Cẩm nang mang thai là hành trang mà chị em nào cũng nên chuẩn bị. Vì điều này sẽ giúp bạn có cách chăm sóc tốt hơn cho thai kỳ của mình. Từ chuyện làm thế nào để ngủ ngon, con khỏe mạnh thông minh, cho đến việc cân bằng cảm xúc để luôn vui vẻ hạnh phúc. Hãy cùng Marry Baby đi tìm bí quyết để có một thai kỳ vui khỏe qua cẩm nang mang thai và sinh con trong bài viết này nhé.
Đo chỉ số IQ của bà bầu
Bằng cách chọn đáp án cho các câu hỏi dưới đây, bạn sẽ biết được mình đã chuẩn bị tốt cho kỳ mang thai hay chưa nhé.
♦ Câu hỏi số 1: Vì sao bà bầu nên thăm khám thai kỳ từ sớm?
a. Để đo nhịp tim của thai nhi
b. Để dự đoán ngày dự sinh
c. Để giám sát và kiểm tra những vấn đề sức khỏe hiện có và tiềm ẩn
d. Cả b và c
♦ Câu hỏi số 2: Ngay khi biết tin mang thai, bạn nên dừng hết tất cả các loại thuốc đang uống?
a. Đúng
b. Sai
♦ Câu hỏi số 3: Bệnh nhiễm ký sinh trùng (Toxoplasma) gây nguy hiểm nghiêm trọng cho bà bầu không phải do nguyên nhân nào sau đây gây ra?
a. Ăn thịt chưa nấu chín
b. Tiếp xúc với phân mèo
c. Tiếp xúc với phân chó
d. Uống sữa chưa tiệt trùng
e. Ăn trứng sống
♦ Câu hỏi số 4: Hằng ngày nên nạp bao nhiêu axít folic để tăng khả năng thụ thai và đủ nhu cầu thiết yếu cho thời kỳ đầu mang thai?
a. 400 microgram
b. 800 microgram
c. 1 milligram
d. 5 milligram
♦ Câu hỏi số 5: Bà bầu nên tránh áp dụng các liệu pháp làm đẹp nào?
a. Trị mụn theo toa
b. Nhuộm tóc
c. Sơn móng tay
d. Nhuộm màu da
♦Câu hỏi số 6: Điều nào sau đây không gây ra biến chứng sinh non?
a. Bệnh liên quan đến răng nướu
b. Quan hệ tình dục
c. Đứng quá lâu
d. Viêm nhiễm âm đạo
e. Không có điều nào đúng
♦ Câu hỏi số 7: Gan động vật chứa nhiều sắt và các dưỡng chất rất bổ, nhưng bầu không nên nạp nhiều món ăn này trong thai kỳ?
a. Đúng
b. Sai
♦ Câu hỏi số 8: Tiêm phòng cúm khi mang thai an toàn, kể cả tiêm vào 3 tháng đầu?
a. Đúng
b. Sai
♦ Câu hỏi số 9: Nếu tình hình cân nặng của bạn trước khi mang thai thuộc hạng dư thừa, bạn chỉ nên tăng khoảng 4.5kg-7kg trong suốt thai kỳ?
a. Đúng
b. Sai
♦ Câu hỏi số 10: Bà bầu được khuyến cáo chỉ nên dùng 300mg caffeine mỗi ngày trong thai kỳ. Món nào trong số 5 món sau chứa lượng caffeine thấp nhất?
a. 1 viên kem cà phê
b. 30ml cà phê
c. 230mg chocolate
d. 60ml cà phê sữa đá xay
Bầu đã trả lời xong chưa? Dù kết quả không như mong đợi, bầu vẫn có thêm rất nhiều thông bổ ích để cập nhật vào cuốn cẩm nang mang thai của riêng mình. Kiểm tra nào!
