúm khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé. Sốt có thể gây dị tật ống thần kinh và các vấn đề khác ở trẻ đang phát triển.

3. Nguy cơ sảy thai, sinh non, bé sinh ra nhẹ cân

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cảm cúm khi mang thai làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và sinh con nhẹ cân.

Cảm cúm
Mùa mưa và sự thay đổi thời tiết tạo điều kiện thuận lợi cho cảm cúm xuất hiện

 

Cách chữa cảm cúm khi mang thai

1. Điều trị y khoa

Khi mang thai bị cảm cúm, bác sĩ có thể kê đơn thuốc khánh virus cho mẹ. Mặc dù thuốc kháng virus không giúp chữa khỏi bệnh cúm, nhưng chúng có thể giúp ngăn chặn các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Nhiều bác sĩ có thể ưu tiên dùng Oseltamivir uống kháng vi-rút (Tamiflu®) cho người mang thai vì tính an toàn của nó đối với thai kỳ.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể được bác sĩ đề xuất các loại thuốc khác an toàn trong thai kỳ kèm chỉ dẫn cụ thể như:

  • Acetaminophen (Tylenol®) để giảm các triệu chứng cúm, đặc biệt là sốt.
  • Dextromethorphan (Robitussin®-DM hoặc Delsym®), guaifenesin (Mucinex®) hoặc thuốc ho để giảm các triệu chứng hô hấp.

2. Chăm sóc tại nhà

Nếu bạn lo lắng về bệnh cúm, cần đến khám ở các phòng khám, bệnh viện và nghỉ ngơi nhiều. Không nên gắng sức cho đến khi hoàn toàn bình phục. Ngoài ra, bạn cũng cần những biện pháp chữa trị tại nhà như:

  • Cố gắng ăn uống đầy đủ chất
  • Uống nhiều nước để tránh mất nước và điện giải
  • Nằm nghỉ ngơi và tránh đừng để chảy mồ hôi nhiều vì nóng bức. Nhiệt độ cao không tốt cho em bé của bạn

>>Xem thêm: Bà bầu bị cảm lạnh phải làm sao? Cách chữa cảm lạnh cho bà bầu tại nhà

Cách phòng ngừa cúm khi mang thai

Bên cạnh cách xử lý cảm cúm khi mang thai, tốt nhất, mẹ vẫn nên nắm rõ cách phòng ngừa căn bệnh này để bảo vệ an toàn cho mẹ và bé.

  • Rửa tay thường xuyên.
  • Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.
  • Tránh chạm vào mắt hoặc mũi của bạn.
  • Làm sạch các bề mặt ở nhà và nơi làm việc bằng chất khử trùng.
  • Che miệng và mũi của mẹ bằng khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc buộc phải tiếp xúc với người bệnh

Tiêm phòng cúm có an toàn khi mang thai không?

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tính an toàn và hiệu quả của vaccine cúm trong thời kỳ mang thai. Đó là biện pháp bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh cúm cho người mang thai.

Tiêm phòng cúm khi mang thai có gây hại cho em bé không?

Câu trả lời là Không. Tiêm phòng cúm có thể có lợi cho em bé trong thời kỳ mang thai. Khi bạn tiêm vaccine này trong thai kỳ, các kháng thể chống lại bệnh cúm sẽ truyền sang con qua nhau thai. Hơn nữa, sữa mẹ cung cấp các kháng thể tương tự sau khi sinh, giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh cúm tốt hơn.

>>Xem thêm: Mục giải đáp: Tiêm vaccine có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Trên đây là chia sẻ của MarryBaby về tình trạng cảm cúm khi mang thai và cách điều trị. Hy vọng những lời khuyên trên sẽ giúp mẹ sớm khắc phục căn bệnh này.

MarryBaby

Categories
Mang thai Biến chứng thai kỳ

Cảm cúm khi mang thai: Mách mẹ 11 cách chữa vô cùng đơn giản

Cảm cúm khi mang thai khiến mẹ mệt mỏi, mất sức gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ. Các bà bầu rất dễ mắc phải loại bệnh này trong mùa đông, xuân và ở thời điểm đầu tiên của thai kỳ khi hệ miễn dịch bắt đầu suy yếu do những thay đổi của nội tiết tố.

Bình thường bệnh cảm cúm rất dễ chữa, chỉ cần uống thuốc tây là khỏi, thế nhưng khi mang thai thì việc sử dụng thuốc một cách bừa bãi là không an toàn cho thai nhi. Cho nên mẹ cần tìm đến những biện pháp khác trước khi sử dụng thuốc để không ảnh hưởng đến em bé. MarryBaby xin chia sẻ những cách chữa cảm cúm khi mang thai tự nhiên, đơn giản và an toàn cho thai kỳ, mẹ có thể theo dõi ngay sau đây nhé.