Câu hỏi số 1: Đáp án D
Xác định ngày dự sinh rất quan trọng. Dựa vào ngày “hết hạn” của thai kỳ, bác sĩ và các y tá mới có thể theo dõi chính xác sức khỏe và sự an toàn cho bà bầu và thai nhi. Khi thai quá ngày dự sinh, nhau thai bắt đầu xuống cấp, không còn đủ “sức khỏe” để chăm sóc và nuôi dưỡng bé con. Nếu tình trạng không tốt, nhịp tim của bé và lượng nước ối có thể phát triển theo chiều hướng xấu. Mổ bắt con lúc này là phương án duy nhất mang tính chất quyết định.
Sàng lọc tình trạng sức khỏe hiện thời và tiềm ẩn cũng không kém phần cần thiết. Dựa trên bảng theo dõi, bác sĩ sẽ giúp bà bầu bảo vệ và ngăn ngừa những nguy cơ gây biến chứng thai kỳ trong suốt 9 tháng mang thai. Nếu có triệu chứng cao huyết áp, tiểu đường, động kinh hoặc các vấn đề sức khỏe khác, bác sĩ sẽ kê toa cho bạn những loại thuốc an toàn có thể dùng được khi mang thai.
Tại sao biết được nhịp tim không quan trọng vào những ngày đầu của thai kỳ? Đơn giản, đến tuần thứ 6 thai nhi mới bắt đầu có nhịp tim. Thời gian sau đó điều này mới bắt đầu trở nên quan trọng.
Câu hỏi số 2: Đáp án B
Về vấn đề thuốc thang, bệnh tật, bà bầu nên nhường quyền quyết định cho bác sĩ. Đúng rằng một số loại thuốc điều trị bệnh như hen suyễn, trầm cảm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, việc dừng đột ngột sẽ tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn. Đừng để thuốc hay bệnh làm hại chính mình, cũng như bé con.
Câu hỏi số 3: Đáp án C
Nếu nhà bạn đang nuôi một chú chó, bạn có thể yên tâm sống chung với thú cưng này trong thai kỳ. Nếu là mèo, an toàn nhất bạn nên “tạm biệt” người bạn thân thương này một thời gian. Bệnh nhiễm ký sinh trùng gây ra bởi toxoplasma gondii, nhanh chóng truyền qua nhau thai, dẫn đến những khuyết tật về não, mắt, tim và các cơ quan khác. Triệu chứng của bệnh thường khó phát hiện, như cúm hoặc không có gì cả.
Ký sinh trùng nguy hiểm này còn lây qua thịt bị nhiễm bệnh chưa nấu chín, trứng sống, sữa chưa tiệt trùng. Trái cây, rau quả không rửa sạch cũng không ngoại lệ. Chó có thể nhiễm toxoplasmosis, nhưng lại không có khả năng truyền bệnh.
Câu hỏi số 4: Đáp án D
Các chuyên gia y tế khuyên rằng bạn nên dùng 5mg axít folic hằng ngày khi đang thụ thai và duy trì số lượng này vào 12 tuần đầu tiên của thai kỳ. 4mg giúp ngăn chặn 40-50% khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi, nhưng 5mg lại ngăn được đến 80%.
Câu hỏi số 5: Đáp án A
Chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào chứng minh thuốc nhuộm tóc có thể gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai, trừ những người làm việc trong môi trường sản xuất sản phẩm này và phải tiếp xúc với một lượng lớn hóa chất hằng ngày. Tuy nhiên, cẩn tắc vô áy náy. Để an toàn, bạn không nên nhuộm tóc vào 3 tháng đầu mang thai, hạn chế đổi màu tóc 8 tuần/lần. Ngoài ra, tuyệt đối tránh nhuộm màu vĩnh viễn, bởi hóa chất trong thuốc mạnh có thể hấp thụ qua da vào máu.