Chữa cảm cúm khi mang thai bằng những việc đơn giản

1. Súc miệng bằng nước muối

Nếu có triệu chứng rát cổ họng hoặc ho dai dẳng, mẹ bầu hãy súc miệng ngay với nước ấm pha chút muối mỗi ngày vài lần. Nước muối có tính sát khuẩn tự nhiên nên cổ họng mẹ sẽ được làm dịu ngay lập tức.

2. Kê gối cao khi nằm ngủ

Có một giấc ngủ ngon mỗi đêm là cách đơn giản để chăm sóc sức khỏe mẹ và bé. Tuy nhiên, nếu bị cảm cúm khi mang thai mẹ bầu khó có thể ngủ ngon giấc. Các triệu chứng sẽ trở nên nặng hơn khi về buổi tối hoặc khuya làm các mẹ thấy khó thở. Khi gặp trường hợp này, mẹ bầu nên chồng nhiều gối lên và kê gối cao khi nằm ngủ để giảm nghẹt mũi.

>>Xem thêm: Triệu chứng mất ngủ khi mang thai và cách khắc phục cho bà bầu

3. Hơi nước

Mẹ bầu có thể sử dụng máy phun sương hoặc máy xông hơi để thư giãn nếu bị cảm cúm khi mang thai 3 tháng đầu hoặc bất kỳ giai đoạn nào trong thai kỳ.

Đặt tô nước nóng trước mặt để hơi nước bốc lên hoặc xả vòi nước nóng trong nhà tắm, đóng kín cửa và thư giãn. Không khí ấm áp và ẩm ướt sẽ giúp bạn bớt nghẹt mũi. Nhưng chú ý đừng nên thực hiện quá lâu nhé. 

4. Dùng tinh dầu

Các loại tinh dầu tự nhiên như oải hương, bạch đàn và cây chè có thể làm dịu, giải tỏa và hỗ trợ hô hấp hiệu quả khi mang thai bị cảm cúm. Mẹ bầu có thể pha loãng tinh dầu, thoa lên ngực, lòng bàn chân hoặc bất kỳ nơi nào bạn cảm thấy dễ chịu.

5. Dùng thuốc nhỏ mũi

Nếu xuất hiện các triệu chứng cảm cúm khi mang thai, mẹ bầu nên dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi. Nước muối giúp làm mềm gỉ mũi để mẹ dễ dàng vệ sinh sạch sẽ. Ngoài ra, nước muối còn có tính sát khuẩn nên sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn và làm cho mũi ẩm ướt, dễ chịu hơn.

6. Uống nhiều đồ nóng

Uống đủ nước trong giai đoạn này là nhiệm vụ tối quan trọng, vừa tốt cho bé, vừa tốt cho sức khỏe của bạn. Tốt nhất, mẹ bầu nên nhâm nhi tách trà nóng, nước ấm pha chanh và mật ong. Hơi nóng sẽ làm dịu chứng viêm họng và nghẹt mũi.

7. Thường xuyên xì mũi

Khi bị cảm cúm khi mang thai sẽ có nhiều dịch nhầy trong mũi của mẹ bầu. Việc hỉ mũi làm chất nhầy thoát ra ngoài cũng là một cách để loại bỏ bớt vi khuẩn ra khỏi đường thở. Tuy nhiên, mẹ cần hỷ vào tờ giấy rồi cuộn lại cho vào thùng rác chứ không nên hỉ mũi lung tung ra môi trường để tránh lây bệnh cho người khác nhé. Và trước khi hỉ mũi, mẹ bầu nên dùng nước xịt mũi làm dịch mũi lỏng ra sẽ dễ dàng cho việc hỉ mũi hơn nhé. 

8. Bổ sung vitamin

Chanh mật ong giàu vitamin C giúp mẹ bầu tăng cường sức đề kháng. Không chỉ vậy, các thực phẩm này còn giúp trị viêm họng hiệu quả và an toàn cho thai kỳ. Bên cạnh đó, tắc chưng đường phèn cũng là một trong những bài thuốc cảm trị viêm họng an toàn mà mẹ bầu nên thử.

Ngoài ra, mẹ nên bổ sung kẽm để giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống bổ sung nhé.

>>Xem thêm: Bà bầu có nên uống vitamin tổng hợp? Những lưu ý quan trọng mẹ phải biết

Các cách chữa cảm cúm khi mang thai bằng kinh nghiệm dân gian

1. Cách chữa cảm cúm khi mang thai bằng phương pháp xông tinh chất tỏi

Vị hăng hăng của tỏi có thể khiến bạn rất khó chịu. Tuy nhiên, đây là loại gia vị đặc biệt, có công dụng như 1 loại thuốc để trị bệnh cúm rất hiệu quả. Trong tỏi có chứa chất kháng sinh allicin, giúp chống lại các virus gây bệnh. Tinh dầu tỏi giàu glycogen và alen, fitonxit- là những chất có khả năng diệt khuẩn, sát trùng, chống viêm nhiễm. Ngoài ra, tỏi cũng rất giàu vitamin và các khoáng chất nên rất tốt cho sức khỏe bà bầu.

Cách thực hiện:

  • Lấy vài nhánh tỏi giã nhỏ cho đến khi sền sệt
  • Cho tỏi đã giã vào một cái chén và đặt trước mũi để ngửi.

Đây là cách làm đơn giản và rất an toàn để chữa cảm cúm khi mang thai. Nếu muốn “đánh bay” cảm cúm nhanh hơn, bạn có thể giã tỏi để uống với nước.

>>Xem thêm: Bà bầu ăn tỏi được không? Đọc ngay kẻo hối hận mẹ nhé!

2. Chữa cảm cúm khi mang thai bằng lá tía tô, kinh giới

Trong dân gian, tía tô và kinh giới được xem là hai vị thuốc cảm mạo phong hàn, có vị cay tính ấm, trị đau nặng đầu, sưng họng, buồn nôn do lạnh. Ngoài ra, tía tô cũng là một vị thuốc dùng để an thai. Cho nên khi mang thai bị cảm cúm, mẹ bầu có thể dùng bài thuốc này để giảm bớt các triệu chứng khó chịu nhé.

Cách thực hiện:

  • Lấy lá tía tô và kinh giới mỗi thức một nắm rửa sạch, để ráo nước
  • Cho hai loại lá cùng 2 bát nước vào nồi đun sôi đến khi nước trong nồi chỉ còn lại khoảng 1 bát
  • Múc nước ra bát để tới khi bớt nóng thì uống

Ngoài ra, mẹ có thể nấu cháo trứng với lá tía tô hoặc lá kinh giới để ăn lúc nóng. Cháo này cũng có tác dụng trị cảm cúm hiệu quả vì nó giúp thải độc ra khỏi cơ thể thông qua việc toát mồ hôi.

3. Chữa cảm cúm khi mang thai bằng cách xông lá thảo dược

Vỏ bưởi, cây sả, gừng, lá chanh, húng quế… có vị cay, tính ấm có tác dụng trị cảm cúm rất hiệu quả, đặc biệt là khi kết hợp với các loại lá xông thảo dược khác.

Cách thực hiện:

  • Lấy khoảng 50-100g gồm 5- 7 loại lá xông kể trên rửa sạch
  • Cho các loại lá vào nồi đổ ngập nước, đậy nắp thật kín, đun cho tới sôi
  • Khi nước sôi đun tiếp 3-5 phút nữa thì bắc nồi nước xuống
  • Bạn ngồi cạnh nồi nước mở hé vung rồi trùm kín cả người cả nồi nước để xông. Bạn hãy hít thở thật đều để hơi nước đi sâu vào mũi, giúp làm sạch vi khuẩn và thông đường thở.
  • Thời gian xông khoảng 15-30 phút tùy vào khả năng chịu đựng của bạn. Sau khi xông xong hãy dùng khăn lau khô mồ hôi và mặc quần áo

Bà bầu nên xông khoảng 2 -3 ngày liên tiếp để loại bỏ hết virus và độc tố ra khỏi cơ thể để chữa cảm cúm khi mang thai. Bạn có thể kết hợp cách xông lá thảo dược với việc ăn một tô cháo giải cảm, hoặc uống một ly nước chanh có bỏ thêm chút muối để đạt hiệu quả nhanh hơn nhé.

>>Xem thêm: Bà bầu có nên xông vùng kín không? Bật mí 6 rủi ro khi xông khiến mẹ bất ngờ

Ngoài ra, bà bầu có thể dùng một số loại thức uống có công dụng trị cảm lạnh như: trà chanh với mật ong, trà gừng với chanh, trà hoa cúc để uống nếu có dấu hiệu cảm cúm khi mang thai nhé.