Sơn móng tay và sản phẩm nhuộm da hầu hết được khuyến cáo là không tốt cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, không ít hãng sản xuất cam kết rằng trong thành phần sản phẩm không chứa những “nghi phạm” gây hại cho bà bầu. Mặc dù vậy, bà bầu vẫn nên hạn chế hết sức có thể. Khi đi ra tiệm nail làm sạch móng, bạn nên chọn cửa hàng có hệ thống thông gió, vì môi trường bí sẽ làm bầu bị ảnh hưởng bởi hóa chất độc hại xung quanh.
Câu hỏi số 6: Đáp án B
Hầu hết bà bầu đều có thể thoải mái quan hệ với anh xã vào những tuần cuối của thai kỳ mà không lo bị sinh non, dĩ nhiên phải “yêu đương” nhẹ nhàng. Tuy vậy, nếu đã có triệu chứng sinh non, hoặc tiền sử sinh non, hay những vấn đề liên quan đến động thai, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn tránh quan hệ tình dục.
Câu hỏi số 7: Đáp án A
Liều lượng quá cao của vitamin A trong gan có thể gây ra dị tật đường tiết niệu và hệ thống thần kinh trung ương trong bào thai. Nhiều bác sĩ khuyến cáo bà bầu nên tránh ăn nội tạng động vật vào những tháng đầu của thai kỳ. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng còn khuyên rằng bầu chỉ nên nạp 110mg gan động vật mỗi tuần suốt thời kỳ mang thai.
Câu hỏi số 8: Đáp án A
Vắc xin cúm không gây ra bất kỳ rủi ro nào với bà bầu. Bạn nên tiêm phòng cúm trước hoặc trong khi mang thai, kể cả vào 3 tháng đầu để phòng tránh nguy cơ bị viêm phổi. Sốt cho viêm phổi gây ra là mối nguy hiểm khôn lường của khuyết tật ống thần kinh. Sốt cao còn gây khó chịu tử cung, dẫn đến sinh non.
Câu hỏi số 9: Đáp án B
Tăng cân quá nhiều tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường, sinh trẻ thừa cân, và bắt buộc phải sinh mổ. Trong khi đó tăng cân quá ít lại làm bé con suy dinh dưỡng. Phụ nữ thừa cân nên tăng khoảng 7-10kg, béo phì tăng khoảng 7kg, bình thường tăng 11-15kg, thiếu cân tăng 12-18kg.
Câu hỏi số 10: Đáp án D
Cafein với lượng vừa phải không tăng nguy cơ sảy thai hoặc dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Tuy nhiên, số lượng nhiều hay ít dường như rất khó đoán và bạn nên cực kỳ cẩn trọng khi sử dụng loại thực phẩm thơm ngon này.
Cẩm nang mang thai để có một thai kỳ khỏe mạnh
1. Chuẩn bị mang thai kỹ càng
Mẹ có biết để có một thai kỳ hoàn hảo, bạn phải bắt tay vào chuẩn bị từ 3-6 tháng trước khi mang thai. Theo nghiên cứu, bổ sung axit folic trước khi mang thai ít nhất 3 tháng có thể làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh và ngăn ngừa dịch tràn não thai nhi.
Ngoài ra, khi mang thai, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động kém hơn bình thường khiến nguy cơ nhiễm bệnh của bạn cũng tăng lên. Tiêm phòng trước khi mang thai không chỉ giúp bạn tránh được những căn bệnh nguy hiểm mà còn giúp giảm nguy cơ dị tật ở thai nhi, tăng cường sức đề kháng của thai nhi ngay từ trong bụng mẹ.
2. Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Dinh dưỡng khi mang thai là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng, là mối quan tâm hàng đầu của đa số mẹ bầu. Thông qua nhau thai, bé cưng có thể hấp thụ chất dinh dưỡng từ mẹ. Chỉ cần lơ là một chút, mẹ bầu không chỉ làm ảnh hưởng sức khỏe bản thân mà còn gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi.
3. Cẩm nang mang thai: Bổ sung vitamin hợp lý
Thông qua thực phẩm hằng ngày, bạn có thể giúp cơ thể nặp vào một lượng vitamin và khoáng chất nhất định. Tuy nhiên, đối với một số loại vitamin và chất khoáng rất khó để hấp thu, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được tăng cường thêm bằng đường uống. Đặc biệt lưu ý liều lượng, thừa hay thiếu vitamin cũng có thể gây nguy hiểm cho thai kỳ của bạn.
4. Tập thể dục thường xuyên
Không chỉ giúp mẹ bầu có sức khỏe dẻo dai, những bài tập thể dục khi mang thai còn giúp bạn vượt qua quá trình sinh con một cách dễ dàng hơn. Ngoài ra, tập thể dục giúp tâm trạng bạn thư giãn, thoải mái, ngăn ngừa tình trạng stress khi mang thai. Tuy nhiên, mẹ bầu cần lưu ý không được để cơ thể quá nóng và tránh tình trạng mất nước khi tập thể dục.
5. Nghỉ ngơi đầy đủ
Nghỉ ngơi là cách để cơ thể phục hồi năng lượng sau những mệt mỏi của cuộc sống hằng ngày. Chỉ khi ngủ đủ giấc, ngủ đủ, thư giãn đúng cách, mẹ bầu mới có thể trải qua một thai kỳ suôn sẻ và khỏe mạnh. Yoga, massage, các bài tập hít thở là những cách tuyệt vời chống lại căng thẳng và giúp mẹ bầu có một giấc ngủ sâu hơn.
6. Nói không với rượu khi mang thai
Khi bạn uống rượu, nồng độ cồn sẽ thông quá máu, nhau thai và truyền đến thai nhi. Điều nguy hiểm là mức độ cồn bé tiếp nhận được có thể cao hơn nồng độ trong máu của bạn. Uống rượu khi mang thai dễ khiến trẻ bị sinh nhẹ cân, tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, thai chết lưu, sảy thai, sinh non hoặc ảnh hưởng đến khả năng tập trung, ngôn ngữ và biểu hiện hành vi của trẻ sau khi sinh.
7. Cẩm nang mang thai: Cẩn thận với các loại thuốc
Nếu cảm thấy quá mệt mỏi và cần sự trợ giúp từ thuốc men, mẹ bầu nên tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ, không nên làm liều. Hậu quả sẽ không ai lường trước được, đặc biệt khi bà bầu uống thuốc khi mang thai 3 tháng đầu.
Dùng thuốc không đúng cách hoặc sai liều lượng có thể có thể gây ra dị tật thai nhi, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến sảy thai, sinh non.
8. Dừng hút thuốc
Dù chỉ một vài điếu thuốc khi mang thai cũng có thể khiến những chất cực độc như nicotine và chì có cơ hội “len lỏi” vào cơ thể bé thông qua nhau thai, cản trở sự lưu thông của chất dinh dưỡng và oxy. Hậu quả, bé cưng sẽ kém phát triển, dễ có nguy cơ bị sinh non và vô cùng yếu ớt. Vì sức khỏe của con, mẹ nên nói không hoàn toàn với thuốc lá.
9. Cắt giảm caffeine
Phụ nữ tiêu thụ nhiều hơn 200mg caffeine mỗi ngày có nguy cơ sảy thai cao hơn bình thường gấp 2 lần và ảnh hưởng khả năng hấp thu sắt của cơ thể, dễ gây nên tình trạng thiếu máu thường gặp ở hầu hết mẹ bầu. Các loại nước uống có ga, nước ngọt, trà cũng có một lượng caffeine nhất định. Vì vậy bạn nên cắt giảm các loại chất này nhé.
10. Loại bỏ mối nguy hiểm từ môi trường xung quanh
Những công việc liên quan đến các loại hóa chất và các loại kim loại nặng như chì, thủy ngân có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe mẹ và bé. Ngoài ra, các loại sản phẩm tẩy rửa, thuốc trừ sâu, dung môi và chì trong nước uống từ đường ống cũ cũng có thể gây hại. Vì vậy mẹ bầu nên cải thiện môi trường làm việc của mình nhé.
11. Bảo vệ sức khỏe răng miệng
Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai là nguyên nhân gây nên các vấn đề răng miệng cho mẹ bầu. Theo nghiên cứu, vi khuẩn gây nha chu có thể theo đường máu đến tử cung của mẹ bầu và gây nên tình trạng sinh non. Vệ sinh răng miệng cẩn thận khi mang thai không chỉ giúp mẹ bầu giữ vệ sinh mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe thai nhi.
12. Học cách chia sẻ cảm giác với chồng
Thường xuyên chia sẻ cảm giác khó chịu trong thai kỳ có thể giúp mẹ bầu thư giãn và làm dịu sự khó chịu. Tuy nhiên, nếu bạn phàn nàn quá nhiều, người cảm thấy khó chịu ngược lại sẽ là anh xã của bạn. Chính vì vậy, bạn cần tiết chế sự càu nhàu lại để không khí trong nhà luôn vui vẻ nhé.
13. Cẩm nang mang thai: Thư giãn tại nhà
Bạn có thể sử dụng hỗn hợp đường nâu và mật ong để tẩy da chết. Sau đó, trộn bơ và một ít dầu oliu cho đến khi tạo thành một hỗn hợp nhuyễn, mịn và thoa lên mặt. Để nguyên trong 10 phút và rửa sạch lại bằng nước ấm. Cảm giác có một gương mặt với làn da căng mịn sẽ giúp bầu thoải mái hơn nhiều.
Tự tạo niềm vui cho bản thân bằng những cách của riêng bạn, chẳng hạn như làm một kiểu tóc yêu thích hoặc nằm dài đọc sách cả ngày, hay thử chế biến một loại bánh mới. Thử trải nghiệm cảm giác tự thư giãn với sở thích riêng đó trong 1 tuần và nếu vẫn cảm thấy hứng thú với chúng trong tuần kế tiếp, bạn nên thực hành thường xuyên hơn.
14. Ngó lơ những thông tin không cần thiết
Khi mang thai, mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn hẳn vì vậy, chỉ cần một thông tin không vui nhỏ cũng khiến tâm trạng của mẹ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.
15. Cẩm nang mang thai: Học cách hít thở
Trước tiên, mẹ hít một hơi thật sâu vào ngực, sau đó thở chậm từ từ ra ngoài. Lặp lại 3 lần. Vừa thở, mẹ có thể vừa tưởng tượng những điều tốt đẹp mà bạn có thể làm cho bé con của mình. Cách này giúp bạn cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn. Thậm chí, theo nhiều chuyên gia, việc học cách hít thở như vậy còn tốt hơn nhiều so với những bài tập thể dục thông thường.
16. Đừng ngưng các cuộc hẹn hò
Mỗi tuần, mẹ bầu nên dành thời gian thư giãn cùng những người bạn thân để tạo cảm giác tự tin và không cảm thấy bị gò bó trong ngôi nhà chật hẹp.
Cẩm nang mang thai để mẹ bầu có giấc ngủ ngon
1. Cẩm nang mang thai 3 tháng đầu
♦ Thêm giấc ngủ ngắn. Tranh thủ chợp mắt vào buổi trưa để bù vào số giờ ngủ bị hao hụt đôi chút đêm qua. Giấc ngủ ngắn phù hợp là khoảng 30-45 phút, và nên ngủ trước 16 giờ.
♦ Tư thế ngủ: Hiện tượng trào ngược khi mang thai ở 3 tháng đầu rất dễ làm bà bầu khó chịu khi ngủ. Để giảm bớt tình trạng này, khi ngủ, bầu nên nằm gối cao vừa phải. Có thể chèn thêm gối dưới lưng, khoảng 30 độ để dễ chịu hơn khi ngủ.
♦ Mẹo đối phó với chứng mất ngủ: Đừng cố gắng ngủ bằng mọi giá nếu không thể. Thay vào đó, bầu nên tránh xa giường chiều, thư giãn bằng cách đọc sách, nghe nhạc, thiền hoặc ăn một chén súp nóng, uống sữa ấm. Khoảng 10-15 phút sau, quay lại giường để dễ ngủ hơn.
2. Tam cá nguyệt thứ 2
♦ Tránh xa cà phê: Nhiều mẹ bầu vẫn duy trì thói quen uống cà phê trong thai kỳ. Đây không phải vấn đề gì quá tiêu cực, nhưng mẹ bầu nên biết cách sử dụng điều độ. Mang thai tháng thứ 5, bầu chỉ nên uống một ly cà phê vào buổi sáng để tinh thần tỉnh táo hơn, tuyệt đối không nên uống sau 13 giờ. Uống cà phê buổi chiều sẽ làm bạn mất ngủ.
♦ Hạn chế sử dụng công nghệ: Ánh sáng xanh từ màn hình máy tính, điện thoại được xem là bí quyết giúp tỉnh ngủ nhanh nhất. Vì vậy, trước khi đi ngủ, bầu nên hạn chế dùng điện thoại, laptop hay xem tivi ít nhất là một giờ.
♦ Tranh thủ thư giãn: Tắm nước ấm dưới vòi hoa sen, nhờ anh xã massage nhẹ nhàng, ngâm chân trong nước ấm. Những cách này có thể giúp bà bầu xua tan mệt mỏi trong ngày, ngủ ngon hơn về đêm.
3. Tam cá nguyệt thứ 3
♦ Nằm nghiêng về bên trái: Đây là tư thế phù hợp nhất cho bà bầu, vì nó giúp tăng lưu lượng máu đến thai nhi, từ đó giúp bé phát triển toàn diện vào cột mốc quan trọng ở những tháng cuối của thai kỳ. Tư thế nằm ngủ khi mang thai này còn giúp bà bầu giảm nguy cơ bị sưng tấy, phù nề tay chân. Khi ngủ, bạn có thể đặt gối kê dưới bụng và giữa hai đầu gối để dễ chịu hơn.
♦ Massage chân: Ở tháng cuối, bà bầu thường bị chuột rút, vọp bẻ, nhức mỏi ở bắp chân, cổ chân, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Vì vậy, trước khi ngủ, bầu nên nhờ anh xã massage chân nhẹ nhàng, ngâm nước ấm với gừng, muối hoặc trà xanh để cảm thấy dễ chịu hơn.
♦ Thói quen ăn uống: Không nên ăn nhiều trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng, vì rất dễ bị đầy bụng, khó tiêu. Thay vào đó, bầu chỉ nên uống một ly sữa ấm, ăn nhẹ để giấc ngủ lành mạnh hơn. Ngoài ra, bạn nên hạn chế ăn các món chiên, xào nhiều dầu mỡ vì dễ gây nên chứng ợ nóng, khiến mẹ khó ngủ.
Hạn chế vận động mạnh trước khi đi ngủ: Tập thể dục trước giờ ngủ từ 2-3 tiếng có thể gây tình trạng mất ngủ cho bạn bởi cảm giác hưng phấn sau khi tập. Tốt nhất, mẹ bầu nên dành 30 phút mỗi sáng cho những bài tập thể dục để tăng cường sự dẻo dai của cơ thể.
[inline_article id=81808]
Marry Baby hy vọng, cẩm nang mang thai này sẽ hữu ích cho các chị em đang trong giai đoạn bầu bí. Chúc các mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh để hạ sinh một em bé thật dễ thương nhé.
MarryBaby